Niềm tin của giới doanh nghiệp Mỹ với chính quyền dần cải thiện
Kết quả thăm dò dư luận mới nhất tại Mỹ cho thấy lần đầu tiên niềm tin của giới doanh nghiệp nhỏ về cách thức điều hành nền kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng lên trong quý IV/2022.
Mặc dù mức tăng không nhiều và tăng từ mức thấp nhất lịch sử, nhưng đây vẫn là dấu mốc đáng ghi nhận đối với uy tín của ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, D.C. ngày 4/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 11/12, phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả khảo sát của CNBC thực hiện từ ngày 9 – 16/11 vừa qua đối với gần 2.600 chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden trong quý IV tăng từ mức 31% của quý liền kề trước đó là lên 34%. Đây là lần tăng đầu tiên sau 8 quý cầm quyền của Tổng thống Biden và chấm dứt chuỗi 6 quý giảm liên tiếp.
Theo giới quan sát, kết quả thăm dò trên là dấu hiệu cho thấy sức mạnh chính trị của ông Biden sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua. Tuy nhiên, những cuộc bầu cử này không phải là nguyên nhân, hoặc ít nhất không phải là nguyên nhân duy nhất của xu hướng đảo ngược này. Trong nhiều cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc khác, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden bắt đầu tăng từ tháng 8 sau khi chạm đáy hồi mùa hè. Nguyên nhân được cho là do giá xăng bắt đầu giảm và ông gặt hái được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực lập pháp, vốn bị đình trệ trong thời gian đầu nhiệm kỳ, bao gồm Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) cùng với Luật CHIPS và Khoa học.
Các chuyên gia cho rằng cho dù nguyên nhân là gì, việc tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden gia tăng là rất đáng chú ý. Bà Laura Wronski, quản lý cấp cao về nghiên cứu khoa học của Momentive, đánh giá sự cải thiện này rất quan trọng, vì đây là điểm phá vỡ xu hướng và có thể là khởi đầu cho “cú lội ngược dòng” của ông Biden ở Main Street (thuật ngữ được các nhà kinh tế sử dụng để gọi chung cho các doanh nghiệp nhỏ độc lập của Mỹ, trái ngược với Phố Wall – dùng để đề cập đến doanh nghiệp và công ty tài chính lớn), lẫn trên phạm vi toàn quốc.
Video đang HOT
Mặc dù không có sự dịch chuyển kinh tế mang tính kiến tạo nào kể từ quý III, nhưng việc tăng tỷ lệ ủng hộ đang đem đến lợi thế cho chính quyền Tổng thống Biden. Ông Charles Franklin, nhà khoa học chính trị và giám đốc của khảo sát từ Đại học Marquette, cho rằng dù là giá xăng giảm hay những thành tựu về lập pháp, thì đó đều là dấu hiệu cho thấy sự cải thiện, giúp Tổng thống Biden thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ ảm đạm của mình.
Mặc dù vậy, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden vẫn đang dưới mức trung bình trong mọi cuộc thăm dò. Cuộc thăm dò đầu tiên của Viện Gallup sau bầu cử giữa kỳ vừa qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden vẫn duy trì ở mức 40%. Khảo sát của Đại học Marquette sau bầu cử giữa nhiệm kỳ cho thấy tỷ lệ cử tri đảng Dân chủ muốn ông Biden tái tranh cử vào năm 2024 tăng nhẹ.
Các chủ doanh nghiệp nhỏ trong khảo sát của CNBC tiếp tục đánh giá lạm phát là rủi ro hàng đầu với hoạt động kinh doanh của họ và không tin rằng lạm phát sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, ít nhất là vị thế của ông Biden vẫn đang tăng lên.
Ngoài cuộc khảo sát trên, CNBC cũng tiến hành một cuộc khảo sát song song với hơn 11.000 người Mỹ không điều hành doanh nghiệp. Kết quả cho thấy 45% số người được hỏi ủng hộ ông Biden, tăng nhẹ so với mức 41% trong quý III/2022, nhưng vẫn rất thấp so với tỷ lệ 58% của quý đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Vì sao Mỹ vẫn xuất khẩu mạnh dầu diesel dù trong nước khan hiếm
Mỹ hiện đang đối phó với tình trạng thiếu dầu diesel, và thực tế đó khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao họ vẫn xuất khẩu loại nhiên liệu này.
Câu trả lời cuối cùng là hoạt động xuất khẩu dầu diesel được quyết định bởi yếu tố kinh tế, khi các công ty có thể bán sản phẩm của họ với giá cao hơn ở nước ngoài.
Ngay cả khi nước Mỹ vật lộn với một trong những đợt thiếu hụt dầu diesel tồi tệ nhất từng được ghi nhận, các công ty của nước này vẫn xuất khẩu hơn một triệu thùng sản phẩm dầu chưng cất mỗi ngày.
Đó không phải là một diễn biến mới. Các doanh nghiệp Mỹ đã xuất khẩu hơn một triệu thùng dầu diesel mỗi ngày trong khoảng một thập kỷ qua. Nhưng câu hỏi là tại sao hoạt động đó vẫn diễn ra vào thời điểm khó khăn này.
Câu trả lời ngắn gọn và đơn giản là các công ty đang làm điều đó bởi vì họ có thể, và bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn khi bán sản phẩm ra nước ngoài thay vì bán ở Mỹ. Người tiêu dùng có thể phàn nàn, nhưng những công ty này đang cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể, và điều đó có nghĩa là họ sẽ bán sản phẩm cho những người trả giá cao nhất.
Một nhà máy lọc dầu bên bờ biển vịnh Mexico của Mỹ muốn vận chuyển các sản phẩm chưng cất đến Bờ Đông phải tuân theo Đạo luật Jones - đạo luật yêu cầu bất kỳ hàng hóa nào được vận chuyển giữa các cảng trong nước phải được vận chuyển bởi các tàu của Mỹ, với thủy thủ đoàn người Mỹ. Điều này có thể làm tăng chi phí và khiến cho việc xuất khẩu sang châu Âu hoặc Nam Mỹ của nhà máy lọc dầu đó trở nên tiết kiệm hơn.
Một điểm quan trọng khác là đôi khi các sản phẩm chưng cất được xuất khẩu vì không đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ. Ví dụ, vào năm 2006, Cục Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA) bắt đầu áp dụng nhiều quy định hơn để giảm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu diesel xuống 15 phần triệu (PPM). Điều này đòi hỏi các nhà máy lọc dầu phải đầu tư tốn kém để tuân thủ, nhưng một số nhà máy lọc dầu đã quyết định tiếp tục sản xuất dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao và xuất khẩu sang các nước có quy định ít nghiêm ngặt hơn. Thực tế đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và là lý do giải thích cho hoạt động xuất khẩu.
Cuối cùng là quyết định kinh doanh của mỗi công ty, mặc dù có thể hiểu rằng người tiêu dùng sẽ khó chịu trước những quyết định như vậy.
Hai yếu tố làm tăng lượng dầu diesel được xuất khẩu là các quy định vận chuyển (đặc biệt là Đạo luật Jone) và các quy định về môi trường (thúc đẩy bán loại dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp).
Một câu hỏi rõ ràng khác là tại sao chính phủ Mỹ không cấm các công ty xuất khẩu nhiên liệu trong thời kỳ khủng hoảng nhiên liệu? Đó là một vấn đề mang tính chính trị. Cuộc khủng hoảng liệu có được xoa dịu nếu một lệnh cấm như vậy được đưa ra? Thật khó để tranh luận rằng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng nó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở những nơi khác.
Châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhiên liệu do tình hình ở Ukraine. Họ đang dựa vào hàng xuất khẩu của Mỹ để giúp giảm bớt gánh nặng nhiên liệu khi bước vào mùa Đông.
Một người tiêu dùng Mỹ có thể nói rằng đây không phải là vấn đề của chúng tôi, nhưng điều này không được thực hiện vì những lý do nhân đạo. Một số quốc gia ở trong tình trạng thiếu thốn tệ hơn Mỹ về nguồn cung cấp nhiên liệu và họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được hàng hóa.
Đó là những lý do giải thích tại sao các công ty Mỹ vẫn đang xuất khẩu dầu diesel giữa bối cảnh khan hiếm trong nước.
Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đưa công xưởng ở nước ngoài về nước Theo báo cáo mới nhất về xu hướng dịch chuyển công xưởng Mỹ vừa được công bố ngày 23/8, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đang đưa các công xưởng từ các nước trở về Mỹ, tạo thêm được khoảng 350.000 vị trí việc làm cho người Mỹ chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay. Công nhân làm việc tại một nhà máy...