Nỗ lực kết nối cung – cầu lao động
Chỉ cần vài cú nhấp chuột hoặc gọi điện thoại đến trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương là có thể tìm được việc làm phù hợp, chỗ trọ miễn phí hoặc giá rẻ tại TP HCM dù đang ở quê tránh dịch
Sau khi TP HCM quyết định nới lỏng giãn cách, khôi phục nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) được phép hoạt động, người lao động (NLĐ) quay lại nhà máy, xí nghiệp, văn phòng cũng là lúc thành phố đối diện với tình trạng thiếu lao động. Để khắc phục tình trạng này, các sở, ban, ngành của thành phố đồng loạt lên kế hoạch, phối hợp với nhiều tỉnh, thành để đưa NLĐ quay lại làm việc. Kết nối cung – cầu lao động trong hơn 1 tháng qua đã phát huy hiệu quả tích cực.
Ở quê vẫn có thể ứng tuyển
Chị Bùi Thu Thảo (29 tuổi, quê Long An) từng làm công nhân (CN) cho một DN thủy sản tại KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM). Đợt dịch vừa rồi chị bị thất nghiệp và trở về quê từ đầu tháng 10 để tiết kiệm chi phí trọ và ăn ở.
Về quê được 1 tháng nhưng chị cũng chẳng dám đi đâu vì sợ dịch. Hôm 8-11, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) của tỉnh để tìm việc. Chị có nguyện vọng làm gần nhà nhưng không có công việc phù hợp, nếu làm việc khác thì thu nhập quá thấp. “Tôi được cán bộ trung tâm kết nối với một công ty ở TP HCM đang tuyển CN phù hợp với kinh nghiệm của tôi. Họ ưu đãi người có kinh nghiệm nên lương khá, lại còn hỗ trợ một phần chi phí ở trọ nữa nên tôi quyết định quay lại thành phố làm việc. Giữa tháng 11 này, tôi chính thức đi làm” – chị Thảo vui mừng báo tin.
Video đang HOT
Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM đi vào sản xuất ổn định nhờ người lao động quay lại sau thời gian giãn cách
Tương tự chị Thảo, anh Lê Quang Vinh (33 tuổi, quê Cần Thơ) cũng được kết nối công việc lắp ráp điện tử tại TP HCM khi đến Trung tâm DVVL Thanh niên TP HCM để tìm việc. Anh Vinh kể hơn 10 năm làm việc tại TP HCM, anh chưa bao giờ nghĩ có ngày phải bỏ việc, bỏ nơi trọ hơn chục năm để về quê tránh dịch. “Trước dịch, tổng thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 25 triệu đồng/tháng, cũng đủ trang trải cho cả gia đình và dư một ít. Về quê, tôi không thể tìm được công việc phù hợp, với lại mức lương dưới này chỉ bằng một nửa ở TP HCM. Vì thế, sau khi dịch bệnh được khống chế, gia đình tôi quay lại TP HCM. Lần này chúng tôi không phải lo tìm việc, tìm chỗ trọ nữa mà đã được Trung tâm DVVL Thanh niên TP HCM kết nối” – anh Vinh nói.
Chị Thảo, anh Vinh là 2 trong hàng chục ngàn lao động đã được các trung tâm DVVL các tỉnh, thành kết nối với TP HCM để quay lại làm việc sau thời gian về quê tránh dịch. Dù vẫn chưa thể đáp ứng đủ số lượng nhu cầu tuyển dụng của DN nhưng nỗ lực kết nối trên đã phần nào góp phần khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh của thành phố đầu tàu kinh tế cả nước.
Nhiều lựa chọn
Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh niên TP HCM, cho biết việc kích hoạt combo “Việc làm 3 trong 1″ gồm: nhà trọ 0 đồng, test nhanh miễn phí và giới thiệu việc làm ngay đã phát huy hiệu quả khi nhiều NLĐ chủ động liên hệ với trung tâm trước khi quay lại thành phố để tìm việc làm. Nhiều DN cũng đã chủ động gửi nhu cầu tuyển dụng đến trung tâm với nhiều chế độ đãi ngộ tốt cho NLĐ nhằm sớm tuyển được người làm.
Theo ông Cường, hơn 50.000 vị trí việc làm có sẵn tại trung tâm với đa dạng ngành nghề sẽ giúp NLĐ có nhiều lựa chọn công việc phù hợp với bản thân. Trung tâm chủ động làm việc với các tỉnh, thành trên cả nước để thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của thành phố. Mọi việc đang diễn ra rất tích cực khi số lượng người tìm việc gọi đến trung tâm ngày một nhiều. Bên cạnh đó, trung tâm trực tiếp làm việc với các chủ khu trọ để miễn phí hoặc giảm tiền trọ cho lao động quay lại thành phố làm việc nhằm san sẻ gánh nặng chi phí với NLĐ. “Điều chúng tôi rất mừng là tấm lòng của nhiều chủ nhà trọ chủ động liên hệ để giảm giá, miễn phí tiền thuê tháng đầu tiên cho CN khó khăn” – ông Cường thông tin.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết kể từ đầu tháng 10, thành phố đã chủ động làm việc với các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho NLĐ. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn thành phố rất lớn, trong đó có nhiều DN cần hàng ngàn lao động để phục vụ sản xuất – kinh doanh.
“Ngoài việc thu hút NLĐ quay lại thành phố làm việc, chúng tôi cũng đang tham mưu với UBND thành phố để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội cho NLĐ để họ yên tâm gắn bó lâu dài, ổn định cuộc sống. Ngành lao động – thương binh và xã hội thành phố cũng đang đẩy mạnh việc đào tạo lại, đào tạo mới cho NLĐ có nhu cầu để nâng chất đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của DN” – ông Lâm nói.
Doanh nghiệp Đà Nẵng cần tuyển 5.000 lao động
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng vừa cho biết: Sau một thời gian dài tạm ngưng hoạt động để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hiện các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã dần trở lại hoạt động, sản xuất trong trạng thái "bình thường mới".
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký tuyển dụng lại lao động với nhiều vị trí như: lao động phổ thông, nhân viên văn phòng, lập trình viên, công nhân...
Công nhân Công ty TNHH Lafien Vina (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, thành phố Đà Nẵng) thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch khi lao động. Ảnh minh họa: Quốc Dũng/TTXVN
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn An, hiện nay các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lao động mới để đáp ứng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sở đã có các thông báo tuyển dụng cho các doanh nghiệp để kết nối với người lao động trên các trang web tuyển dụng của thành phố và tại Trung tâm dịch vụ việc làm của đơn vị, nhằm giúp người lao động sớm nắm bắt thông tin để tìm kiếm, lựa chọn việc làm thuận lợi hơn. Nhưng hiện nay mới có khoảng hơn 800 lao động đăng ký tìm việc, chưa đáp ứng được nhu cầu. Sự thiếu hụt lao động là do đợt dịch vừa qua đã có khoảng trên 20.000 lao động về quê tránh dịch và chỉ mới có một số ít quay trở lại làm việc. Theo ông An, nhiều lao động chưa trở lại làm việc có các nguyên nhân từ gia đình, vấn đề thủ tục khi quay trở lại làm việc chưa được thuận lợi...
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chủ động đăng tải các thông tin tuyển dụng trên trang web của doanh nghiệp với nhiều hoạt động hỗ trợ, ưu đãi cho người lao động nhằm khuyến khích người lao động nhanh chóng trở lại làm việc như Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đã có các chính sách hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm tại Tổng Công ty; được hưởng các mức hỗ trợ nhà trọ, hỗ trợ con đi trẻ, được hưởng tháng lương thứ 13...
Ông Lê Văn Học ở tỉnh Quảng Nam hiện là chủ thầu đang xây dựng hai công trình nhà ở tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, sau khi thành phố Đà Nẵng từng bước khống chế được dịch COVID-19, chính quyền thành phố đã tạo điều kiện cho công nhân xây dựng ở các tỉnh, thành vùng xanh được vào thành phố để làm việc; giúp bổ sung nguồn lao động và người lao động được đi làm để có thu nhập, kéo theo các hoạt động của các ngành vận chuyển, xây dựng sớm trở lại bình thường. Các công nhân lao động tại công trình đều tuân thủ các quy định phòng dịch của thành phố.
Hiện nay, chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động các tỉnh, thành được quay trở lại đây làm việc.
Thị trường lao động chất lượng cao: Cung - cầu chênh lệch lớn Hiện nay, do nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại nên nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có kỹ năng tăng lên. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Vậy, các bên liên quan cần làm gì để giải quyết bất cập này? Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có kỹ năng...