Ninh Bình: Mỏi mắt tìm doanh nghiệp tặng 3 xe tiền tỉ cho UBND tỉnh
Dư luận khá sốc khi tháng 7.2016, một công ty trong ngành xây dựng tặng cho UBND tỉnh Ninh Bình 3 xe ôtô trị giá gần 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay (chỉ một tháng sau khi đồng ý nhận), tỉnh này lại gửi văn bản lên bộ báo cáo… xin trả lại. Sốc hơn, đến chủ tịch xã nơi công ty khai báo đóng chân cũng… không biết doanh nghiệp này ở đâu!
Nhận xe rồi lại… trả xe
Chuyện lớn của cả một tỉnh nhưng đã diễn ra như chuyện khôi hài.
Theo văn bản của UBND tỉnh Ninh Bình gửi Bộ Tài chính tháng 7.2016, nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư (tại huyện Nho Quan, Ninh Bình) đã tự nguyện tặng Ninh Bình 3 ôtô.
Tuy nhiên, trong hợp đồng biếu tặng, cả 3 xe sang trên đều được định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường cùng thời điểm.
Theo đó, chiếc thứ nhất là xe Toyota hiệu Land Cruiser VX, có dung tích xilanh 4.600cm3, giá trị doanh nghiệp (DN) mua về là hơn 2,85 tỉ đồng, sản xuất năm 2015 nhập khẩu nguyên chiếc, chưa qua sử dụng.
Xe thứ hai cũng là Toyota 8 chỗ hiệu Land Cruiser GXR, dung tích xilanh 4.000cm3, nhập khẩu nguyên chiếc, chưa qua sử dụng, giá xe được DN mua về là 2,39 tỉ đồng. Cả hai xe đều có giá trị biếu tặng 910,8 triệu đồng theo hợp đồng từ ngày 7.3. Chiếc thứ ba là Toyota Camry 2.5Q, cũng là xe mới với giá mua 1,369 tỉ đồng. Giá trị biếu tặng 902 triệu đồng, hợp đồng ngày 26.4.
UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ Tài chính đồng ý cho xác lập quyền sở hữu nhà nước và hướng dẫn việc sử dụng đối với 3 ôtô trên để phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
Đây quả là cú gây “sốc” dư luận. Ngay sau sự kiện này, dư luận xôn xao, đặt ra nhiều nghi vấn đối với ý nghĩa của việc tặng xe. Theo nhiều người dân, chẳng có chuyện DN “vô tư” tặng xe cho UBND tỉnh, bởi vì “miếng pho mát béo bở miễn phí chỉ có trong… bẫy chuột”.
Video đang HOT
Chuyện DN tặng xe cho UBND tỉnh Ninh Bình cũng chẳng khác việc ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – từng được DN cho mượn xe sang gắn biển công. Hơn nữa, dư luận không thể không đặt nghi vấn khi tổng giá trị 3 xe sang trên có giá thị trường trên 6,6 tỉ đồng nhưng chỉ được định giá trên 2,7 tỉ.
Phải chăng việc định giá tất cả các xe đều xuống mức dưới 1 tỉ/xe để nhằm hợp thức hoá theo… tiêu chuẩn xe công được quy định tại Điều 6 QĐ số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ? Và ai dám chắc những chiếc xe này sẽ chỉ để “phòng chống lụt bão”?
“Sốc” hơn, chỉ một tháng sau, UBND tỉnh này lại ký văn bản báo cáo Bộ Tài chính xin… trả số xe trên, từ chối không nhận nữa.
Trả lời VnExpress, bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình – cho hay, sau khi tỉnh nhận xe do DN tặng, lãnh đạo tỉnh nhận thấy dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nên Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định từ chối nhận 3 chiếc xe biếu tặng trước 20 ngày khi có văn bản trả lời của Bộ Tài chính.
“Về mặt thủ tục, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hủy công văn đề nghị xác nhận sở hữu nhà nước đối với số xe này mặc dù DN tặng xe hoàn toàn vì phục vụ mục đích phòng chống lụt bão” – bà Thanh trả lời VnExpress.
Mỏi mắt không tìm thấy DN “đại gia”
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Cty đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư được thành lập ngày 25.1, con dấu có hiệu lực ngày 26.1.2016. Cty có trụ sở chính tại thôn Liên Minh, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư có địa chỉ đăng ký tại thôn Liên Minh, xã Xích Thổ, nhưng ông Bùi Tuấn Vương – Chủ tịch xã – không hề biết.
Người đại diện theo pháp luật ban đầu là ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh 1971, nơi ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội. Ông Tuấn là GĐ Cty nhưng không nắm bất kỳ cổ phần nào.
3 cổ đông góp vốn chính gồm ông Lê Nhượng (Cẩm Phả, Quảng Ninh) góp 1,5 tỉ đồng, nắm 50% vốn. Ông Vũ Văn Chi (Nam Trực, Nam Định) góp 600 triệu đồng (20%) và ông Vũ Văn Hạnh (Ninh Giang, Hải Dương) góp 900 triệu đồng (30%).
Ngày 21.7, người đại diện của Cty này được thay đổi từ ông Nguyễn Anh Tuấn sang ông Lê Nhượng. Ngay sau đó, ngày 23.7 lại chuyển lại từ Lê Nhượng sang Nguyễn Anh Tuấn. Cty hoạt động nhiều ngành nghề, song ngành nghề chính trong giấy phép ĐKKD là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, hạ tầng cơ sở, đường điện và trạm biến áp.
Đây là Cty 100% vốn tư nhân. Đặc biệt, dù tặng quà lớn cho tỉnh Ninh Bình, nhưng Cty chỉ có vốn điều lệ khoảng 3 tỉ đồng – chỉ bằng một nửa so với giá trị thị trường quà tặng. Theo điều tra của Lao Động, dù có vốn điều lệ 3 tỉ đồng nhưng chỉ trong quý I/2016, giao dịch của Cty này đã trên dưới 50 tỉ đồng.
Với sự hào phóng của một đại gia, ai cũng nghĩ Cty CP Hoa Lư sẽ có cơ ngơi hoành tráng với hoạt động sản xuất kinh doanh xuất sắc. Tuy nhiên, lần theo ĐKKD, chúng tôi tìm khắp thôn Liên Minh, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) vẫn không thấy bất kỳ Cty nào có tên trên.
Trên địa bàn thôn này chỉ có Cty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long sở hữu cơ sở đốt lốp caosu để chiết xuất từ lốp ôtô ra dầu FO-R phục vụ cho công nghệ sản xuất kính là nổi bật. Hỏi bà Hoàng Thị Diên – Bí thư Chi bộ thôn Liên Minh, xã Xích Thổ – bà Diên cũng không biết Cty đó ở đâu.
“Tôi cũng chưa bao giờ được ai báo có Cty trên ở thôn” – bà Diên cho hay. Cũng câu hỏi trên, ông Bùi Tuấn Vương – Chủ tịch UBND xã – xác nhận, chưa biết có Cty nào là Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư trên địa bàn xã. Thực tế Cty CP Hoa Lư cũng chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh nào nổi bật.
Liệu có phải một đại gia nào đó đang giấu mặt trong việc tặng 3 xe sang cho Ninh Bình? Và Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư chỉ là bình phong cho việc tặng quà?
Theo Lao Động
Bộ Quốc phòng thông tin vụ máy bay huấn luyện rơi tại Phú Yên
Theo Bộ Quốc phòng, sự cố rơi máy bay huấn luyện ở Phú Yên khiến học viên - phi công thượng sỹ Phạm Đức Trung (SN 1994, quê Ninh Bình) hy sinh trong buồng lái.
Bộ Quốc phòng vừa phát đi thông tin chính thức về vụ việc máy bay huấn luyện L39 của Trung đoàn Không quân 910 gặp sự cố bị rơi vào hồi sáng 26/8, trên địa bàn tỉnh Phú Yên khiến 1 phi công hy sinh.
Theo Bộ Quốc phòng, ngày 26/8, Trung đoàn Không quân 910 thuộc Trường sỹ quan Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) tổ chức ban huấn luyện trên loại máy bay huấn luyện L39 tại sân bay Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Sự cố máy bay huấn luyện L39 rơi tại Phú Yên - (Ảnh: Cắt từ clip).
Sau khi cất cánh, lấy độ cao, lúc 8h45 , máy bay bị hỏng động cơ, rơi tại cánh đồng thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Hậu quả máy bay bị hỏng, học viên - phi công bay huấn luyện là thượng sỹ Phạm Đức Trung (SN 1994, quê quán ở Nho Quan, Ninh Bình) bị hy sinh trong buồng lái.
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Trưa cùng ngày, trao đổi với PV báo Người đưa tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - Nguyễn Chí Hiến bác bỏ thông tin có người dân bị thương trong vụ máy bay rơi.
Trước đó, ông Hoàng Văn Trà - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, chiếc máy bay của Trung đoàn không quân 910 đang huấn luyện bay thì gặp sự cố, rơi ở cánh đồng gần sân bay, khu vực giao giữa huyện Đông Hòa và TP Tuy Hòa.
Nhất Nam
Theo_Người Đưa Tin
Hà Nội tăng xe, giữ nguyên giá vé dịp nghỉ lễ 2/9 Các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội lên kế hoạch tăng cường xe, giữ nguyên giá vé nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Dịp nghỉ lễ 2/9, Hà Nội dự kiến tăng khoảng 250 lượt xe để phục vụ hành khách. Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài...