Nỗ lực bất thành để lật đổ Chủ tịch Hạ viện Mỹ hơn 100 năm trước
Trước nỗ lực bãi nhiệm ông Kevin McCarthy, Hạ viện Mỹ từng một lần duy nhất tiến hành bỏ phiếu để miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan này vào năm 1910, nhưng không thành công.
Ông Kevin McCarthy ngày 3/10 trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên bị mất chức trong lịch sử, khi 216 hạ nghị sĩ, bao gồm 8 thành viên của đảng Cộng hòa, bỏ phiếu ủng hộ việc bãi nhiệm ông theo đề xuất của Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz.
Ông McCarthy xác nhận sẽ không chạy đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện thêm lần nữa. Ảnh: Fox
Về lý thuyết, ông McCarthy có thể trở lại “ghế nóng” nếu tiếp tục được đề cử và vượt qua vòng bỏ phiếu tại Hạ viện. Tuy nhiên, ông McCarthy xác nhận mình sẽ không chạy đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện nữa. Hồi đầu năm 2023, ông đã khá vất vả mới trở thành lãnh đạo Hạ viện sau tới 15 vòng bỏ phiếu.
Theo thống kê của WashingtonPost, một số Chủ tịch Hạ viện Mỹ của đảng Cộng hòa từng từ chức do áp lực nội bộ đảng phái như ông John A. Boehner năm 2015 và ông Newt Gingrich năm 1998. Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ chưa tiến hành bất cứ cuộc bỏ phiếu loại bỏ lãnh đạo nào trong một thế kỷ qua.
Trong lịch sử cơ quan này, các nghị sĩ chỉ từng duy nhất một lần bỏ phiếu về khả năng bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện vào năm 1910. Một nhóm thành viên đảng Cộng hòa khi đó đã tìm cách bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Joseph Cannon, người có biệt danh “Chú Joe”, nhưng không thành công.
WashingtonPost cho hay, ông Joseph Cannon (1836-1926) từng là luật sư ở bang Illinois khi còn trẻ. Ông theo đuổi sự nghiệp chính trị sau khi được nghe một bài phát biểu truyền cảm hứng của thủ lĩnh phe Cộng hòa Abraham Lincoln vào năm 1860. Abraham Lincoln trở thành Tổng thống Mỹ năm 1861.
Video đang HOT
Ông Joseph Cannon. Ảnh: WSJ/GettyImages
Tờ báo Mỹ thông tin, “Chú Joe” rất tận tâm phục vụ các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trong thời gian phục vụ tại Hạ viện Mỹ. Khi trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào năm 1903, ông trông đợi sự trung thành tương tự của các thành viên Cộng hòa khác ở quốc hội, nhất là trong quy trình lập pháp.
Tuy nhiên, một số bất đồng đã nổ ra trong nội bộ đảng Cộng hòa giữa những người cấp tiến và bảo thủ về các chính sách thuế, quy định về thực phẩm hay bầu cử.
Một số thành viên đảng Cộng hòa cấp tiến cho rằng, ông Cannon kiểm soát Hạ viện Mỹ quá cứng rắn và đã “bắt tay” với phe Dân chủ để tìm cách bãi nhiệm ông, khởi đầu bằng việc kêu gọi một cuộc bỏ phiếu nhằm tước quyền lực của ông Cannon trong Ủy ban Quy tắc của Hạ viện – một trong những ủy ban quyền lực nhất chịu trách nhiệm về các quy định liên quan đến việc đệ trình dự luật lên Hạ viện.
Qua nhiều ngày giằng co, ngày 19/3/1910, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu tước quyền lực của ông Cannon trong Ủy ban Quy tắc với 191 phiếu thuận/156 phiếu chống. Hơn 30 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại ông Cannon.
Sau cuộc bỏ phiếu nêu trên, quyền lực của ông Cannon suy giảm nhưng ông quyết định không từ bỏ vị trí Chủ tịch Hạ viện, khẳng định ông chỉ rời ghế khi Hạ viện Mỹ thông qua một “đề nghị bãi nhiệm Chủ tịch”.
Trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo về đề nghị miễn nhiệm Chủ tịch Hạ viện do nghị sĩ đảng Dân chủ Albert Burleson đưa ra, ông Cannon đã thắng thế khi 192 nghị sĩ phản đối việc miễn nhiệm ông còn số người ủng hộ chỉ là 155. Ông Cannon tiếp tục làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến khi cuộc bầu cử năm 1912 kết thúc với phần thắng thuộc về đảng Dân chủ.
Theo New York Times, bối cảnh của các cuộc bỏ phiếu nhắm vào ông Cannon và ông McCarthy là khác nhau.
Hình ảnh phiên họp Hạ viện Mỹ dưới thời ông Joseph Cannon. Ảnh: Robert N. Dennis
Trong khi ông Cannon bị vướng chỉ trích vì quá cứng rắn, ông McCarthy bị các thành viên bảo thủ trong đảng Cộng hòa phàn nàn vì “bắt tay” với đảng Dân chủ và không mạnh tay với việc yêu cầu chính phủ cắt giảm chi tiêu liên bang, cũng như mở cho đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden của đảng Dân chủ một con đường thoát hiểm với việc thông qua việc đề xuất dự luật ngân sách tạm thời, nhằm cấp ngân sách cho chính phủ trong 45 ngày (dù không bao gồm khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine).
Hạ viện Mỹ những ngày tới đây sẽ phải bận rộn họp bàn để bầu ra Chủ tịch Hạ viện mới. Một số ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa được truyền thông Mỹ nhắc tên gồm các ông Steve Scalise, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, vị trí cao thứ hai tại Hạ viện Mỹ; ông Tom Emmer, người dẫn đầu chiến dịch của đảng Cộng hòa giành lại thế đa số trong Hạ viện tại cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Trong lịch sử, Hạ viện Mỹ thường bầu một hạ nghị sĩ làm Chủ tịch. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ không bắt buộc Chủ tịch Hạ viện phải là một hạ nghị sĩ đương chức. Reuters cho biết, một số đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump đã gợi ý về khả năng ông đảm nhận chức vụ này, dù ông Trump đang tranh cử tổng thống và từng tuyên bố rằng ông không muốn vị trí đó.
Hạ viện Mỹ tiếp tục gây sức ép lên 'con cưng', Trung Quốc phản pháo
Hạ viện Mỹ tiếp tục khẳng định sẽ gây sức ép để giải quyết những quan ngại quốc gia về TikTok, trong khi Trung Quốc phản bác mọi cáo buộc của Washington đối với ứng dụng này về mối đe dọa an ninh.
Hạ viện Mỹ sẽ thúc đẩy thông qua dự luật nhằm giải quyết những quan ngại đối với an ninh quốc gia liên quan ứng dụng TikTok của Trung Quốc. (Nguồn: Inlps)
Ngày 26/3, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết trên Twitter rằng, cơ quan lập pháp này "sẽ thúc đẩy dự luật để bảo vệ người dân Mỹ trước những hiểm nguy công nghệ từ Trung Quốc".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi tại Mỹ yêu cầu cấm TikTok hoặc thông qua một dự luật lưỡng đảng để cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm kiếm lệnh cấm ứng dụng trên.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ, trong đó có lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết, "có những quan ngại thực sự về an ninh quốc gia liên quan Tiktok", viện dẫn các vấn đề về quyền riêng tư và bảo vệ người dùng.
Tuy nhiên, ngày 27/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, những cáo buộc của Mỹ đối với TikTok là vô căn cứ khi Washington không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Khi trả lời câu hỏi về ý định trên của các Hạ nghị sĩ Mỹ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Mỹ cần tôn trọng cạnh tranh công bằng và ngừng gây sức ép đối với các công ty nước ngoài".
TikTok là ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc). Ứng dụng này hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và khoảng 150 triệu người dùng tại Mỹ.
Giới chức nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ những người dùng ứng dụng này sẽ bị rò rỉ dữ liệu vào tay chính phủ Trung Quốc.
Mỹ, Anh, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu (EC) đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của cơ quan chính phủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ muốn Tổng thống nhượng bộ về vấn đề trần nợ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden nhất trí với những nhượng bộ và cắt giảm chi tiêu, khi đây vẫn là hai vấn đề bế tắc trong việc nâng mức trần nợ 31.400 tỷ USD. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng ở...