Niềm hạnh phúc “Mang lại phép nhiệm màu”…
Từng chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu qui trình nuôi cấy, biệt hoá tế bào gốc sinh tinh để điều trị vô sinh nam giới”; Được ghi tên trên sách Vàng về công trình nghiên cứu Quy trình chuẩn đoán một số bệnh di truyền trước chuyển phôi để sàng lọc phôi thụ tinh trong ống nghiệm…
Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Đình Tảo
Đảm nhận vai trò người thầy đứng lớp giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò tại Học viên Quân y…người lính ở tuổi trên 60 vẫn rạng ngời ánh mắt hạnh phúc khi nói về lương tâm người thầy thuốc và những đứa con của các cặp gia đình hiếm muộn.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế và GS.TS. Nguyễn Đình Tảo tại Lễ chúc mừng sự kiện em bé thứ 100 ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm tại BV Đa khoa 16 A Hà Đông.
Ông là Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Đình Tảo – Chuyên gia về hỗ trợ sinh sản – Nguyên Giảng viên Học viện quân y – Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ Phôi – Học viện quân y. Hiện là chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa 16A Hà Đông.
“Người cha đỡ đầu” của hàng ngàn em bé…
Một trong những đề tài được Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Đình Tảo tâm đắc trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình là đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình chẩn đoán một số bệnh di truyền trước chuyển phôi để sàng lọc phôi thụ tinh trong ống nghiệm” (2013 – 2015).
Ông chia sẻ: Trước những năm 2005 kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ ở Việt Nam nghe còn rất xa xôi. Các cặp vợ chồng chỉ có thể chẩn đoán trước sinh khi thai đã được 16 tuần. Phương pháp chuẩn đoán là chọc ối. Nếu không may phôi bị dị tật thì phải đình chỉ thai, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và tinh thần của bà mẹ.
“Tôi đã có một ước mơ là nghiên cứu quy trình kỹ thuật này đưa vào áp dụng tại Việt Nam. Đã có dịp tới thăm bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, tôi không cầm được nước mắt khi thấy những bệnh nhân mắc bệnh di truyền Thalassemia (bệnh di truyền gen lặn do đột biến gen mã hóa chuỗi globin nằm trên nhiễm sắc thể số 11 và 16) và bệnh Teo cơ tuỷ (Spinal muscular atrophy – SMA, bệnh thần kinh cơ di truyền lặn do đột biến mất đoạn gen nằm trên nhiễm sắc thể số 5). Những bệnh nhân này còn nhỏ cùng bố mẹ suốt đời phải gắn liền với bệnh viện. Hình ảnh các em bé cùng các cha mẹ bồng bế nhau trong bệnh viện càng thôi thúc trách nhiệm của một người thầy thuốc, một nhà khoa học phải làm gì để bớt gánh nặng đó cho gia đình và cho xã hội”… Ông nói.
Ông cho biết: Thụ tinh trong ống nghiệm là lĩnh vực đang rất phát triển tại Việt nam trong hơn 20 năm trở lại đây. Hiện cả nước có khoảng 30 trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm đang hoạt động. Với nguyện vọng đáp ứng và giúp đỡ kịp thời các cặp vợ chồng hiếm muộn, bản thân ông và Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK 16A Hà Đông nỗ lực đáp ứng mọi điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tính đến nay, trung tâm đã đi vào hoạt động được 18 tháng với ghi nhận được nhiều thành công. Trung tâm tự hào đã đón khoảng gần 100 bệnh nhân/ngày đếm khám và tư vấn điều trị.
Video đang HOT
Tính đến ngày 31/01/2019, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK 16A Hà Đông đã thực hiện khám và tư vấn trên 9.000 lượt bệnh nhân, đã thực hiện thủ thuật chọc hút noãn trên 400 chu kỷ, tỷ lệ có thai sau chuyển phôi đạt trên 51% tương đương các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản nhiều kinh nghiệm trong nước và trên thế giới.
Trung tâm đã thực hiện kỹ thuật IVF và chuyển phôi thành công rất nhiều ca khó, bao gồm các ca đã lớn tuổi, không có tinh trùng trong tinh dịch, vợ chồng mang gen bệnh…Điểm chung của các ca nay là đều đã đến rất nhiều các trung tâm Hỗ trợ sinh sản lớn tại Việt Nam, Thái Lan và coi Trung tâm Hỗ trợ sinh sản 16a Hà Đông là hy vọng cuối cùng.
Hạnh phúc của những gia đình hiếm muộn…
Đề tài nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Đình Tảo đã mang lại niềm hạnh phúc cho các gia đình mang gen bệnh đã sinh ra được những em bé khỏe mạnh, giảm thiểu các trường hợp sinh con bị bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Với sự thành công này, các gia đình có nguy cơ sinh con bị bệnh không phải ra nước ngoài để chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi, giảm chi phí trên 50% cho các bệnh nhân làm xét nghiệm so với các trung tâm tương tự ở nước ngoài.
Chị Hoàng Thị Hằng (sinh năm 1975) và ông Thái Khắc Diên (sinh năm 1972) ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Đôi vợ chồng đã cao tuổi, mong con nhiều năm và đi điều trị ở rất nhiều các bệnh viện lớn. Tuy nhiên chỉ đến khi được tư vấn và điều trị trực tiếp tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK16A Hà Đông, niềm vui mới thực sự mỉm cười với họ.
Chị Phạm Thị Ái Nga 1983 và anh Đinh Vũ Mạnh 1978 ở Đà Nẵng: Đôi vợ chồng mong con 10 năm do anh Vũ Mạnh được chẩn đoán là không có tinh trùng trong tinh dịch. Đôi vợ chồng trẻ đã rất buồn khi xác định phải đi xin tinh trùng để tạo em bé, tuy nhiên khi đến với Trung tâm HTSS 16A Hà Đông, bằng kỹ thuật PESA (phương pháp chọc hút lấy tinh trùng từ tinh hoàn), anh chị đã được đón đứa con đầu lòng mang ADN của cả bố và mẹ.
Chị Trần Thị Ngọc Linh (sinh năm 1981) và anh Nguyễn Quốc Trung (sinh năm 1977) ở Thái Nguyên: Đôi vợ chồng mong có con trong 12 năm trời do chị Linh được chẩn đoán là suy buồng trứng, trứng kém và niêm mạc mỏng khó đậu thai khi chuyển phôi. Chị Linh đã thực hiện kỹ thuật chọc trứng tổng cộng 9 lần, chịu rất nhiều mệt mỏi và đau đớn, cộng với áp lực kinh tế và xã hội. Chị đã muốn bỏ cuộc và tìm đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông. Anh chị đã đón nhận niềm vui vô bờ sau khi sinh em bé kháu khỉnh.
Chị Nguyễn Thị Vân sinh năm 1990 và Anh Nghiêm Xuân Cháng sinh năm 1986 ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Đôi vợ chồng rất trẻ nhưng lại cùng mang gien bệnh tan máu bẩm sinh trong người. Anh chị bị phù thai 1 lần và rất đau lòng khi biết anh chị trùng hợp lại cùng mang gen bệnh hiếm. Nhưng niềm vui của anh chị đã đến ngay từ lần đầu làm phôi tại Trung tâm để sinh một bé trai rất kháu khỉnh, hoàn toàn khỏe mạnh…
Chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi (PGD) là kỹ thuật sàng lọc di truyền, lựa chọn được những phôi khỏe mạnh trước khi cấy chuyển phôi vào buồng tử cung. Với khả năng đó, kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi làm giảm nỗi lo sinh ra những em bé dị tật bẩm sinh bằng cách loại bỏ những phôi bất thường ngay từ giai đoạn phôi 5 ngày tuổi, chuyển các phôi không mang bệnh vào tử cung người mẹ để sinh ra em bé khỏe mạnh.
Đây là một phương pháp dự phòng tiên tiến, hiệu quả cho các bệnh di truyền trong đó có bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, bệnh Teo cơ tuỷ.
MAI THI
Theo tuoitrethudo
Nỗ lực để những em bé sinh ra đều khỏe mạnh
Đình chỉ thai nghén ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Điều này cũng là mất mát to lớn về mặt tinh thần và vật chất cho các cặp vợ chồng vô sinh và hiếm muộn.
Giảm tỷ lệ đình chỉ thai nghén do dị tật thai nhi, tăng tỷ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là cơ hội, động lực cho những cặp đôi vô sinh, hiếm muộn tiếp tục bền lòng thực hiện khát khao có cho mình đứa con thân yêu.
Đây là kết quả nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới, trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước chuyển phôi của Học viện Quân y.
Thiếu con-ngôi nhà không còn là tổ ấm
Mỗi cặp vợ chồng khi đến với nhau, nên duyên vợ chồng ai cũng đều mong muốn hạnh phúc của mình "đơm hoa kết trái" để có cho mình những đứa con yêu. Dù xã hội có phát triển văn minh hiện đại đến đâu, thì trong thâm tâm nhiều người Việt vẫn luôn cho rằng, ngôi nhà có tiếng cười trẻ thơ mới là tổ ấm hạnh phúc nhất.
Thế nhưng trên thực tế hiện nay, không ít những cặp vợ chồng sau khi kết hôn do số phận trớ trêu lại phải đeo bên mình "cái án" vô sinh, hiếm muộn. Nhiều người đã phải trải qua những năm tháng mòn mỏi, khát khao chờ đợi, cùng với việc tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để có cho mình một đứa con với mong muốn gia đình được hạnh phúc trọn vẹn.
GS. TS Hoàng Văn Lương, PGĐ Học viện Quân y, chủ nhiệm đề tài
Với sự phát triển của nền khoa học trong điều trị vô sinh, hiếm muộn, hầu hết những cặp vợ chồng này đều sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không phải ai cũng được may mắn, họ đã phải trải đầy những giọt nước mắt, những đớn đau, những lần hi vọng rồi tuyệt vọng mà ai không một lần chứng kiến, hoặc là người trong cuộc mới có thể hiểu thấu.
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã khó, nhưng khi thành công để có được một "thiên thần" khỏe mạnh lại càng khó khăn hơn. Trao đổi với phóng viên một phụ nữ quê ở Quảng Ninh cho biết " Khó khăn lắm em mới đậu thai, đến tháng thứ 4 cần làm một số xét nghiệm. Trong đó, xét nghiệm phát hiện bệnh Down thì bình thường, tuy nhiên khi xét nghiệm máu, bác sĩ lại bảo là các chỉ số về máu của em thấp, có khả năng mang gen bệnh Thalasemia, bác sĩ tư vấn là hai vợ chồng lên Viện Huyết học TƯ để làm xét nghiệm lại cho cụ thể. Lên xét nghiệm trên Bệnh viện Huyết học TƯ thì bác sĩ ở đây kết luận là hai vợ chồng mang gen beta thalasemia, một bệnh tan máu bẩm sinh, cho nên bắt buộc phải đình chỉ thai nếu thai nhi bị bệnh".
Đó chỉ là một ví dụ trong hàng trăm cặp vợ chồng tìm đến Trung tâm mô phôi nhờ tư vấn, tìm ra phương pháp để có được đứa con không bị bệnh, không bị dị tật. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện nhưng tất cả họ đều mang một niềm hy vọng về một ngôi nhà hạnh phúc đầy ắp những tiếng cười của trẻ thơ.
Niềm vui bất ngờ với nhiều cặp vợ chồng
Những biện pháp hỗ trợ sinh sản đang được coi là nhu cầu hết sức cần thiết cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Gần đây Học viện Quân y đã nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới, trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước chuyển phôi. Theo GS. TS Hoàng Văn Lương, PGĐ Học viện Quân y, chủ nhiệm Đề tài thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, KC 10 cho biết:" Với việc ứng dụng kỹ thuật này sẽ làm tăng tỉ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, giảm tỉ lệ dị tật thai nhi cho những cặp vợ chồng vô sinh, mang lại niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vì sinh ra trẻ em không bị dị tật".
Các Bác sĩ Học viện Quân y đang miệt mài thực hiện các bước xét nghiệm
Đối với phương pháp thụ tinh ống nghiệm thông thường, một thai nhi không được sàng lọc trước chuyển phôi, đến tuần thứ 10 của thai kỳ mới có thể làm các xét nghiệm đánh giá xem thai nhi đó có hoàn toàn khỏe mạnh hay không. Trong khi rối loạn nhiễm sắc thể ở giai đoạn sớm của phôi làm cho tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm thấp (chỉ 35% - 40%). Việc ứng dụng kỹ thuật giải trình gen thế hệ mới trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước khi chuyển phôi, giúp tỷ lệ thành công của TTON có thể đạt tới 70-80%, sẽ tạo cơ hội cho những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Lần đầu tiên áp dụng các kỹ thuật mới tại Việt Nam, để có được kết quả như hiện nay, GS.TS Hoàng Văn Lương cùng nhóm nghiên cứu đã phải trải qua không ít những khó khăn, thực hiện các bước cho cán bộ đi học kỹ thuật, đánh giá độ chính xác để đảm bảo độ chính xác 100%. Khi thực hiện các bước kỹ thuật, nhóm nghiên cứu phải gửi các mẫu kiểm tra chéo tại trung tâm Xét nghiệm trước chuyển phôi uy tín, Trung tâm sàng lọc trước chuyển phôi, Đại học Quốc gia Singapore. Kết quả kiểm tra chéo giữa kỹ thuật của chúng tôi và kỹ thuật ở trung tâm Đại học Quốc gia Singapore cho thấy độ chính xác 100% thì mới có thể áp dụng trên bệnh nhân.
Việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ này sẽ có rất nhiều đứa trẻ khỏe mạnh ra đời
Kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới đã xuất hiện được khoảng một thập kỷ. Kỹ thuật này được áp dụng cho sàng lọc phôi trên thế giới từ năm 2014 và hiện nay Việt Nam thực hiện những bước đi đầu tiên. Với kỹ thuật mới này đã đưa công nghệ tiên tiến nhất trong công nghệ sinh học và tin sinh học vào Việt Nam, giúp sàng lọc trước chuyển phôi được lệch bội ở tất cả các nhiễm sắc thể. Chẩn đoán chính xác, nhanh, rất hiệu quả, giá thành hợp lý.
Từ khi thực nghiệm thành công, đã có rất nhiều bệnh viện gửi phôi thai đến Học viện Quân y để xét nghiệm thay vì trước đây phải ra ngoài làm xét nghiệm.
Sau 2 năm, đề tài Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước chuyển phôi tại Học viện Quân y đã đánh giá được độ chính xác của kỹ thuật tại trung tâm uy tín của Singapore. Thực hiện được gần 200 cặp vợ chồng vô sinh và hiếm muộn.
Một đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh không chỉ làm giảm đi gánh nặng cho gia đình, xã hội... Có thể nói đây là dấu mốc quan trọng khi đưa thành công kỹ thuật tiên tiến về y học vào ứng dụng thực tế tại Việt Nam. Đây là cơ hội, là động lực cho những cặp đôi vô sinh, hiếm muộn tiếp tục vững bước trên hành trình tìm con, thoát khỏi "cái án" vô sinh, hiếm muộn.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo: vô sinh và hiếm muộn là vấn đề nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21 và căn bệnh này dần trở nên phổ biến ở các nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Theo một nghiên cứu do Bênh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội thực hiện năm 2015 trên phạm vi toàn quốc. Tỷ lệ vô sinh và hiếm muộn trong độ tuổi sinh sản ở nước ta chiếm 7, 7%.
Hiện tại, vô sinh và hiếm muộn còn đang dần trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, áp lực lên quá trình hỗ trợ và điều trị. Những rối loạn nhiễm sắc thể ở giai đoạn sớm của phôi bao gồm cả những dị tật thường gặp như bệnh down, patau (ba tau)... là những căn bệnh phổ biến hiện nay, chiếm khoảng 1,5 - 2% so với trẻ sinh theo phương pháp tự nhiên. Việc phải đình chỉ thaitrong giai đoạn thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, mà đó còn là mất mát to lớn về mặt tinh thần và vật chất.
Theo congly
Sản phụ sinh 3 từ thụ tinh trong ống nghiệm ở Nghệ An Các bác sỹ vừa mổ bắt con thành công cho sản phụ sinh 3 nhờ thụ tinh trong ống nghiệm ở Nghệ An. Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, vợ chồng sản phụ Bùi Thị Thuận (SN 1986, trú tại Hà Tĩnh) cưới nhau được 5 năm nhưng không có khả năng sinh con. Sau nhiều...