Nỗ lực giữ đôi chân cho chàng trai bị tai nạn giao thông
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) tiến hành gần chục ca mổ để cứu đôi chân cho bệnh nhân 22 tuổi.
Khoảng 22h đêm giáp Tết, phó giáo sư Lê Đình Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) nhận được tin báo một thanh niên nhập viện cấp cứu mà không thân nhân, không tiền.
Bệnh nhân bị xe container cán qua hai đùi và cẳng chân, đe dọa tử vong.
Phó giáo sư Thanh huy động nhiều chuyên khoa lập tức có mặt. Chàng trai tổn thương cả hai chân. Chân trái bị nhẹ hơn, chân phải tổn thương rất nặng, gãy 1/3 dưới xương đùi, tắc hoàn toàn động mạch khoeo, động mạch chày trước, chày sau, chân có dấu hiệu tím tái.
Sau khi hồi sức bệnh nhân qua cơn nguy kịch, thoát sốc, các bác sĩ xác định cần khẩn cấp đưa lên phòng mổ. Bệnh nhân không người thân, không ai ký cam kết phẫu thuật, có thể tử vong trên bàn mổ với nhiều rắc rối pháp lý.
“Tính mạng bệnh nhân đang bị đe dọa, nếu chần chừ chậm trễ càng khó giữ được đôi chân, cần nhanh chóng mổ trước, các thứ khác tính sau”, phó giáo sư Thanh chỉ đạo.
Tiến sĩ Võ Thành Toàn, Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết kíp chấn thương chỉnh hình tiến hành mổ kết hợp xương, cắt lọc các vết thương.
Mạch máu tổn thương rất nặng, không thể bảo tồn, kíp phẫu thuật mạch máu phải làm cầu nối mới từ đùi xuống cẳng chân để cứu vùng chi bên dưới.
Video đang HOT
Sau cuộc mổ căng thẳng, bệnh nhân trải qua những ngày hậu phẫu nhiều sóng gió. Chân sưng, các mô, cơ dập nát, hoại tử, phóng thích chất độc gây hại thận, gan. Bệnh nhân đối diện với nguy cơ suy thận cấp ảnh hưởng tính mạng bất cứ lúc nào. Có những ngày bác sĩ phải cho xét nghiệm vài giờ một lần, theo dõi sát để kịp thời đánh giá các chỉ số.
Tiến sĩ Võ Thành Toàn kiểm tra chức năng chân bệnh nhân ngày 7/3. Ảnh: Lê Phương.
“Nhiều lần bác sĩ hội chẩn, bàn bạc có nên giữ lại chân không. Câu hỏi thường trực là chàng trai còn rất trẻ, mất đi chân thì cuộc sống sẽ thế nào”, bác sĩ Toàn chia sẻ.
Cả ê kíp quyết định cố gắng điều trị, cắt lọc dần từng chút hoại tử. Các điều dưỡng túc trực thay băng liên tục, chăm sóc kỹ các vết thương. Trải qua gần 10 cuộc mổ cắt lọc, chuyển vạt, ghép da…, đôi chân chàng trai mới dần hồi phục. Chức năng khớp gối, cẳng chân, bàn chân bên phải tiến triển tốt.
Ngày 7/3, bệnh nhân có thể co duỗi chân tốt, chuẩn bị xuất viện. Chàng trai cho biết hoàn cảnh khó khăn, từ Nghệ An vào TP HCM làm thuê, không người thân, không bảo hiểm y tế. Vài ngày sau tai nạn, mẹ bệnh nhân mới biết tin và từ quê vào chăm con.
Viện phí hơn 100 triệu đồng, gia đình chỉ gom góp vay mượn được hơn 30 triệu nên bệnh viện phải vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Lê Phương
Theo VNE
Suýt chết vì máu đông gây tắc cả hai bên phổi
Cụ ông 85 tuổi khó thở, tụt huyết áp, được bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất chẩn đoán thuyên tắc phổi kịp thời và cứu sống.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Phó Khoa Tim mạch Cấp cứu Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết bệnh nhân nhập viện sáng 26/2 vì mệt, khó thở.
Ở người cao tuổi, những triệu chứng này khá thường gặp, đặt ra nhiều khó khăn trong chẩn đoán. Bệnh nhân nhanh chóng tụt huyết áp, bác sĩ cần phải khẩn trương xác định nguyên nhân để có hướng điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cho bệnh nhân chụp CT có cản quang ngực, phát hiện huyết khối gây tắc hoàn toàn cả hai bên động mạch phổi.
"Bệnh nhân tắc một bên động mạch phổi hoặc tắc không hoàn toàn hai bên đã tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp này tắc hoàn toàn cùng lúc cả hai bên nên rất nguy cấp", bác sĩ Tân phân tích.
Phim CT ngực có cản quang của bệnh nhân thấy tắc hoàn toàn động mạch phổi hai bên. Ảnh: Lê Phương.
Nếu không khẩn cấp dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan huyết khối, cụ ông sẽ tử vong. Tuy nhiên với bệnh nhân cao tuổi, thuốc có thể gây nguy cơ xuất huyết, lo ngại nhất là xuất huyết não nguy hiểm tính mạng. Cân nhắc giữa lợi và hại, các bác sĩ quyết định dùng thuốc nhưng điều chỉnh giảm liều phù hợp.
Khi được giải thích kỹ lợi ích và nguy cơ biến chứng, gia đình bệnh nhân đồng ý dùng thuốc tiêu huyết khối.
Sau khoảng 2 giờ truyền thuốc, oxy máu của bệnh nhân tăng dần, huyết áp cải thiện tốt hơn. Hiện bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo nói chuyện được. Cụ ông được theo dõi, sử dụng kháng đông dự phòng thuyên tắc phổi tái phát.
Bệnh nhân dần hồi phục sau gần một tuần điều trị. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cao tuổi cần cảnh giác vì có nhiều yếu tố nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi như hạn chế vận động, nằm một chỗ, bất động kéo dài, có tiền sử huyết khối tĩnh mạch chi dưới, bệnh lý tăng đông... Lưu ý với các triệu chứng đau ngực, khó thở, ho ra máu...
Thuyên tắc phổi là một cấp cứu tối cấp, diễn tiến nhanh, có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng triệu chứng không rõ ràng, thường bị bỏ sót không chẩn đoán kịp thời. Tại Việt Nam nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh lý thuyên tắc phổi sau khi bệnh nhân đã tử vong.
Lê Phương
Theo VNE
Chiếc chân gắn ngược tạo thành đầu gối mới của cậu bé ung thư Jacob Bredenhof được bác sĩ phẫu thuật gắn phần chân dưới vào xương đùi và dùng cổ chân làm đầu gối mới. Jacob Bredenhof 14 tuổi (Canada) được chẩn đoán ung thư xương vào tháng 6/2018. Trước đó em bị đau chân, có một khối u cứng ở đùi trái, Fox News đưa tin. Các lần kiểm tra sau đó phát hiện thấy...