Niềm tự hào khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẩu chiến với châu Âu
Là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có tầm ảnh hưởng lớn, ông Erdogan không dễ chấp nhận khi các bộ trưởng của mình bị châu Âu cản trở vận động chính trị.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/3 quyết định cấm cửa đại sứ Hà Lan, ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với nước này sau khi Amsterdam không cho phép máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới dự một cuộc mít tinh ủng hộ với kế hoạch sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Theo BBC, rất hiếm khi trong lịch sử hai thành viên của khối NATO lại thể hiện thái độ hằn học với nhau đến vậy. Xu hướng này có thể sẽ không dừng lại, khi cả Áo và Đức đều đang thể hiện thái độ cứng rắn với các động thái vận động chính trị của ông Erdogan ở châu Âu.
Bình luận viên Nic Robertson của CNN cho rằng trong cuộc khẩu chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu hiện nay, không có gì mong manh, nhạy cảm hơn niềm tự hào của chính Tổng thống Erdogan.
Erdogan đang nổi lên như một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn, một đối tác toàn cầu quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, một đồng minh thân cận với Mỹ ở Syria cũng như một “người bạn mới” của Nga trên chiến trường này, đó là chưa kể vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn cản làn sóng nhập cư tràn tới châu Âu.
Sau khi phá xong âm mưu đảo chính hồi năm ngoái, ông Erdogan càng tỏ ra là một nhà lãnh đạo có phong cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Với chiến dịch thanh trừng quy mô lớn của mình, ông ngày càng nắm trong tay nhiều quyền lực, thế nên bất cứ dấu hiệu nào bị coi là “hạ nhục” giống như những gì người Hà Lan đang làm với chính quyền của ông sẽ không được để yên, theo Robertson.
Khi Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu bị Đức và Hà Lan cấm tham dự các cuộc tuần hành chính trị ở các nước này, ông Erdogan đã không ngần ngại gọi hai quốc gia này là “tàn dư của phát xít”. Lời lẽ đầy kích động của ông đã làm dấy lên phản ứng giận giữ từ Berlin và Amsterdam.
Video đang HOT
Giới phân tích nhận định những cáo buộc mạnh mẽ này thể hiện nỗi tức giận âm ỉ của ông Erdogan đối với cách châu Âu đối xử với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ lâu, nhiều quan chức ở Ankara cho rằng nước này đang bị Liên minh châu Âu (EU) coi như một “quốc gia hạng hai”. Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực vận động để được gia nhập EU từ năm 2005, nhưng đến nay con đường trở thành thành viên khối này vẫn mờ mịt với Ankara, khi không có bất cứ cam kết vững chắc nào được đưa ra.
Theo Robertson, ông Erdogan càng cảm thấy cay đắng hơn khi nhìn nhận các nước EU gần như không làm gì để thể hiện tình đoàn kết với ông sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7 năm ngoái. EU sau đó thậm chí còn lên tiếng chỉ trích cuộc thanh trừng quy mô lớn của ông, cho rằng các hoạt động bắt bớ, giam cầm là vi phạm nhân quyền.
Trong khi đó, Erdogan cho rằng an ninh mới là vấn đề ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, cũng là lý do ông tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp trên cả nước để đối phó với phong trào Gulen, với dân quân người Kurd và các thế lực thù địch ở Syria. Trong mắt ông, châu Âu đã phớt lờ những mối đe dọa này đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ tụ tập bên ngoài tòa lãnh sự Hà Lan ở Istanbul hôm 11/3. Ảnh: Reuters
Ông cũng cáo buộc châu Âu không chịu giữ những lời hứa đã đưa ra, chẳng hạn như chương trình miễn thị thực du lịch khi thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ được ký tháng 3/2016. Thỏa thuận này chặn bớt dòng người tị nạn bất hợp pháp vào EU, khiến nhiều người trong số họ phải quay lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh đó, ông Erdogan dường như có nhu cầu củng cố, khẳng định quyền lực trong nước của mình hơn bao giờ hết. Theo giới phân tích, nếu giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm trong tay quyền lực còn lớn hơn cả người đồng cấp Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Châu Âu lo ngại
Khi cho các bộ trưởng tới châu Âu để vận động kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ tại đây bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch tăng cường quyền lực của mình, ông Erdogan dường như quên mất rằng Hà Lan cũng đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử quan trọng, nơi nhập cư trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng.
Chính quyền của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố rằng các cuộc vận động ủng hộ ông Erdogan do bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện tại quốc gia này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 15/3. Đảng Tự do có tư tưởng chống Hồi giáo của nghị sĩ Geert Wilders đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, khi vấn đề nhập cư rất được các cử tri Hà Lan quan tâm.
Thủ tướng Rutte không cho rằng ông Erdogan định gây cản trở cuộc tổng tuyển cử ở nước này, nhưng việc các bộ trưởng của ông tự ý tới Hà Lan để tham gia mít tinh là đi ngược lại mong muốn trực tiếp của Amsterdam.
Ông Rutte càng quyết tâm hơn khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đưa ra lời đe dọa về những biện pháp cấm vận nếu Hà Lan không cho phép quan chức Ankara tham gia mít tinh ở Rotterdam. Ngay sau đó, máy bay của ông Cavusoglu bị cấm hạ cánh xuống sân bay Rotterdam. Vài giờ sau, Bộ trưởng Các vấn đề gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kayafrom lại đi bằng xe hơi từ Đức tới Rodtterdam để diễn thuyết và nhanh chóng bị cảnh sát Hà Lan áp tải trở lại biên giới.
Giới quan sát đánh giá rằng mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan chỉ là một sự cố ngoại giao nhỏ, nhưng nó lại diễn ra trong thời điểm rất bất thường. Cả châu Âu đang trải qua thời kỳ đầy bất định hậu Brexit, hậu Donald Trump, với làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang lên cao ở những quốc gia sắp tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng, với các chính trị gia cánh hữu nếu nắm quyền có thể đe dọa đến sự tồn vong của EU.
Bối cảnh này càng khiến châu Âu cảm thấy bất an với kế hoạch cải cách quyền lực của Erdogan, vốn bị nhiều nhà ngoại giao coi là bước đi mới nhằm củng cố quyền lực “toàn trị” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và những người ủng hộ ông, đẩy Ankara đi xa khỏi tiêu chí trở thành thành viên EU.
“Với cách xử lý tranh cãi ngoại giao gần đây, ông Erdogan dường như đang cho thế giới chứng kiến sự nhạy cảm trong tính cách của mình. Phản ứng của ông chỉ càng khiến người châu Âu tin vào nỗi lo ngại rằng ông đang ngày càng trở nên độc đoán”, Robertson nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Thổ Nhĩ Kỳ cấm đại sứ Hà Lan trở lại, dừng quan hệ cấp cao với Amsterdam
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép đại sứ Hà Lan quay lại nước này, dừng các mối quan hệ cấp cao cho đến khi Amsterdam đáp ứng điều kiện của Ankara.
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus. Ảnh: Vestnik Kavkaza.
"Cho đến khi những điều chúng tôi nói được đáp ứng, đại sứ Hà Lan sẽ không được phép quay lại", AFP dẫn lời Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết ngày 13/3. Đại sứ Hà Lan tại Ankara Kees Cornelis van Rij hiện không ở Thổ Nhĩ Kỳ, công việc do đại biện lâm thời đại sứ quán xử lý.
Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan bắt đầu từ ngày 11/3, khi Amsterdam không cho phép máy bay chở ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Rotterdam, nơi ông dự một cuộc mít tinh của người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tranh thủ sự ủng hộ với kế hoạch sửa đổi hiến pháp.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đó gọi Hà Lan là "tàn dư của phát xít", cảnh báo Amsterdam "sẽ phải trả giá". Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua triệu đại sứ Hà Lan tại Ankara để trao công hàm phản đối cách cảnh sát Rotterdam giải tán người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố này ngày 12/3.
Phó thủ tướng Kurtulmus thông báo Ankara còn quyết định dừng các mối quan hệ cấp cao với Amsterdam, hủy cấp phép cho mọi chuyến bay ngoại giao từ Hà Lan tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 13/3.
"Các mối quan hệ cấp cao, cuộc gặp dự kiến cấp bộ trưởng hoặc cao hơn bị dừng cho đến khi Hà Lan đền bù cho những gì họ đã làm", ông Kurtulmus nói. Quốc hội được khuyên nên rút khỏi nhóm hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị thiệt hại bởi điều này".
Như Tâm
Theo VNE
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố Đức hành xử như 'phát xít' Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lên án việc Đức huỷ bỏ các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Reuters "Nước Đức, anh chẳng có liên hệ gì với dân chủ và anh nên biết rằng các hành động hiện nay của mình không khác gì với hành động trong thời phát...