Niềm tự hào riêng giữa nỗi buồn chung
Đã bước sang ngày thứ 3 kể từ khi cánh cổng ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình bắt đầu mở đón nhân dân vào tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp dòng người vẫn chưa ngừng lại. Con số hơn 1 vạn người ngay trong buổi chiều đầu tiên đã tăng lên gấp 6 lần chỉ trong buổi sáng thứ 2. Nỗi tiếc thương một trong những “người lính vĩ đại nhất của dân tộc” ngày càng kéo dài thêm mãi…
Cụ Đỗ Văn Phong 90 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội xếp hàng chờ tới lượt vào viếng Đại tướng Ảnh: PHÚ KHÁNH
Năm nay đã 70 tuổi, dù sức yếu nhưng cựu binh Đỗ Đức Thọ ở thôn Kim Bính, xã Liên Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vẫn lặn lội lên Hà Nội vào chiều 8-10 chỉ để được đặt một bông hoa trước thềm ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Ông chưa một lần được gặp Đại tướng và trong kháng chiến chống Mỹ, người lính của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48, sư đoàn 320) ấy đã gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường. Khi được hỏi, ông tự hào nói “tôi từng là “lính của Đại tướng” và tất cả bộ đội đều như vậy”. Với ông, được làm “lính của Đại tướng” là niềm kiêu hãnh lớn nhất. Danh xưng này đã được nhiều cựu binh nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua và nó nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ của dòng người đang nối dài trước tư gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Đỗ Đức Thọ bảo, với tất cả các cựu binh, nếu chưa được chào “anh Cả” lần cuối chắc hẳn đều chưa yên lòng.
Những chiến sỹ công an trẻ chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Ảnh chụp chiều 8-10)
Cũng chuẩn bị rời Hà Nội trong chiều muộn, nhà báo Đậu Quang Đệ dường như đã mãn nguyện khi ông chuẩn bị hành lý cho chuyến xe về Hương Sơn, Hà Tĩnh vào lúc cuối ngày. Ông Đệ từng là phóng viên đi B của Thông tấn xã Việt Nam những năm 1970. Ông cũng nguyên là Trưởng phân xã Lạng Sơn từng tháp tùng Đại tướng sang thăm Trung Quốc ngay sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1990. Bắt chuyến xe ra Hà Nội tiễn biệt Đại tướng từ sáng sớm, ông Đệ mang theo những bức ảnh mà ông gọi là “kỷ niệm riêng chưa từng công bố” khi ông cùng Đại tướng đi thăm ải Chi Lăng. Mấy tiếng đồng hồ xếp hàng, cuối cùng ông cũng thỏa ước nguyện. Ông bảo, “Đại tướng ra đi, tôi thấy lòng buồn vô hạn. Tôi ra Hà Nội hôm nay mục đích chỉ là muốn chào Người lần cuối và gửi lại gia đình Đại tướng những bức ảnh này. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất đời làm báo của tôi”.
Xen lẫn niềm tiếc thương vô hạn là niềm tự hào của những người
cựu chiến binh từng được là lính của “Anh Văn”. Ảnh: MINH QUÂN
Cựu binh Đỗ Đức Thọ, nhà báo Đậu Quang Đệ chỉ là hai trong số hàng triệu trái tim Việt Nam đang thổn thức trước nỗi mất mát lớn của đất nước. Dù sao, đến được tận nơi để vĩnh biệt Đại tướng vẫn là may mắn lớn. Và bằng câu nói “đến chào Đại tướng của tôi” mà dòng người kéo dài trên đường Hoàng Diệu đang thổ lộ, dường như nhân dân ai cũng muốn trong mình có một phần của vị anh hùng đã khuất.
Ảnh: ĐỨC TUẤN
“Tôi mới sang Việt Nam từ ngày 12-8, tuy nhiên trước đó tôi cũng đã nghe về người anh hùng Võ Nguyên Giáp. Tôi vừa cùng các sinh viên Việt Nam đi tình nguyện tại Hòa Bình, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, chúng tôi muốn được có mặt trong dịp trọng đại này. Qua hình ảnh xếp hàng của người dân Việt Nam, tôi thấy được sự đóng góp và công lao của ông là vô cùng lớn”. Graham Elidt (Tình nguyện viên đến từ Canada)
Video đang HOT
Nguyễn Long
Theo ANTD
Cận cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thể theo nguyện vọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn sống, Vũng Chùa - Đảo Yến đã chính thức được chọn là nơi an táng Đại tướng. Vũng Chùa - Đảo Yến, một thắng cảnh tuyệt đẹp ở xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình.
Khung cảnh thanh bình trên đường vào Khu du lịch sinh thái Vũng Chùa - Đảo Yến
Thắng cảnh yên bình
Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang (ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 7 km. Người dân địa phương từ lâu vẫn gọi đây là thế đất rồng cuộn hổ ngồi, nơi dãy Hoành Sơn đâm từ dãy Trường Sơn ra biển lớn.
Từ QL1, chúng tôi theo con đường lớn trải nhựa xuôi về bến cảng Hòn La, sau đó tiếp tục lên thuyền của một ngư dân để ra Đảo Yến. Biển trong xanh, phẳng lặng êm ái sau cơn bão. Thuyền nhỏ, tốc độ chạy khá chậm, chừng 20 phút thì chúng tôi đến được Đảo Yến.
Các xóm chài Bãi Xóm, Bãi Làng nằm liên tiếp nhau nối Khu du lịch sinh thái Vũng Chùa - Đảo Yến với Khu công nghiệp cảng biển Hòn La dưới chân đèo Ngang
Bờ cát dài hoang sơ ở Vũng Chùa
Tháp chuông trong khu vực núi Xóm Mới, mặt hướng nhìn ra Đảo Yến
Những mỏm đá nhô ra biển
Từ cảng biển Hòn La có thể đi tàu để nhìn toàn cảnh Vũng Chùa và ra Đảo Yến
Đảo Yến hiện ra trước mũi tàu. Người dân địa phương bảo thế của Đảo Yến là thế hổ phục, nằm trấn giữ đất liền và biển lớn
Phía bắc Đảo Yến là những vách đá sắc nhọn
Hang yến trên Đảo Yến
Mũi phía đông Đảo Yến
Bãi sỏi dọc phía bắc Đảo Yến
Bờ cát hoang sơ với "hoa văn dã tràng"
Từ trên Đảo Yến nhìn xuống gành đá bên dưới
Những bậc thang đá dẫn vào hang yến
Nhìn từ xa, Đảo Yến toát lên dáng vẻ một thế núi uy nghi, nằm trấn giữa đất liền và biển cả. Khi đến gần hơn, chúng tôi không khỏi thích thú ngắm nhìn những vỉa đá xuyên cao tầng tầng lớp lớp, đan xen, cuộn vỗ cùng từng đợt sóng bạc xóa.
Một người dân bản địa dẫn đường cho chúng tôi bảo tên gọi Đảo Yến xuất hiện sau này, khi có một công ty khai thác, nuôi yến đến hoạt động. Chứ trước kia, người dân vẫn gọi đây là Hòn Nồm, theo cách tính phương hướng.
Sau cuộc họp ngày 7.10 giữa T.Ư, tỉnh Quảng Bình và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thể theo nguyện vọng của Đại tướng lúc còn sống và của gia đình, Vũng Chùa - Đảo Yến được chọn là nơi an táng Đại tướng. Theo thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần của Ban chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN và Quân ủy T.Ư thì quốc tang của Đại tướng sẽ được tổ chức từ 12 giờ ngày 11.10 đến 12 giờ ngày 13.10. Lễ an táng diễn ra vào ngày 13.10 tại quê nhà Quảng Bình.
Ngày trước, trên đảo có rất nhiều chim yến, bây giờ thì ít hơn rồi. Anh Đức, người dẫn chúng tôi ra Đảo Yến, lái thuyền lượn một vòng quanh đảo và chỉ cho chúng tôi một hang yến rất lớn. Tấp thuyền vào một gành đá, chúng tôi lên đảo.
Nếu không tính đến sự hiện diện của chúng tôi, thì Đảo Yến chỉ có một nhóm nhân viên của công ty nuôi yến đang làm việc tại đây. Đảo được tạo bởi hai hòn nối liền nhau. Đi lên đỉnh đảo, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy cảnh tàu thuyền qua lại rất thanh bình, nhìn xuống dưới chân đảo là cảnh sóng vỗ gành đá rì rào.
Vì sao có tên gọi Vũng Chùa? Theo dân địa phương, ngày xưa trên Đảo Yến có dấu tích nền móng một ngôi chùa lớn nên bà con gọi là Vũng Chùa. PVThanh Niên Online đã thử tìm đến địa điểm đó nhưng không thấy gì. Người dân quanh vùng lý giải, qua thời gian, bị mưa bão, sóng biển bào mòn, dấu vết xưa cũ ấy nay cũng đã mất rồi.
Khu vực biển Vũng Chùa rất kín gió vì được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm, vì vậy đó là nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.
Đảo Yến cách đất liền tại thôn Thọ Sơn chừng hơn một cây số. Quang cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến mênh mông, thoáng, đẹp. Đứng trên đảo, nhìn vào đất liền là những bãi cát chạy dài, cây cối xanh tươi. Từ Đảo Yến trong ra xa có thể thấy được Hòn La và Hòn Gió. Ba hòn tạo thành một hình tam giác, thế tựa vững chải như kiềng ba chân.
Hỏi về phong thủy của khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, một lão ông trong vùng chép miệng mà rằng: "Rất ít nơi có được vị thế đẹp như ở đó, vừa thanh bình vừa kín gió, lưng tựa núi mặt nhìn ra biển lớn".
Đến Vũng Chùa - Đảo Yến, chúng tôi còn được nghe kể về một dãy núi chạy dài nối từ đất liền ra biển, gần như bức tường thành vững chắc án ngữ Vũng Chùa và nằm rất gần với Đảo Yến. Dân địa phương gọi dãy núi này là Xóm Mới và Xóm Làng, tên gọi xuất phát từ những làng xóm dân cư bên đông đúc, bên thưa thớt ngày xưa. Trên dãy núi này giờ trồng khá nhiều cây keo. Theo nhiều người trong vùng, gần 10 năm về trước, ông Võ Điện Biên, người con trai trưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã về xin thuê đất, đền bù cây cối. Quan sát bằng mắt thường, từ hướng biển, PV Thanh Niên Online có thể nhìn thấy ngay khu vực uốn lượn, kín gió, có 2 tháp nhà mái ngói đỏ. Người dân địa phương kể ở đó còn 2 nhà sàn gỗ được chở từ Lệ Thủy ra, dựng lên.
Theo TS Phan Viết Dũng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình, Vũng Chùa - Đảo Yến là thắng cảnh nằm chung trong vịnh Hòn La mà sách Đại Nam dư địa chí ước biêncủa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Trong sách nêu rõ vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn "thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển" với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ (dân gian gọi là hòn)... Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài "Cửu khổng quyết minh" hay còn gọi là bào ngư. TS Dũng cho biết quần thể danh thắng này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian, như việc người dân vùng này không dám chặt cây chò trắng vì đây là loại cây tương truyền được long vương dùng xây thủy cung dưới biển. Mà long vương từng nổi sóng lớn giúp dân nhấn chìm chiến thuyền của quân Chiêm khi đến quấy phá dân làng thời Đại Việt. Dân gian còn truyền miệng chuyện năm vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành, đã dừng lại nơi đây lập đàn xin thần linh phù hộ thắng giặc và chúng sinh an lành. Sau đại thắng, vua lại trở về lập đàn cáo cùng trời đất. Thời chống Mỹ, từ tháng 5.1972 đến 15.1.1973, chiến dịch Hòn La đã biến nơi đây thành điểm tiếp nhận hàng hóa viện trợ đường biển để tránh Mỹ đánh phá các cảng biển Hải Phòng, Bến Thủy. Tuy nhiên chỉ tính riêng năm 1972 Mỹ đã thả vào đây 22.000 quả bom các loại nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, quân dân Quảng Bình đã đưa hàng ngàn tấn gạo vào bờ chi viện cho miền Nam.
Theo TNO
Đà Nẵng: Dừng vui chơi giải trí trong 2 ngày Quốc tang Đại tướng Ngày 7/10, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã ký văn bản gửi các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, sở, ban, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí về việc tổ chức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các...