Niềm tự hào của người lính được đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi nghĩ về kỷ niệm được đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đơn vị mình, dòng ký ức lại tràn về với Đại tá Trịnh Đình Thi. Với ông đó là khoảnh khắc tự hào không bao giờ có thể quên.
Trong cái nắng chói chang gay gắt như đổ lửa của mùa hè, chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh, Đại tá Trịnh Đình Thi (87 tuổi) ở thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Người lính cụ Hồ năm xưa giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, tóc đã bạc, trí nhớ cũng có phần giảm sút. Nhưng mỗi khi nhớ lại một thời khó khăn nhưng đầy hào hùng của dân tộc, mắt ông lại sáng lên niềm tự hào. Suốt cuộc đời làm lính, có lẽ kỷ niệm mà ông nhớ nhất, tự hào nhất là vinh dự được đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đơn vị của mình.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang còn trong chiến tranh, khói đạn, năm 16 tuổi như bao chàng thanh niên khác, chàng trai trẻ Trịnh Đình Thi tham gia vào đội du kích địa phương, chuyên phối hợp với các đơn vị quân đội đóng tại địa bàn Hà Nam Ninh. Hàng ngày tổ quân báo có nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình địch. Năm 19 tuổi, ông Thi gia nhập Tiểu đoàn 632, tiền thân Trung đoàn 34 được thành lập năm 1945 ở Nam Định.
Khi đóng quân ở vùng Ninh Bình, đơn vị ông được lệnh hành quân lên vùng Nước Hai, tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1950, ông Thi cùng một số đồng chí được cử đi học pháo binh tại một trường quân sự ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Năm 1952 ông Thi hoàn thành khóa học và về nước. Đầu 1953, đơn vị của ông Thi, lúc này là Trung đoàn pháo binh 45 chuyển về đóng quân tại một vùng rừng núi hiểm trở, bí mật, giáp với 3 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ…
Năm 1953 đơn vị của ông Thi được lệnh tham gia chiến dịch Đông – Xuân. Cũng vào thời gian này, chàng lính Cụ Hồ bất ngờ được đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Binh chủng pháo binh giao cho tôi nhiệm vụ đón Bác Hồ về thăm đơn vị.
Ông Thi nhớ lại kỷ niệm được đón Bác Hồ về thăm đơn vị
Ông Thi nhớ lại: “Lúc được giao nhiệm vụ đi đón Bác tôi rất bất ngờ, vừa hồi hộp, vừa lo lắng vì nhiệm vụ này rất quan trọng. Buổi đón tiếp Bác được đơn vị bố trí ở một Hội trường bí mật nằm sâu trong rừng. Đi cùng tôi còn có 2 đồng chí cảnh vệ, lúc mới gặp Bác, trước mắt tôi là một ông cụ dong dỏng, bước đi nhanh nhẹn tới… Gặp Bác lúc ấy tôi rất căng thẳng, nhưng Bác đã ân cần hỏi chuyện, khiến tôi lấy lại được bình tĩnh. Tôi còn nhớ mãi Bác hỏi “Chú quê ở đâu?” tôi trả lời: “Thưa Bác con quê ở Hà Nam ạ”. Bác cười bảo “Hà Nam 6 tháng đi bằng chân, 6 tháng đi bằng tay”. Lúc ấy tôi cũng không hiểu câu đấy của Bác là như thế nào. Sau này mới nghĩ ra Hà Nam quê tôi là vùng đồng bằng chiêm trũng, nên 6 tháng đi bằng tay là do lụt lội, nên người ta ngồi trên thuyền lấy tay mà chèo”.
Huân chương chiến công hạng 3 của ông Thi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ngay tại trận địa
Về gần đơn vị, ông Thi chạy vội đi báo cáo với thủ trưởng đơn vị là Bác sắp về đến nơi.Sau đấy, ông cùng thủ trưởng ra đón Bác thì không thấy Bác và đoàn người bảo vệ gần chục người đâu. “Lúc ấy tôi vô cùng lo lắng, liên tục phân bua với thủ trưởng là cách đây ít phút Bác vừa báo cáo với Bác đứng đợi ở đây mà…., rồi thủ trưởng trách mắng tôi là không hoàn thành nhiệm vụ, cử đi đón Bác mà để Bác đi lạc đường nào không biết, làm việc không đến nơi đến chốn…” – ông Thi nhớ lại.
Bỗng nhiên hội trường vang lên tiếng vỗ tay mọi người chạy vào mới biết Bác đã vào từ lúc nào. Hóa ra trong khi ông Thi đi báo cáo thì Bác cùng đoàn bảo vệ đã đi ra phía sau hội trường, Bác đã tham quan khu nhà ăn, chỗ nghỉ ngơi của các chiến sĩ…
Sau lần được Bác đến thăm, đơn vị của ông Thi nhận lệnh cấp tốc hành quân lên Tây Bắc chuẩn bị chiến dịch Trần Đình (về sau ông mới biết đây là một “bí danh” của chiến dịch Điện Biên Phủ). Đơn vị ông Thi tập kết ở ngã 3 Tuần Giáo với pháo 105 ly và pháo cao xạ 37 ly. Vàotháng 10 /1953, ông Thi lại nhận được một nhiệm vụ quan trọng làđược cấp trên phân công dẫn đầu tốp quân đi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đơn vị khoảng 20km.
Video đang HOT
Ông Thi nhớ lại: “Tới đơn vị, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã động viên tinh thần chiến đấu cho toàn bộ anh em chiến sĩ. Anh Văn cũng giải thích về chiến lược chiến đấu của ta với phương án “đánh chắc, tiến chắc”, kéo pháo lên rồi lại cho lui để nghi binh quân thù. Toàn bộ anh em sau khi nghe động viên thì vô cùng phấn chấn, dù biết gian khổ, khó khăn, hi sinh là điều khó tránh, nhưng vì Tổ quốc, ai ai cũng quyết tâm”.
Trận mở màn chiến dịch, 24 khẩu pháo của đơn vị ông đồng loạt khai hỏa đã gây ra tổn thất nặng nề cho địch từ những phút đầu trận đánh. Chiều ngày 13/03/1954, cánh quân của ông Thi bắt đầu nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, uy hiếp địch và khống chế vùng trời không cho máy bay định hạ cánh. Ngày 14/03/1954 phối hợp với quân chi viện từ hậu phương, cánh quân của ông Thi đã đánh chiếm được cứ điểm Him Lam và một phần đồi Độc Lập
Ông Thi (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vào ngày 16/03/1954, trong khi trinh sát, ông Thi phát hiện địch tổ chức ứng cứu các cứ điểm vừa bị quân ta đánh chiếm, với 8 xe tăng và 2 tiểu đoàn dù Âu Phi chi viện hòng chiếm lại Him Lam. Pháo binh ta đã nhận lệnh nã đạn vào trúng đội hình địch và gây cho địch một tổn thất nặng nề. Chính nhờ chiến công này mà ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 ngay tại trận địa.
Ông Thi tự hào: “Trong ngày 16/3, Trung đoàn 88 của ta đã giải phóng được đồi Độc Lập, đồng thời bộ binh của ta đã khống chế được bản Kéo nơi bọn ngụy Thái đóng giữ, tôi đã bất ngờ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng Ba” ngay trên trận địa, vì đã có công trinh sát, báo cáo tình hình địch kịp thời giúp quân ta nổ súng đúng thời điểm và đạt thắng lợi”.
Trở về cuộc sống đời thường, nhưng người lính năm xưa không bao giờ quên được kỷ niệm gặp Bác Hồ
Từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, chứng kiến đồng đội ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà. Trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ. Người lính trẻ năm xưa giờ đã có gia đình đuề huề con cháu. Trong những trận chiến ác liệt năm xưa, ông trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều kỷ niệm khó phai. Nhưng ông bảo: “Cuộc đời lính của tôi, không có kỷ niệm nào tự hào và vinh dự như lần được gặp Bác. Từ dáng đi, giọng nói của Bác đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in…”.
Đức Văn
Theo dantri
Cựu chiến binh sưu tầm hơn 6.000 tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ở gian nhà thờ của gia đình, ông Dụy cất giữ hàng ngàn tư liệu quý về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục... của đất nước. Đặc biệt trong đó có hơn 6.000 bài viết, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người ông Dụy hết lòng mến mộ.
Ông là cựu chiến binh Trần Văn Dụy - từng là Đại đội trưởng ra đa C18, nay cư ngụ tại phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Hai lần được gặp tướng Giáp
Trong căn nhà nhỏ mà những người đồng đội cũ xây dựng cho ông an cư cách đây không lâu, ông Dụy không giấu được cảm xúc khi kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt, đặc biệt là thời khắc ông quyết định rời ghế nhà trường để được đứng chung hàng ngũ với thần tượng của mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Dụy chia sẻ: "Năm 1962, khi còn là học sinh Trường THCS Đô Lương (Nghệ An), tôi đã biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những thông tin, bài viết trên báo, đài... Từ những điều biết về Đại tướng về vận mệnh của đất nước tôi quyết định gác lại việc học hành, tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia bộ đội Ra đa Phòng không 18 Ba Bể, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Lúc đó tôi nghĩ đây là cách tôi được gần gũi, đứng chung hàng ngũ với thần tượng của mình".
Từ truyền thống của gia đình và lòng mến mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến nay ông Dụy đang sở hữu hàng chục ngàn tư liệu quý về quá trình đấu tranh, giành độc và xây dựng đất nước.
Từ đó, ông Dụy được thuyên chuyển qua nhiều đơn vị nhưng công việc chính vẫn là người lính ra đa. Đến năm 1968 ông được cấp trên điều động về Đại đội C18, giữ chức đại đội phó; Năm 1971 ông Dụy tiếp tục được cấp trên tín nhiệm và được phân công giữ chức đại đội trưởng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tiêu diệt B52 của giặc Mỹ. Sau khi đất nước thống nhất ông Dụy được điều động về Kiên Giang giữ chức Phó phòng quốc doanh cá.
Trong những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu, ông Dụy có nhiều kỷ niệm nhưng có hai kỷ niệm mà ông không sao quên là hai lần gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Dụy kể: "Lần đầu tiên tôi gặp Bác Giáp là vào 01/10/1964, khi đó Đại đội Ra đa phòng không 18 Ba Bể của chúng tôi được điều lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và nói chuyện với anh em chúng tôi rất thân tình. Anh em chúng tôi không nghĩ: Bác Giáp là một vị tướng vĩ đại, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu... mà khi gặp anh em chúng tôi bác vô cùng giản dị, gần gũi như người anh cả trong nhà".
Ông Dụy đang sở hữu trên 6.000 tư liệu và hình ảnh về Đại tướng
Sau lần gặp gỡ bác Giáp, người lính trẻ Trần Văn Dụy như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất người lính cụ Hồ, nhờ đó qua 2 năm công tác, ông Dụy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được thăng hàm trung úy, giữ chức Đại đội trưởng. Và một lần nữa, trung úy Dụy cùng anh em trong Đại đội Ra đa vinh dự được gặp mặt và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần thứ 2.
Ông Dụy nhớ lại: "Chiều 19/7/1965, do máy bay địch tấn công bất ngờ vào thời điểm Đại đội Ra đa tạm ngừng hoạt động để bảo quản nên nhiều chiến sĩ bị thương vong. Riêng tôi bị thương ở gót chân. Dù rất bận việc, nhưng ngày 24/7, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tranh thủ đến đơn vị, Bác ân cần thăm hỏi, động viên anh em. Ngoài ra, Đại tướng còn chỉ đạo mau chóng khắc phục trận địa, nén đau thương, đoàn kết thành sức mạnh tiếp tục sẵn sàng chiến đấu với giặc. Lúc đó, anh em chiến sĩ càng thêm vững tin, không chỉ không nao núng mà còn tăng thêm tinh thần chiến đấu đến ngày toàn thắng".
Qua hai lần được gặp mặt người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Dụy càng mong muốn được hiểu nhiều hơn về cuộc sống, chiến đấu của Đại tướng. Từ đó, ông Dụy tiếp tục góp nhặt, sưu tầm mọi tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sở hữu lượng báo in lớn nhất Việt Nam!
Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Dụy vẫn giành một vị trí trang trọng để lưu trữ cho kho tư liệu quý giá của mình, nhất là những tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt từ ngày về hưu, ông Dụy có thời gian sắp xếp, hệ thống lại hàng ngàn tư liệu mà ông sưu tầm theo 7 mảng lớn (Văn hóa Việt Nam; Đấu tranh giành độc lập, chống ngoại xâm (1930 - 1975); Danh nhân - Thời đại Hồ Chí Minh; Việt Nam phát triển từ 1955; Các vụ án gây thiệt hại cho đất nước.... với 167 chủ đề ở 7 mảng.
Cẩn thận lật từng trang tư liệu viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông sưu tầm hơn nửa đời người, ông Dụy chia sẻ: "Sở dĩ tôi có được nguồn tư liệu dồi dào như hôm nay là xuất phát từ truyền thống gia đình có thói quen lưu trữ tư liệu. Ngoài ra, tôi có một tình cảm đặc biệt với Bác Hồ và vị chỉ huy của mình nên mỗi khi đọc sách, báo... những tư liệu nào hay về hai vị ấy là tôi giữ lại, đóng thành những cuốn sách lớn rồi cho vào túi nilon bảo quản. Trong tủ sách gia đình của tôi hiện nay, tư liệu về Đại tướng chiếm đa số, trên 6.000 tư liệu.
Để thuận tiện trong việc lưu giữ và sử dụng, ông Dụy tạo "cuốn vở ""Mục lục" như thế này
Trên căn gác nhỏ, tại gian nhà thờ tổ tiên ông Dụy đặt những cái kệ và xếp đầy những cuốn "album" tư liệu đặc biệt về các vị lãnh tụ, tướng Giáp và hàng trăm tập sách và hàng ngàn tràn viết tay về chính trị, văn hóa, khoa học... Riêng với những tư liệu liên quan đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... ông Dụy cất công dùng bìa cứng đóng thành cuốn sách lớn và bảo quản rất cẩn thận. Trong nguồn tư liệu về Việt Nam phát triển (giai đoạn từ 1955) ông Dụy còn lưu giữ nhiều bài viết hay về sự đổi mới phát triển kinh tế, giáo dục, y tế... nước nhà trên các báo Nhân Dân, Sài Gòn, Tuổi Trẻ và cả những bài viết về công tác khuyến học, khuyến tài đăng trên báo Khuyến học và Dân trí hãy còn nóng hổi tín thời sự.
Nói về vấn đề giáo dục, sử dụng người tri thức hiện nay, ông Dụy trầm ngâm chia sẻ: "Vấn đề trọng dụng người tri thức, vấn đề giáo dục của đất nước mình còn nhiều điều phải làm lắm, đặc biệt là việc các cháu đi học bây giờ tốn kém, từ lớp 1 cho đến ngày lấy bằng đại học không dưới nửa tỷ đồng nhưng khi ra trường lại thất nghiệp hoặc phải tốn thêm một số tiền nửa mới có việc làm thì lãng phí cho gia đình và cho đất nước vô cùng! Khi còn sống, trong 6 vấn đề cấp bách mà bác Giáp nêu ra trong đó tại vấn đề thứ 6, bác Giáp nhấn mạnh về giáo dục và y tế vì đây là hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Hơn nữa, bác Giáp nhắc lại lời Bác Hồ rằng "ai cũng có quyền học hành", do đó xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí...".
Giờ đây những lúc rãnh rỗi, ông Dụy nói chuyện ở khu xóm hoặc kể cho con cháu nghe về thần tượng của mình là bác Võ Nguyên Giáp
Nhân những ngày đầu năm mới, ông Dụy mở cho chúng tôi xem cuốn tư liệu "tình yêu" - chuyên lưu giữ những bài viết trên các báo về chuyện tình của các lãnh tụ, anh hùng, cán bộ chủ chốt của đất nước qua các thời kỳ, trong đó có các bài viết về tình yêu gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Tình yêu thời chiến của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi; tình cảm gia đình của nữ tướng Nguyễn Thị Định...
"Nhiều người đến xem tủ sách gia đình của ông đều trầm trồ thán phục, không bởi số lượng sự kỳ công của việc ông Dụy sưu tầm, bảo quản mà chính là hàng ngàn tư liệu quý, bài báo, hình ảnh về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quá trình đấu tranh và phát triển của đất nước ở các mặt trận kinh tế, văn hóa, giáo dục... từ giai đoạn đầu đến thời điểm hôm nay. Đặc biệt, Bác Dụy là một tấm gương giáo dục hết sức cụ thể cho các bạn trẻ và kể cả những cán bộ Đảng viên mới trưởng thành về niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam" - Phó Bí thư thường trực phường Vĩnh Quang, ông Vũ Đình Trường chia sẻ.
Nguyễn Hành
Theo dantri
Về Tân Trào thăm quê hương Cách mạng Cách đây đúng 70 năm, trong những ngày tháng 12 sục sôi khí thế cách mạng, tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã có những chuyển biến cách mạng mang tính chất quyết định, để rồi từ đó Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Di tích Lán Nà Nưa là nơi Bác...