Niềm vui của người dân ở huyện nghèo nhất Việt Nam
Bản Táo ( huyện Mường Lát – một trong những nơi nghèo nhất Việt Nam) có nhiều phụ nữ đang phải gánh gồng nuôi gia đình vì chồng mất. Đã nghèo, các chị các mẹ lại còn nghèo thêm vì không có người cùng vun đắp cuộc sống.
Ngày 22/8, 150 con bò giống đã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trao cho 6 xã của huyện, giúp bà con tự phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, dần dần thoát nghèo theo chương trình 30A.
Ám ảnh số phận
5h chiều, mặt trời gần tắt nắng sau những rặng núi, chị Vi Thị Soạn (sinh năm 1985, người dân tộc Thái) mới nổi lửa thổi cơm trong căn nhà vách nứa ọp ẹp. Chị cho biết, từ khi chồng mình mất đến nay, hai mẹ con chị lủi thủi nuôi nhau.
Soạn thật thà kể, chiều đó đi làm nương về, chồng tự nhiên lên cơn đau đầu dữ dội. Chị mượn vội chiếc xe máy của hàng xóm, chở lên đến cổng bệnh viện huyện thì chồng tắt thở.
“Gia tài” chồng để lại cho Soạn, vỏn vẹn có 1 sào ruộng gần nhà. Mỗi mùa như vậy, Soạn trồng trỉa chỉ đủ cho mẹ con sống mấy tháng. Từ tháng 5 đến tháng 9, nhà Soạn năm nào cũng rơi vào cảnh thiếu đói, xách rá đi xin gạo nhà mẹ đẻ.
Chị Soạn và mẹ có niềm vui lớn bởi được tặng một con bò giống trị giá tới 17 triệu đồng (gồm cả tiền hỗ trợ chuồng trại). Với phụ nữ nghèo ở bản Táo, đó là cả một gia tài.
Gần 5 năm nay, mình chị kiếm sống nuôi con. Ở cái bản ai nấy đều nghèo như nhau tại bản Táo này, Soạn phải làm đủ việc để có thu nhập. Từ làm ruộng, làm rẫy, làm thuê, làm luồng, bóc măng… ở đâu có việc làm ra tiền, hoặc có ai thuê mướn gì, chị đều lăn lưng ra làm lụng.
Ngày có việc, Soạn thu được khoảng 100.000đ/ngày. Có hôm mưa gió, con cái ốm đau coi như nhịn.
“Sau khi chồng mất em thành con nợ gần chục triệu đồng. Tích cóp trả nợ được xong thì tay trắng. Mẹ đẻ và họ hàng gom góp, dựng tạm căn nhà vách nứa cho mẹ con em lấy chỗ chui ra chui vào. Chứ thú thật, chỉ cắm mặt với 1 sào ruộng thế này, đến ăn em còn chưa đủ. Bản thân em cũng phải vay ngân hàng chính sách mất 20 triệu đồng nên đang phải trả lãi hơn 130.000đ/tháng “, Soạn chia sẻ.
Cạnh nhà Soạn, mẹ đẻ cô cũng mất chồng mấy chục năm nay. Mình bà gánh gồng nuôi đàn con 5 đứa. “Soạn là con gái út nhưng khổ quá, tôi phải vay mượn dựng tạm cho mẹ con nó căn nhà không sau này lớn lên, con gái nó không có chỗ ở”.
Video đang HOT
Nói rồi, bà kéo chúng tôi lên lưng chừng núi, chỉ vào chiếc chuồng bò mới tinh vừa được dựng lên, giọng phấn khởi: “Viettel cho 17 triệu cả con bò, trong đó dành 2 triệu làm chuồng. Soạn với tôi cùng dựng vài ba ngày thì xong đấy. Hy vọng năm sau chăm tốt, bò lại đẻ ra bò thì mẹ con nó kiếm được tiền trả nợ”.
Không còn “nai lưng” cuốc ruộng
Gần nhà Soạn, vợ chồng anh Hoàng Vĩnh Thu cũng đang háo hức được nhận tài sản lớn. Gia đình Thu cũng là một trong những hộ nghèo của bản Táo.
Thu cho biết, mình đã dựng xong chuồng trại. Có bò, hai vợ chồng sẽ cho nó kéo cày làm ruộng chứ từ trước đến nay, toàn phải cuốc bằng tay khổ lắm. Vào ngày mùa, 5h sáng, hai vợ chồng dậy đi làm đồng đến tối mịt mới về.
Với vợ chồng anh Hoàng Vĩnh Thu, con bò là một sinh kế mới tạo cơ hội có thêm thu nhập và cũng là một tài sản lớn của hộ nghèo.
Với một sào rưỡi ruộng, ít nương, năm nào hai vợ chồng cũng lâm vào cảnh thiếu ăn. Năm ngoái, hai vợ chồng phải cắp nón lên xin ông bà nội, rồi mua gạo nợ.
“Đợt vừa rồi, em theo anh trai vào Nam làm thuê. Làm được vài tháng, em quay về vì thấy cảnh làm thuê, trừ chi phí ăn uống cũng không giành giụm được mấy”, Thu nói. Theo quan sát của PV, trong nhà Thu, ngoài chiếc ti vi do bố mẹ anh cho thì có mỗi chiếc điện thoại “cục gạch” là đáng tiền. Ngôi nhà trống huơ trống hoác tứ bề gió lộng.
Gia đình chị Vi Thị Looc- vợ Thu cũng có hoàn cảnh khó khăn. Nhà hiện đang có hai người tàn tật: Một người bị câm điếc bẩm sinh và một người bị thần kinh, không làm ăn gì được. Gần đây, gia đình Thu đã được Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát hỗ trợ 800 cây giống để trồng rừng để dần thoát nghèo bền vững.
Ông Lục Văn Liên, Bí thư chi bộ bản Táo cho biết, bản hiện có 87 hộ nghèo/257 hộ của bản. Đợt này, bản có 4 hộ được nhận bò hỗ trợ và hai hộ được làm nhà theo chương trình 30A về xoá đói giảm nghèo bền vững.
Bí thư chi bộ chia sẻ: “Thanh thiếu niên ở đây không có việc làm, các em học đến hết cấp 2 thì bỏ học giữa chừng và lập gia đình khá sớm nên kinh tế không ổn định. Việc Viettel tặng cây giống, cho bò, hỗ trợ tiền làm chuồng… sẽ giúp bà con dần ổn định cuộc sống, góp phần thay đổi bộ mặt của làng bản, tránh tệ nạn xã hội”.
Hà My
Theo Dantri
"Khai tử" xe công nông, gần 10 năm "dài cổ" chờ hỗ trợ
Sau gần 10 năm "khai tử" xe công nông theo chủ trương của Chính phủ, 96 hộ dân tại xã Hưng Đông (Tp Vinh, Nghệ An) vẫn chưa được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Nguyên nhân là do các cấp liên quan đã để thất lạc hồ sơ, giấy tờ liên quan.
"Dài cổ" chờ hỗ trợ
Năm 1996, ông Nguyễn Ngọc Cường (SN 1963, trú xóm Mai Lộc, Hưng Đông, Tp Vinh, Nghệ An) tích góp, vay mượn 18 triệu đồng để mua xe công nông đầu dọc vận chuyển gạch. "Xóm Mai Lộc trước đây là HTX vận tải đường sông, sau khi HTX giải thể, chúng tôi không có công ăn, việc làm, không có ruộng sản xuất, không có lương thưởng nên phải xoay ra đủ nghề để kiếm sống. Sau khi vay mượn được tiền mua xe công nông đầu dọc, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào thu nhập vận chuyển vật liệu xây dựng", ông Cường tâm sự.
Các hộ dân xóm Mai Lộc (xã Hưng Đông, Tp Vinh) phản ánh về việc chậm được nhận tiền hỗ trợ chuyển đồi nghề.
Năm 2009, khi Nghị định số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc buộc phải ngừng hoạt động công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh không đủ điều kiện lưu hành, ông Cường nghiêm chỉnh chấp hành. Chiếc xe công nông của ông được bán "hóa giá" cho cửa hàng sắt vụn được hơn 4 triệu đồng.
Cũng giống ông Cường, ông Nguyễn Xuân Hải (trú xóm Mai Lộc) cũng phải bán đồng nát chiếc xe công nông là "cần câu cơm" của cả gia đình.
"Chúng tôi ký danh sách từ năm 2009 nhưng mãi mấy năm sau đó không nhận được bất kỳ thông báo nào lên quan đến việc chi trả hỗ trợ chuyển đổi nghề. Đến khoảng năm 2012, chúng tôi kéo lên phòng tiếp dân UBND thành phố Vinh để hỏi thì được trả lời là do mất hồ sơ nên chưa giải quyết được. Chúng tôi lại về gửi danh sách lên xã để xã gửi lên thành phố nhưng từ đó đến nay cũng không thấy gì", ông Nguyễn Xuân Hải cho biết.
Theo Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, những chủ phương tiện chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng, chủ phương tiện mua phương tiện thay thế sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng. Việc chậm được nhận các khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Trong báo cáo thống kê gửi UBND Tp Vinh năm 2010 thì xã Hưng Đông có 54 xe công nông thuộc diện hỗ trợ, thay thế chuyển đổi.
Nhiều người dân cho rằng, sau khi "hóa giá" xe theo chủ trương của Chính phủ, với số tiền ít ỏi thu được, nếu được kịp thời nhận hỗ trợ, họ sẽ cố gắng vay mượn để đổi sang xe ô tô bán tải để tiếp tục kiếm sống bằng nghề vận tải hoặc có ít vốn để chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, số tiền tích góp và bán sắt vụn chiếc cần câu cơm đã bị "xé lẻ" dần dần. "Cụt vốn", ông Cường, ông Hải... chuyển sang hành nghề xe ôm hoặc đi cửu vạn kiếm sống qua ngày.
Chậm do... thất lạc hồ sơ
Theo thống kê của xã Hưng Đông, thời điểm thống kê năm 2010, toàn xã có 54 chiếc xe công nông thuộc diện phải ngừng hoạt động. Đến năm 2012, con số này là 96 xe. Trong đó xóm Mai Lộc có 13 xe, xóm Mỹ Hậu 14 xe, xóm Mỹ Long, Mỹ Hòa mỗi xóm 10 xe...
Việc chậm được nhận hỗ trợ chuyển đổi khiến người dân mất nhiều cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.
Ông Đậu Cao Cung - cán bộ đô thị xã Hưng Đông cho hay, khi có chủ trương về việc xóa bỏ xe công nông đầu dọc, xe không đủ điều kiện lưu thông, xã đã lập danh sách gửi UBND thành phố Vinh. Tuy nhiên do không nộp trực tiếp cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ nên dẫn đến hồ sơ bị thất lạc. Cho đến khi người dân các phường, xã khác trong thành phố đã nhận được tiền hỗ trợ mà người dân Hưng Đông chưa được nhận, cán bộ xã lên hỏi thì mới được biết là trên thành phố chưa nhận được hồ sơ.
"Tính đến thời điểm này, UBND xã Hưng Đông đã 3 lần gửi danh sách các hộ thuộc diện được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề sau khi dừng hoạt động vận tải xe công nông. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng phản ánh vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có hộ dân nào được nhận tiền hỗ trợ. Trách nhiệm của xã chỉ là lập danh sách từng hộ rồi chuyển lên thành phố để trên đó xem xét giải quyết chứ cũng không làm được gì hơn", ông Cung cho hay.
Trong báo cáo năm 2012, xã Hưng Đông có 96 xe công nông thuộc diện được hỗ trợ, chuyển đổi nghề nhưng tính đến thời điểm này vẫn chưa có hộ dân nào được nhận tiền.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị Tp. Vinh cho biết: Trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân sử dụng xe công nông, UBND xã Hưng Đông không nộp danh sách các hộ dân thuộc diện được hưởng hỗ trợ. Sau này, khi UBND xã Hưng Đông nộp danh sách lên thì chính sách hỗ trợ đã hết thời gian (hết năm 2009).
"Trong quá trình thực hiện Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009, thành phố cũng có sơ suất do không kịp thời phát hiện xã Hưng Đồng không nộp danh sách các hộ dân thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Hiện nay, việc hỗ trợ đã ngừng, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, thành phố sẽ rà soát lại, những hộ nào còn sót thì sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét trích ngân sách để hỗ trợ", ông Nguyễn Quốc Thắng khẳng định.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Phó Thủ tướng: Trừ tiền hỗ trợ người nghèo để làm đường là quá phản cảm! "Vừa rồi có địa phương đã huy động cả người nghèo đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, trừ vào cả số tiền mà người nghèo được hưởng thì thật là phản cảm" - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh quán triệt yêu cầu, không được huy động dân nghèo góp tiền làm đường, kéo điện... Ngày 6/7, Phó Thủ tướng Vũ...