Nợ công của Hàn Quốc cao kỷ lục
Nợ công của Hàn Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2023 và tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng lần đầu vượt 50%.
Đồng won của Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Hãng tin Yonhap dẫn báo cáo từ Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nợ nhà nước, gồm doanh thu trái phiếu cùng với các khoản vay tài chính của chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương, đã lên mức 1,126 triệu tỷ won (826,63 tỷ USD) trong năm 2023. Trong đó, nợ công chính phủ tăng 59.100 tỷ won lên 1,092 triệu tỷ won trong khi nợ công của các chính quyền địa phương ước tính tăng 300 tỷ won lên 34.200 tỷ won.
Nợ công của Hàn Quốc vẫn tăng lên mức cao kỷ lục kể cả khi chính phủ đã áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” để kiềm chế nợ công ngày càng phình to trong những năm qua khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Trong thời gian này, nợ công của Hàn Quốc tăng với tốc độ nhanh, từ khoảng 723.200 tỷ won năm 2019 lên 846.600 tỷ won năm 2021 và tiếp tục tăng lên 1,067 triệu tỷ won năm 2022.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Hàn Quốc năm 2023 là 50,4% , cao nhất từ trước tới nay và lần đầu tiên tăng vượt 50% kể từ khi chính phủ bắt đầu thống kê dữ liệu liên quan năm 1982. Năm 2022, tỷ lệ nợ công/GDP của Hàn Quốc là 49,4%.
Video đang HOT
Báo cáo của Bộ Tài chính Hàn Quốc đã được Chính phủ thông qua ngày 11/4, sẽ được cơ quan kiểm toán quốc gia xem xét trước khi trình lên quốc hội nước này.
Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết duy trì thâm hụt tài khóa trong khoảng 3% GDP và sẽ giảm về 2% nếu nợ công/GDP vượt 60%. Dù vậy, giới chuyên gia nhận định đây không phải mục tiêu dễ thực hiện trong thời gian ngắn bởi nhu cầu trong nước còn yếu do lạm phát cao. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang đương đầu với những thách thức dài hạn như tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, đều là những vấn đề cần đến chi tiêu ngân sách.
Thách thức từ 'cơn sóng bạc'
Theo các báo cáo mới công bố từ đầu năm tới nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và một loạt quốc gia châu Á ghi nhận tình trạng báo động về tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, dân số giảm, dẫn đến thay đổi cấu trúc nhân khẩu học, tác động đáng kể tới kinh tế và xã hội.
Người cao tuổi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với hơn 29%. Các số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản năm ngoái cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời trên cả nước đã giảm 5,1% xuống còn 758.631 trẻ, mức thấp nhất từ trước tới nay và là năm thứ tám giảm liên tiếp. Số cặp đôi kết hôn đã giảm 5,9% xuống 489.281 cặp, đánh dấu lần đầu tiên sau 90 năm con số này xuống dưới 500.000. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia (NIPSSR), nếu số lượng các cặp đôi kết hôn không tăng lên, sẽ không có triển vọng đảo ngược mức tăng sinh.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh trong quý IV/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất theo quý, chỉ 0,65 con/phụ nữ. Năm ngoái, số trẻ sinh ra ở mức thấp kỷ lục là 229.970 trẻ, giảm hơn 40% so với năm 2017. Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố số liệu cho thấy số hộ gia đình độc thân đã tăng cao trong năm 2023, chiếm tỷ lệ kỷ lục 42% trong tổng số hộ gia đình tại đây. Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia dân số già hóa ở mức cao vào năm 2072, với độ tuổi trung bình 63,4. Do tỷ lệ sinh quá thấp, lần đầu tiên số trẻ em vào học năm đầu tiên của bậc tiểu học ở nước này dự kiến giảm xuống dưới 400.000 em trong năm nay. Hàng loạt trường đại học ở Hàn Quốc cũng đang phải nỗ lực để đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh thường xuyên.
Năm 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc giảm nhanh khi tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ tử vong tăng và đất nước từng đông dân nhất thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai. Chính phủ dự báo đến năm 2035, sẽ có khoảng 400 triệu người tại Trung Quốc trong độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 30% dân số. Với tỷ lệ sinh giảm liên tiếp trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KResearch) dự báo Thái Lan sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029. Tương tự, tổng tỷ suất sinh của Singapore năm ngoái lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1 và điều này đang đặt ra mối lo ngại về kinh tế và xã hội.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại nhiều nước giảm là do xu hướng kết hôn giảm khi nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn tâm giao vào thời kỳ đại dịch COVID-19. Nhiều người trẻ đã lựa chọn trì hoãn, từ bỏ việc kết hôn hoặc sinh con do thay đổi lối sống hoặc quan niệm sống để phù hợp với những thay đổi về chuẩn mực xã hội. Những lo ngại về tài chính, thu nhập giảm sút cũng đè nặng lên tâm trí giới trẻ. Trách nhiệm chăm sóc con cái vẫn chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, khiến họ gặp trở ngại trong việc cân bằng cuộc sống, cũng như thăng tiến trong sự nghiệp. Đây là lý do khiến nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, khiến giai đoạn hiện nay trở thành "Kỷ băng hà hôn nhân" tại Nhật Bản. Tính đến năm 2020, tỷ lệ nam giới Nhật Bản không kết hôn trong suốt cuộc đời là 30%, trong khi con số này năm 1933 là chưa đến 2%.
Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Giảm dân số có thể dẫn đến thu hẹp toàn bộ nền kinh tế, khi vừa gây thiếu nhân lực cho ngành sản xuất, dịch vụ, đồng thời cũng làm giảm sức mua, tiêu dùng. Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội, trong khi dân số già hóa lại khiến nguồn chi cho lương hưu, y tế và các bảo hiểm xã hội khác tăng nhanh, đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chính phủ Nhật Bản ước tính với xu hướng dân số già và giảm đi như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi hằng năm trên đầu người sẽ tăng 75% lên 235.000 yen (1.568 USD) vào năm 2050 so với mức của năm 2019. Chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng đang tạo ra áp lực lớn cho thế hệ trẻ.
Trước thực trạng này, nhiều nước đã đẩy mạnh các chính sách để hỗ trợ nuôi con và khuyến khích sinh. Bộ Phát triển gia đình và xã hội Singapore (MSF) có kế hoạch phát triển các dịch vụ trông trẻ, hạ mức trần phí chăm sóc trẻ em tại các trường mầm non chủ chốt và đối tác vào năm 2025. Trong ngân sách 2023, Singapore đã tăng thời gian nghỉ thai sản được chính phủ chi trả lên 4 tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp công việc linh hoạt để giúp cha mẹ quản lý tốt hơn các cam kết công việc và nghĩa vụ gia đình.
Tháng trước, Nội các Nhật Bản đã nhất trí dự luật tăng cường trợ cấp cho trẻ em và trợ cấp nghỉ phép chăm sóc trẻ với kinh phí khoảng 3.600 tỷ yen (khoảng 24 tỷ USD) mỗi năm kể từ tài khóa 2026. Quy mô của dự luật đưa Nhật Bản ngang hàng với Thụy Điển, một trong những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về chi tiêu công cho mỗi trẻ em tính theo phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã đề xuất dự luật yêu cầu các công ty có quy mô hơn 100 nhân viên áp dụng chế độ nghỉ sinh cho các nhân viên nam.
Người cao tuổi trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trợ cấp tài chính là một trong các biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc triển khai nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Từ năm 2024, các gia đình Hàn Quốc có thể nhận được khoản trợ cấp trị giá lên tới 29,6 triệu won (22.154 USD) cho mỗi trẻ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã thành lập một nhóm đặc trách để xây dựng chính sách khuyến khích sinh con.
Để giảm áp lực già hóa dân số nhanh, Trung Quốc chủ trương cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con, tăng dần tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống dưỡng lão.
Bên cạnh nỗ lực tăng tỷ lệ sinh, lao động nhập cư cũng được xem là giải pháp để bổ sung lực lượng lao động đang bị thu hẹp do tình trạng già hóa và suy giảm dân số. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã chính thức quyết định thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài, cho phép lao động nước ngoài có thể cư trú lâu dài hơn để nâng cao trình độ, từ đó mở đường cho ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Trong nỗ lực thu hút nhân tài, Nhật Bản dự kiến cấp một loại thị thực mới nhằm tạo điều kiện cho các kỹ sư công nghệ thông tin và các nhân viên khác của công ty nước ngoài cư trú tại nước này trong thời gian dài hơn.
Trong khi đó, Hàn Quốc dự định thực hiện chương trình thí điểm cho phép sinh viên nước ngoài mời cha mẹ đến Hàn Quốc làm việc tới 8 tháng tại các vùng sản xuất nông nghiệp hoặc làng chài nằm ở các khu vực gần trường học của họ. Mục đích của chương trình là nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong mùa nông nghiệp và đánh cá bận rộn của nước này.
Có thể thấy, dân số già đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng khó tránh tại nhiều nước. Với việc đẩy nhanh và mở rộng hàng loạt biện pháp, chính phủ các nước đang kỳ vọng có thể giảm bớt tác động và làm chậm lại "cơn sóng bạc". Tuy nhiên, các giải pháp hiện nay vẫn còn có những hạn chế nhất định khi chưa thực sự chú trọng đến những người trẻ chưa lập gia đình để tăng tỷ lệ kết hôn. Xu hướng thay đổi nhân khẩu học này cũng là vấn đề dài hạn, đòi hỏi việc chủ động ứng phó, bài bản, đồng bộ nhiều biện pháp như khuyến khích người lớn tuổi tham gia lao động nếu sức khỏe phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của "kinh tế bạc" để vừa đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số già, giảm gánh nặng cho xã hội, vừa phát triển kinh tế, từ đó đáp ứng sự phát triển của xã hội.
16.000 nam giới Hàn Quốc ở nhà làm nội trợ chăm con Số liệu ngày 21/2 cho thấy ngày càng nhiều nam giới cho phép mình không làm việc và cũng không tìm việc làm để toàn thời gian nuôi dạy con cái. Một người đàn ông dùng thử địu vải ở hội chợ sản phẩm dành cho trẻ em được tổ chức tại Coex, Seoul, ngày 5/10/2023. Ảnh: Newsis Theo Tổ chức Thống kê...