Những vụ trao nhầm con qua lời kể của Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN
15 năm qua, một trung tâm xét nghiệm ADN tại Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trao nhầm con ở bệnh viện.
Ths Nguyễn Thị Nga, giám đốc trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) trao đổi với PV Báo Lao Động.
Là một trong những trung tâm xét nghiệm ADN ra đời sớm nhất ở Việt Nam, 1 tháng, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) của Ths Nguyễn Thị Nga tiếp nhận khoảng 200 lượt khách có nhu cần phân tích, kết luận về ADN.
“Đa phần những ca phân tích ADN nhằm mục đích tìm lại, xác định nhân thân gia đình, bố mẹ con ruột. Trong đó, 15 năm qua, chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 10 ca là do sơ suất, trao nhầm con từ phía bệnh viện”, bà Nga cho biết.
Người đứng đầu trung tâm xét nghiệm ADN này kể lại cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hy hữu nhưng cũng đầy chua xót. Trong đó, đáng nhớ và nổi tiếng nhất là câu chuyện tìm thấy con ruột sau 42 năm trao nhầm ở nhà hộ sinh.
Tháng 3.2016, câu chuyện hy hữu về việc nhầm con của một gia đình trên phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) được báo chí đưa tin.
Theo đó, chị Tạ Thị Thu Trang chào đời ngày 10.10.1974 tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội). Chị được nữ hộ sinh viết số 32 ở đùi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cũng sinh một bé gái cùng thời điểm trên, đứa trẻ được đánh số 33 ở chân. Tuy nhiên, khi bà nhận con, nữ hộ sinh trao cho bà em bé Tạ Thị Thu Trang (số 32). Kết quả giám định ADN sau này cũng cho thấy chị Trang không phải con gái đẻ của bà Hạnh.
“Lần tìm từ những thông tin về câu chuyện của gia đình bà Hạnh trên báo chí, chúng tôi được biết bà Hạnh chính là vị khách đã đến xét nghiệm ADN tại trung tâm thời điểm trước đó”, Ths Nguyễn Thị Nga kể. “Mẫu tóc bà Hạnh mang đến trung tâm xét nghiệm là của chị Trang”.
Video đang HOT
Lúc biết kết quả, bà Hạnh đã khóc òa, bà nói: “Không ngờ đứa con ruột đã tuột khỏi tay tôi từ khi mới lọt lòng”.
Sau đó, từ những thông tin đăng tải trên báo chí, gia đình bà Hạnh nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ tên Đặng Thị Dần (Đông Anh, Hà Nội). Chị Dần cho biết, chị là người sinh cùng nơi, cùng năm, cùng tháng, cùng ngày với chị Trang.
Tại gia đình chị Dần, mọi người cũng đều ngạc nhiên khi chị Trang và chị Ngọ (em gái chị Dần) giống nhau như 2 giọt nước. Bố của chị Dần là ông Được, lúc ấy nói với chị Trang: “Con đúng là con gái của bố rồi”.
“Tuy vậy, qua quá trình làm các xét nghiệm, phân tích ADN tại trung tâm, chúng tôi xác định chị Trang không phải con ruột ông Được và chị Dần cũng không phải con đẻ của bà Hạnh”, Ths Nguyễn Thị Nga kể lại.
Một thời gian sau đó, gia đình bà Hạnh đã tìm lại được con ruột của mình và chị Trang cũng đã tìm lại được bố mẹ ruột sau tròn 42 năm xa cách.
“Mỗi lần làm xét nghiệm giúp các gia đình tìm lại nhân thân đối với chúng tôi là một kỷ niệm, câu chuyện xúc động và sự đồng cảm”, bà Nga chia sẻ.
Giám đốc trung tâm VGAT cũng cho rằng, các bệnh viện nên công nghệ hóa quy trình quản lý các cháu bé sau khi sinh nở để tránh những trường hợp đáng tiếc như vụ việc trên và vụ trao nhầm con ở bệnh viện Ba Vì mới đây.
TRẦN TUẤN – HÀ PHƯƠNG
Theo Laodong
Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Xin hãy nghĩ đến các con!
Vụ trao nhầm con ở Ba Vì (Hà Nội) đang là tâm điểm của dư luận. Mỗi người một ý, người dựa theo lý, người nói theo tình. Tôi cho rằng, việc hai cháu bé chưa được về với bố mẹ ruột của mình có nhiều lý do phía sau. Và, khi thỏa thuận, mọi người hãy nhìn vào đôi mắt của hai đứa trẻ, để đưa ra những quyết định trọn vẹn nhất.
Bé H cùng bố mẹ nuôi dưỡng mình 6 năm nay là anh Sơn - chị Hiền.
Không phải con mình thì không được phép nuôi giữ nếu bố mẹ đứa trẻ không đồng ý. Về mặt pháp lý là như vậy. Còn về cả pháp lý lẫn tình cảm, thì người mẹ nào cũng vậy, khi biết con mình dứt ruột đẻ ra đang bị trao nhầm cho người khác nuôi, việc đầu tiên họ nghĩ đến là phải đón cháu bé về lại với mình, để chăm bẵm, để bù đắp yêu thương cho nó.
Lẽ thường là như thế. Ai cũng nghĩ được như thế. Không chỉ người ngoài cuộc vốn tỉnh táo và khách quan đang theo dõi vụ việc, mà tôi tin rằng, những người cha, người mẹ trong câu chuyện này cũng đều nghĩ được điều đó.
Nhưng, đến giờ, sau khi phát hiện đứa trẻ mình đang nuôi không phải con đẻ từ khá lâu, chị Vũ Thị Hương vẫn chưa đồng ý trả lại con cho gia đình anh Phùng Giang Sơn, chị Phùng Thị Hiền, tôi nghĩ chắc chắn có những ẩn ức phía sau.
Báo chí khi viết về gia đình anh Sơn, chị Hiền đều kể về những "cú sốc" tâm lý và cả những thiệt hại vật chất, kinh tế không hề nhỏ trong quá trình đi tìm lại con đẻ. Nhưng đâu phải chỉ có phía anh Sơn, chị Hiền, ở phía đối diện, chị Vũ Thị Hương cũng mang nỗi đau không hề kém.
Chị Vũ Thị Hương và cháu M.
Đong đếm những tổn thất tâm lý, tinh thần, vật chất của gia đình hai bên, của hai người mẹ trong trường hợp này là không nên. Nhưng thực tế cho thấy, cũng chính vì sự nhầm lẫn không đáng có này mà chị Hương đã tan nát gia đình, ảnh hưởng cả cơ đồ, sự nghiệp. Đó mới là cú sốc lớn nhất, đau đớn nhất, khiến chị chưa muốn tin vào sự thật.
Và dù có cố tin đi chăng nữa, thì chị cũng chưa biết phải ứng xử với nó như thế nào. Chị đã quá đau đớn sau thời gian dài bị chồng nghi ngờ mình sinh con với người khác, đến mức phải ly hôn. Giờ, sự thật kia dù có sáng tỏ đi chăng nữa, liệu có khiến chị được thanh thản không? Có giúp chị ngay lập tức lấy lại được niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ, làm người đoan chính trong con mắt của mọi người trước đây đã từng nghi kỵ, dè bỉu?!?
Có những người thuần lý tính, hoặc chỉ nghe sự chia sẻ cảm xúc từ phía gia đình anh Sơn, đã vội vàng phán xét, chê trách chị Hương, đòi phải xử lý theo những điều khoản pháp lý để buộc chị phải trao trả cháu bé. Tôi cho rằng đó là điều không nên. Chẳng người mẹ nào chối bỏ giọt máu mình dứt ruột đẻ ra. Ngày nào, con mình đẻ ra vẫn nằm trong vòng tay của người khác, tôi nghĩ, là ngày chị vẫn chưa thể sống thanh thản, bình yên.
Nhưng, ngay lập tức, buộc chị phải trả lại đứa trẻ mà mình đã dồn bao tình cảm, yêu thương, chăm bẵm trong suốt 6 năm trời, đó cũng là một sự tàn nhẫn. Đứa trẻ ấy đã mang lại cho chị bao điều trái ngang, khiến cuộc sống bị đảo lộn, hỗn loạn, đầy bi kịch, tai ương. Giờ, phút chốc, để dứt nó ra, thật không dễ gì cho bất cứ người làm mẹ nào. Chưa kể, các cụ còn có câu "công sinh không bằng công dưỡng". Gần gũi đứa trẻ trong suốt 6 năm, từ lúc con còn đỏ hỏn, đến nay đã ở tuổi đi học, biết nhận thức, thể hiện tình cảm yêu thương, dễ gì phút chốc mà xa được.
Trả lời báo chí, chị Hương cho rằng chị cần thời gian, để cú sốc dịu đi, để mình tĩnh tâm trở lại, để quen dần với sự thật vừa được đón nhận. Nhưng, tôi cho rằng, thời gian chỉ là một phần, điều mà chị cần hơn, đó là sự thông cảm, chia sẻ của gia đình anh Sơn, chị Hiền và của cộng đồng, xã hội và cơ quan chức năng. Khi có sự cảm thông, thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của người khác, họ sẽ biết tư vấn, bàn bạc, thỏa thuận, đưa ra những giải pháp trọn lý, vẹn tình, tạo ra cái kết có hậu nhất trong câu chuyện.
Điều tôi mong muốn nhất, là hai bên gia đình tìm cách nào đó để được ở gần nhau, thường xuyên, liên tục. Từ đó, sẽ tạo cho những đứa con làm quen từ đầu với người mẹ đích thực của mình, để hai đứa trẻ trở thành bạn bè, anh em. Giờ các cháu đã biết sự thật, chắc cũng đang hoang mang, lo lắng, "sốc" lắm.
Vì vậy, hãy quan tâm, động viên, trấn an các cháu. Hãy tiếp tục yêu thương chúng như đã từng yêu, và bù đắp cho đứa con ruột thịt của mình bằng tất cả những tình cảm mà bấy lâu đã chưa làm được. Có tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ thật lòng, chắc chắn, những đứa trẻ kia sẽ dần dần quen với sự thật, từ đó có những tình cảm, ứng xử hợp lý.
Bệnh viện đa khoa Ba Vì.
Ngay cả khi đã nhận lại con mình, trả con về cho bố mẹ thật của chúng, hai bên gia đình vẫn có thể nhận đứa trẻ mình đã từng nuôi nấng là con nuôi và giữ mối quan hệ, liên lạc thường xuyên. Như vậy, sẽ không có đứa trẻ nào bị thiệt thòi, thậm chí, chúng còn được nhân thêm niềm vui, vì vừa được trở về với bố mẹ thật sự, vừa có thêm một người mẹ nuôi mà mình chắc sẽ cả đời không thể quên ơn dưỡng dục.
Ngược lại, những người mẹ, từ nay sẽ vừa được chăm sóc, yêu thương đứa con là máu mủ ruột già thực sự của mình, lại vẫn có thể quan tâm, yêu thương đứa con mình đã nuôi, dành tình cảm suốt 6 năm, như vậy, còn điều gì tuyệt vời hơn?
Chỉ sợ người ta không có tình cảm và lòng yêu thương thật sự. Còn trong trường hợp này, nếu vì tình yêu thương quá lớn mà người mẹ chưa sẵn sàng để chấp nhận xa con trong chốc lát, thì tôi nghĩ đâu có gì khó khăn để giải quyết đâu. Có yêu thương, là có tất cả. Tôi tin rằng, rồi hai người mẹ trẻ kia sẽ tìm được ra hướng giải quyết ổn thỏa, có hậu nhất. Vì họ đều giống nhau ở một điểm, đó là tình yêu thương con trẻ, ở bản năng làm mẹ. Cái đó mới quan trọng, chứ đâu cần đến thứ can thiệp cứng nhắc của pháp lý kia?!?
Theo Danviet
Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Người mẹ sẽ bị xử lý hình sự nếu quyết không hoán đổi con Liên quan đến vụ trao nhầm con ở Hà Nội, theo Luật sư La Văn Thái, nếu người mẹ kiên quyết không hoán đổi vị trí của hai đứa trẻ có thể bị xử lý hình sự. Bệnh viện Ba Vì - nơi xảy ra vụ trao nhầm con và anh Phùng Giang Sơn - bố của một trong hai cháu bé Ảnh:...