Những yếu tố giúp Thái Lan thoát ’sóng thần’ Covid-19
Khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chật vật đối phó với Covid-19, Thái Lan đã qua 7 tuần không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới trong cộng đồng.
Mặc dù đón lượng du khách lớn từ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hồi đầu năm, Thái Lan cho đến nay chỉ báo cáo hơn 3.240 ca nhiễm và 58 ca tử vong vì nCoV. Tính đến hết ngày 16/7, quốc gia Đông Nam Á này đã qua 7 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Không ai biết chính xác Thái Lan, quốc gia 70 triệu dân, đã thoát “sóng thần” Covid-19 như thế nào. Có người cho rằng văn hóa chắp tay cúi chào thay vì ôm hôn đã giúp ngăn chặn nCoV lây lan. Một số khác cho rằng việc sớm áp dụng biện pháp đeo khẩu trang, cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vững mạnh, đã giúp Thái Lan giảm bớt tác động của nCoV.
Nhiều người lại đưa ra giả thuyết hệ thống miễn dịch của người Thái cũng như các quốc gia ở vùng sông Mekong có sức đề kháng cao hơn với nCoV. Không riêng Thái Lan, nhiều quốc gia ở lưu vực sông Mekong ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV rất thấp. Việt Nam đã ba tháng không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Myanmar báo cáo 336 ca, trong khi Campuchia 166 và Lào chỉ ghi nhận 19 trường hợp.
Tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, nơi sông Mekong chảy qua trước khi vào các nước Đông Nam Á, cũng báo cáo chưa tới 190 ca nhiễm và hiện không còn ca dương tính nào.
“Tôi không nghĩ kết quả đó chỉ do yếu tố miễn dịch hoặc di truyền. Nó phải kết hợp với văn hóa. Người Thái không tiếp xúc cơ thể khi chào hỏi nhau”, tiến sĩ Taweesin Visanuyothin, người phát ngôn về Covid-19 của Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan, cho hay. “Đây cũng là cách chào hỏi của người dân ở các quốc gia trong khu vực sông Mekong”.
Nhân viên phun khử trùng khu chợ ở thủ đô Bangkok được mở cửa trở lại hồi tháng 5. Ảnh: NYTimes.
Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu tình hình dịch bệnh ở quốc gia này đã lạc quan như vậy. Thái Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới báo cáo ca nhiễm nCoV ngoài Trung Quốc. Đó là một du khách đến từ Vũ Hán, nơi dịch Covid-19 khởi phát.
Một làn sóng lây nhiễm khác bắt nguồn từ những du khách tới từ Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Một buổi thi đấu quyền anh ở Thái đã biến thành sự kiện siêu lây nhiễm. Nhưng sau khi lệnh phong tỏa được thực thi hồi tháng 3 khiến các cơ sở kinh doanh và trường học đóng cửa, tình hình lây nhiễm trong cộng đồng dần được kiểm soát. Tất cả ca nhiễm gần đây đều là ca “ngoại nhập”.
Tiến sĩ Wiput Phoolcharoen, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, người nghiên cứu về ổ dịch bùng phát tại Pattani, phía nam Thái Lan, lưu ý hơn 90% người dương tính với nCoV tại nước này không triệu chứng, mức cao hơn nhiều so với bình thường.
“Chúng tôi đang nghiên cứu về hệ miễn dịch”, ông nói.
Tiến sĩ Wiput cho rằng người Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác đều dễ mắc sốt xuất huyết, virus truyền qua muỗi, hơn người ở châu lục khác. “Nếu hệ miễn dịch của chúng tôi với sốt xuất huyết kém như vậy, tại sao nó lại kháng Covid-19 tốt hơn?”, Wiput nói.
Dù các bệnh viện ở Thái Lan không rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19, nền kinh tế chủ yếu dựa trên du lịch đã bị tàn phá nghiêm trọng.
Video đang HOT
Hồi tháng 4, Thái Lan cấm hầu như tất cả chuyến bay tới quốc gia này trong khi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Khách du lịch không còn tới Bangkok, nơi từng là thành phố đông du khách nhất thế giới. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan ước tính khoảng 60% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có thể phải đóng cửa cho tới cuối năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ sụt giảm ít nhất 6,5% trong năm nay. Hơn 8 triệu người Thái có thể mất việc làm hoặc thu nhập trong năm nay, nguy cơ làm tăng thêm khoảng cách giàu ở quốc gia này, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Các hộ gia đình Thái Lan phải gánh các khoản nợ cao nhất châu Á và nhiều người tuyệt vọng đã phải xếp hàng trước các ngôi chùa để chờ được phát gạo cứu tế.
Sau khi không nhận được số tiền cứu trợ khẩn cấp như cam kết của chính phủ do tệ quan liêu, một phụ nữ đã uống thuốc chuột tự tử bên ngoài tòa nhà chính quyền. Cô thoát chết nhưng làn sóng tự tử đang tăng lên ở Thái Lan.
Tổ chức Cứu trợ Covid-19 của Thái Lan, được thành lập sau khi đại dịch tấn công, đã ngập trong đơn xin trợ cấp của những người Thái chỉ còn một, hai USD trong tài khoản ngân hàng, theo Natalie Narkprasert, một thành viên sáng lập nhóm.
Phần lớn dân số Thái Lan là lao động nhập cư, trong đó nhiều người đến từ hai nước láng giềng Campuchia và Myanmar, cũng đang chịu tổn thương vì đại dịch. Trong khi nhiều người đã cố tìm cách về nước trước khi biên giới bị đóng cửa, số khác bị mắc kẹt ở Thái Lan mà không có thu nhập. Họ chủ yếu làm các công việc như dọn dẹp khách sạn, phụ bếp hoặc hay bán đồ ăn, những cơ sở kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
“Bây giờ là lúc mọi người cần được giúp đỡ bởi tình tình còn kéo dài và chưa thể được cải thiện”, Natalie nói.
Học sinh được hướng dẫn cách rửa tay ở trường tiểu học Sawasdee Wittaya, thủ đô Bangkok, tháng 7. Ảnh: NYTimes.
Cuộc sống bình thường đang dần quay lại ở Thái Lan. Trường học đã mở cửa trở lại nhưng học sinh phải đeo khẩu trang và thực thi giãn cách xã hội. Hồi đầu tháng 7, kỳ nghỉ lễ đầu tiên sau nhiều tháng đã giúp thúc đẩy du lịch nội địa.
Thái Lan cũng đã bắt đầu cho phép một số ít du khách trở lại. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và tái bùng phát dịch.
Tuần này, một phi công quân sự Ai Cập được phát hiện dương tính với nCoV, sau khi vi phạm lệnh cách ly và tới các trung tâm mua sắm ở một thị trấn biển ở Thái Lan. Một số trường học trong khu vực đã đóng cửa trở lại.
Tuy nhiên, có không ít hoài nghi về chiến thắng Covid-19 của Thái Lan. Nhiều người thắc mắc tại sao một số lao động nhập cư được phát hiện dương tính với nCoV ngay sau khi về nước, dù không nằm trong danh sách ca nhiễm mà chính phủ Thái Lan báo cáo. Nhiều người cho rằng đó là vì tỷ lệ xét nghiệm ở quốc gia này còn tương đối thấp.
“Khi dịch bệnh chưa được quét sạch, chúng tôi phải luôn cảnh giác”, tiến sĩ Taweesin nhận định.
Covid-19 vô tình giúp ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã
Việc chính quyền Trung Quốc siết chặn hơn hoạt động buôn bán động vật hoang dã sau khi dịch Covid-19 bùng phát được cho là sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của các nhà bảo tồn.
Chính quyền Trung Quốc hôm 24/1 đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ, buôn bán và nuôi nhốt các loại động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona được cho là bắt nguồn từ hoạt động mua bán động vật hoang dã tại một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán.
Cho tới thời điểm này, giả thiết hàng đầu của các nhà khoa học Trung Quốc về vật chủ trung gian khiến virus corona đi từ dơi sang người là con tê tê - loài vật rất được ưa chuộng ở Trung Quốc vì thịt và vảy của chúng được cho là có tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền.
Mặc dù việc buôn bán động vật hoang dã bị cấm ở Trung Quốc như một phần của lệnh cấm toàn cầu, tê tê và nhiều loài khác vẫn được nhập lậu từ một số quốc gia ở Đông Nam Á và châu Phi. Nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã quyết tâm siết chặt hoạt động này.
Cảnh sát Trung Quốc thu giữ các sản phẩm từ động vật hoang dã trong một chiến dịch truy quét ở tỉnh An Huy hồi đầu năm nay. Ảnh: AP.
Sẽ không còn nhu cầu từ Trung Quốc
"Lệnh cấm này là thời điểm thích hợp để chúng tôi xây dựng thêm dữ liệu về những kẻ buôn lậu. Nó sẽ giúp ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã", thiếu tướng Viwat Chaisangka, người đứng đầu phòng tội phạm tài nguyên và môi trường của cảnh sát Thái Lan, nhận định.
Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc ước tính thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp toàn cầu có giá trị khoảng 23 tỷ USD mỗi năm, khiến nó trở thành hoạt động chợ đen lớn thứ tư thế giới sau buôn bán ma túy, buôn người và buôn bán vũ khí.
Các tổ chức bảo tồn ước tính hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á - phần lớn để phục vụ nhu cầu từ Trung Quốc - là một thị trường trị giá 2 tỷ USD.
Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua một nghị quyết theo đó cấm "toàn diện" các hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Lệnh cấm này bao gầm việc "săn bắn, đánh bắt, buôn bán, vận chuyển và ăn thịt động vật hoang dã", cùng với đó là một lệnh cấm cho hành vi "tiêu thụ" các loài động vật này.
"Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ động vật hoang dã và mối đe dọa tiềm ẩn của hành vi này với sức khỏe cộng đồng đã thu hút sự chú ý rộng rãi", ủy ban cho biết trong một thông báo được CCTV đưa hôm 24/2.
Chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán - nơi được cho là điểm khởi nguồn của virus gây bệnh Covid-19 - có bán nhiều loại động vật hoang dã. Ảnh: AFP.
Mối liên hệ giữa động vật hoang dã và virus corona được nhắc tới khi dịch bệnh ngày càng lây lan ở Trung Quốc. Nhiều loài động vật hoang dã - dù được nhân giống trong môi trường nuôi nhốt hay bị săn bắt ngoài tự nhiên - đều bị chế biến thành các món ăn.
WHO cho biết khoảng 70% các bệnh lây nhiễm toàn cầu được phát hiện trong vòng 50 năm qua bắt nguồn từ động vật hoang dã.
Tương lai tươi sáng cho tê tê?
Freeland, một tổ chức bảo tồn có trụ sở ở Bangkok, cho rằng ngành nhân giống và nuôi nhốt các loài động vật hoang dã ở Trung Quốc có quy mô khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, bằng một phần ba thị trường buôn lậu động vật hoang dã toàn cầu. Nhưng tổ chức cũng cho rằng việc cấp giấy phép thiếu minh bạch cho các cơ sở nuôi nhốt ở Trung Quốc khiến cho con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Một trong số các động vật hoang dã được nhân giống và nuôi nhốt để lấy thịt ở Trung Quốc là cầy hương - được xác định là loài đã mang virus SARS đến với con người vào năm 2002 và 2003.
Nhu cầu dành cho tê tê đã biến nó trở thành "loài bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất thế giới chỉ trong vòng vài năm", theo báo cáo về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Nam Á của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC). Theo ước tính của UNODC, trong một thập kỷ qua đã có hơn 1 triệu cá thể tê tê bị giết chết để phục vụ cho sự tiêu thụ của con người.
Hầu hết số tê tê được bắt ở châu Phi và buôn lậu qua các quốc gia Đông Nam Á trước khi được đưa tới thị trường Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2019, hơn 30 tấn vẩy tê tê đã bị giới chức ở Sabah, Malaysia thu giữ; 8,3 tấn được phát hiện ở cảng Hải Phòng của Việt Nam và hơn 25 tấn được tìm thấy ở Singapore, theo UNODC.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Thái Lan. Ông Steven Galster, người sáng lập tổ chức Freeland cho biết: "Hơn 50% số tê tê đến Trung Quốc được đưa qua Thái Lan. Chúng đến từ Congo, Uganda và các khu vực ở Tây và Trung Phi".
Tới nay, tê tê được các nhà khoa học Trung Quốc cho là vật chủ trung gian giúp cho virus corona lây nhiễm sang con người. Ảnh: New York Times.
Ông Galster gọi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sau lệnh cấm ở Trung Quốc là "một kịch bản ngoài dự kiến". Freeland đang có kế hoạch kêu gọi các chính phủ Đông Nam Á đưa ra các biện pháp giống với Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn như WWF và TRAFFIC đã gửi thư ngỏ tới thủ tướng chính phủ, trình bày một số vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 và cho rằng việc hạn chế sự tương tác giữa động vật hoang dã và con người, thông qua việc thực thi các biện pháp mạnh mẽ chống lại hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, là cách tiếp cận hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro với sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Theo news.zing.vn
Cập nhật 19h ngày 28/2: Azerbaijan có ca nhiễm đầu tiên, Tổng thống Trump thừa nhận 'gặp khó' với Covid-19 Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Việt Nam, cập nhật đến 19h ngày 28/2, thế giới ghi nhận 83.715 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong lên tới 2.859. Azerbaijan là quốc gia mới nhất xuất hiện trong danh sách các...