Nợ công có thể tăng thêm 20.000 tỷ đồng sau biến động tỷ giá
Theo tính toán của VDSC, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000 – 20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua, tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ được phân bổ theo thời gian dựa trên kỳ hạn trả nợ.
Trong tháng 8/2015, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) thay đổi cơ chế tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phản ứng trước biến động tỷ giá của đồng NDT bằng cách điều chỉnh nới biên độ tỷ giá USD/VND lên 2% (12/08/2015), tiếp theo đó là điều chỉnh biên độ lên 3% và nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% (19/08/2015).
Tính đến thời điểm hiện tại, tiền đồng đã mất giá 3% so với trước khi có biến động đến từ Trung Quốc, còn so với đầu năm, tiền đồng đã mất giá tổng cộng là 5,1%.
Việc điều chỉnh tỷ giá tạo áp lực nhất định lên nợ công của Việt Nam (ảnh: FT)
Theo World Bank, tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam ước tính khoảng 110 tỷ USD, tương đương với 59,6% GDP.
Tại báo cáo chiến lược vừa phát hành, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong cơ cấu vay nợ, nợ nước ngoài của Chính phủ ổn định khoảng 27-28% GDP, chiếm khoảng 1/2 tổng nợ công của Việt Nam. Trong những năm gần đây, tốc độ nợ vay trong nước tăng khá nhanh nhưng tốc độ tăng nợ vay nước ngoài chậm lại ở mức bình quân 5%.
Theo ước tính của VDSC, nợ vay bằng đồng USD chiếm khoảng 30-35% cơ cấu nợ vay nước ngoài, nợ vay bằng JPY cũng chiếm một tỷ lệ tương tương nợ vay bằng USD và nợ vay bằng EUR chiếm 6-7% tổng cơ cấu nợ vay.
VDSC cho biết, dựa trên diễn biến của các cặp tỷ giá từ đầu năm đến nay, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000-20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua, tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ được phân bổ theo thời gian dựa trên kỳ hạn trả nợ.
Video đang HOT
Trong ngắn hạn, năm 2015, Việt Nam sẽ phải chi trả khoảng 1,5 tỷ USD để trả nợ gốc và lãi vay đối với nợ nước ngoài, ước tính tương đối cho thấy chi trả nợ có thể sẽ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng sau đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua. Năm 2016, chi trả nợ và nợ gốc khoảng 2,5 tỷ USD, rủi ro về tỷ giá tiếp tục tạo ra áp lực lớn hơn đối với ngân sách trong năm sau nếu như không có biện pháp tìm nguồn tài trợ thêm.
Dựa theo kết quả nghiên cứu từ báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và UNDP về nợ công và tính bền vững ở Việt Nam, VDSC tính toán, với mức thâm hụt ngân sách cơ bản/GDP trong năm 2015 ước tính là 2%, trong kịch bản tốt thì nợ công của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng giới hạn 65% vào năm 2019.
“Mô phỏng tỷ lệ nợ công theo tỷ giá cho thấy cứ 1% mất giá của đồng nội tệ sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công thêm 0,8%. Như vậy, sau đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua, rủi ro khủng hoảng nợ công có thể đến sớm hơn 1 năm” – bộ phận phân tích của Rồng Việt lo ngại.
Bàn về áp lực điều chỉnh tỷ giá lên nợ công, hiện trong giới phân tích vẫn đang có những ý kiến trái chiều. Theo TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nếu điều chỉnh tỷ giá giúp nền kinh tế phát triển hơn, xuất khẩu tốt hơn thì điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng trả nợ tăng lên.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Mại, trên thực tế, khi điều chỉnh tỷ giá, chỉ một phần xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi Việt Nam lại nhập khẩu lớn. Do đó, ông Mại cho rằng, khi điều chỉnh tỷ giá, không nên chỉ lấy lý do hỗ trợ cho xuất khẩu.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngày 25/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, với việc điều chỉnh tiền Đồng khá lớn thời gian qua, “không có lý do gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa, vấn đề còn lại là niềm tin thị trường”. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, cơ quan này sẵn sàng cung cấp thanh khoản vào thị trường để bình ổn tỷ giá khi cần thiết.
Bích Diệp
Theo Dantri
Giá vàng lại tăng mạnh gần 1 triệu đồng/lượng
Do có hậu thuẫn từ việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND và giá vàng thế giới, tính đến gần 10h sáng nay 21/9, giá vàng SJC tăng mạnh gần 1 triệu đồng/lượng. Một số cảnh báo cho rằng, người dân nên thận trọng nếu có ý định bỏ vốn vào mặt hàng này...
Tính đến 9h50 sáng nay 21/8, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch ở mức 34,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,1 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 34,91 triệu đồng/lượng - 35,09 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
Các mức giá trên tăng tiếp mỗi chiều 270.000 đồng/lượng so với lần cập nhật gần nhất và tăng tới 720.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Lúc 9h30, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch ở mức 34,63 triệu đồng/lượng (mua vào) - 34,83 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 34,61 triệu đồng/lượng - 34,79 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
So với mở cửa phiên sáng nay, giá vàng SJC hiện tăng tiếp mỗi chiều 230.000 đồng/lượng và 130.000 đồng/lượng. Còn nếu so với chốt phiên chiều qua, giá vàng SJC tăng tới 450.000 đồng/lượng.
Trước đó, mở cửa phiên, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 34,4 triệu đồng/lượng - 34,7 triệu đồng/lượng , tăng 220.000 đồng và 320.000 đồng/lượng mỗi chiều so với hôm qua.
Biên độ mua - bán vàng được các doanh ở mức 200.000 đồng/lượng.
Giá vàng lại tăng mạnh
Tại TP HCM, giá vàng cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng mạnh. Tính đến 9h40 sáng nay, giá vàng SJC tại đây đang giao dịch ở mức 34,2 triệu đồng/lượng - 34,9 triệu đồng/lượng, tăng tiếp mỗi chiều 100.000 đồng/lượng so với phiên mở cửa và tăng tới 300.000 đồng - 350.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Theo dõi diễn biến trên thị trường cho thấy, giá vàng đang trong xu hướng tăng mạnh. Ngày 19/8, giá vàng cũng có phiên tăng mạnh và chạm mốc 35 triệu đồng/lượng khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ tỷ giá lên -3%. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi là 31,33 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trong nước 3,3 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này co mạnh so với hôm qua bởi giá vàng trong nước dù tăng nhưng chưa tương xứng với mức tăng của giá thế giới.
Dù giá vàng đang trong xu hướng tăng nhưng theo cảnh báo của một số "nhà vàng": "Giá SJC đã tăng trong mấy phiên gần đây, hôm nay là ngày thứ sáu khả năng sẽ có những đợt điều chỉnh, các nhà đầu tư nên cân nhắc xem xét ở những thời điểm này khi tham gia giao dịch".
Trên thế giới, đóng cửa phiên hôm qua, giá vàng tháng 12 tăng tới 24,5 USD, lên mức 1.152,4 USD/ounce. Giá vàng giao ngay lên mức 1.153,1 USD/ounce; trước đó trong phiên có thời điểm giá đạt 1.154 USD/ounce-mức cao nhất kể từ ngày 15/7. Đến sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á có biên độ tăng tiếp hơn 9 USD, giao dịch lên mức 1.162,5 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh giá đồng USD suy yếu sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ cho thấy: Khả năng Fed chưa nâng lãi suất vào tháng 9 do lo ngại lạm phát thấp và kinh tế toàn cầu yếu sẽ gây rủi ro cho kế hoạch nâng lãi.
Trong khi đó, giá vàng tăng đang kiềm chế nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ và Trung Quốc, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng nội địa và quốc tế tại 2 thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới này.
An Hạ
Theo Dantri
Thủ tướng: Đảm bảo giá trị đồng tiền Việt Nam Ngày 14/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với các Ban, Bộ ngành, cơ quan liên quan về việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng điều hành cuộc họp về vấn đề tỷ giá, tiền...