Nick Út tặng bức ảnh ‘Em bé Napalm’ cho bảo tàng Việt Nam
Sáng 6/5, bức ảnh nổi tiếng thế giới “ Em bé Napalm” được nhà nhiếp ảnh Huỳnh Công Út (Nick Út) – cựu phóng viên hãng AP trao tặng cho Bảo tàng phụ nữ Việt Nam.
Chia sẻ về lý do tặng bức ảnh, ông Nick Út cho biết, ông muốn gửi bức ảnh tại một nơi để gìn giữ lịch sử cho đất nước, cho thế hệ trẻ. Hình ảnh về một người phụ nữ, câu chuyện về một người phụ nữ trong chiến tranh như chị Kim Phúc không đâu phù hợp hơn là Bảo tàng phụ nữ Việt Nam.
Nick Út đã tặng bảo tàng 5 bức ảnh, trong đó có 4 bức ông chụp và một bức do đồng nghiệp chụp có hình ảnh của ông khi cứu giúp bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông cũng tặng cho bảo tàng chiếc máy ảnh Nikkormat mà ông đã sử dụng trong thời gian làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam.
Các bức ảnh của ông Nick Út được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ.
“Dù nhiều bảo tàng trên thế giới muốn có những bức ảnh này để triển lãm song tôi đã quyết định tặng bức ảnh về người Việt Nam cho mảnh đất này”, ông Nick Út nói.
Kể lại thời điểm chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, Nick Út cho biết, khi ông đang ở chiến trường Trảng Bàng, chuẩn bị về Sài Gòn thì được chứng kiến máy bay thả 4 trái bom Napalm. Sau đám khói đen, ông thấy nhiều người chạy ra kêu cứu, trong đó có bà ngoại của Kim Phúc bế đứa cháu 3 tuổi chết trên tay, chạy sau bà là cô bé không mặc quần áo, toàn thân bị bỏng. Nick đã đưa các em bé đến bệnh viện Củ Chi chữa trị.
Tiếp nhận những bức ảnh chiến tranh, bà Dương Thị Hằng, Phó giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, bày tỏ bảo tàng rất vinh dự được ông Nick Út tin cậy gửi tặng những bức ảnh của mình. “Đây là những bức ảnh có giá trị lịch sử, có sức sống vượt thời gian. Bức ảnh đã truyền tải nỗi đau của chiến tranh, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh trên thế giới”, bà nói.
Video đang HOT
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ trưng bày các tác phẩm đến 18/5 phục vụ khách tham quan, sau đó sẽ cất giữ để bảo quản.
Ông Nick Út (bên phải) trao tặng các bức ảnh và máy ảnh cho lãnh đạo Bảo tàng phụ nữ Việt Nam.
Năm 1972, bức ảnh Em bé Napalm sau 4 giờ được gửi đi từ Sài Gòn đã gây sốc toàn thế giới, châm ngòi cho phong trào phản chiến ở Mỹ và nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh khắp châu Âu. Tác phẩm cũng mang về giải thưởng danh giá Pulitzer (Mỹ) cho Nick Út năm 1973. Từ một nạn nhân chiến tranh, cô bé Kim Phúc đã trở thành Đại sứ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Giờ đây, cô đi khắp thế giới để nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, cả những di chứng và những vết thương đã khép miệng.
Phóng viên ảnh Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Nick Út nhập quốc tịch Mỹ và làm phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, Mỹ. Ông theo dõi tất cả loại tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh.
Đoàn Loan
Theo VNE
Facebook thay đổi quan điểm về bức ảnh "Em bé napalm"
Trước những chỉ trích quá lớn từ cộng đồng người dùng, Facebook đã buộc phải đồng ý bỏ lệnh kiểm duyệt bức hình lịch sử "Em bé napalm".
Tổng biên tập nhật báo lớn nhất Na Uy gửi thư chỉ trích Mark vì xóa ảnh "Em bé napalm".
Facebook đã có phản hồi sau khi quyết định kiểm duyệt bức ảnh "Em bé napalm" bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội .CEO Mark Zuckerberg bị tờ báo lớn nhất Na Uy cáo buộc lạm dụng quyền lực và gây ảnh hưởng tự do dân chủ.
Facebook bị lên án sau khi kiểm duyệt và gỡ bỏ bức ảnh lịch sử chụp năm 1972. Trong ảnh, em gái Kim Phúc người Trảng Bàng, Tây Ninh, Việt Nam chạy trên đường sau trận càn bom cháy của quân Mỹ. Nick Út, người ghi lại bức ảnh lịch sử được nhận giải Pulitzer.
Tập đoàn công nghệ Mỹ đã đăng tải thông báo khẳng định "luôn lắng nghe cộng đồng" và nhận thức được "tầm quan trọng toàn cầu" của bức ảnh.
"Bởi vì tầm quan trọng lịch sử của bức ảnh biểu tượng với giá trị chia sẻ vượt qua mọi điều khác nên chúng tôi quyết định khôi phục bức ảnh đã bị xóa trên Facebook", Facebook viết.
"Sẽ cần một thời gian để điều chỉnh hệ thống tuy nhiên bức ảnh sẽ được chia sẻ bình thường trong những ngày tới. Chúng tôi luôn hy vọng cải thiện chính sách để đảm bảo rằng tự do ngôn luận được tôn trọng và giữ an toàn cho cộng đồng", Facebook nói.
Tranh cãi nổ ra sau khi cây bút Tom Egeland người Na Uy đăng tải bức hình "Em bé napalm" và bị xóa khỏi trang cá nhân. Tài khoản của Egeland cũng bị treo sau đó.
Tờ nhật báo lớn nhất Na Uy Aftenposten cũng bị treo vì sử dụng bức ảnh này trong bài đăng trên trang Facebook. Tổng biên tập tờ báo ngay lập tức gửi thư phàn nàn với Mark Zuckerberg về chính sách kiểm duyệt vô lý với bức hình.
Bức ảnh khiến cả thế giới bàng hoàng vì mức độ khủng khiếp của chiến tranh Việt Nam.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng tham gia cuộc khẩu chiến và cũng bị Facebook xóa ảnh khi đăng tải "Em bé Napalm". Thủ tướng Erna đã yêu cầu công ty Facebook "xem lại chính sách kiểm duyệt".
Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas viết: "Nội dung không phù hợp sẽ phải loại bỏ, tuy nhiên không phải là bức ảnh làm cả thế giới xúc động".
Sau khi Facebook khôi phục bức ảnh, Thủ tướng Erna viết: "Thật là tốt. Tôi rất vui mừng. Điều này cho thấy mạng xã hội có thể tạo ra những chuyển biến chính trị".
Theo Quang Minh - IBT (Dân Việt)
'Em bé Napalm' giúp các cựu binh Mỹ chữa sẹo chiến tranh Bà Nguyễn Thị Kim Phúc, người nổi tiếng khắp thế giới với khoảnh khắc bị trúng bom napalm của không quân Mỹ ở miền nam Việt Nam, đang làm việc với một quỹ từ thiện để giúp đỡ chính các cựu binh điều trị những vết thương của chiến tranh. Bà Kim Phúc và nhiếp ảnh gia Nick Út trong một sự kiện...