Ninh Bình: Kỹ sư 8X bỏ về quê trồng rau an toàn chỉ lo “cháy hàng”
Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, rồi làm việc cho Công ty Sông Đà với lương tháng cả chục triệu đồng. Đùng một cái, anh Lê Văn Tiên, 33 tuổi, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) bỏ việc về quê thuê đất trồng rau sạch và đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Hiện, việc tiêu thụ rau an toàn của anh Tiên rất tốt, nhiều thời điểm anh chỉ lo “ cháy hàng”.
Hơn 4 năm trước, anh Lê Văn Tiên là kỹ sư xây dựng cho công ty Sông Đà, mức lương hơn chục triệu đồng mỗi tháng của anh khi cũng khiến nhiều người phải mơ ước. Ai cũng nghĩ, anh Tiên sẽ yên vị công tác cho đến ngày cầm sổ lương về quê. Nào ngờ đâu, anh lại đột ngột quyết định bỏ việc về quê. Tưởng anh về quê là có việc nhẹ, lương cao hơn, ai ngờ anh lại đi trồng rau, cả ngày chân tay lấm lem đất cát, vui vầy với rau cỏ…
“Tôi vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ lại chuyên làm rau màu nhưng vẫn là trồng theo kiểu truyền thống. Với cách làm này, mặc dù lao động rất vất vả nhưng năng suất lại thấp. Mặt khác, trồng theo kiểu truyền thống nếu làm lớn, sản xuất hàng hóa thì sâu bệnh ngày càng nhiều. Muốn chống, diệt sâu thì bắt buộc phải phun thuốc trừ sâu. Mà phun thuốc trừ sâu như thế, đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người trồng, sau đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến người tiêu dùng. Chính vì thế, khi tôi về quê trồng rau đã ấp ủ xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao, làm ra sản phẩm an toàn…”, anh Tiên chia sẻ.
Những ngày đầu, chàng kỹ sư xây dựng nói bỏ lương chục triệu về trồng rau, nuôi gà, nói ra không ai tin. Nhiều người đoán già, đoán non rằng anh bị “chập mạch, ẩm IC” này kia…Thấy Tiên nói về làm nông dân như nghề của bố mẹ, ông bà và thấy anh hăm hở làm đất, trồng rau, anh em, bạn bè, làng xóm ai cũng khuyên can. Nhiều người lắc đầu tiếc hùi hụi thay cho Tiên, rằng bao nhiêu công sức học hành, thi cử để có một công việc ổn định lương cao giờ lại bỏ, về làm nông dân khác nào tự làm khổ cho mình.
Mặc dù bị nhiều người phản đối, bán tán xì xầm, nhưng chàng kĩ sư trẻ vẫn kiên quyết đi theo con đường mình đã chọn, về quê bắt tay vào gây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao. Chàng kỹ sư vốn quen với máy móc giờ bắt đầu lập nghiệp lại với nghề nông nên nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công của Tiên. Nhưng không lâu sau, những mảnh ruộng chiêm trũng ngày nào giờ đã thành hệ thống nhà lưới, giàn leo, luống rau… có hệ thống phun tưới nước tự động rất quy mô.
Những ngày đầu, từ những kiến thức mà mình nắm được, anh Tiên trồng đủ các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn công nghệ cao, nhằm thử cung cấp ra thị trường và đón nhận ý các ý kiến phản hồi từ khách hàng. Nhưng kết quả ngoài sức mong đợi, các sản phẩm rau sạch an toàn của gia đình anh Tiên đã được nhiều nơi chấp nhận, nhiều đối tác sẵn sàng mua với giá cao hơn rau trồng bình thường để đổi lại được sử dụng những bó rau, những quả, củ có chất lượng tốt và đảm bảo sức khỏe.
Mô hình trồng rau sạch an toàn rộng hàng ngàn mét vuông của gia đình anh Tiên tại thôn Văn Hà 2, xã Gia Phương.
Video đang HOT
Từ đó, rau sạch trồng theo công nghệ cao của gia đình anh Tiên có chỗ đứng trong thị trường, vượt xa so với các loại rau người dân trồng tự phát, rau không đảm bảo chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các loại rau nhập trôi nổi từ nơi khác về.
Sau hơn 2 năm lặn lội với nghiệp trồng và cung cấp rau sạch an toàn cho thị trường, đến nay các sản phẩm của gia đình anh Tiên không chỉ bán trong tỉnh mà còn được thương lái, đối tác nhiều nơi đặt mua. Với gần 7.000 m2 nhà lưới, anh Tiên đang trồng dưa chuột, các loại đỗ, rau ăn lá, củ, quả thực phẩm các loại…Tất cả rau, quả đều đạt theo tiêu chuẩn an toàn và cam kết an toàn, truy xuất nguồn gốc khi đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Nói về bí quyết trồng rau sạch của mình, anh Tiên kiên quyết nói không với việc dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, vườn rau nhà anh hầu như đều sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. “Đầu năm 2017, cơ sở sản xuất rau của gia đình tôi được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cấp nên thị trường rất tin tưởng sử dụng các sản phẩm rau quả của gia đình” anh Tiên cho hay.
Anh Lê Văn Tiên đang kiểm tra lại hệ thống tưới nhỏ giọt trong nhà lưới tại khu trồng ra an toàn của gia đình.
“Trồng rau công nghệ cao này không giống như trồng rau thông thường, vì phải đầu tư bài bản nên chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng đổi lại khi đã thành công, gây dựng được mối tiêu thụ thì đầu ra ổn định. Thêm vào đó, năng suất rau trồng áp dụng công nghệ cao chắc chắn cao hơn trồng rau thông thường và hạn chế được nhiều rủi ro từ thời tiết, diễn biến sâu bệnh…” anh Tiên khẳng định.
Từ những quyết định mà mọi người cho là “khùng”, sau một thời gian kiên trì và phấn đấu, đến nay anh Tiên đã chứng minh cho mọi người thấy con đường mình chọn quay lại làm nông dân là đúng. Nhưng có lẽ điều làm cho anh vui nhất đó là được phục vụ người dân với sản phẩm rau sạch, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, tốt cho sức khỏe, trong đó có gia đình của chính anh./.
Theo Danviet
8X Sài Gòn bỏ ngân hàng lương cao về "nghịch nước" trồng rau
Từng là nhân viên một ngân hàng thương mại lớn với mức lương khá cao, quyết định bỏ việc để về nhà trồng rau sạch khiến chàng trai "8X đời đầu" Lâm Ngọc Tuấn (SN 1983, ngụ quận 9, TP.HCM) không ít lần bị gia đình phản đối. Nhưng vượt qua những khó khăn ban đầu, chàng trai 8X đó giờ đã có thu nhập từ 90-100 triệu đồng/tháng từ vườn rau chỉ rộng khoảng 1.000m2.
Bỏ việc ngân hàng về làm... nông dân
Tốt nghiệp ngành nông học Trường Đại học Nông lâm TP.HCM (khóa 2001-2005), sau đó học thêm một số lớp về nghiệp vụ, Tuấn xin về công tác tại một ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn quận 9 với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng. Nhưng trong một lần đi thẩm định dự án cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, Tuấn bị "hút hồn" bởi những thiết kế trồng rau thủy canh và bắt đầu ước mơ mở một trang trại trồng rau thủy canh như thế.
Nông dân áo trắng Lâm Ngọc Tuấn chăm vườn rau sạch. Ảnh: T.H
Vốn có sẵn những kiến thức về nông nghiệp từ chuyên ngành đã học, cùng với mảnh đất khoảng 1.000m2 của gia đình, cuối năm 2015 - đầu năm 2016, Tuấn quyết định khởi nghiệp với nghề trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh.
Để có vốn đầu tư, Tuấn nhờ gia đình hỗ trợ một số tài sản để vay 1,9 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất 10,5% nhằm xây dựng cơ sở vật chất.
"Lúc đó, mình cũng tích lũy được một ít tiền lương, tiền thưởng từ khi làm ngân hàng và thấy mảnh đất của gia đình đang bỏ hoang phí quá nên quyết định làm. Ban đầu, gia đình cũng ủng hộ vì phương án kinh doanh mình trình bày khá thuyết phục. Mình cũng không nói bỏ việc ngân hàng, chỉ làm những lúc ngoài giờ hành chính, cuối tuần thôi. Sau đó thì..." - Tuấn nhớ lại và cười.
Hóa ra, sau khi đã thành lập được trang trại và bắt đầu trồng rau, chàng trai 8X "dở hơi" này quyết định... nghỉ việc ngân hàng để về tập trung trồng rau. "Người ngoài nói mình dở hơi, còn gia đình dù hơi tiếc nhưng vẫn ủng hộ nên mình mới có động lực" - Tuấn bảo.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, đồng thời các giống rau sản xuất trong nước có tỷ lệ nảy mầm kém khiến rau trồng èo uột, sản lượng thấp, Tuấn vẫn quyết định đi học về công nghệ liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Israel tại Sở NNPTNT TP.HCM. Tuấn còn tìm nguồn giống rau mới thay thế từ Đài Loan, Nhật.
Sau giờ học, Tuấn lại cặm cụi bên vườn rau để trồng, quan sát quá trình phát triển, đánh dấu các thông số sao cho cây rau phát triển tốt nhất.
Chuỗi cung ứng rau sạch lớn
Trong quá trình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, Tuấn lo lắng nhất không phải là kỹ thuật mà là đầu ra của sản phẩm. "Kỹ thuật trồng rau sao cho đạt sản lượng, chất lượng thì mình có thể học, có thể tích lũy dần nhưng đầu ra cho sản phẩm lại rất khó. Thời điểm mới mang ra thị trường, dù rau mình trồng cam kết 100% sạch, an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn lo lắng, e ngại vì tâm lý rau không trồng trên đất thì chắc chắn là toàn... hóa chất. Mình phải thuyết phục mãi nhưng lượng người mua không nhiều" - anh Tuấn kể.
Theo anh Lâm Ngọc Tuấn, ưu điểm của trồng rau bằng phương pháp thủy canh là có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước. Việc trồng gối đầu liên tục các sản phẩm rau có giá trị dinh dưỡng cao... giúp sản lượng rau ổn định mỗi ngày.
Lúc này, Tuấn quyết tâm đưa các sản phẩm vào thị trường lớn hơn để có thể cải thiện cái nhìn của người tiêu dùng. Nghĩ là làm, vào khoảng tháng 9.2017, Tuấn "chân ướt chân ráo" tìm đến với Metro đặt vấn đề xuất rau vào siêu thị.
Sau khi được kiểm nghiệm với chất lượng tốt, bao nhiêu rau mà trang trại rau thủy canh Tuấn Ngọc sản xuất ra đều được Metro bao tiêu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này lại là chi phí khấu hao cho siêu thị, tiền chậm trả (từ 45-60 ngày), khiến dòng tiền xoay vòng càng lâu hơn.
"Để có phương án tốt nhất, mình quyết định không làm trực tiếp với Metro nữa mà chỉ làm gián tiếp với doanh nghiệp xuất rau vào hệ thống Siêu thị Coop. Tất cả rau quả do trại mình sản xuất hiện đều thông qua đầu mối này để vào siêu thị với giá thấp hơn, tuy nhiên được thanh toán hàng tuần nên dòng tiền xoay vòng nhanh" - Tuấn cho biết.
Hiện tại, sản lượng rau mỗi ngày của trang trại rau thủy canh Tuấn Ngọc lên tới hơn 3,5 tấn nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với sản lượng rau này, bình quân mỗi tháng Tuấn thu về từ 90-100 triệu đồng.
Dẫu vậy, chàng trai 8X vẫn chưa hài lòng với kết quả này: "Mình mới thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Tuấn Ngọc với định hướng sẽ tự cung tự cấp, hướng tới thị trường bán lẻ và hình thành chuỗi cung ứng để đạt giá trị lợi nhuận lớn nhất. Để làm được điều này, mình đang xây dựng một trang trại rau với quy mô 6.500m2 để tiếp tục trồng rau thủy canh và một số loại rau quả khác. Theo tính toán và khảo sát, nếu làm thành công như mô hình ban đầu, mỗi ngày sản lượng rau của trang trại có thể cung ứng thêm cho thị trường với giá rẻ hơn, để người dân có thể ăn rau sạch với chi phí thấp hơn bây giờ" - Tuấn khẳng định.
Theo Danviet
Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng Tốt nghiệp Đại học kinh tế và có việc làm ổn định nhưng chàng trai 8X lại về quê làm nông dân, biến vùng cát trắng thủa nào thành nơi đẻ ra tiền. Đó là anh Hồ Sơn Ca, thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Bắt bãi cát đẻ ra tiền Anh Hồ Sơn Ca thực hiện...