Ninh Bình: “Ép” na ra quả gối vụ từ thân cây, bán giá cao gấp đôi
Bằng kỹ thuật cắt cành để ép cho na ra quả gối vụ từ thân cây, một số nông dân ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) đã có thu nhập cả trăm triệu đồng/1ha.
Ông Trần Văn Hợi-một trong những người tiên phong áp dụng kỹ thuật này chia sẻ: Cành quả na thường mọc trên cành mẹ (cành của năm trước). Nhụy đực và nhụy cái trên cùng một chùm hoa. Nhụy cái thường chín sớm so với nhụy đực nên thời gian để tiếp nhận phấn ngắn, nếu không có côn trùng hoặc thụ phấn bổ sung thì quả đậu kém.
Do vậy, phải xử lý cắt cành để tán na thấp, vừa tầm với, thuận tiện cho việc thụ phấn bằng tay. Ngoài ra để ép na ra quả gối vụ, ngay từ lứa đầu tiên (vụ 1), lúc quả mới bằng cái chén, tôi phải cắt tỉa các cành không có quả, bỏ các cành quả còi cọc, cong vẹo. Na bị cắt cành khiến dinh dưỡng bị ứ lại, dồn về thân sẽ cho trồi lộc, đơm hoa ngay trên thân cây, cho lứa quả thứ 2 ngay sau lứa 1.
Ông Vũ Đình Phái, xã Gia Hòa chăm sóc vườn na.
“Kỹ thuật này tôi học được từ người trồng na ở Hòa Bình. Lúc đầu làm thử nghiệm, toàn bộ vườn na đang xum xuê, xanh tốt, tôi đem cưa trụi, chỉ để lại mỗi thân chính cao tầm đầu người thế là bị vợ phản đối, giận cả tháng. May mắn là tôi đã thành công, giờ ngày ngày đi thu hoạch na, vợ chẳng thấy cằn nhằn lời nào nữa”, ông Hợi vui vẻ nói.
Được biết, hiện nay gia đình ông Hợi đang sở hữu vườn na hơn 3 ha với tổng số 2.000 gốc na. Một năm ông thu 2 lứa quả, lứa 1 vào tháng 6, tháng 7 âm lịch, sản lượng khoảng 7 tấn; lứa thứ 2 thu vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, sản lượng ít hơn, chừng 3 tấn, tuy nhiên giá lúc này cao gấp 1,5-2 lần lúc chính vụ, khoảng 40-60 nghìn đồng/1kg.
Video đang HOT
Ông Vũ Đình Phái cũng là một người trồng na trái vụ ở thôn Gọng Vó cho biết thêm: Khó nhất là việc đánh giá sức khỏe cây, nếu tham lấy quá nhiều quả thì cây na hoặc sẽ kiệt quệ, hoặc sẽ bị chết.
Do vậy, để làm thành thạo, chuẩn hóa thành quy trình, những nông dân như ông phải mất tới vài vụ thử nghiệm, vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm mới có được kết quả như ngày hôm nay.
“Nhà có 2 ha đất đồi trồng na, nếu chỉ bán na chính vụ thu nhập chỉ có khoảng 100 triệu đồng, nhưng từ khi làm gối vụ, doanh thu mỗi năm không dưới 200 triệu đồng”, ông Phái khoe.
Gọng Vó và Đồi Ngô được ví như là vùng kinh tế mới ở xã Gia Hòa bởi trước kia là vùng đất hoang hóa, chủ yếu trồng keo, sắn. Từ năm 1992, sau khi triển khai dồn điền, đổi thửa, một số hộ dân đã mạnh dạn vào đây, bỏ tiền của, công sức cải tạo biến vùng đất này thành vựa hoa quả có tiếng của Gia Viễn và na là một trong những sản phẩm đặc trưng với diện tích trồng khoảng 30 ha.
Thực tế cho thấy đất Gia Hòa rất phù hợp với cây na; địa hình cao, ráo nước nhưng chất đất giàu dinh dưỡng nên na trồng ở đây có màu sắc vỏ sáng bóng, ăn ngọt, thơm và không hề có vị chua. Chất lượng tốt, tuy nhiên giá trị mà cây na mang lại thì chưa cao, nguyên nhân là cây 1 năm chỉ cho một lứa mà lúc đó thì có rất nhiều hộ cùng thu hoạch, dẫn đến giá không cao.
Kỹ thuật điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ tùy thích bằng cách… cắt cành đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Na không chín rộ trong thời gian ngắn, nghĩa là không có chuyện ứ hàng. Và tất nhiên, cánh thương lái không thể ép giá, nhờ vậy mà nhiều nông dân ở xã Gia Hòa hiện nay đang khấm khá lên nhờ trồng na.
Theo Hà Phương (Báo Ninh Bình)
Bị cho là "khùng" khi bỏ tiền trồng cây như rừng dụ cò về làm tổ
"Nhiều người cho tôi là khùng, điên nhà đã nghèo còn bày đặt bỏ tiền thuê đất về trồng cây xanh dụ cò về làm tổ, rồi nó lại bay đi...Nhưng gần 10 năm qua, cò mỗi lúc kéo về làm tổ ngày một nhiều, có thời điểm lên đến hàng nghìn con đậu trắng cả một rừng cây" ông Hà Văn Lâm ở thôn Mai Sơn 1, xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nói.
Gần 10 năm qua, với diện tích hơn 2 ha được ông Hà Văn Lâm đấu thầu của UBND xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn) để trồng cây, nuôi trồng thủy sản. Nhưng tình cờ, năm 2012, một đàn cò trắng khoảng vài chục con bay về trú ngụ, biết "đất lành chim đậu" gia đình đã ngày đêm trồng thêm cây xanh để dụ cò về làm tổ.
Hàng nghìn con cò trắng kéo về trú ngụ. Ảnh: Vũ Thượng
Mỗi ngày đàn cò về càng nhiều, với số lượng lên đến hàng nghìn con. Ông Lâm tiếp tuc tự bỏ tiền túi thuê người vực đất tạo vùng trũng cho cá, tôm, ốc sinh sống để làm thức ăn cho chim cò. Đồng thời, ông còn trồng thêm cây tre, cây lau, sậy...để cò bám đậu và làm tổ sinh nở.
Ông Hà Văn Lâm kể: "Việc bỏ tiền túi để dụ cò về làm tổ khiến nhiều người trong xã nói tôi khùng, điên mới làm như thế. Nhưng tôi đều bỏ ngoài tai, và động viên vợ, con cố gắng trồng thêm nhiều cây xanh, chăm sóc tốt thì tin rằng con cò sẽ kéo về sinh sống".
Nhiều con cò được ông Hà Văn Lâm cứu sống. Ảnh: Vũ Thượng
Có hôm lợi dụng đêm tối nhiều kẻ lạ mặt đã mang súng vào săn bắt, tiếng cò kêu vang như báo hiệu vị trí để ông Lâm chạy đến ngăn cản. Và những ngày mưa bão ông Lâm cùng vợ đội mưa đi từng gốc cây kiểm tra và đưa những con cò con rơi xuống đất quay về tổ.
Cò trắng ngày một sinh nở nhiều. Ảnh: Vũ Thượng
"Việc chăm sóc và bảo về đàn cò đối với vợ chồng tôi như một nhiệm vụ, chúng tôi coi con cò như người bạn không bao giờ bắt. Cũng có lần một nhóm người ở nơi khác về tận nhà đặt vấn đề bắt cò bán cho họ lấy tiền nhưng tôi cương quyết từ chối. Mặc dù, cò về sinh sống không tạo nên kinh tế, nhưng chỉ cần ngắm đàn cò hàng nghìn con là động lực và niềm vui để tôi tiếp tục công việc" ông Hà Văn Lâm tâm sự thêm.
Đặc biệt, vào mùa cò sinh sản, vợ chồng ông Lâm còn mua thuốc về phun để khử trùng khu vực vườn cây, đảm bảo cho cò sinh sản tốt và ngăn không bị dịch bệnh, nhờ vậy đàn cò ngày một đông thêm.
Ông Vũ Đình Thi - Chủ tịch UBND xã Gia Lạc cho biết: "Diện tích vợ chồng ông Lâm trồng cây cho cò về làm tổ là đang thầu của xã, theo quan sát mỗi ngày cò về một nhiều, bay trắng xóa cả một bầu trời. Để bảo vệ, chúng tôi đã có biện pháp cử anh em Công an thường xuyên kiểm tra nếu có đối tượng nào vào săn bắt thì sẽ xứ lý nghiêm".
Hiện nay, số lượng cò trắng, vạc, diệc bay về làm tổ, sinh nở trong khu vườn nhà ông Lâm quản lý ngày càng gia tăng, vợ chồng ông đang có ý tưởng mở rộng thêm diện tích, phủ kín thêm cây xanh cho chim cò đậu. Bên cạnh ấy, mong muốn đảo cò của gia đình sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái cho cộng đồng đến tham quan.
Theo Danviet
Ninh Bình: Xây dựng nhà "Mái ấm tình thương" cho người nghèo Thông tin từ Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết, ngày 9/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kim Sơn phối hợp với trụ trì chùa Thiên Phúc (xã Kim Mỹ) khởi công xây dựng nhà "Mái ấm tình thương" cho bà Nguyễn Thị Ngoan tại xóm 1, xã Kim Mỹ. Bà Nguyễn Thị Ngoan (63 tuổi)...