Niềm an ủi từ những đứa con của phạm nhân buôn ma túy
Chịu 15 năm tù, nhưng Hoàng Thị Thanh Tâm vẫn may mắn hơn nhiều người khác vì hai đứa con chưa một lần trách mẹ.
Về trại giam Quyết Tiến của Bộ công an (Tuyên Quang) để cải tạo, Hoàng Thị Thanh Tâm (47 tuổi ở TP Lào Cai) sống khép mình, ít tâm sự chuyện riêng so với những tù nhân khác. Có những lúc tưởng chừng suy sụp không thể vượt qua được, thậm chí định tìm đến cái chết vì bản án dài 15 năm, song sợ mẹ già và hai con nhỏ không có người chăm sóc, chị lại gượng dậy để quên đi tất cả.
“Ngày mới vào, tôi chỉ sợ bị coi khinh và đánh đập nhưng thực tế khác hoàn toàn. Trong buồng giam cũng như giám thị trại ai cũng động viên tôi cải tạo tốt để thành người có ích. Nghĩ mà cảm động”, Tâm chia sẻ và khoe, đến nay nhờ cải tạo tốt chị đã được giảm án 4 lần và mới đây nhất được giảm 15 tháng.
Giảm án là niềm vui lớn nhưng phạm nhân Tâm bảo vui hơn vẫn được cán bộ quản giáo ghi nhận để cho phép chị được gặp con trong phòng hạnh phúc của trại giam. “Chỉ được gặp các cháu có hơn một tiếng thôi nhưng được vuốt ve mái tóc của các con thì gì bằng”, nữ tù nhân mang tội buôn bán ma túy ngấn nước mắt khi nói.
Tâm sụt sùi bảo, ngày chồng ra khỏi tại giam Hồng Ca, chị nghĩ các con sẽ được cha quan tâm bù đắp nhưng không ngờ chỉ được vài năm sau người đàn ông từng mang tội chống người thi hành công vụ đã ra đi vĩnh viễn sau một trận cảm. Cũng kể từ đó đến nay, Tâm luôn đau đáu lo cho các con ở ngoài cuộc sống không có ai uốn nắn sẽ lại vướng vào các tệ nạn xã hội. Vào tù, nữ phạm nhân này bảo vẫn may mắn hơn nhiều người khác vì hai đứa con chưa một lần trách mẹ. Có lần nghe con động viên chị đã khóc ròng vì thương chúng.
Hoàng Thị Thanh Tâm tại trại giam Quyết Tiến.
Video đang HOT
Cũng giống như nhiều phạm nhân khác, khi được hỏi về con đường phạm tội, Tâm lảng tránh. Chị ta biện minh có người bạn của chồng ở Điện Biên hay qua nhà chơi rồi đưa một gói đồ bảo đi bán sẽ được tiền. Không biết đó là gì, song Tâm bảo vẫn muốn thử xem lời nói đó của bạn chồng có thật hay không. Tuy nhiên khi đi giao hàng cho một người đàn ông ở gần chợ gốc Mít, chị ta đã bị cảnh sát bắt.
Chị Tâm bị cảnh sát ma túy công an tỉnh Lào Cai phát hiện chiều một ngày trung tuần tháng 3/2004. Kiểm tra trong ống tay áo trái, các trinh sát phát hiện bên trong có 4 gói heroin. Khám xét nhà Tâm, nhà chức trách thu thêm 3 lọ (chứa heroin) vùi dưới đống gạch vỡ, dưới đống lá khô. Quá trình điều tra, Tâm khai, trước đó 10 ngày, chị ta mua số heroin trên của Lù Văn Hương (ở Điện Biên) với giá gần chục triệu đồng. Có hàng trong tay, Tâm mang về bán để kiếm lời.
Sau những giây phút trải lòng, nữ tù nhân thành thật bảo: “Chỉ vì ham tiền nên dù biết là hàng chết người nhưng vẫn cố bán”.
Tháng 8/2004, Hoàng Thị Thanh Tâm bị TAND tỉnh Lào Cai đưa ra xét xử. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Hảo cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Là người phụ nữ đã có gia đình, chồng đã vi phạm pháp luật và đang ngồi tù, thế nhưng bị cáo đã không chịu làm ăn lương thiện để nuôi nấng giáo dục các con mà lại đi vào con đường mà túy.
Thẩm phán nhận định, nếu số ma túy bị cáo mua được bán ra thị trường thì tác hại sẽ rất lớn, tạo điều kiện cho bao nhiêu người đi sâu vào ma túy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, kinh tế và hạnh phúc gia đình của họ. Ngoài ra còn gây mất trật tự xã hội, đặc biệt ở Lào Cai, nơi mà các tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp và còn rất nhiều tác hại khác nữa. Vì vậy, cần phải xử lí thật nghiêm khắc để cải tạo giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.
Bản án 15 năm tù của HĐXX tuyên với Tâm ngay sau đó.
Theo vietbao
15 năm dân "treo" cùng dự án
Dự án Làng đại học Đà Nẵng "treo" suốt 15 năm và cũng từng ấy thời gian người dân nằm trong diện quy hoạch của dự án phải sống cảnh khó khăn về sinh hoạt, an sinh xã hội cũng như việc an cư lạc nghiệp.
Dự án Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997, với diện tích 300ha thuộc địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), quy mô đào tạo 30.000 sinh viên, tổng kinh phí đầu tư dự kiến ở thời điểm đó là 1.700 tỷ đồng.
Người dân nơi đây cũng đã từng phấn khởi và tin tưởng rằng khi dự án Làng đại học hoàn thành, bộ mặt đô thị và đời sống người dân nơi đây sẽ được thay đổi ít nhiều. Thế nhưng suốt 15 năm qua, dự án vẫn "giẫm chân tại chỗ" khiến người dân thuộc diện quy hoạch "đi không được mà ở cũng không xong". 15 năm qua họ phải sống "treo" cùng quy hoạch.
Nhà bà Cam đất còn rất rộng nhưng không thể tách thửa cho con
Vì nằm trong diện quy hoạch của dự án nên các hộ dân ở đây không thể tách thửa cho con cái đã trưởng thành, không được sang nhượng, không thể cầm cố thế chấp để vay vốn làm ăn, trời mưa thì ngập úng nhưng không thể sửa sang... Điều này đã gây bức xúc rất nhiều trong nhân dân.
Gia đình bà Mai Thị Tuyết (tổ 32, phường Hòa Quý) có 4 người con và một mẹ già, trong đó có 2 người con đã lập gia đình riêng. Vì bà không được tách thửa đất cho con nên tất cả đều phải sống chung trong một ngôi nhà chật chội. Mỗi mùa mưa bão, gia đình bà lại phải chạy qua nhà người khác ở nhờ vì ngập lụt đến gần nửa nhà. Khi cần tiền, bà muốn bán đất cũng không xong vì đất nằm trong diện quy hoạch.
"15 năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh chật chội mà không thể tách thửa cho con trong khi đất nhà tôi là hơn 3.000 m2, mùa mưa thì phải chạy lũ. Không biết chúng tôi còn phải sống như thế này để bao giờ", bà Tuyết bức xúc.
Cùng nỗi bức xúc, ông Lê Trung Phú (tổ 22, phường Hòa Quý) cho biết: "Đất nhà tui đã kiểm định 2 lần nhưng đến nay vẫn chưa được đi, muốn xây dựng, sửa chữa cũng không được. Đất của mình, nhà của mình nhưng không thể làm gì".
Bà Trần Thị Cam thì cho biết: "Nhà tui làm từ năm 1995 nhưng làm trên đất màu, giờ muốn chuyển đổi đất sử dụng cũng không được vì nằm trong diện quy hoạch. Con cái đã trưởng thành và có gia đình nhưng cũng không tách thửa cho chúng được. Cái bếp dột miết muốn sửa cũng không xong",
Cũng theo người dân nơi đây, họ muốn cơi nới thêm cái bếp, xây hàng rào hay xây chuồng gà, chuồng lợn để chăn nuôi cũng không được vì vướng quy hoạch. Cha mẹ muốn cho con cái đất không được xác nhận. Hàng ngàn người lại chịu cảnh thất nghiệp trong khi đất đai lại bỏ hoang.
Theo ông Phạm Cường, tổ trưởng tổ 32 cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn bởi vướng phải quy hoạch. Nhiều hộ gia đình có 4 - 5 người con đã trưởng thành nhưng không thể tách thửa vì thế cả mấy thế hệ điều sống trong một gia đình. Năm 1995, tổ 32 có 50 hộ dân, bây giờ lên 100 hộ nhưng nhà thì vẫn chừng đó chứ không có gì thay đổi. Ngay cả nhà văn hóa tổ - nơi để bà con sinh hoạt cũng không có. Người dân đã nhiều lần xin xây nhà văn hóa tổ nhưng đều không được. Mỗi lần họp tổ đều phải mượn nhà dân.
Quá bức xúc, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương cũng như tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết hợp lý.
Để tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân, năm 2010 UBND TP Đà Nẵng đã có công văn cho phép mỗi sổ đỏ được xây một ngôi nhà để trú bão với diện tích 50m2. Tuy nhiên, theo người dân, nếu nhà có 5 người con mà xây được 1 cái thì ai ở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hòa, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, trên địa bàn phường Hòa Quý có khoảng hơn 1.000 dân nằm trong diện quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng và khu tái định cư định cư làng đại học. Cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn bởi không thể tách thửa cho con cái, không thể sang nhượng, cầm cố thế chấp vay vốn làm ăn, mùa mưa thì ngập úng. Theo ông Hòa, vấn đề này phường đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng vẫn chưa được giải quyết. "Đây là dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chúng tôi cũng chỉ có thể chia sẻ, cảm thông với những khó khăn của người dân chứ không làm được gì khác. Nhưng nếu dự án còn quy hoạch lâu thì mong thành phố và Bộ hãy để cho người dân được hưởng quyền lợi của họ", ông Hòa bày tỏ.
Theo Dantri
"Hiệp sĩ đường phố" vỡ mộng giấc mơ... nhà Quá nổi tiếng với thành tích hơn 400 vụ bắt cướp trên đường phố trong suốt 15 năm thế nhưng, "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến (sinh 1974) đến nay vẫn chưa thể đạt được "thành tích" cho riêng mình là có được căn nhà để vợ con hết kiếp ở thuê. "Hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến. Nay, giấc mơ ấy gần...