Những vui buồn của các lãnh đạo thế giới năm 2017 (phần 2)
Dù là những thủ tướng nhiều kinh nghiệm hay tổng thống mới nhậm chức, các nhà lãnh đạo thế giới vẫn phải đối mặt với không ít thử thách từ cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại trong nhiệm kỳ công tác năm 2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Trump cùng lãnh đạo các nước thành viên G7 dự hội nghị thượng đỉnh ở Taormina, Sicily, Italy hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump là một trong số những nhà lãnh đạo được nhắc đến nhiều nhất trên chính trường thế giới trong năm 2017. Với phương châm “Nước Mỹ là số một”, Tổng thống Trump từng bước thực hiện các cam kết do ông đưa ra khi còn là ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng, song không phải tất cả những lời hứa hẹn này đều đạt được như kỳ vọng.
Ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm sở hồi tháng 1, Tổng thống Trump đã thể hiện rõ quyết tâm xóa bỏ các di sản của chính quyền tiền nhiệm, bao gồm thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare, rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định biến đối khí hậu Paris, dọa từ bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và thỏa thuận hạt nhân Iran, đảo chiều quan hệ với Cuba hay chỉ trích NATO…
Ngoài những phát ngôn gây tranh cãi, Tổng thống Trump cũng đưa ra một loạt chính sách gây chấn động không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác như lệnh cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ, xây tường ngăn biên giới với Mexico, công nhận “thánh địa” Jerusalem là thủ đô của Israel, chỉ trích thâm hụt thương mại với hàng loạt đối tác quan trọng như Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc,…
Một số sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký ban hành vấp phải sự phản đối của dư luận (Ảnh: AFP)
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là chủ đề gây chú ý trong năm qua. Việc ông chủ Nhà Trắng không ngừng đưa ra những lời cảnh báo, thậm chí dọa sẽ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin trong năm 2017 cũng bị “phủ bóng” bởi cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ và các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa hai bên. Mặc dù vậy, hai nhà lãnh đạo vẫn có các cuộc gặp mặt song phương, đa phương và điện đàm để trao đổi về một loạt vấn đề quan tâm chung.
Nội các của Tổng thống Trump năm qua cũng có nhiều biến động khi hàng loạt quan chức cấp cao bị sa thải hoặc chủ động rời khỏi Nhà Trắng liên quan tới nhiều vụ lùm xùm như giấu giếm thông tin, bí mật liên hệ với Nga,… Tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo Mỹ trong năm đầu nhậm chức cũng không mấy khả quan, dù Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố ông là tổng thống thành công nhất trong lịch sử Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe dự tiệc cùng hai phu nhân và một số quan chức tại Florida, Mỹ hồi tháng 2 (Ảnh: Getty)
Theo nhận định của CNN, Thủ tướng Abe tiếp tục ghi điểm về chính trị trong năm 2017 dù bối cảnh toàn cầu còn nhiều diễn biến phức tạp. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên “kết thân” với vị tổng thống khó đoán của nước Mỹ – Donald Trump. Ông Abe và ông Trump đã có hàng loạt cuộc gặp cả song phương lẫn đa phương và thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa hai đồng minh.
Về đối nội, Thủ tướng Abe đã tìm cách trấn an người dân sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Ông Abe tiếp tục được bầu làm thủ tướng Nhật Bản sau khi đảng cầm quyền của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hạ viện hồi tháng 10. Đây được xem là thắng lợi của Thủ tướng Abe trong năm nay dù ông vẫn phải đối mặt với một số vụ lùm xùm cũng như những kế hoạch gây tranh cãi liên quan tới việc sửa đổi hiến pháp theo đường lối hòa bình của Nhật Bản.
Thủ tướng Abe chào đón năm 2018 với những điểm tựa vững chắc, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất của Nhật Bản trong gần 20 năm qua.
Video đang HOT
Thủ tướng Anh Theresa May
Thủ tướng May đối mặt với không ít khó khăn trong nhiệm kỳ năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Sau khi kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6, đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đã mất đa số tuyệt đối tại quốc hội và không giành đủ số ghế cần thiết để thành lập chính phủ. Thực tế này buộc bà May phải tìm cách liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Bắc Ireland để duy trì quyền lực. Động thái này khiến Thủ tướng May vấp phải sự chỉ trích và làm phức tạp thêm vấn đề biên giới Ireland trong các cuộc đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2017, Thủ tướng May cũng phải đối mặt với các mưu đồ hòng lật đổ bà và các vụ bê bối tình dục nghiêm trọng của các nghị sĩ trong quốc hội. Bà May đã mất 3 thân tín trong nội các, trong đó có hai bộ trưởng và đồng minh Damien Green – phó thủ tướng bị mất chức sau khi bị phát hiện nói dối về những hình ảnh khiêu dâm lưu trong máy tính tại văn phòng.
Một trong số những thành tựu mà Thủ tướng May đạt được trong năm qua là những tiến triển trong giai đoạn hai của các cuộc đàm phán Brexit. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ tiếp tục là thử thách đối với nữ lãnh đạo Anh trong năm 2018.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Thủ tướng Justin Trudeau bật khóc khi thay mặt chính phủ xin lỗi những người đồng tính bị phân biệt đối xử nhiều thập niên qua (Ảnh: Reuters)
Năm 2017, Thủ tướng Trudeau đã nhiều lần rơi nước mắt khi ông bật khóc xin lỗi cộng đồng người đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới (LGBTQ) hay các nhóm thổ dân tại Canada.
Một số điểm nổi bật mà Canada đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Trudeau như nền kinh tế tăng trưởng 3% trong năm 2017 hay chính sách thuế mới dành cho các gia đình nghèo. Năm 2018, một trong những nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Trudeau là thuyết phục Tổng thống Trump duy trì Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam. (Ảnh: ABC)
Thủ tướng Turnbull từng khiến dư luận xôn xao với cuộc điện đàm căng thẳng với Tổng thống Donald Trump khi ông Trump vừa nhậm chức. Khi đó, nhà lãnh đạo mới của Mỹ nói rằng đây là cuộc điện thoại chúc mừng tồi tệ nhất của ông.
Một điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ làm việc của Thủ tướng Turnbull năm 2017 là việc Australia chính thức cho phép hôn nhân đồng giới. Sang năm 2018, vấn đề mà Thủ tướng Turnbull phải đối mặt sẽ là nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Australia hiện nay vẫn còn yếu.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern
Nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới Jacinda Ardern (Ảnh: Odt.co.nz)
Sau cuộc bầu cử hồi tháng 9, bà Jacinda Ardern trở thành thủ tướng tiếp theo của New Zealand và là nữ nguyên thủ trẻ nhất thế giới ở tuổi 37. Bà được bầu để dẫn đầu một chính phủ liên minh dù đảng cánh tả của bà chỉ về vị trí thứ hai trong cuộc bỏ phiếu.
Một trong những thách thức lớn nhất của Thủ tướng Ardern trong năm 2018 là xây dựng chính phủ liên minh thực sự hiệu quả. Bà Ardern sẽ phải tìm cách phối hợp hài hòa giữa đảng Lao động tự do của bà với đảng Trước tiên cực hữu dân túy và đảng Xanh. Đây là điều không dễ dàng với một lãnh đạo trẻ tuổi như Thủ tướng Ardern.
Thành Đạt
Theo Dantri
"Lá chắn" an ninh kiên cố của Tổng thống Trump
Quy tụ những cá nhân xuất sắc với khả năng ứng biến nhanh nhạy với mọi tình huống, lực lượng Mật vụ Mỹ đang dốc sức bảo vệ Tổng thống Donald Trump cùng các thành viên trong gia đình ông, bất chấp những khó khăn do lịch trình di chuyển thường xuyên của ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhận được sự bảo vệ từ Mật vụ Mỹ từ khi ông là ứng cử viên của
Ngoài bảo vệ Tổng thống Trump, Mật vụ Mỹ cũng có nhiệm vụ bảo vệ các thành viên trong gia đình tổng thống gồm vợ, các con và các cháu. Do số lượng thành viên đông và ở địa điểm cách xa nhau nên lực lượng Mật vụ cũng gặp nhiều áp lực trong việc đảm bảo an toàn cho đại gia đình tổng thống. Trong ảnh: Mật vụ Mỹ làm nhiệm vụ khi máy bay chở Tổng thống Trump hạ cánh xuống sân bay Morristown ở New Jersey.
Tháp Trump, đại bản doanh của gia đình Tổng thống Trump, tại New York cũng là một trong những địa điểm nằm trong diện bảo vệ của Mật vụ Mỹ. Trước khi chuyển tới Nhà Trắng hồi tháng 6, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump và con trai Barron Trump vẫn sống tại tòa tháp này. Trong ảnh: Mật vụ Mỹ tiến vào Tháp Trump ở Manhattan, New York.
Để bảo vệ nhà lãnh đạo Mỹ, các thành viên đội mật vụ phải luôn bố trí quan sát mọi diễn biến xung quanh tổng thống. Trong ảnh: Mật vụ Mỹ giám sát hành trình di chuyển của Tổng thống Trump từ Nhà Trắng ở Washington khi ông Trump chuẩn bị lên máy bay ra nước ngoài để dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Mọi sự kiện Tổng thống Trump tham gia đều có "bóng dáng" của Mật vụ. Đặc điểm nhận dạng thường thấy của Mật vụ Mỹ là đeo kính đen và gắn thiết bị nghe sau gáy. Trong ảnh: Mật vụ đứng bảo vệ xe trước mũi xe tổng thống khi ông Trump tới thăm Trường Công nghệ Waukesha ở Pewaukee, bang Wisconsin hôm 13/6.
Chi phí dành cho việc bảo vệ Tổng thống Trump và các thành viên trong gia đình ông không hề nhỏ. Chính quyền New York, nơi tọa lạc của Tháp Trump, từng phàn nàn về số ngân sách lớn mà thành phố này phải bỏ ra để phục vụ công tác bảo đảm an ninh cho tổng thống và những người thân của ông. Trong ảnh: Mật vụ Mỹ bảo vệ lễ nhậm chức của Tổng thống Trump ở Đồi Capitol tại Washington hôm 20/1.
Tổng thống Trump và phu nhân Melania bước lên chuyên cơ Không Lực Một tại căn cứ Andrews ở Maryland trong chuyến công du tới Ba Lan và Đức hồi tháng 7 trong khi Mật vụ Mỹ đứng phía dưới máy bay làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh.
Mật vụ Mỹ cũng chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống Trump trong các chuyến công du nước ngoài. Trong ảnh: Tổng thống Trump "lọt thỏm" trong vòng vây bảo vệ của Mật vụ khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Taormina, Sicily, Italy ngày 26/5.
Mật vụ bảo đảm an ninh tại khu vực bãi cỏ phía nam Nhà Trắng trước khi trực thăng Marine One chở Tổng thống Trump cất cánh từ thủ đô Washington.
Một thành viên đội Mật vụ cầm súng đứng giám sát an ninh trên mái Nhà Trắng ở Washington.
Mật vụ Mỹ di chuyển trên một trực thăng riêng, tháp tùng máy bay của Tổng thống Trump, tại căn cứ Andrews ngày 9/6.
Các thành viên đội Mật vụ xuất hiện để đảm bảo an ninh trước khi trực thăng chở Tổng thống Trump hạ cánh ở New York hồi tháng 5.
Đội Mật vụ xuất hiện bên ngoài nhà thờ ở Palm Beach, bang Florida khi Tổng thống Trump và phu nhân Melania đang thực hiện nghi lễ bên trong.
Mật vụ Mỹ lau xe limousine chở Tổng thống Trump trong lúc chờ nhà lãnh đạo tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida.
Thành Đạt
Ảnh: Reuters
Theo Dantri
Những vui buồn của các lãnh đạo thế giới năm 2017 (phần 1) Chính trường thế giới năm 2017 chào đón một số nhân tố mới với những chính sách mang đậm dấu ấn cá nhân, ngoài những gương mặt cũ. Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng trải qua một năm "thuận buồm xuôi gió". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp...