Những yếu tố có thể tạo ra ổ dịch Covid-19
Dân cư đông đúc, hệ thống y tế cộng đồng nghèo nàn, nhân lực và vật lực thiếu thốn có thể góp phần biến một địa phương thành ổ dịch.
Diễn biến của dịch Covid-19 rất khó dự đoán. Ảnh: Light Rocket.
Trong khi số ca nhiễm Covid-19 mới có chiều hướng giảm Trung Quốc, ngày càng nhiều nước phát hiện thêm những trường hợp dương tính với nCoV, nhiều nơi trong số đó không có mối liên hệ nào với tâm dịch. 6 người chết do nCoV ở Iran trong vài ngày qua, một người nước ngoài được chẩn đoán nhiễm virus ở Ai Cập và trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được ghi nhận ở Lebanon, biến nước này thành quốc gia thứ 30 trên thế giới xuất hiện dịch.
Các ca nhiễm bệnh ở Iran không có mối liên quan tới Vũ Hán, và trường hợp ở Lebanon là một phụ nữ trở về từ thành phố Qom của Iran, chứng tỏ virus lây lan giữa những người không đến từ nơi khởi phát dịch. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết xu hướng này rất đáng lo ngại. Số ca lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục hiện nay đã vượt con số 1.000, trong đó có 21 ca tử vong.
Biện pháp đang được áp dụng phổ biến là cách ly, nhưng các chuyên gia chưa rõ liệu biện pháp này có tiếp tục đem lại hiệu quả hay không. Họ cũng không chắc chắn liệu mọi quốc gia có đủ khả năng cách ly và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. “Nhiều nơi chưa có biện pháp chuẩn bị đối phó bệnh dịch. Ngoài ra, ngay cả khi có đủ ngân sách để xử lý vấn đề, họ có thể không đủ khả năng rà soát hoặc cách ly những ca được xác nhận”, Emily Ricotta, nghiên cứu viên ở Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho biết.
Theo Ricotta, đó là tình huống của Liberia trong khủng hoảng dịch Ebola năm 2014. Dù đất nước này nhận được các khoản tài trợ để xử lý dịch bệnh, họ vẫn thiếu trang thiết bị cần thiết và nhân lực để áp dụng biện pháp phòng chống dịch, buộc những tổ chức quốc tế phải can thiệp bằng cách xây dựng cơ sở khám chữa bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hôm 30/1, nhưng tổ chức này chưa gọi đó là đại dịch, bởi phần lớn ca lây nhiễm từ người sang người chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Để một dịch bệnh được coi là đại dịch, các ca lây nhiễm cần xuất hiện liên tục trong thời gian dài ở nhiều địa phương.
Video đang HOT
Sharon Lewis, giám đốc Viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia, cho biết rất khó để xác định nơi cụ thể có nguy cơ trở thành ổ virus bởi biện pháp giảm lây lan chính hiện nay là cách ly. Tuy nhiên, tới một lúc nào đó, cách ly sẽ không còn hiệu quả nữa.
Theo các chuyên gia khác, có thể tồn tại tiêu chí để xác định một địa phương có thể thúc đẩy sự lây lan của virus hay không. Keiji Fukuda, giám đốc kiêm giáo sư lâm sàng ở Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hong Kong, dự đoán những nơi đông đúc có thể có lượng lớn cư dân nhiễm virus.
Robert Kim-Farley, giáo sư ở Trường Y tế Cộng đồng Fielding của Đại học California, Los Angeles, bày tỏ lo ngại về sự lây lan của virus ở các nước nghèo và đông dân, hoặc không có tài nguyên để rà soát và điều trị người nhiễm nCoV. Theo Kim-Farley, một vài yếu tố có thể khiến một địa phương đặc biệt dễ bị tác động bởi dịch bệnh. Những nơi đông dân cho phép virus lây lan dễ hơn, hệ thống y tế cộng đồng nghèo nàn khiến việc phát hiện virus khó khăn, nhân lực và vật lực thiếu thốn sẽ không thể đảm bảo cách ly hiệu quả người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus.
Lewis cũng nhận định những nước thu nhập thấp và trung bình có thể thiếu tài nguyên và phòng thí nghiệm để xét nghiệm virus, làm tăng khả năng lây nhiễm. “Nếu bạn không thể phát hiện sớm ai đó mang virus và cách ly họ, họ có thể truyền virus sang nhiều người khác nữa”, Lewis nói.
Kim-Farley và nhiều chuyên gia khác cho rằng dịch bệnh có thể diễn biến theo vài kịch bản. Covid-19 có thể bị dập tắt như SARS hoặc lan sang các nước, bao gồm những quốc gia đang phát triển, và trở thành bệnh đặc hữu như cúm. Theo Kim-Farley, thế giới đang cảnh giác với mối đe dọa từ nCoV, nhưng trong tình hình ngày càng nhiều ca nhiễm, chúng ta có thể cần thêm biện pháp mới ngoài cách ly.
An Khang (Theo Business Insider)
Theo vnexpress.net
Italy chạy đua ngăn nCoV lây lan
Italy phong tỏa những thị trấn bị ảnh hưởng nặng và cấm tụ họp nơi công cộng ở hầu hết các khu vực phía bắc nhằm ngăn nCoV lây lan.
Chính quyền vùng Lombardy và Veneto, nơi dịch Covid-19 bùng phát và đang có dấu hiệu lây lan mạnh mẽ ở Italy, đã yêu cầu các trường học, kể cả trường đại học, ngừng hoạt động trong ít nhất một tuần, đóng cửa bảo tàng, rạp chiếu phim, đồng thời hủy hai ngày cuối của Carnival Venice.
"Bắt đầu từ tối nay, sẽ có lệnh cấm được đưa ra đối với Carnival Venice cũng như tất cả những sự kiện khác, bao gồm cả sự kiện thể thao, đến ngày 1/3", thống đốc vùng Veneto Luca Zaia ngày 23/2 phát biểu trước báo giới.
Cảnh sát kiểm tra một chiếc xe tại lối vào thị trấn Casalpusterlengo, đông nam thành phố Milan, Italy, ngày 23/2. Ảnh: AFP.
Từ 21/2 đến 22/2, số ca nhiễm nCoV ở Lombardy đã tăng từ 54 lên 90 ca, trong khi Veneto ghi nhận 25 ca nhiễm.
Giới chức y tế cho biết đã cách ly các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm tại các khu vực Piedmont và Emilia Romagna lân cận, nói thêm rằng tổng số ca nhiễm nCoV ở Italy đã tăng lên 132. Italy đến nay ghi nhận ba ca tử vong vì nCoV.
Thống đốc Zaia cho hay ông đã đối phó với nhiều thảm họa tự nhiên suốt sự nghiệp của mình nhưng "đây là vấn đề tồi tệ nhất mà Veneto từng đối mặt".
Hơn 10 thị trấn ở Lombardy và Veneto với dân số khoảng 50.000 người đã bị đặt trong tình trạng cách ly. Người dân địa phương được yêu cầu không ra khỏi nhà và phải có giấy phép nếu muốn vào hoặc ra khỏi một số khu vực chỉ định.
Các trường đại học ở hầu hết các khu vực phía bắc Italy sẽ đóng cửa đến đầu tháng ba và 4 trận đấu bóng đá trong giải Serie A dự kiến diễn ra vào ngày 23/2 đã bị hoãn.
Lombardy và Veneto đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng quốc nội của Italy. Bất kỳ bất ổn kéo dài nào đối với hai khu vực này đều có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế.
Nhà chức trách Italy đang nỗ lực tìm hiểu lý do dịch bệnh bùng phát. Những ca nhiễm mới đầu tiên được thông báo hôm 21/2 và bác sĩ vẫn chưa biết nguồn lây bệnh từ đâu.
Một doanh nhân ở Lombardy ban đầu bị nghi ngờ vì ông vừa trở về từ tâm dịch Trung Quốc song xét nghiệm cho thấy kết quả âm tính. Tại Veneto, các bác sĩ đã kiểm tra một nhóm 8 du khách Trung Quốc từng đến thị trấn nơi có ca tử vong đầu tiên nhưng kết quả cũng âm tính.
"Chúng tôi hiện tại thậm chí còn lo lắng hơn bởi chúng tôi không thể tìm ra 'bệnh nhân số 0'", Thống đốc Zaia nói. Trước ngày 21/2, Italy chỉ có 3 trường hợp nhiễm virus, tất cả những người này đều từ Vũ Hán trở về.
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019. Thế giới hiện ghi nhận 2.465 người chết, 78.771 người nhiễm nCoV, trong đó 23.166 người đã bình phục. Tổng cộng 20 người chết vì nCoV được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hong Kong, Iran và Italy.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
Phát biểu quan trọng của ông Tập Cận Bình về dịch Covid-19 Ngày 23.2, trong bài phát biểu mới nhất tại cuộc họp bàn về phòng chống dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) gây ra tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho rằng, tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn còn nghiêm trọng và công tác phòng chống đang ở trong giai đoạn quan trọng nhất. Ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp...