Những ý tưởng mới của thầy Park Hang-seo
Một năm đặc biệt trong lịch sử đã trôi qua. Năm 2020 sẽ được nhớ đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có bóng đá.
Khi mọi sự kiện lớn đều bị hoãn lại, năm 2021 sẽ chứng kiến nhiều “trận đánh” lớn của các đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo. Ngay từ thời điểm này, công tác chuẩn bị đã bắt đầu.
Thầy Park Hang-seo đang có rất nhiều ý tưởng cho năm 2021. Ảnh: Goal
“Nhận diện” mới cho đội tuyển Việt Nam
Ngay từ đầu năm 2020, thầy Park đã khẳng định ông đang tìm kiếm những chiến thuật mới, con người mới cho đội tuyển Việt Nam. Những thành công mà chiến lược gia người Hàn Quốc có được trong suốt thời gian kể từ khi ông đặt chân đến mảnh đất hình chữ S thật sự đáng ghi nhận. Nhưng để giữ được vị thế đã có được luôn khó hơn việc giành lấy nó, vì thế, sự thay đổi là bắt buộc.
Một trong những ý tưởng của thầy Park là sự thay đổi về chiến thuật. Ông đã gặt hái nhiều vinh quang nhờ sơ đồ 3 trung vệ, đảm bảo sự chắc chắn để thực hiện ý đồ chơi phòng ngự phản công. Tuy nhiên, cách đá này phần nào đã bị bắt bài, thêm vào đó, đội tuyển Việt Nam cần xây dựng một lối chơi tăng cường kiểm soát bóng để có được thế chủ động trước mọi đối thủ, bởi đó mới là hình ảnh cần phải có của đội bóng đứng đầu Đông Nam Á.
Những biến động nhân sự trong năm 2020 càng thúc đẩy sự chuyển đổi diễn ra. Một loạt hậu vệ tốt nhất của đội tuyển như Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu gặp những chấn thương nghiêm trọng. Để duy trì được hệ thống phòng ngự 3 trung vệ, thầy Park phải tìm ra cái tên phù hợp để “tích hợp” cùng hai tuyển thủ khỏe mạnh còn lại là Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải. Mặt bằng chung của V.League hiện tại không có nhiều hậu vệ đem đến sự tin tưởng như những người vắng mặt.
Bên cạnh đó, những nhân tố mới ở tuyến giữa bỗng xuất hiện “ồ ạt”. Cao Văn Triền, Hai Long, Giang Trần Quách Tân… đều xứng đáng được thử nghiệm, cùng với đó là các tuyển thủ gạo cội đẳng cấp đã được chứng tỏ như Tuấn Anh, Hùng Dũng, Xuân Trường…
Một hệ thống mới để tận dụng tối đa nguồn lực cần phải được thử nghiệm.
Sơ đồ mới, cách chơi mới
Những gì mà thầy Park đã làm trong hai trận giao hữu với U22 Việt Nam có thể giúp cho người hâm mộ phần nào mường tượng ra hình ảnh mới của đội tuyển trong năm 2021. Đó là sơ đồ 4 hậu vệ và một lối chơi được xây dựng bài bản từ tuyến giữa.
Sơ đồ 4 hậu vệ có thể giúp giải quyết tạm thời cuộc khủng hoảng nhân sự ở tuyến phòng ngự. Trên thực tế, hầu hết các đội bóng ở V.League cũng chơi với hệ thống này. Khi Duy Mạnh và Đình Trọng chưa quay trở lại, Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng đủ đem lại sự yên tâm khi họ chính là bộ đôi trung vệ đã góp công quan trọng đưa Viettel đến ngôi vô địch mùa vừa rồi.
Theo lịch dự kiến, trận đấu lớn đầu tiên của đội tuyển Việt Nam trong năm 2021 sẽ là chuyến làm khách trên sân của Malaysia ngày 30-3 trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022. Đến tháng 6, thầy trò ông Park sẽ có hai trận gặp Indonesia và UAE. Tháng 12, đội tuyển Việt Nam sẽ dự AFF Cup với tư cách nhà đương kim vô địch.
Nhưng tuyến giữa mới là nơi có những thay đổi mang tính căn bản nhất. Cao Văn Triền là một phát hiện cực kỳ thú vị. Cầu thủ của Sài Gòn FC được giới hâm mộ đặt cho biệt danh “Kante Việt Nam” bởi sức bền, khả năng càn lướt và đánh chặn đáng nể của mình.
Việc bớt đi một trung vệ ở phía dưới và bố trí một tiền vệ “chuyên thủ” không chỉ đảm bảo độ vững chắc của khối phòng ngự mà còn giúp giải phóng những tiền vệ giàu sức sáng tạo như Hùng Dũng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Họ có thể yên tâm về khoảng trống sau lưng, thoải mái xây dựng lối chơi bằng kỹ năng của mình.
Khi những tiền vệ trung tâm tham gia kiến tạo nhiều hơn, áp lực sẽ không còn đặt nặng lên vai “ nhạc trưởng” Quang Hải. Tài năng lớn nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại trong suốt thời gian qua đã phải đảm đương một khối lượng công việc quá lớn, vừa thường xuyên lùi xuống để tham gia triển khai bóng, vừa phải đảm bảo khả năng tạo đột biến ở 1/3 sân đối phương. Với đẳng cấp của mình, Hải “con” sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu được “tung tẩy” ở gần khung thành đối thủ hơn, nhường hoàn toàn nhiệm vụ “chia bài” cho Tuấn Anh, Hùng Dũng.
Tất nhiên, đội tuyển Việt Nam vẫn cần thêm nhiều cuộc thử lửa để lối chơi trở nên nhuần nhuyễn trước khi bước vào những thử thách thật sự.
5 điều rút ra từ màn so tài giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam
Hai trận giao hữu "lượt đi - lượt về" giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam đã khép lại năm 2020 đầy biến động của bóng đá trong nước.
Đại công trường của thầy Park
Thầy Park không trực tiếp cầm quân mà giao việc chỉ đạo cho các trợ lý trong hai trận giao hữu. Ngồi trên khán đài quan sát, HLV người Hàn Quốc giống như một tổng công trình sư đang thực hiện một dự án phức tạp.
Tổng cộng 58 cầu thủ đã được ra sân thi đấu tại Cẩm Phả và Việt Trì. Họ thuộc về nhiều nhóm khác nhau: Ngôi sao trụ cột, cựu binh lâu ngày trở lại, tân binh mới nổi, tài năng trẻ và cả những gương mặt vô danh.
Nhiều biến thể của sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2 đã được thử nghiệm. Trong đó cấu trúc tiền vệ hình kim cương được nhắc tới nhiều nhất và tiền vệ trụ Cao Văn Triền là tâm điểm chú ý với 90 phút thi đấu cho ĐT Việt Nam (45 phút trận "lượt đi" và 45 phút trận "lượt về").
Qua hai trận giao hữu, thầy Park và BHL đã có được báo cáo tổng kết về tình hình của hai đội tuyển, trước khi chuyển sang các "pha" tiếp theo của dự án trong năm 2021 cực kỳ bận rộn với Vòng loại World Cup, Vòng loại U23 châu Á, SEA Games, AFF Cup.
Cao Văn Triền là tân binh được quan tâm nhất ở ĐT Việt Nam. (Ảnh: Dương Thuật)
U22 Việt Nam không "nhạt" như tưởng tượng
Trước hai trận giao hữu với ĐT Việt Nam, ấn tượng về U22 Việt Nam là mờ nhạt. Phần lớn đội hình không được giới mộ điệu biết mặt thuộc tên. Nhiều ý kiến lo lắng về khoảng cách trình độ giữa hai đội tuyển.
Tuy nhiên, U22 Việt Nam đã chứng tỏ mình là đội bóng có cá tính riêng. Kiên trì phòng ngự, sẵn sàng bùng nổ khi phản công. U22 Việt Nam mang những nét đặc trưng của một đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo, song vẫn còn non nớt và cần thêm thời gian hoàn thiện.
Màn trình diễn của U22 Việt Nam giúp các cầu thủ trẻ nhận được cảm tình tự nhiên từ khán giả ở Cẩm Phả, Việt Trì cũng như qua màn ảnh nhỏ. Đó là trải nghiệm mới lạ với rất nhiều người trong thế hệ cầu thủ đang theo đuổi giấc mơ vàng SEA Games 31.
Cũng có thể thấy, 4 đợt tập trung ngắn hạn trong năm 2020 đã bước đầu tạo ra hình hài cho U22 Việt Nam "thế hệ thứ ba" dưới thời HLV Park Hang Seo, dù những đợt tập trung này chỉ để lại ấn tượng nhàn nhạt với giới truyền thông và người hâm mộ.
U22 Việt Nam để lại ấn tượng đẹp. (Ảnh: Dương Thuật)
Chênh lệch đẳng cấp
Chênh lệch đẳng cấp không chỉ tồn tại giữa cấp độ ĐTQG và U22, mà còn giữa những nhân tố mới và những cựu binh đã theo thầy Park "trải trăm trận" ở ĐT Việt Nam.
Đội hình xuất phát của ĐT Việt Nam trên sân Cẩm Phả chỉ có Văn Quyết từng cùng HLV Park Hang Seo tham dự một giải đấu chính thức. Đội hình ấy đã chơi chệch choạc. Những cầu thủ chơi hay tại V-League 2020 rất chật vật trong việc vận hành sơ đồ 3 hậu vệ ở cấp đội tuyển.
Hình ảnh tương phản xuất hiện trên sân Việt Trì. Đội hình toàn sao của ĐT Việt Nam đã áp đảo U22 Việt Nam. Ngay cả khi bất ngờ bị dẫn trước, họ cũng chỉ mất 1 phút để gỡ hòa và nhanh chóng ghi thêm bàn thắng để lật ngược thế cờ.
Trên phương diện cá nhân, Quang Hải đã chứng tỏ mình ở đẳng cấp khác biệt. Siêu phẩm bay người volley của tiền vệ sinh năm 1997 chính là cao trào trong 180 phút thi đấu giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam.
Quang Hải và dàn sao ĐT Việt Nam đã thể hiện trình độ khác biệt.(Ảnh: Dương Thuật)
"Vùng xám" trong lối chơi
Siêu phẩm của Quang Hải là khoảnh khắc ngôi sao. Tám bàn thắng còn lại trong hai trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam gồm 3 quả phạt đền, 4 tình huống mắc sai lầm dẫn đến bàn thua, chỉ có 1 bàn thắng đến từ pha dàn xếp tấn công bài bản. Bàn thắng duy nhất ấy là tình huống Trần Văn Đạt mở tỷ số trong trận "lượt đi" hôm 23/12.
Trong bối cảnh thi đấu giao hữu, cộng thêm sự nhường nhịn giữa đàn anh và đàn em do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông như lời chia sẻ HLV Park Hang Seo, thật khó để kết luận những vấn đề bộc lộ ở 2 trận vừa qua là nhất thời hay mang tính hệ thống?
Chín bàn thắng là kịch bản đẹp cho hai trận giao hữu, với mục đích gây quỹ từ thiện và phục vụ khán giả ở xa. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một lằn ranh sáng - tối, gây khó khăn cho việc soi xét sức mạnh thật sự của ĐT Việt Nam cũng như U22 Việt Nam.
Khi trận đấu được phát sóng trực tiếp, làm sao để che giấu điểm mạnh - điểm yếu trước ánh mắt soi mói của các đối thủ là nhiệm vụ cần thiết. Ở thời điểm này, sức mạnh cực đại và "gót chân Achilles" của ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam vẫn là dấu hỏi.
Điểm mạnh - điểm yếu thật sự của ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam đã bộc lộ? (Ảnh: Dương Thuật)
Ám ảnh chấn thương
Hai trận giao hữu với U22 Việt Nam là hoạt động duy nhất của ĐT Việt Nam trong năm 2020, khi bóng đá quốc tế gần như bị "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cơn ác mộng chấn thương vẫn ám ảnh ĐT Việt Nam. Đoàn Văn Hậu phải rút lui trước ngày tập trung do chấn thương sụn chêm đầu gối và phải nghỉ thi đấu 3-4 tháng. Nguyễn Hai Long bị đau từ khi ở CLB nhưng lên tuyển mới phát hiện ra bị rách sụn chêm đầu gối và phải phẫu thuật để điều trị.
Đội trưởng Quế Ngọc Hải dính chấn thương cơ đùi chân phải trong quá trình tập luyện và không thể thi đấu. Quang Hải, Tuấn Anh, Việt Anh từng khiến người hâm mộ lo lắng khi phải tập riêng với bác sĩ.
Trong hai trận giao hữu, tiền đạo Hồ Tấn Tài và hậu vệ Vũ Xuân Cường dính chấn thương trên sân Cẩm Phả. Trung vệ Nguyễn Thành Chung dính chấn thương trên sân Việt Trì.
Hàng loạt ca chấn thương trong đợt tập trung với mục đích đá giao hữu có lẽ mới là vấn đề lớn nhất của ĐT Việt Nam, thay vì những gì bộc lộ trên sân khi so tài với U22 Việt Nam./.
Thành Chung tập tễnh rời sân vì chấn thương. (Clip: Dương Thuật)
Tuyển Việt Nam đấu U22 Việt Nam: Những "lấn cấn" của thầy Park HLV Park Hang Seo hẳn còn rất nhiều vấn đề với tuyển Viêt Nam sau trận "lượt đi", nhưng cũng có những "lấn cấn" làm ông thầy người Hàn Quốc... hài lòng. Lấn cấn từ anh Trận thắng U22 Việt Nam ở "lượt đi" tại Cẩm Phả đương nhiên chưa thể khiến HLV Park Hang Seo hài lòng bởi còn nhiều vấn đề...