Nhường chỗ cho thủy điện… người dân đang “khốn khó!”
Hơn hai năm kể từ ngày về khu tái định cư mới, nhường chỗ cho xây dựng Thủy điện Đồng Nai 3, cuộc sống của 3.000 người dân xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) lâm vào tình trạng “bất ổn” do thiếu đất sản xuất và thiếu cả nước sinh hoạt.
Thủy điện Đồng Nai 3, nằm trên bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Đắk Glong (Đắk Nông) và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà (Lâm Đồng) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Công trình có tổng công suất thiết kế 180MW, tổng mức đầu tư 5.675 tỷ đồng, được khởi công xây dựng tháng 12-2004, khánh thành và đưa vào vận hành tháng 6-2011. Để có mặt bằng cho xây dựng lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, toàn xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong đã phải giải tỏa nơi ở cũ, di dời lên khu tái định cư và tái định canh mới.
Khu tái định cư Đắk P’lao
Việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho xây dựng công trình thủy điện lớn của quốc gia là cần thiết và hết sức bình thường, nếu như chủ đầu tư và chính quyền địa phương thực hiện tốt các tiêu chí nhằm bảo đảm “nơi tái định cư, tái định canh mới của bà con phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ!”. Thế nhưng, thực tế công tác tái định cư, tái định canh ở Thủy điện Đồng Nai 3 không những chưa thực hiện được các tiếu chí trên, mà còn đẩy người dân lâm vào tình cảnh khó khăn hơn trước. Những ngày đầu năm 2013 này, chúng tôi về khu tái định cư Đắk P’lao, tìm hiểu thực tế cuộc sống của bà con, và đã ghi nhận rất nhiều trăn trở, lo âu của người dân cũng như lãnh đạo địa phương.
Làm việc với chúng tôi, đồng thí K’Lớ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Plao cho biết: “Đắk P’lao thành lập năm 1984, vốn là xã khó khăn với đa số đồng bào là người dân tộc thiểu số. Đã vậy, từ đầu năm 1991, khi có quy hoạch Thủy điện Đồng Nai 3 là công việc sản xuất và phát triển kinh tế của bà con bắt đầu đình trệ. Cũng vì lẽ đó mà hơn 60% dân số xã Đắk P’lao thuộc diện đói nghèo. Từ tháng 7 đến tháng 10-2010, khi lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, 630 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu của xã Đắk P’lao phải di dời lên khu tái định cư mới. Có thể nói, về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của xã, nhà văn hóa các thôn, buôn và nhà ở của bà con được quy hoạch khá căn cơ và xây dựng khang trang hơn so với nơi ở cũ. Cụ thể, 5/5 thôn, buôn đều có nhà văn hóa cộng đồng, đường nhựa đã đến tất cả các thôn, buôn; Điện sinh hoạt tới 100% hộ. Về đất ở và nhà ở, mỗi hộ được cấp 1.000m2, được xây dựng 40m2 nhà ở và 15m2 công trình phụ. Tuy nhiên, trong khâu tái định canh và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt lại bộc lộ nhiều bất cập, khiến cuộc sống của bà con lâm vào tình cảnh khó khăn hơn nơi ở cũ!”.
Đất quá dốc, lại cằn cỗi và thiếu nước nên người dân không sản xuất được
Điều tra trên thực tế, được biết Ban quản lý Dự án thủy điện 6 (EVN) và chính quyền huyện Đắk G’long đã khai hoang 650 ha đất sản xuất để cấp cho bà con, bình quân 1ha/hộ. Thế nhưng diện tích đất khai hoang dự kiến cấp cho bà con sản xuất lại nằm ở địa hình đồi núi quá dốc, đất cằn cỗi và thiếu nước nên không thể sản xuất được. Nhận thấy đất sản xuất không đủ điều kiện sản xuất, chính quyền xã Đắk P’lao đã không giao đất cho bà con trên thực địa. Vì vậy, từ khi về khu tái định cư mới hầu hết bà con ở các thôn 1, thôn 2 và thôn 3, xã Đắk P’lao chỉ nhận được “phiếu bốc thăm nhận đất” chứ không có đất.
Tâm sự với chúng tôi, đại diện các hộ K’Tong, H’Mang, H’Hiệp và H’Hoa ở thôn 1 bức xúc: “Đầu năm 2012, chúng tôi được xã phát cho tờ Phiếu bốc thăm nhận đất sản xuất, phiếu này có ghi cụ thể thửa đất và diện tích đất, nhưng thực tế lại chưa được giao đất. Không có đất, từ ngày về khu định cư mới cả thôn, cả xã ngồi chơi và cũng chẳng có nguồn thu nào để bảo đảm cuộc sống!”.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho thấy, trong tổng số 650 đất đã khai hoang để cấp cho dân, chỉ có 140 ha có thể sản xuất được, vì vậy UBND xã Đắk P’lao mới giải quyết được cho 87 hộ ở thôn 4 và thôn 5, còn lại 543 hộ ở các thôn 1, thôn 2 và thôn 3 thiếu đất sản xuất. Theo ông Biện Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông, trách nhiệm chính trong việc để người dân thiếu đất sản xuất là của chính quyền huyện Đắk Glong, vì đã quy hoạch khu đất sản xuất ở vị trí không đủ điều kiện sản xuất.
Không có đất sản xuất, bà con thôn 1, xã Đắk Plao chỉ biết ngồi chơi!
Về nước sinh hoạt, Bí thư Đảng ủy – K’Lớ thông tin thêm: Ban quản lý Dự án thủy điện 6 đã đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước, gồm giếng khoan, máy bơm, bồn chứa nước để cấp tới các khu dân cư. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, các công trình này đã hư hỏng máy bơm, và không có người đứng ra thu và trả tiền điện bơm nước nên cũng không thể hoạt động được. Thậm chí tính đến tháng 1-2013 này, UBND xã Đắk P’lao đang phải gánh khoản nợ hơn 10 triệu đồng tiền điện bơm nước ở 3 công trình cấp nước. Không có nước sinh hoạt, người dân khu tái định cư Đắk P’lao phải đầu tư khoan giếng, với chi phí khoảng 40 triệu đồng/giếng. Vì vậy, toàn xã mới chỉ có 30 hộ diện kinh tế khá giả mới đủ điều kiện khoan giếng lấy nước, còn lại 600 hộ dân sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Không có nước, bà con phải ra suối cách xa 2-3 km để gùi, thồ nước về dùng, hoặc phải mua nước của các hộ có giếng với giá 25 nghìn đồng/m3. Đã không có đất sản xuất, hàng ngày lại phải mua nước sinh hoạt cũng làm cho cuộc sống của 600 hộ dân vốn đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Theo điều tra, hiện toàn xã Đắk P’lao còn tới 67% hộ diện nghèo, và với tình trạng này dự báo tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo ở Đắk P’lao sẽ còn tăng.
Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, chính quyền huyện Đắk Glong và EVN cần tiếp tục phối hợp để sớm giải quyết đất sản xuất và hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho 630 hộ dân khu tái định cư Đắk P’lao. Không thể để người đã hy sinh lợi ích cho công trình điện của quốc gia lại phải sinh sống trong tình trạng “bất ổn” như hiện nay.
Theo ANTD