Ninh Bình nỗ lực kéo du khách trở lại
Ninh Bình là một trong những trung tâm du lịch lớn ở khu vực phía Bắc với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đa dạng, tài nguyên du lịch phong phú, tiêu biểu là Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Sau khi khống chế thành công dịch Covid-19 lần thứ hai, Ninh Bình nỗ lực kéo khách trở lại bằng nhiều sản phẩm mới hấp dẫn và tăng cường liên kết với các địa phương trong cả nước.
Du khách chiêm ngưỡng pho tượng Phật trong tháp Báo Thiên.
Sản phẩm mới và làm mới sản phẩm
Du khách đến Ninh Bình trước đây khó có thể bỏ qua tour đi thuyền khám phá non nước Tràng An vốn đã trở nên quen thuộc, tuy nhiên từ tháng 6-2020, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã mở thêm tour Khám phá Tràng An bằng thuyền kayak nhằm tạo sức hấp dẫn mới cho một sản phẩm truyền thống. Ông Phạm Sỹ Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý cho biết: “Chúng tôi đưa thêm dịch vụ chèo thuyền kayak khám phá non nước Tràng An nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách với hành trình thú vị. Đây là một trong những sản phẩm kích cầu du lịch của Ninh Bình trong giai đoạn hậu Covid-19″.
Video đang HOT
Nổi tiếng là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, khu vực chùa Bái Đính không chỉ khiến du khách trầm trồ về sự bề thế khi tận mắt thấy vào ban ngày mà còn thán phục trước vẻ đẹp huyền ảo về đêm. Mới đây, tỉnh Ninh Bình đã làm mới sản phẩm tham quan Bái Đính về đêm nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm mới lạ. Trong khoảng 1 giờ, du khách sẽ được thăm điện Tam Thế, lễ Phật, nghe giảng Phật pháp, hướng dẫn thiền định và tham quan tháp Báo Thiên – ngôi bảo tháp cao nhất Đông Nam Á. Từ tầng 13 của ngôi bảo tháp, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh chùa Bái Đính về đêm lung linh, huyền ảo. Kết thúc hành trình, du khách sẽ có những phút giây thư giãn, thưởng trà và nghe thiền ca tại quán cà phê Chuông Gió trên đỉnh núi Đính.
Ngoài hai sản phẩm trên, Ninh Bình còn đưa ra các sản phẩm mới như: Dịch vụ Helitour – ngắm cảnh Tràng An từ trực thăng, khai thác phố đi bộ và chợ đêm tại thành phố Ninh Bình… Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cho biết: Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành với Ninh Bình để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính bản địa, đáng chú ý có tour Về cội nguồn, tìm hiểu phong tục tập quán của người Việt cổ cách đây 3.000 năm thông qua các dấu vết khảo cổ học; tour trekking (đi bộ) vùng lõi di sản Tràng An, thăm khu rừng vối và những hang núi đá nguyên sinh. Đây sẽ là tour chọn lọc, mỗi ngày chỉ đón khoảng 1.000 người để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
Ngoài ra, Ninh Bình cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các tuyến tham quan như: Tuyến đường nối rừng Cúc Phương đến biển Kim Sơn, tuyến du lịch trên sông từ thành phố Ninh Bình – Tràng An đến các điểm du lịch khác… nhằm đa dạng hóa sản phẩm và kích cầu du lịch.
Tăng cường liên kết với các địa phương
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen đi du lịch của du khách, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, tạo ra những sản phẩm mới. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Ninh Bình cần tăng cường liên kết với các địa phương đưa khách đến và xây dựng sản phẩm mới để kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. “Tăng thời gian lưu trú của khách thêm một đêm đã là thắng lợi lớn. Ninh Bình cần khai thác yếu tố văn hóa, lịch sử, môi trường sinh thái, xây dựng các sản phẩm đặc sắc để thu hút du khách quay trở lại nhiều hơn”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, thời gian qua, Ninh Bình đã làm rất tốt việc liên kết, phát triển du lịch với Thủ đô Hà Nội. “Điều này được thể hiện rõ qua lượng khách trao đổi giữa hai địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã “bắt tay nhau” để xây dựng những sản phẩm liên kết Hà Nội – Ninh Bình, như Công ty lữ hành Hanoitourist với sản phẩm “Đêm trước dời đô” kết nối Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) với cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là “điểm nhấn” của cả hai địa phương. Để tăng cường kết nối hơn nữa, Hà Nội và Ninh Bình sẽ tập trung phát triển các chuỗi sản phẩm, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn cho du khách và kết nối các doanh nghiệp giữa hai địa phương để cùng phát triển”.
Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh sẽ nỗ lực kéo khách trở lại thông qua các sản phẩm mới hấp dẫn, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến, tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa…
Ninh Bình: Kích cầu hút du khách
Do nằm trong vùng tứ giác du lịch của miền Bắc, sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn như Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư... Ninh Bình hiện là một trong số địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch.
Trên cơ sở thế mạnh và sức hút của vùng đất cố đô, năm 2020 Ninh Bình được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với nhiều kỳ vọng phát triển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 9 tháng của năm 2020, lượng khách đến Ninh Bình đạt 2,1 triệu lượt, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 157 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu ước đạt 1.180 tỷ đồng, đạt 39,5 % so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, chương trình Năm Du lịch quốc gia cũng phải đẩy lùi thời gian tổ chức sang năm 2021.
Điểm đến hấp dẫn du khách nội địa hậu Covid-19
Đứng trước khó khăn chung, ông Bùi Thành Đông - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - cho biết, các doanh nghiệp trong tỉnh mong muốn tiếp tục có hướng đi mới ở những tháng cuối năm, nhằm vực dậy ngành du lịch tỉnh trong sự phát triển chung của cả nước.
Đến nay, sau khi mở cửa trở lại, du lịch Ninh Bình đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Các khu, điểm du lịch đã đón nhiều lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều loại hình du lịch mới được đưa vào thử nghiệm, khai thác như: Ngắm trọn di sản Tràng An từ trên cao bằng máy bay trực thăng, chèo thuyền kayak ngắm Tràng An... đã đem lại hiệu quả thiết thực, , thu hút du khách.
Ông Bùi Thành Đông cho biết thêm, với việc thực hiện khá tốt các vấn đề như an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tình trạng chèo kéo khách, ăn xin tại các điểm di tích... ngành du lịch Ninh Bình đang sẵn sàng bước vào thực hiện chương trình kích cầu du lịch đợt 2 do Tổng cục Du lịch phát động. Song, để tạo đột phá về tăng trưởng khách du lịch, Ninh Bình sẽ đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; đầu tư cho các điểm vui chơi giải trí, mua sắm, đặc biệt là phát triển sản phẩm du lịch về đêm nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách; tiếp tục thực hiện giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng hình ảnh du lịch Ninh Bình thân thiện, mến khách.
Để tạo làn sóng đi du lịch đến các tỉnh, thành phố trên cả nước và Ninh Bình thông qua chương trình kích cầu giai đoạn hai, theo bà Dương Thị Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình - cần có sự liên kết giữa các công ty lữ hành, dịch vụ, lưu trú; thành lập các liên minh kích cầu liên tỉnh, liên vùng để giảm giá, thu hút khách; song song với bảo đảm chất lượng tour, tuyến.
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, ông Trương Quốc Hùng cho hay, hưởng ứng chương trình kích cầu lần thứ hai, đơn vị này đang động viên các doanh nghiệp làm quen với môi trường mới, tập trung khai thác thị trường trong nước, xây dựng nhóm liên minh kích cầu, tăng cường truyền thông và bán sản phẩm. Kỳ vọng, sự chung tay của doanh nghiệp sẽ góp phần hồi phục ngành du lịch nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng.
Dù còn khó khăn, song du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách trong năm 2020. Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều giải pháp kích cầu du lịch đang được địa phương đẩy mạnh.
Phát huy sản phẩm riêng có, bản địa thúc đẩy du lịch ở Ninh Bình Ngày 15-10, ngành Du lịch Ninh Bình vừa tổ chức chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút hơn 200 đơn vị lữ hành, cơ quan truyền thông và nhiều đại diện đơn vị quản lý Nhà nước về du lịch của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự, nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu lần thứ 2...