Những yếu tố khó lường của đại dịch
Lần đầu tiên thế giới ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc mới COVID-19 trong ngày (12/1), chủ yếu là nhiễm biến thể Omicron, trong khi số ca bệnh trong tuần cũng lên tới 15 triệu, cao nhất từ trước đến nay.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa phải lên tiếng cảnh báo: “ Biến thể Omicron vẫn là một virus nguy hiểm, đặc biệt với người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19″. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2022, người đứng đầu WHO “gióng lên hồi chuông” báo động trước sự lây lan chóng mặt của Omicron, khi nhiều người có phần chủ quan bởi cho rằng đây là kịch bản đã được dự báo trước và Omicron chỉ gây bệnh nhẹ.
Chỉ trong hai ngày 11 và 12/1, một loạt nước xác nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch. Ở châu Âu có Đức, Pháp, Bulgaria, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Croatia… Tại châu Á, Nhật Bản ngày 12/1 ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 13.000 ca, cao nhất 4 tháng, sau thời gian tưởng như dịch đã lặng lẽ biến mất.
Số ca mắc mới tại đất nước “Mặt Trời mọc” đã tăng hơn 16 lần trong vòng 2 tuần đầu năm, số ca mắc tại Ấn Độ tăng gấp 20 lần trong 1 tháng, còn thủ đô Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp đôi trong 1 tuần. Quốc gia Trung Đông Israel hay nước châu Mỹ Mexico đều “ghi tên” vào danh sách những địa điểm có ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có. Đây là những minh chứng rõ nhất cho thấy sự hoành hành của biến thể Omicron, mới được phát hiện chưa đầy 1 tháng rưỡi trước.
WHO dự đoán hơn 50% dân số châu Âu (gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước ở vùng Trung Á) sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay. Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cảnh báo biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới càn quét toàn châu Âu.
Tính đến ngày 10/1, có 26 quốc gia tại châu lục này ghi nhận hơn 1% dân số mắc COVID-19 mỗi tuần. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần. Tại Mỹ, giới chức nước này cũng dự báo làn sóng mới do biến thể Omicron có thể đạt đỉnh vào ngày 19/1, khi “tất cả những người có thể nhiễm virus đã đều nhiễm hết”.
Các kết quả nghiên cứu ở Nam Phi, quốc gia đầu tiên thông báo phát hiện ca Omicron, cho thấy tỷ lệ người nhiễm biến thể này không có triệu chứng cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Điều này có thể giải thích tại sao biến thể mới lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Giáo sư Hideaki Oka thuộc Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Saitama (Nhật Bản) nêu rõ những người nhiễm Omicron ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể vô tình lây lan virus cho cộng đồng xung quanh mà không hề hay biết.
Omicron ảnh hưởng đến cả người đã tiêm và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng nguy cơ bệnh trở nặng ở người chưa tiêm cao hơn nhiều lần. Theo số liệu thống kê của Israel, trong làn sóng dịch do Omicron hiện nay, số bệnh nhân nhập viện là người chưa tiêm vaccine ngày càng tăng, dù nhóm này chỉ chiếm khoảng ⅕ dân số trưởng thành của Israel. Cụ thể, chỉ có 14% người dân Israel trên 20 tuổi chưa được tiêm phòng COVID-19 nhưng nhóm này lại chiếm tới 45% số ca bệnh nặng; 100% ca nguy kịch cần thở máy ECMO hiện tại ở Israel đều là những người chưa tiêm. Những bệnh nhân chưa tiêm cũng chiếm 81% số ca bệnh cần được trợ thở.
Trong khi đó, Giáo sư Jean-Michel Dogné, Trưởng Khoa Dược tại Đại học Namur (Bỉ) cho biết: “Nguy cơ nhập viện giảm 81% đối với những người được tiêm mũi thứ ba so với những người không được tiêm, và giảm 70% nguy cơ biến chứng nặng. Việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và ở các địa điểm công cộng cần phải được duy trì và coi là chuẩn mực. Biểu đồ dịch tễ COVID-19 sẽ là cơ sở để chúng ta áp dụng các biện pháp tùy theo mức độ lây nhiễm ở các thời điểm nhất định”.
Từ Mỹ, chuyên gia dịch tễ hàng đầu – Tiến sĩ Anthony Fauci – cho rằng dù số ca mắc mới và nhập viện ở Mỹ đang ở mức cao chưa từng thấy và dự báo đạt đỉnh vào cuối tháng này, song Mỹ đang tiến đến “ngưỡng” chuyển sang sống chung với COVID-19 như một bệnh có thể kiểm soát được. Theo ông, với khả năng lây lan nhanh, virus SARS-CoV có thể tạo ra nhiều biến thể mới, tấn công những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Mặc dù hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 giảm, song cho đến nay, những người đã tiêm vaccine vẫn được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng.
Tiến sĩ Ezekiel Emanuel – chuyên gia từng làm việc tại một ban cố vấn về dịch COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden – cũng chia sẻ quan điểm COVID-19 sẽ trở thành “bệnh đặc hữu” vào cuối năm 2022, điều này đồng nghĩa với việc dịch bệnh trở nên ổn định hơn và có thể dự báo. Ông đánh giá nước Mỹ cần chuẩn bị một kế hoạch chiến lược cho giai đoạn này, trong đó bao gồm chuẩn bị vaccine, tăng số người tiêm chủng, cải thiện hệ thống thông gió, kịp thời điều trị mọi bệnh nhân sau khi phát hiện dương tính trong vòng 3 ngày…
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng nhận định sự lây lan của biến thể Omicron cho thấy COVID-19 đang trên đường trở thành một bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung. Theo ông Marco Cavaleri – người phụ trách chiến lược vaccine của EMA, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với sự miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý sự lây lan nhanh chóng của Omicron sẽ tạo sức ép khổng lồ có thể nhấn chìm hệ thống y tế toàn cầu. Vì thế, ông nhấn mạnh không nên để virus lây lan tự do khi thế giới vẫn còn nhiều người chưa tiêm vaccine.
Đặc phái viên của WHO về COVID-19 David Nabarro đánh giá sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã “bắt đầu le lói”, song trong 3 tháng tới, tình hình y tế toàn cầu sẽ còn rất phức tạp. Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News (Anh), ông nhận định: “Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói rằng chúng ta đã đi gần đến đích. Chúng tôi thấy rằng sự kết thúc (của đại dịch) không còn xa nữa. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến (về số ca mắc mới COVID-19)”.
Chuyên gia của WHO đồng thời cảnh báo rằng “virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển” và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới; các đợt bùng phát dịch bệnh vẫn có thể xảy ra sau mỗi 3-4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới. Điều đó tạo ra những yếu tố khó lường của đại dịch, khiến thế giới vẫn cần cảnh giác.
COVID-19 tới 6h sáng 13/1: Thế giới thêm 2,9 triệu ca mắc; Ca mắc và tử vong mới ở Mỹ cao nhất
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2,9 triệu ca mắc COVID-19 và trên 7.200 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 317 triệu ca, trong đó trên 5,52 triệu ca tử vong.
Tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 tăng cường cho nhân viên y tế tại New Delhi, Ấn Độ ngày 10/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 680.000 ca), Pháp (361.719 ca) và Ấn Độ (241.976 ca).
Video đang HOT
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.987 ca), Nga (745 ca) và Ba Lan (685 ca).
Như vậy, cả số ca mắc và tử vong mới ở Mỹ đều cao nhất thế giới trong 24 giờ qua. Tính từ đầu đại dịch, Mỹ cũng là quốc gia có nhiều ca mắc và tử vong nhất: trên 64,1 triệu ca mắc và trên 866.000 ca tử vong.
Biến thể Omicron lan nhanh khiến số ca mắc mới ở nhiều quốc gia tăng vọt, liên tục lập kỷ lục mới. Trong 24 giờ qua, có 7 quốc gia ghi nhận tới hàng trăm nghìn ca mắc mới. Mặc dù lan nhanh nhưng có nghiên cứu trên 70.000 bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ cho thấy nguy cơ nhập viện do biến thể Omicron thấp hơn 50% so với Delta. Kết quả này phù hợp với những phát hiện tương tự từ Nam Phi, Anh và Đan Mạch, cũng như một loạt các thí nghiệm trên động vật. Dù độc lực của Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn, nhưng các bệnh viện ở nhiều quốc gia đang phải chống chọi với số ca mắc mới tăng vọt.
Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao
Trước tốc độ lây lan nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, hàng loạt quốc gia châu Âu đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao trong 24 giờ qua.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp ngày 29/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức Pháp thông báo số ca mắc mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, với 361.719 ca.
Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer cho biết có khoảng 10.000 trường học đang phải đóng cửa và khoảng 50.000 ca mắc COVID-19 được phát hiện tại các cơ sở giáo dục này. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã thông báo quy định mới bắt buộc các học sinh từng tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 phải tự làm xét nghiệm COVID-19 trước ngày trở lại trường.
Cũng trong ngày 12/1, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tới 77.722 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên trên 10,1 triệu ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế nước này cũng cho biết với thêm 145 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 hiện tăng lên 84.125 ca.
Cùng ngày, Slovenia cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 7.420 ca, tăng 52% so với một tuần trước đó. Theo Viện Y tế công quốc gia Slovenia, cho đến nay có 67,3% trong tổng số khoảng 2 triệu dân tại nước này đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng bệnh.
Dịch COVID-19 cũng diễn biến phức tạp tại Serbia với 12.877 ca mắc mới và 26 ca tử vong trong ngày 12/1. Hiện tổng số ca mắc tại đây là 1.386.114 ca, trong đó có 12.984 ca tử vong.
Tại Hà Lan, số ca mắc mới COVID-19 đã vượt 200.000 ca trong tuần đầu tiên của tháng 1/2022. Viện Y tế và môi trường (RIVM) nước này cho biết với 201.536 ca mắc mới ghi nhận trong các ngày 4-11/1, tổng số ca mắc theo tuần tại đây đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 200.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát. Tỷ lệ ca mắc mới theo tuần đã tăng 77% so với tuần trước đó. Mức tăng này phù hợp với các dự báo trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây.
Cũng theo RIVM, nhóm từ 18-29 tuổi ghi nhận tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 ở mức cao nhất. Trong khi đó, số ca nhập viện cũng như số ca phải điều trị tích cực vì COVID-19 đang giảm. Theo thống kê, kể từ ngày 3-9/1, có tổng cộng 873 bệnh nhân COVID-19 nhập viện, giảm so với 1.046 trường hợp của một tuần trước đó.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Munich, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ngày 12/1, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 80.542 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát gần 2 năm trước đây.
Số ca mắc mới COVID-19 ở Đức trong 24 giờ qua vượt mức cao kỷ lục gần 65.400 ca ghi nhận hồi giữa tháng 11/2021. Trong 24 giờ qua Đức cũng ghi nhận 331 ca tử vong vì COVID-19. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước là 407,5/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 258,6 một tuần trước. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Đức ghi nhận hơn 7,7 triệu ca mắc mới COVID-19 và 115.650 ca tử vong vì dịch bệnh này.
Trong bối cảnh số ca mắc mới tăng mạnh, giới chức Đức cho biết các biện pháp mới phòng ngừa COVID-19 được chính quyền liên bang và các bang thông qua cuối tuần trước sẽ nhanh chóng được thực thi. Theo Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach, các quy định mới sẽ sớm có hiệu lực sau khi được Quốc hội và Hội đồng liên bang phê chuẩn, có thể trong tuần tới. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ các bang đã có thể thực thi các quy định mới này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại cửa khẩu Promachonas, biên giới giữa Bulgaria và Hy Lạp, ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 12/1, Bulgaria đã ghi nhận 7.062 ca mắc COVID-19 mới, mức theo ngày cao nhất ở nước này kể từ đầu dịch, chủ yếu do biến thể Omicron gây ra.
Số ca mới, tăng mạnh từ đầu năm 2022, đã vượt qua mức đỉnh trước đó hồi cuối tháng 10/2021 ở Bulgaria. COVID-19 cũng đã gây ra 89 ca tử vong mới trong 24 giờ qua tại quốc gia vùng Balkan này. Hơn 5.200 người phải nhập viện, trong đó có 580 ca phải điều trị tích cực. Tại thủ đô Sofia, các bệnh viện đang mở thêm khu vực điều trị dã chiến cho các bệnh nhân COVID-19. Nhà chức trách nước này cho biết số ca nhập viện tăng có thể buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Mỹ: Omicron làm tăng mạnh ca mắc ở người chưa tiêm vaccine tại New York
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu cập nhật từ Sở Y tế New York (Mỹ), tỷ lệ mắc COVID-19 sau tiêm phòng tính theo ngày ở cư dân thành phố này đã tăng gấp hơn 7 lần trong tháng 12/2021, nhưng vẫn thấp hơn số ca nhiễm mới ở những người chưa tiêm.
Thống kê cho thấy, số ca nhiễm mới trên 100.000 người đã tiêm phòng tăng 29,8% trong tuần đầu tiên của tháng 1, lên 222,3 ca vào tuần trước. Trong cùng thời gian này, tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 người trưởng thành chưa tiêm tăng mạnh từ mức 239,6 ca lên 1.583,1 ca.
Số liệu cũng cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc ngăn bệnh trở nặng vẫn khá cao, chỉ 4,59 trên 100.000 người đã tiêm đầy đủ phải nhập viện trong tuần kết thúc vào ngày 27/12. Dù con số này tăng trong tháng 12/2021, nhưng tỷ lệ nhập viện của cư dân New York chưa tiêm phòng cao gấp gần 13 lần.
Do đó, dù biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tăng ở cả người đã tiêm phòng, Thống đốc New York, Kathy Hochul vẫn ra quy định bắt buộc tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế ở thành phố này. Hiện quy định này cần được Sở Y tế thông qua.
Colombia rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Medellin, Colombia, ngày 14/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Iván Duque cho biết chính phủ nước này quyết định sẽ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi khoảng 4 tháng sau các mũi cơ bản, rút ngắn so với thời gian chờ quy định hiện nay là 6 tháng.
Ngoài quyết định trên, tất cả những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường sau 30 ngày kể từ khi mắc bệnh.
Tổng thống Duque cũng thông báo quy trình cách ly đối với những trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19. Theo đó, tất cả những người có các triệu chứng nhiễm bệnh, dù đã hoàn thành phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa, đều sẽ phải tự cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày. Những trường hợp tiếp xúc gần nhưng đã hoàn thành phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo quy định sẽ không phải cách ly, song sẽ phải duy trì các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Nhà lãnh đạo Colombia nhấn mạnh các quyết sách này được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan "theo cấp số nhân" tại nước này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Colombia thông báo nước này ghi nhận 69 trường hợp tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong do COVID-19 theo ngày cao nhất kể từ tháng 10/2021 tại Colombia.
Hong Kong (Trung Quốc) siết chặt quy định phòng chống dịch bệnh
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang ngày một gia tăng, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 12/1 cho biết người dân ở thành phố này sẽ sớm cảm nhận tác động tiêu cực của các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn đối với phi hành đoàn để phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19, khi lượng hàng hóa và việc cung cấp hàng hóa cho thành phố này sụt giảm.
Hong Kong đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Omicron vào cuối năm ngoái, sau 3 tháng tại đây không phát sinh ca mắc cộng đồng nào. Diễn biến này khiến chính quyền Hong Kong siết chặt các biện pháp kiểm dịch, kể cả đối với các phi hành đoàn, và đưa ra lại những quy định hạn chế trên diện rộng đối với đời sống xã hội.
ADVERTISING
X
Kể từ thời điểm đó đến nay, Hong Kong tiếp tục ghi nhận hơn 40 ca mắc cộng đồng. Nhà chức trách cho biết đợt bùng phát có thể bắt nguồn từ việc hai thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Cathay Pacific Airways đã vi phạm quy định phòng chống dịch tại nhà, dẫn đến sự lây lan các ca nhiễm mới biến thể Omicron trong cộng đồng.
Kyrgyzstan và Kazakhstan đã có số ca nhiễm mới tăng mạnh
Kyrgyzstan và Kazakhstan đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong bối cảnh biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện hai nước này.
Kyrgyzstan đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm Omicron vào ngày 12/1 trong khi Kazakhstan đã xác nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên hồi tuần trước. Bộ Chăm sóc y tế Kyrgyzstan cho biết đã ghi nhận 465 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Kazakhstan Azhar Giniyat cho biết nước này đã ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm mới trong 7 ngày qua, cao gần gấp ba lần số ca ghi nhận trong tuần trước đó.
Dịch COVID-19 lây lan nhanh ở hai thành phố lớn nhất Nhật Bản
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Naha, Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh ở các đô thị lớn và các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Ngày 12/1, số ca mới ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày. Tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố phát hiện 2.198 ca mới, tăng hơn 2 lần so với con số 962 ca của một ngày trước đó và tăng gần 5 lần so với một tuần trước. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở Tokyo vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày kể từ ngày 5/9/2021.
Trong khi đó, tỉnh Osaka, nơi có thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, cũng ghi nhận 1.711 ca mới, tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở đây vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày kể từ ngày 15/9 năm ngoái.
Tại các tỉnh Okinawa và Yamaguchi, nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ, số ca mới cũng tăng mạnh, lần lượt là 1.644 ca và 182 ca. Cùng với tỉnh Hiroshima, hai tỉnh này đã được Chính phủ Nhật Bản đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 7/1. Thống đốc của 3 tỉnh này nghi ngờ sự lây lan của dịch COVID-19 trong các căn cứ Mỹ ở Okinawa và Yamaguchi là nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát này.
Hàn Quốc sẽ tập trung ngăn chặn biến thể Omicron
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Gangneung, Hàn Quốc, ngày 6/1/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa ra các chiến lược ứng phó mới với đại dịch COVID-19, tập trung chủ yếu vào việc ngăn chặn biến thể Omicron, chuẩn bị cho một làn sóng lây nhiễm mới trong những tuần tới.
Ngày 12/1, truyền thông Hàn Quốc cho biết các cơ quan chức năng nước này có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận "lựa chọn và tập trung", sử dụng chiến thuật "3T" (xét nghiệm, theo dõi và điều trị), đồng thời nhanh chóng cho phép sử dụng thuốc kháng virus đối với những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao đang điều trị tại nhà.
Cùng ngày, Trung tâm Các biện pháp đối phó thảm họa và an toàn thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đang lập một kế hoạch cách ly mới để đối phó với biến thể Omicron và nội dung cụ thể sẽ được công bố vào ngày 14/1 tới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với sự lan rộng ngày càng tăng của biến thể Omicron vốn có khả năng lây nhiễm cao. Mặc dù sự lây lan hiện tại ở Hàn Quốc chủ yếu vẫn là do chủng Delta, song KDCA đã đưa ra dự đoán rằng biến thể Omicron, hiện mới chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc, sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế vào cuối tháng 1 này.
Số ca tử vong theo ngày tại Australia cao nhất trong hơn 15 tháng
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Melbourne, Australia ngày 29/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 12/1, Australia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất trong hơn 15 tháng qua.
Cụ thể, Australia ghi nhận 42 ca tử vong do COVID-19 trên toàn quốc, trong đó hai bang lớn nhất nước này là New South Wales (NSW) và Victoria mỗi bang đều ghi nhận 21 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở nước này kể từ ngày 4/9/2020 khi bang Victoria ghi nhận 59 ca tử vong do COVID-19 và là mức cao thứ hai tính từ thời điểm dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Theo số liệu của bộ y tế các bang và vùng lãnh thổ Australia, trong ngày 12/1, nước này cũng ghi nhận hơn 100.000 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Số liệu của Bộ Y tế Australia công bố tối 11/1 cho thấy nước này có 3.869 ca bệnh đang được điều trị tại các bệnh viện trên cả nước, trong đó có 342 ca điều trị tại phòng chăm sóc tích cực.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng, các cơ sở y tế Australia đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Theo Bộ trưởng Y tế Greg Hunt, đã có 327.415 liều vaccine được tiêm trong ngày 11/1, mức cao nhất kể từ ngày 12/10/2021. Đến nay, 94,84% người Australia từ 16 tuổi trở lên đã tiêm mũi vaccine thứ nhất, 92,24% đã tiêm mũi thứ hai và 46,1% đã tiêm mũi vaccine tăng cường.
Pháp chính thức công bố làn sóng dịch COVID-19 thứ tư Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 19/7 cho biết nước này đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN Động thái của Chính phủ Pháp diễn ra trong bối cảnh nước này có ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca mới trên 10.000 trường...