Níu những mùa xuân qua
Dường như đã qua lâu lắm rồi những cái tết ấy. Tôi đã để chúng lại sau lưng, giống như để lại cả một tuổi thơ nghèo khó.
Có thời, thứ gì cũng hiếm. Tiền hiếm đã đành, có tiền cũng chưa chắc đã mua được những thứ mình cần. Trong góc bếp nhà tôi có một cái que hàn dép. Cái que bằng sắt, như cái đũa, dài chừng hai gang tay, một đầu đập bẹp. Trẻ con đã biết tự hàn dép. Những đôi dép nhựa đứt quai, phải hàn, vá để dùng tiếp. Vá khéo thì nhìn cũng tạm tạm, vá vụng thì miếng nọ chồng miếng kia, lắm khi xanh đỏ tím vàng đủ cả, nhôm nhoam như đôi giày của mấy diễn viên hài. Và vì thế, tết nào tôi cũng ngong ngóng để mẹ mua cho một đôi dép mới. Chúng tôi đi dép như được “khoán”. Mỗi năm một đôi, rách thì tự hàn tự vá. Cứ phải đến tết mới có dép mới.
Ảnh minh họa
Đời người, bao nhiêu tuổi là qua bấy nhiêu cái tết. Anh em tôi thường lấy cái tết ra để tính tuổi. Tết này là em chín tuổi đấy anh ạ. Ừ, chín tuổi là lớn rồi, không được hơi tí thì khóc nữa nhé. Anh cũng không được trêu em nữa. Trêu cho vui mà. Anh không trêu thì chả buồn lắm à?… Tôi với anh ngồi bên bờ ao, tôi giã cơm nguội trong bát bằng một cái chuôi dao, làm mồi cho anh câu. Câu cá bé thôi. Chủ yếu là mấy con rô phi. Cá to để dành đến tết bố mẹ tháo ao. Sau này tôi nghĩ, nếu những năm tháng nghèo khó ấy mà không có một cái tết để mong ngóng, thì không biết cuộc sống sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu. Cái tết đối với con nhà nghèo nó tưng bừng, náo nhiệt, nó ẩn chứa bao nhiêu mơ ước. Những bữa ăn ngon, không phải đi học, đi làm, lợn thì đã bán, cá cũng bán hết, nên anh em tôi không phải đứa lo nấu cám lợn, đứa lo cắt cỏ cho cá ăn. Rong chơi suốt bao nhiêu ngày.
Nhà tôi năm nào cũng vỗ một con lợn, để dành đến tết bán. Mẹ tôi nói, nuôi lợn chẳng bao giờ có lãi, giống má, cám bã cộng vào lúc bán có khi lỗ. Nhưng nhà nào cũng nuôi. Nuôi lợn giống như cách tích trữ những khoản nho nhỏ hàng ngày để lúc bán có một khoản to to. Thương lái mua lợn thường là người trên thị xã xuống. Sao mà người nào cũng giống người nào, dáng vóc nhỏ thó, nói nhiều, chân tay thoăn thoắt, miệng tính tiền cũng liến thoắng ù tai. Có hai cách bán, bán “quạ” và bán cân. “Quạ” tức là thương lái trả tù mù một mức giá nào đấy, gọn cả con; cân là là cứ thế cân lên, theo giá đã thỏa thuận mà nhân. Mẹ tôi cẩn thận, chi li, nên lúc nào bà cũng chỉ chấp nhận bán cân. Bà nói, mua bán là nghề của người ta, mình có khôn mấy cũng không lại. Nên chắc chắn là bán “quạ” mình chỉ có thiệt thôi. Mà với bà, thiệt một lạng cũng khiến bà xót muốn đứt ruột.
Chiều hôm trước tôi với mẹ đã tắm cho con lợn thật sạch. Tôi múc nước từ ao đưa vào cho mẹ, mẹ đứng trong chuồng và dùng một cái chổi tre kì cọ cho nó. Con lợn được tắm trắng tinh, sáng bóng, hồng hào. Mẹ tôi lẩm bẩm, nốt hôm nay rồi mai người ta hóa kiếp cho mày. Kiếp sau đừng làm lợn nữa, nghe chưa?! Mẹ tôi luôn dặn lũ lợn rằng kiếp sau đừng làm lợn nữa. Sung sướng chả được mấy, lên mâm nhanh lắm.
Ảnh minh họa
Người mua đến. Nhìn thấy họ là tôi bỏ đi khỏi nhà. Tôi sang nhà hàng xóm, cách nhà tôi một quả đồi. Tôi sợ nhìn thấy con lợn bị trói, sợ nghe tiếng nó kêu gào như van xin khóc lóc. Tôi đã nhìn thấy nó từ lúc xinh xẻo bé bỏng như một con chó con, thả vào chuồng lọt thỏm, cho đến lúc nó lớn, cao to lừng lững và béo chút chít, mắt híp tịt, đến bữa chưa được ăn là kêu gào gầm ĩ. Tôi đi, ngồi im ở hè nhà người ta, tiếng hét của con lợn vẫn vẳng tới, tôi phải bịt tai lại. Bà hàng xóm nhìn thấy hỏi: Nhà bán lợn hả T? Vâng. Thế làm sao cứ bán lợn thì mày lại phải chạy đi? Tôi im lặng. Bà ấy với mẹ tôi thân nhau lắm, như chị em. Con gái bà hơn tôi năm sáu tuổi gì đấy, vừa đi lấy chồng. Tết, bà bảo vắng cái Tuyết thật là buồn chết đi được. Cô Tuyết ấy, da trắng đúng như tuyết. Môi cũng đỏ như máu và tóc đen như gỗ mun luôn.
Khi tôi về nhà, cái chuồng đã trống trơn. Trước cửa chuồng còn sót lại sợi dây thừng, và cái cân thì vẫn dựng ở gốc cây hồng già nua. Mẹ tôi đang ngồi bệt bên hè nhà, đếm tiền. Tôi không bao giờ quên được cái dáng mẹ tôi ngồi gọn ghẽ và nhặt những đồng tiền cùng mệnh giá, xếp vào với nhau. Xếp xong, chấm ngón tay lên miệng, đếm lại. Bà cứ đếm đi đếm lại chỗ tiền vừa bán con lợn, như thể hi vọng là cái việc đếm đi đếm lại ấy sẽ khiến đồng tiền sinh sôi nảy nở ra. Mẹ tôi đã tính toán hết, rằng với số tiền ấy thì sẽ chi dùng vào việc gì. Một cái tết, mẹ phải đứt ruột chi ra bao nhiêu là tiền. Nhưng mà nếu không có tết, thì rồi cả nhà, cả làng biết lấy gì mà làm niềm vui rộn ràng nhỉ?
Cũng có năm, gần đến ngày bán, đang ra sức vỗ béo thì con lợn lăn đùng ra chết. Ôi, bao nhiêu ngày rộng tháng dài, lúc còn còm cõi ốm o nó chả chết cho, đến lúc sắp bán, béo tròn béo trục, thì nó lại lăn ra chết. Lợn chết thì chỉ có nước đem chôn. Cái con lợn mất nết, tối hôm trước còn vỗ máng bồm bộp, sáng sớm hôm sau đã nằm cứng đơ góc chuồng. Mẹ tôi đứng như trời trồng bên cái chuồng, nhìn con lợn không chớp mắt. Chắc có lẽ bà ước gì đấy chỉ là một giấc mơ do quá lo âu mà thôi.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Mẹ tôi thì buồn thế, chứ anh em tôi chì cũng chỉ bận tâm vừa vừa. Tôi đâu có biết rằng, sau sự kiện con lợn lăn đùng ra đột tử, để xoay xở một cái tết cho cả nhà mẹ tôi phải tính toán đến mất cả ngủ. Đêm, lục sục trong chăn, anh tôi vẫn thò cổ ra gọi với: T, tết em thích nhất cái gì? Tôi nghe hỏi thế thì phấn khích ngồi hẳn dậy, kéo chăn trùm lên người: Em thích một đôi dép mới anh ạ. Một đôi dép có quai hậu, màu đỏ. Anh thì thích gì? Anh thích một bánh pháo Bình Đà, thích một cái mũ lưỡi trai, thích một cái áo khoác có bốn túi, thích một quả bóng nữa. Bóng đá được hẳn hoi ấy. Anh còn thích….
Anh tôi đang nói dở, đầy hào hứng thì mẹ tôi từ dưới bếp đi lên, e hèm: Ngủ đi. Mai còn đi lấy cho mẹ mấy bó củi về mẹ nấu nốt mấy nồi rượu. Mẹ thở dài đánh thượt một cái: Lợn thì toi rồi, bỗng rượu để làm gì đây?
Rốt cuộc thì chúng tôi vẫn có một cái tết tinh tươm, không hiểu mẹ xoay bằng cách nào. Bánh chưng to thật là to, nhân đầy đỗ xanh và những miếng thịt ba chỉ nhừ tơi béo mẫm; nem rán đầy một rổ; một nồi thịt đông; và cả một cây giò thủ bố tôi tự gói. Tôi vẫn có đôi dép mới. Tôi quẳng ngay đôi dép hàn chi chít vào góc bếp, chỗ dựng cái que hàn. Dép đấy lại để dành, lấy nhựa mà vá cho đôi dép đang đi khi nó rách. Anh tôi vẫn có pháo để đốt, áo để mặc, riêng quả bóng thì mẹ tôi bảo phí phạm, không mua. Thì thôi, dùng bưởi non làm bóng cũng được.
Chúng tôi đã đi qua những cái tết được ăn no, ăn ngon, được chơi bời thỏa thích, không phải đụng chân đụng tay vào việc gì, và thi thoảng nhận vài đồng mừng tuổi từ người lớn, bỏ chung vào con lợn nhựa, đợi có dịp gì quan trọng mới moi ra. Càng về sau này, nỗi mong chờ tết đến càng bớt đi, mỏng đi, và nỗi nhớ nhung về những cái tết xa xôi thì dày thêm, tha thiết thêm. Rốt cuộc thì, nếu như chẳng có gì để mong chờ sau mỗi một năm dài, thì khái niệm ngày tháng sẽ càng mơ hồ.
Đời người, có những thứ muốn níu cũng không níu được, là như thế đấy…
ĐỖ BÍCH THÚY
Theo nongnghiep.vn
30 tuổi mà vẫn F.A không phải do bạn kém may mắn, đó đang là xu thế toàn cầu
Bị ba mẹ thúc giục lấy chồng? Đi đâu cũng bị hỏi đã cưới vợ chưa? Bạn không cô đơn đâu, cáca nhà nghiên cứu đã chỉ ra ế đang là xu thế chung của toàn cầu đây này.
"Ế đang là xu thế", khi nghe qua nhiều người sẽ nghĩ rằng đây chỉ là một câu nói đùa cho vui, chỉ những người lâu không tìm được nửa kia và thường bị gia đình thúc giục cưới vợ gả chồng.
Tuy nhiên câu nói này cũng hoàn toàn đúng, bởi theo các chuyên gia trên thế giới, độc thân đang thực sự là xu thế chung của toàn cầu.
Từ xu hướng độc thân trên toàn thế giới...
Nhà nghiên cứu Nancy Smith-Hefner vừa rồi đã có một cuộc nói chuyện với sinh viên tại thành phố Yogyakarta, Indonesia, khi cô nhận ra một sự thật khá thú vị của giới trẻ tại đây.
Cụ thể, ở đất nước chỉ có 2% phụ nữ trong độ tuổi 40 chưa kết hôn, thì những bạn nữ trẻ tuổi lại chọn cách hoàn thành việc học tập và có sự nghiệp ổn định trước khi lập gia đình, vô hình trung khiến họ khó tìm được một mối quan hệ đủ chín muồi để tiến tới hôn nhân.
Đôi khi tình trạng này lặp đi lặp lại, trở thành gánh nặng, khiến họ bị stress và cảm thấy thất vọng. Họ lo sợ: Có phải chỉ mình tôi phải chịu cô đơn không.
Hoàn toàn không đúng! Trên thực tế, các bạn trẻ tại Yogyakarta cũng là một phần trong xu hướng đang cực "thịnh hành" trên toàn cầu. Xu hướng này được biết với cái tên "waithood", tạm dịch là "hội chờ đợi", đang làm thay đổi cơ bản cách nghĩ của chúng ta về tình yêu và hôn nhân.
Smith-Hefner là một phó giáo sư tại Đại học Boston, Mỹ. Cô đã nghiên cứu về xã hội Châu Á trong nhiều năm, nhưng khi tìm hiểu về vấn đề độc thân, cô bắt đầu thấy được sự tương đồng rõ ràng giữa các bạn trẻ Indonesia và các sinh viên Mỹ tại quê nhà.
...cho tới thuật ngữ lạ lẫm "Waithood"
Marcia Inhorn, nữ giáo sư nhân chủng tại Đại học Yale vừa rồi đã tổ chức một hội nghị về chủ đề "waithood", một từ ghép kết hợp giữa từ "waiting" (chờ đợi) và từ "adulthood" (tuổi trưởng thành).
Ở những người trẻ, có thể nói waithood đại diện cho một trạng thái kéo dài, khi họ đặt giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mình vào sự chờ đợi, trì hoãn vì không thể tìm được ý chung nhân.
Marcia Inhorn chia sẻ: "Một trong những xu hướng toàn cầu được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu chính là sự trì hoãn hôn nhân, thường thấy trong tầng lớp người có học thức cao, đặc biệt là phụ nữ".
Diane Singerman, phó giáo sư tại Đại học American đã đặt ra thuật ngữ "waithood" vào năm 2008 sau một cuộc khảo sát giới trẻ tại Trung Đông. Theo bà, thuật ngữ trên không những liên quan đến các vấn đề về giới tính, xã hội mà còn chịu ảnh hưởng từ các vấn đề kinh tế.
Ở nhiều nơi, chẳng hạn như Ai Cập, một số nghiên cứu của Singerman tập trung vào hôn nhân cho thấy, việc lập gia đình là quá đắt đỏ đối với những người trẻ tuổi. Các vấn đề về thất nghiệp, lương thấp khiến cánh đàn ông không dám bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc.
Thậm chí ở những nơi có điều kiện kinh tế tốt, tỷ lệ sinh con cũng giảm xuống trông thấy và dân số ngày càng già hóa.
Điển hình như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Pháp đang phải đối mặt với những vấn đề về già hóa dân số, một phần vì giới trẻ không đủ tiền để vượt qua "cái bẫy của tuổi trưởng thành", như không thể mua được một ngôi nhà để đón vợ về, tình hình tài chính không đủ để có con hay sự nghiệp chưa chín muồi chẳng hạn.
Trò chơi chờ đợi không chừa một ai
Còn đối với phái yếu thì sao? Khi những phụ nữ tiếp cận với nền giáo dục tốt và tập trung vào sự nghiệp của mình hơn, khả năng lớn họ sẽ đạt được những thành tựu vượt xa cánh đàn ông, khiến việc kết đôi trở nên khó khăn tại những nơi còn giữ các thành kiến như: Đàn ông phải là trụ cột gia đình, lương phải cao hơn vợ, v.v...
Đến đây, nếu bạn tự hỏi, tại sao phụ nữ lại không đi tìm kiếm những người đàn ông học rộng tài cao, có trình độ ngang hoặc nhỉnh mình?
Câu trả lời rất đơn giản, số lượng nam giới đáp ứng được chỉ tiêu trên ít hơn so với nữ. Theo một khảo sát tại Mỹ, có tới 7,4 triệu phụ nữ có trình độ đại học ở độ tuổi từ 30 - 39, thế nhưng chỉ có 6 triệu đàn ông có học vấn tương tự. Tỷ lệ 5:4 phản ảnh phần nào lý do một phần phái yếu không tìm được ý chung nhân cho mình.
Biểu đồ: % phụ nữ nhiều hơn nam giới có trình độ đại học tại các nước trên thế giới
Sau quá trình tiếp thu kiến thức và gây dựng sự nghiệp mất nhiều năm, phụ nữ cũng gặp phải áp lực trong việc lập gia đình nhiều hơn hẳn đàn ông. Lý do bởi đặc điểm sinh học của phái yếu hối thúc họ nên có con khi còn trẻ tuổi, còn đàn ông thì khác hoàn toàn.
Ngoài ra, một nghiên cứu đa quốc gia gần đây tại Châu Phi cũng phát hiện ra, ngay cả khi phụ nữ không tập trung vào sự nghiệp, họ cũng không hề muốn kết hôn sớm nếu thấy những người phụ nữ khác có học vấn cao hơn họ cũng làm điều tương tự.
Nhiều người trong số đó chờ đợi cho đến tận độ tuổi 30, đi ngược lại truyền thống cưới xin ở nhiều nơi, họ dành nhiều thời gian để trải nghiệm cuộc sống trước thay vì lấy chồng sớm.
Chờ đợi hay không chờ đợi?
Tại các nước phương Tây, dịch vụ hẹn hò trên internet đang nở rộ. Theo trung tâm nghiên cứu Pew năm 2016, 15% người trưởng thành tại Mỹ sử dụng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến một cách nghiêm túc. Tại các đất nước có nền tôn giáo mạnh mẽ như Indonesia, người ta lại thường tổ chức các sự kiện gặp gỡ, giới thiệu để tìm được chồng vợ cho người có nhu cầu.
Tuy nhiên, cũng có những giải pháp mang tầm vĩ mô hơn cho vấn đề trên nhằm thay đổi cái nhìn về tình yêu và hôn nhân. Điển hình như chấp nhận ý tưởng để phụ nữ làm trụ cột chính cho gia đình, không còn định kiến khi phụ nữ yêu hay kết hôn người kém tuổi hoặc những đàn ông có ít thu nhập, thành tựu hơn mình.
Bởi vậy, nếu bạn đã "có tuổi" nhưng vẫn "ế" và nghĩ rằng: "chắc chỉ có mình là độc thân thôi" thì bạn nhầm rồi, ế còn đang là xu thế của toàn thế giới đấy!
theo Trí Thức Trẻ
Bình yên của gái FA chính là những ngày ở nhà, không phải sống vì thiên hạ Có những ngày ở nhà không đi đâu, không gặp ai, chỉ cần gác chân lên gối, đầu tóc xuề xòa, không phải sống vì thiên hạ ngoài kia, đối với gái FA đó chính là bình yên nhất. Những ngày gió mùa về cũng là những ngày cuối năm đã đến, đi đâu cũng thấy trai gái quấn quýt bên nhau, cười...