Những yếu tố khiến Hàn Quốc khó kiểm soát nCoV
Hoạt động bí mật của Tân Thiên Địa và phản ứng của chính phủ được cho là nguyên nhân chính khiến Hàn Quốc khó kiểm soát dịch Covid-19.
Sáng thứ hai đầu tuần, các chuyến xe buýt và tàu điện ngầm vốn luôn chật kín người ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc trở nên vắng vẻ một cách bất thường. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy nỗi lo lắng của người dân trước dịch Covid-19 đang bùng phát ở nước này.
Hàn Quốc hôm nay ghi nhận thêm 60 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm lên 893, trong đó 8 người đã tử vong, trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, nơi đã ghi nhận gần 78.000 ca nhiễm nCoV với hơn 2.650 người chết.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm nCoV tại bệnh viện Daenam ở huyện Cheongdo, gần thành phố Daegu, ngày 21/2. Ảnh: AFP.
Khi nỗi lo lắng về Covid-19 tăng lên, dư luận Hàn Quốc càng tập trung sự chú ý vào giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa), khi hơn 50% số ca nhiễm nCoV của Hàn Quốc đều có mối liên hệ với thành viên giáo phái này. Hơn 9.000 tín đồ giáo phái đang được đặt trong tình trạng cách ly, theo dữ liệu từ chính phủ.
Sau quãng thời gian im lặng kể từ thời điểm dịch bùng phát, Tân Thiên Địa hai ngày trước đăng một video lên trang web. Trong video, một người đàn ông nhận mình là Kim Shi-mo đã nói rằng Tân Thiên Địa đang làm mọi việc trong khả năng để ngăn virus lây lan, bao gồm hủy các hoạt động tại những nhà thờ thuộc giáo phái.
Ông kêu gọi các cá nhân và cơ quan truyền thông không tuyên truyền thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng về Tân Thiên Địa. “Chúng tôi, cũng như những người dân Hàn Quốc khác, đều là nạn nhân của dịch bệnh”, Kim nói.
Dù vậy, Tân Thiên Địa vẫn không thể tránh khỏi việc bị nghi ngờ sau khi một nữ tín đồ 61 tuổi thuộc giáo phái này, người được gọi là “Bệnh nhân 31″, hai lần từ chối xét nghiệm nCoV dù có triệu chứng bệnh. Bà được xác nhận dương tính với virus hôm 18/2 sau khi đi nhà thờ của Tân Thiên Địa 4 lần, tiếp xúc với hàng chục, thậm chí hàng trăm người.
Video đang HOT
Tân Thiên Địa bị coi là một giáo phái truyền bá mê tín dị đoan từ năm 2007, khi một kênh truyền hình lớn Hàn Quốc phát sóng phim tài liệu về hoạt động của giáo phái, trong đó các tín đồ khẳng định người đứng đầu Tân Thiên Địa Lee Man-hee là “bất tử”.
Giới chuyên gia nhận định những hoạt động mờ ám của Tân Thiên Địa và việc tín đồ tập trung thành các nhóm lớn để cầu nguyện khiến việc ngăn chặn virus lây lan trở nên khó khăn hơn.
Một con phố mua sắm ở Daegu ngày 24/2. Ảnh: AFP.
“Thành viên Tân Thiên Địa thường có xu hướng che giấu thân phận khiến bạn bè, thậm chí cả gia đình họ đều không biết họ là tín đồ của giáo phái. Giờ đây, chính phủ không thể liên hệ với hàng trăm thành viên Tân Thiên Địa từng đi nhà thờ ở Daegu”, giáo sư thần học Ji-il Tark nhận xét. “Việc tiết lộ mình là thành viên Tân Thiên Địa có thể vô cùng khó khăn, bởi điều đó đồng nghĩa họ đã nói dối người thân. Vì thế, những người thân này có nguy cơ bị lây nhiễm mà không biết. Đây là kịch bản đáng sợ nhất”.
Mặt khác, những nội dung mà Tân Thiên Địa tuyên truyền còn có thể khiến các tín đồ lơ là cảnh giác trước virus.
“Giáo phái hoạt động khá bí mật và mê tín. Họ tin rằng thủ lĩnh của mình là bất tử và được hứa hẹn về một cuộc sống vĩnh cửu”, Peter Daley, giảng viên tiếng Anh tại một trường đại học ở Seoul, chuyên theo dõi các giáo phái, nhận định.
Ngoài việc chĩa mũi dùi vào giáo phái Tân Thiên Địa, nhiều người Hàn Quốc cũng chỉ trích chính phủ trong nỗ lực chống dịch. Họ cáo buộc chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã coi nhẹ tính chất nguy hiểm của Covid-19.
“Dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát trong khi Tổng thống vẫn đắm chìm trong sự lạc quan, tuyên bố rằng dịch sẽ không kéo dài”, tờ Chosun Ilbo viết trong một bài bình luận. “Nếu chúng ta không thể chặn đứng virus, cả đất nước sẽ lâm vào nguy hiểm”.
“Chính quyền phải chịu trách nhiệm vì không phản ứng sớm trước virus corona”, Kim Seung-dong, chính trị gia đối lập ở Daegu, viết trên Facebook.
Hầu hết những lời chỉ trích đều nhắm tới quyết định của chính quyền khi không cấm tất cả công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Hàn Quốc. Một kiến nghị trên trang web của văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã nhận được 760.000 chữ ký, kêu gọi chính phủ theo gương Triều Tiên phong tỏa biên giới.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, vì thế, một số người cáo buộc Tổng thống Moon đã không bảo vệ sức khỏe cộng đồng do lo ngại rằng lệnh cấm nhập cảnh toàn diện sẽ làm mất lòng Bắc Kinh.
Những người đang ở trong các khu vực bị ảnh hưởng tại Hàn Quốc hiện không có lựa chọn nào khác ngoài phải thích nghi. Năm học đại học đầu tiên của Jung Tae-min, sinh viên đến từ Daegu, đã không thể bắt đầu đúng lịch trình vì lo ngại nCoV, ngày định hướng nghề nghiệp tại trường cũng bị hủy.
“Bạn bè và gia đình tôi liên tục nói về nCoV và trên đường phố bây giờ nhìn chung rất ít người”, Jung nói. “Mọi người ra ngoài đều đeo khẩu trang. Các cửa háng bán khẩu trang với số lượng hạn chế hoặc họ đã hết sạch khẩu trang. Một số cửa hàng bách hóa lớn đã đóng cửa. Còn lại, mọi thứ diễn ra khá bình thường”.
Vũ Hoàng (Theo Time)
Theo vnexpress.net
Ca 'siêu lây nhiễm' virus corona gây chấn động Hàn Quốc
Ca "siêu lây nhiễm" tại thành phố Daegu đã khiến ít nhất 15 người khác nhiễm virus corona (Covid-19), làm dấy lên lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh tại Hàn Quốc.
Yonhap hôm 19/2 cho biết nhà chức trách Hàn Quốc lo ngại virus corona có thể bùng phát nghiêm trọng hơn tại nước này sau khi xuất hiện ca "siêu lây nhiễm" đã khiến ít nhất 15 người nhiễm virus. Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc cho biết người siêu lây nhiễm được gọi là "bệnh nhân 31" - ca thứ 31 nhiễm virus corona tại xứ sở kim chi.
Người siêu lây nhiễm sống tại Daegu, cách thủ đô Seoul khoảng 300 km. Người này đã đi lễ nhà thờ cùng 10 người khác, trước khi có tiếp xúc gần gũi với 1 người ở bệnh viện Daegu. Ngoài ra, bà cũng có tiếp xúc với một số người khác. Kết quả xét nghiệm của 15 người có tiếp xúc với ca siêu lây nhiễm đều dương tính với virus corona.
Ca siêu lây nhiễm xuất hiện tại thành phố Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: AP.
"Chúng tôi tin rằng có nhiều trường hợp tiếp xúc gần gũi tại nhà thờ và đang lên kế hoạch xét nghiệm toàn bộ những người đã đến nhà thờ", Jung Eun Kyeong, giám đốc CDC Hàn Quốc, nói.
Người siêu lây nhiễm nhập viện tại Daegu từ ngày 7/2. Người này ban đầu từ chối tiến hành xét nghiệm virus corona bất chấp yêu cầu của bác sĩ. CDC Hàn Quốc cho biết người này đã có tiếp xúc với 166 người khác, tất cả đã chấp hành tự cách ly sau khi nhận được thông tin từ nhà chức trách.
Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết hiện chưa rõ cá nhân nào đã lây nhiễm virus corona cho trường hợp siêu lây nhiễm ở Daegu. Trong thông báo đưa ra ngày 19/2, cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết không có ý định phong tỏa thành phố Daegu do tình hình nằm trong tầm kiểm soát.
Trong ngày 19/2, Hàn Quốc cho biết có 20 ca nhiễm virus corona mới được xác nhận, đưa tổng số người nhiễm virus corona tại Hàn Quốc lên 51. CDC Hàn Quốc cho biết 16 bệnh nhân nhiễm virus corona đã được ra khỏi khu vực cách ly sau khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn.
Theo news.zing.vn
Lạng Sơn tăng gấp đôi phí trên quốc lộ 1A UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành quyết định về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án thành phần 1, thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Ảnh: Dân trí) Theo đó, mức vé trên quốc lộ...