Những yếu tố có thể giúp DeathSpank cạnh tranh với Diablo III
DeathSpank là một tựa game được coi là sự kết hợp giữa Diablo và… Monkey Island. Gọi như vậy bởi đây là một sản phẩm kết hợp những yếu tố thú vị từ hai thương hiệu rất nổi tiếng. Là một game nhập vai chặt chém theo dạng “phá nút”, nhưng dưới bàn tay nhào nặn của Ron Gilbert, game sẽ có cả sự hài hước rất đặc trưng, nhất là trong cốt truyện và trong hình ảnh.
Game nhập vai chặt chém là thể loại rất ít xuất hiện trên thị trường game hiện nay, bởi các game này đều khó có thể làm hay. Quyết định theo đuổi dòng game “khó chiều” là một quyết định có phần mạo hiểm của Hothead khi rất có thể sẽ phải chịu sự so sánh với Diablo III. Tuy nhiên với tài năng của Ron Gilbert, hoàn toàn có thể hi vọng vào một cái tên hấp dẫn.
Nhân vật chính của game sẽ có tên DeathSpank, còn cái tên đó từ đâu ra thì chính người anh hùng của chúng ta cũng… không biết. DeathSpank là một kẻ lang thang với biệt danh “người diệt quỷ”, và anh ta sở hữu một cổ vật mang tên… “Cổ vật” (The Artifact). Tuy nhiên, trong một giây phút sơ sẩy, DeathSpank đã bị đánh và bị cướp mất vật quí giá đó.
Câu chuyện bắt đầu, và DeathSpank sẽ chu du qua những vùng đất, gặp gỡ những NPC có những vẻ ngoài rất độc đáo, thậm chí là đến từ chính những phiên bản game của Monkey Island (ví dụ như Herman Toothrot). Hệ thống câu thoại của game sẽ có phong cách hài hước theo phong cách mà Ron Gilbert đã xây dựng rất thành công trong đảo khí.
Nhờ cách đặt câu chuyện nhẹ nhàng cùng những tình tiết gây cười hóm hỉnh, DeathSpank đi ngược hẳn với các thế giới đậm chất thần thoại và hoành tráng giống như dòng Diablo, và rất có thể sẽ thu hút được nhiều kiểu người chơi hơn.
Các nhiệm vụ của DeathSpank cũng rất độc đáo và có nhiều hướng để giải quyết, đôi khi là tùy theo sự sáng tạo của bạn. Đây là một điểm khác biệt bởi thông thường, các game “hack “n slash” thường chỉ tập trung chủ yếu vào việc “chặt chém” chứ ít khi quan tâm đến những khía cạnh như nhiệm vụ hay thoại.
Video đang HOT
Đồ họa là một yếu tố khác đảm bảo cho sự thành công của DeathSpank. Theo đuổi sự đơn giản mà tinh tế của đồ họa 2D, nhưng không thể bỏ qua 3D thời thượng, Ron mong muốn game của mình kết hợp được hài hòa hai phong cách này. Và qua những gì đã thể hiện, DeathSpank đã bước đầu tạo được thiện cảm.
Vùng đất mà người chơi tham gia sẽ rất phong phú bao gồm nhiều làng mạc, hầm ngục cũng như sa mạc, thành quách. Qua các tấm screenshot, ta có thể thấy đồ họa của game khá bắt mắt, với cây cối, nhà cửa được thiết kế theo phong cách hoạt hình với nhiều kiểu thể hiện, có thể là sặc sỡ khi ở ngoài trời hay âm u khi trong hầm ngục. Và tất cả đều được chăm chút đến từng chi tiết.
Nhân vật chính có phần… cục mịch và nhìn rất trào phúng khi di chuyển, những con quái vật cũng có phong cách tương tự. Tuy vậy, game khá máu me và không kém phần bạo lực, thể hiện tốt không khí dồn dập cần có của một game thể loại này.
Sẽ ra mắt trong năm 2010 này, DeathSpank có nhiều khả năng sẽ thỏa mãn được “cơn khát” trước khi Diablo III ra mắt. Và cũng khó có thể đoán trước được rằng, dưới bàn tay của Ron Gilbert, tựa game này sẽ nhận được một điểm số cao hơn cả đứa con cưng của Blizzard từ những nhà phê bình hay không?
Điều gì làm nên sự khác biệt của Brink
Để diễn tả về tựa game này, mọi người chỉ có thể nói rằng nó là sự kết hợp của 3 cái tên đình đám: Team Fortress 2, Mirror Edge và Fallout 3.
Vào khoảng thời gian gần đây, tựa game bắn súng phong cách lạ - Brink - đã bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý hơn hẳn trước đây sau khi công bố đoạn phim CG đầu tiên của mình. Sau khi tìm hiểu một thời gian, các game thủ đã nhận ra rằng đây là một sản phẩm có rất nhiều tiềm năng của năm 2010.
Tuy nhiên, giữa một "rổ" các trò chơi chất lượng của năm, lí do nào sẽ giúp Brink vượt lên các tựa game khác để lọt được vào "mắt xanh" của các game thủ. Câu trả lời thực sự rất đơn giản. Brink là một sản phẩm thực sự khác biệt. Để diễn tả về nó, người ta chỉ có thể tóm tắt rằng tựa game này là một tác phẩm quy tụ những chi tiết hấp dẫn nhất của 3 tên tuổi: Team Fortress 2, Mirror Edge và Fallout 3.
Thậm chí, ngay cả với nhà phát hành Bethesda Softworks, tựa game này cũng là một sản phẩm rất "quái gở" của họ bởi từ trước tới nay, hãng này chỉ luôn phát triển những tựa game nhập vai truyền thống. Tuy nhiên, danh tiếng của họ có lẽ sẽ là một con dấu đảm bảo cho chất lượng của tựa game FPS có kết hợp với những yếu tố nhập vai này.
Theo lời của đại diện Splash Damage, về cơ bản, Brink là một tựa game FPS cho phép người chơi lựa chọn khả năng của mình dựa trên các lớp nhân vật (class) giống như Team Fortress 2. Tuy nhiên, trò chơi này lại lai tạo cách di chuyển linh hoạt theo góc nhìn người thứ nhất của dòng game Mirror Edge.
Trong đó, các nhân vật sẽ có thể thực hiện những động tác parkour phức tạp để vượt qua những chướng ngại vật phức tạp trong màn chơi. Không chỉ vậy, đội ngũ của Splash Damage cũng đã tìm ra một giải pháp để giúp người chơi không cần bận tâm tới cách di chuyển phức tạp này.
Nếu muốn, bạn có thể "cầu cứu" tới một nút bấm thông minh (smart button). Với sự hỗ trợ của tính năng này, mỗi khi tiến tới gần một chướng ngại vật nào đó, người chơi chỉ cần giữ chặt smart button, sau đó, game sẽ làm thay bạn mọi công đoạn còn lại. Tùy theo địa hình mà nhân vật của bạn sẽ thực hiện những động tác bay người hay trượt đi trên sàn.
Gameplay của Brink sẽ tập trung nhiều vào những nhiệm vụ nhỏ mà bạn phải thực hiện trong một trận đấu đồng đội. Bất kể là đang chơi đơn hay chơi mạng, mỗi đội sẽ xuất phát tại hai đầu của một màn chơi. Sau một loạt những nhiệm vụ như phá bỏ chướng ngại vật, nâng cấp công nghệ cho một trạm gác, một phe sẽ bắt đầu có lợi thế hơn đối thủ của mình.
Cho dù là chơi đơn, người chơi cũng sẽ không bị lâm vào cảnh "đơn thương độc mã". Khi đó những đồng đội được điều khiển bằng AI sẽ hỗ trợ bạn trong các nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, vào bất kỳ thời điểm nào, một game thủ khác cũng được quyền tham gia vào màn chơi, thế chỗ cho một nhân vật máy. Thậm chí, họ còn có thể gia nhập vào phe của đối phương.
Chi tiết này chính là lí do khiến đội ngũ phát triển của Splash Damage đã tin tưởng rằng phần chơi đơn của Brink sẽ cung cấp rất nhiều kinh nghiệm cần thiết để các game thủ làm quen với phần chơi mạng.
Bên cạnh đó, để sự gắn bó lâu dài của người chơi đối với game được hấp dẫn hơn, họ đã đưa vào Brink những yếu tố phát triển sâu sắc của dòng game RPG. Trong đó, điểm kinh nghiệm sẽ được dùng để nâng cấp kĩ năng, mua các bộ trang phục mới hoặc thậm chí là "tiền phí" để được chuyển class giữa một trận đấu.
Cuối cùng, một trong những lí do khiến các game thủ rất muốn thử qua tựa game này chính là đồ họa lạ mắt của Brink. Ít ai có thể nghĩ rằng engine id Tech 4 từng được id Software sử dụng trong những tựa game như Doom và Quake lại có thể "lộng lẫy" đến thế dưới một khung cảnh tràn đầy ánh sáng.
Brink sẽ được phát hành trên ba hệ máy PC, PS3 và Xbox 360 vào quý 4 năm nay.
Theo GameK
BlackBerry Storm 2 lần đầu tiên được đón game đua xe đỉnh Quyết định hỗ trợ OpenGL của RIM đã mang phiên bản Need for Speed: Shift 3D đến BlackBerry Storm 2. RIM đã có một quyết định thông minh khi chính thức hỗ trợ nền tảng đồ họa OpenGL cho hai sản phẩm BlackBerry Storm 2 và BlackBerry Curve 8530. Sự kiện không chỉ mở ra một trang mới cho các nhà phát triển...