Nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông
Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, các đại biểu đã trao đổi về lợi ích và quan tâm của các nước ngoài khu vực đối với Biển Đông, các vấn đề cụ thể như sự phát triển của “chiến thuật vùng xám”, bảo vệ môi trường biển và nghề cá.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11
Chiều ngày 7/11/2019, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã kết thúc.
Sau hai ngày làm việc tích cực trong không khí cởi mở, hữu nghị, thẳng thắn và thực chất, đã có 47 bài phát biểu được trình bày cùng với hơn 250 lượt thảo luận, trao đổi sôi nổi. Các đại biểu đã thảo luận tình hình Biển Đông trong bối cảnh khu vực địa chính trị rộng lớn hơn gồm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Hoa Đông, và hai vùng địa cực. Các đại biểu cũng trao đổi về lợi ích và quan tâm của các nước ngoài khu vực đối với Biển Đông, các vấn đề cụ thể như sự phát triển của “chiến thuật vùng xám”, bảo vệ môi trường biển và nghề cá.
Trình bày của các đại biểu cho thấy khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một cấu trúc địa chiến lược đang định hình,kết nối chặt chẽ về lịch sử, tự nhiên và kinh tế – chính trị – xã hội. Trong bối cảnh mới, khu vực chia sẻ nhiều lợi ích chung về an ninh, kết nối, kinh tế thương mại, phát triển. Các đại biểu nhấn mạnh khu vực cần thượng tôn pháp luật, đề cao các giá trị tự do, rộng mở, không loại trừ ai, kết nối và hợp tác nhiều mặt, minh bạch và cân bằng. Hợp tác khu vực cần được thúc đẩy qua các kênh song phương, nhiều bên, đa phương đặc biệt là các cơ chế của ASEAN. Vai trò của các quốc gia tầm trung rất được quan tâm, kể cả các đóng góp của các quốc gia ngoài khu vực như EU. Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhấn mạnh sự quan tâm và vai trò của EU ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng; khẳng định EU không chỉ là đối tác thương mại và phát triển mà còn là đối tác an ninh trong khu vực. Trong vai trò đó, EU có giá trị “cân bằng ảnh hưởng”, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS 1982.
Các đại biểu nhận định các nước còn nhiều cơ hội hợp tác trên Biển Đông và các vùng biển rộng lớn hơn, song cũng bày tỏ lo ngại mâu thuẫn trên biển ngày càng có tính chiến lược và có khả năng mở rộng tới các vùng địa cực; trở thành khu vực tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước lớn. Bàn về “chiến thuật vùng xám”, các đại biểu cho rằng đây là chiến thuật thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. “Chiến thuật vùng xám” là hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án, không phải do luật quốc tế thiếu quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ như một số nước thường biện minh. Để hạn chế “chiến thuật vùng xám”, một số ý kiến cho rằng cần có thêm quy định đối với các hoạt động trong ‘vùng xám”, song cũng nhiều ý kiến cho rằng cần nhất là nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật pháp và nâng cao năng lực thực thi luật pháp của các nước bị ảnh hưởng.
Video đang HOT
Về chủ đề bảo vệ môi trường và nguồn cá, các diễn giả nhận định Biển Đông hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, khai thác quá mức và quản lý yếu kém. Tất cả các nước, đặc biệt các nước tiếp giáp có trách nhiệm hợp tác giải quyết các thách thức này vì ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn cá tác động đến hệ sinh thái biển, sinh kế của người dân ven biển và kinh tế của các nước. Nhiều biện pháp được đề xuất để bảo vệ môi trường và nguồn cá, trong đó có hoạt động hợp tác thu thập dữ liệu khoa học về biển và phối hợp chính sách quản lý nghề cá v.v… Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc thiếu thiện chí trong tuân thủ pháp luật quốc tế, né tránh giải quyết tranh chấp một cách triệt để làm suy giảm lòng tin, qua đó hạn chế sự hợp tác của các bên liên quan.
Phát biểu trong Phiên bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tầm quan trọng của UNCLOS 1982, vai trò của chủ nghĩa đa phương, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng. PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng kết luận các nước trong và ngoài khu vực cần chung tay để “trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải một phần của vấn đề Biển Đông”.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 đã thành công tốt đẹp, thể hiện nỗ lực đóng góp của giới học giả trong và ngoài nước đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông./.
Mạnh Hùng
Năm điểm mới của Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11
Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh, Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 có nhiều điểm mới mẻ, tạo động lực mạnh mẽ nghiên cứu sâu rộng về Biển Đông
Phát biểu tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 11, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, sau 10 năm tổ chức thành công, Hội thảo là diễn đàn quy tụ các chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới thảo luận về các vấn đề an ninh biển, luật biển, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo Biển Đông.
Sự kiện khoa học này trở thành điểm gặp gỡ, kết nối, chia sẻ giữa những người có cùng quan tâm chung đến khu vực và Biển Đông, đồng thời tạo động lực cho nghiên cứu về Biển Đông ở trong và ngoài nước.
Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, có 5 điểm mới tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, với chủ đề "Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực".
Thứ nhất, khuyến khích một cách nhìn rộng mở về Biển Đông như là vùng biển kết nối các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, duy trì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế. Vấn đề này được thể hiện rõ nét trong Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mới được Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vừa thông qua.
Thứ hai, Hội nghị lần này quan tâm đến sự liên thông thống nhất giữa các vùng biển và đại dương và là sự kéo dài của các lục địa. Các phiên bàn tròn sẽ bàn về các vấn đề hợp tác biển và các diễn biến ở các vùng biển khác, không chỉ riêng Biển Đông mà còn có gồm có Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các Vùng Địa Cực.
Thứ ba, các phiên thảo luận được thiết kế theo hướng khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách. Các quan chức chính phủ các nước có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời tiếp nhận trực tiếp các ý tưởng và sáng kiến của giới học giả, nhằm tìm ra các biện pháp có tính sáng tạo nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) tròn 25 năm có hiệu lực. (Ảnh: Minh Tuấn)
Thứ tư, có phiên thảo luận riêng về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhân dịp kỷ niệm 25 năm có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Nhân dịp này, Hội thảo kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực.
Cuối cùng, Hội thảo lần đầu tiên nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của các nhà tài trợ uy tín trong và ngoài nước, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phái đoàn EU, Đại Sứ Quán Anh, Đại Sứ Quán Đức, Quỹ Châu Á-New Zealand, Đại Sứ Quán Úc, Đại Sứ Quán Canada.
Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 năm 2019 có chủ đề "Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực", do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) đăng cai tổ chức. Đây là chuỗi hội thảo thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi học thuật về quản lý, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan tại Biển Đông.
Tham dự Hội thảo có 280 đại biểu, trong đó có 87 học giả quốc tế, 68 đại diện đến từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng nhiều phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong nước và nước ngoài. Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra trong từ ngày 6/11 đến 7/11.
Theo VTC
Đại sứ Nguyễn Trường Giang: Dân tộc ta đứng trước thời điểm lịch sử quan trọng bảo vệ chủ quyền biển Theo ông Giang, dân tộc đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển. " Bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông chính là bảo vệ sinh mệnh của dân...