Nhượng quyền sân bay: Minh bạch, cạnh tranh mới tránh được độc quyền!
“Hàng không là hình ảnh của quốc gia. Việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không – sân bay cho tư nhân sẽ tốt cho đất nước cả về trung hạn và dài hạn. Tuy nhiên phải tuân thủ 3 nguyên tắc là minh bạch, giám sát và tạo áp lực cạnh tranh”.
Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương – khẳng định như vậy tại Hội thảo Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam, diễn ra sáng nay (8/4), tại Hà Nội.
Bàn về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết, trong giai đoạn 2015-2020 ngành hàng không cần lượng vốn đầu tư rất lớn vào kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế. Vì vậy để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) là một nhu cầu cấp thiết.
Với Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra chủ trương cho phép các doanh nghiệp tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không – sân bay (CHK-SB). Từ chủ trương này, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và nhiều nhà đầu tư tài chính khác đã ngỏ ý “mua” lại hạ tầng CHK-BS, trong đó Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, nhà ga T1-Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng.
Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc đã được Bộ GTVT trình Chính phủ “bán” trong năm 2015 này
Thực tế, nhượng quyền khai thác thương mại không phải là điều gì mới mẻ với hàng không thế giới, nhưng tại Việt Nam còn có nhiều vấn đề liên quan đến sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào thị trường hàng không, trong đó có việc “mua” quyền khai thác thương mại nhà ga sân bay và tiến tới là các dịch vụ khác như định giá tài sản nhà nước, đấu thầu, năng lực tài chính và trình độ quản lý, khai thác của doanh nghiệp…
Câu hỏi đặt ra ở đây là mua lại nhà ga có dẫn đến chuyển sự độc quyền từ chủ thể này sang chủ thể khác (chủ thể là hãng hàng không)? Nhà nước có cơ chế kiểm soát và chính sách gì để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác kinh doanh hiệu quả?
Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định: Xã hội hoá hàng không là việc các thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư xây dựng, kinh doanh-quản lý công trình CHK-SB hoặc quản lý doanh nghiệp hàng không. Việc xã hội hoá kết cấu hạ tầng CHK-SB chỉ được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của doanh nghiệp, bằng hợp đồng cụ thể, do vậy việc xã hội hoá không được và không thể chuyển giao hoặc ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật như nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, kiểm dịch y tế cửa khẩu… Sẽ có những nguyên tắc, biện pháp hành chính để tránh tình trạng độc quyền trong khai thác CHK-SB sau khi chuyển nhượng.
Video đang HOT
Cần những nguyên tắc “bất di bất dịch”
Ở góc độ là chủ đầu tư kiêm nhà khai thác các CHK-SB hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) – nêu nguyên tắc: Nhà đầu tư phải thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch được duyệt, tham gia vào đảm bảo an ninh quốc phòng khi có yêu cầu của Nhà Nước.
Ngoài năng lực tài chính, nhà đầu tư phải có năng lực vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực để thực hiện, việc vận hành khai thác phải đảm bảo tất cả các hãng hàng không được tiếp cận và cung cấp dịch vụ một cách công bằng. Việc lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo minh bạch, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà Nước, Nhà đầu tư và người sử dụng, không gây thất thoát tài sản của Nhà Nước.
Xã hội hóa CHK-SB phải đảm bảo 3 nguyên tắc: Minh bạch, giám sát, cạnh tranh
Theo ông Hùng, việc nhượng quyền khai thác cả sân bay hay nhà ga hành khách cho một hãng hàng không là trường hợp thiểu số trên thế giới. Tuy nhiên, nếu một hãng hàng không hoặc một liên minh các hãng hàng không được phép mua quyền khai thác hoặc sở hữu một sân bay, công trình kết cấu hạ tầng trong sân bay thì phải có quy định.
“Phải đảm bảo các hãng hàng không khác được tiếp cận một cách công bằng với các dịch vụ được cung cấp tại sân bay. Nếu không, chính sự độc quyền này sẽ tạo ra sự chèn ép các hãng hàng không khác, làm giảm lượng hành khách từ các hãng hàng không khác đến sân bay” – ông Hùng nêu quan điểm.
Xuất hiện tại hội thảo này với danh nghĩa là một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương – bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương xã hội hóa CHK-SB của ngành GTVT. Theo ông Thành, trong một nền kinh tế mở, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, như với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải thực hiện những cam kết về mua sắm Chính phủ, thì không chỉ tư nhân trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng.
“Sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn sở hữu Nhà nước, lí do là sẽ hạn chế được những xung đột giữa nguồn lực – quyền lực – lợi ích. Tuy nhiên, tư nhân chỉ là điều kiện cần, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo cạnh tranh, điều này sẽ hạn chế và tránh độc quyền. Có cạnh tranh thì mới chọn được đối tác tốt, nhà đầu tư tốt, doanh nghiệp tốt” – ông Võ Trí Thành khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh đến 3 nguyên tắc để đảm bảo sự thành công của công cuộc xã hội hóa CHK-SB là minh bạch, giám sát và tạo áp lực cạnh tranh. Bởi, có công khai minh bạch thì mới thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực, cùng với đó việc giám sát hoạt động này cần sự tham gia của các đơn vị độc lập để đảm bảo sự khách quan, về yếu tố cạnh tranh thì cần có những chuẩn mực tối thiểu dựa trên phản ứng của thị trường và can thiệp của Nhà nước.
“Hàng không là hình ảnh của quốc gia, việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không-sân bay cho tư nhân sẽ tốt cho đất nước cả về trung hạn và dài hạn, tuy nhiên phải tuân thủ 3 nguyên tắc là minh bạch, giám sát và tạo áp lực cạnh tranh” - ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Đại diện cho các hãng hàng không, ông Nguyễn Đức Tâm – Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air – nêu lên sự so sánh về hiệu quả khai thác hàng không giữa Việt Nam và khu vực. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có 92 triệu dân nhưng tỉ lệ sân bay/triệu dân và tỉ lệ ghế cung ứng/người dân là thấp trong khu vực.
“Rõ ràng là nhu cầu mở rộng, nâng cấp, xây mới các nhà ga sân bay đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đáp ứng được tốc độ tăng nhu cầu vận chuyển của người dân mà Ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bao cấp. Những quan ngại về độc quyền, cạnh tranh đều có thể giải quyết bằng các quy định.” – ông Tâm khẳng định.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Cục Hàng không yêu cầu rà soát chất lượng phục vụ hành khách khuyết tật
Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng vận chuyển và các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung các quy định nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hành khách khuyết tật tham gia giao thông hàng không.
Ngành hàng không rà soát lại công tác phục vụ hành khách là người khuyết tật
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều lệ vận chuyển, đưa ra các quy trình cụ thể, rõ ràng nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu đi lại của hành khách là người khuyết tật và loại bỏ các quy trình, thủ tục phiền hà phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 13/4.
Trong thời gian tiến hành rà soát, sửa đổi điều lệ vận chuyển, các hãng hàng không có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách khuyết tật lên/xuống tàu bày thuận tiện, theo đúng quy định.
Với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiên nghiêm túc Quy chế chủ trì điều phối hoạt động tại Cảng Hàng không, sân bay của Giám đốc Cảng hàng không - sân bay, trong đó chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ của Giám đốc cảng hàng không trong việc "Chủ trì, giải quyết những khiếu nại của hành khách liên quan đến dịch vụ cung cấp tại cảng hàng không - sân bay" và trách nhiệm "yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ giải quyết những khiếu nại của khách hàng", đặc biệt đối với hành khách là người khuyết tật.
Xây dựng lộ trình bổ sung xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay tại các Cảng Hàng không, sân bay hiện chưa có xe nâng theo đúng quy định, báo cáo Cục Hàng không trước ngày 13/4.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng yêu cầu Tổng Công ty này ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không- sân bay chủ động cung cấp thông tin về đường dây nóng của cảng hàng không - sân bay cho hành khách sử dụng dịch vụ; rà soát, bố trí vị trí đặt thông báo đường dây nóng phù hợp, thuận tiện cho hành khách liên hệ, phản ánh, kiến nghị.
Các Cảng vụ Hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không tại các Cảng Hàng không, sân bay, đặc biệt là chất lượng dịch vụ cung cấp cho hành khách là người khuyết tật. Chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết các kiến nghị, đề xuất, khiếu nại của hành khách.
Liên quan đến công tác phục vụ hành khách, Cục này cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không nghiêm túc triển khai, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên trong việc thực hiện văn hóa ứng xử với hành khách sử dụng dịch vụ theo phương châm "4 xin" và "4 luôn".
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Xử phạt 2 nhân viên Vietjet Air từ chối phục vụ hành khách khuyết tật Cảng vụ Hàng không miền Trung vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với 2 nhân viên của hãng Vietjet Air vì có hành vi từ chối làm thủ tục vận chuyển đối với một hành khách bị khuyết tật trên chuyến bay từ Đà Nẵng đi Hà Nội. Cụ thể, Cảng vụ Miền Trung đã...