Những vụ phạm tội nổi tiếng nhất của yakuza
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ phạm tội thấp nhưng đáng ngạc nhiên là nước này lại là quê hương của một trong những mạng lưới tội phạm lớn nhất thế giới – yakuza.
Mạng lưới gồm xấp xỉ 60.000 thành viên này do 22 gia đình cấu thành, thường được gọi là boryokudan. Các boryokudan lại thường gồm những băng nhóm chân rết nhỏ hơn. Trong số 22 boryokudan có 3 dòng họ lớn nhất: Yamaguchi-gumi, Sumiyoshi-kai, Inagawa-kai. Những hành vi phạm tội của yakuza thường ít gây sốc và tàn độc như của những băng mafia phương Tây. Dưới đây là những tội ác gây tiếng vang nhất của yakuza trong nhiều năm qua.
Vụ sát hại Ryoichi Sugiura
Hai gia tộc lớn nhất trong yakuza là Yamaguchi-gumi và Sumiyoshi-kai. Yamaguchi-gumi có khoảng 25.000 thành viên, trong khi Sumiyoshi-kai có 10.000 người. Không cần phải nói cũng biết cuộc chiến giữa hai gia tộc này sẽ khủng khiếp như thế nào. Nỗi lo ấy của người dân Tokyo đã trở thành sự thật vào ngày 5/2/2007. Khi đồng hồ vừa điểm qua 10 giờ sáng, hai người đàn ông đội mũ bảo hiểm tiếp cận chiếc xe limosine của Ryoichi Sugiura, một thành viên cấp cao của Sumiyoshi-kai và nã 3 viên đạn qua cửa kính xe, giết chết ông này.
Tadamasa Goto.
Đó là các tay súng thuộc một băng nhóm có tên Kokusui-kai, vốn là một nhánh của Yamaguchi-gumi. Động cơ đằng sau hành động này của họ chính là tranh giành địa bàn. Và thời điểm đó, Sugiura đang giải quyết một vụ tranh chấp địa bàn giữa Sumiyoshi-kai và Kokusui-kai ở quận Roppongi thuộc trung tâm Tokyo.
Nơi này trước đây thực ra thuộc về Yamaguchi-gumi, nhưng họ đã để mất nó vào tay Sumiyoshi-kai sau những cuộc đấu đá vào đầu những năm 1990. Giờ đây, Yamaguchi-gumi muốn lấy lại địa bàn này và họ sẵn sàng viện đến giải pháp ám sát để thực hiện mục tiêu của mình.
Người ta lo sợ rằng một cuộc chiến giành địa bàn sẽ nổ ra ở quận Roppongi, nơi nhiều đại sứ quán, trường học và hộp đêm tọa lạc. Cùng ngày Siguira bị sát hại và cả ngày hôm sau, các thành viên của Sumiyoshi-kai đã nổ súng vào văn phòng của Yamaguchi-gumi và hai cơ ngơi thuộc các nhánh khác của Yamaguchi-gumi.
Sau đó, cảnh sát đã dập tắt các hành động trả thù trước khi tình hình trở nên quá nghiêm trọng. May mắn là cuộc chiến địa bàn đó đã không bao giờ thực sự xảy ra, hoặc ít nhất là công chúng chưa được biết tới nó. Về vụ ám sát Siguira, đã không có ai bị bắt.
Công cuộc bành trướng của Wataru “Jackson” Inada
Video đang HOT
Có rất nhiều thành viên nên không ngạc nhiên khi yakuza cũng đã mở rộng hoạt động ra cả nước ngoài, tới Mỹ, Trung Quốc cũng như Hàn Quốc.
Một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trong quá trình mở rộng của yakuza sang Mỹ, đặc biệt là ở Hawaii, là Wataru “Jackson” Inada. Là một thành viên của Sumiyoshi-kai, Inada đến Hawaii từ Tokyo vào năm 1972. Trong 2 năm sau đó, ông ta đã thiết lập được nhiều mối quan hệ ở Mỹ, kể cả những mối quan hệ với giới mafia Los Angeles. Những kết nối này đã giúp yakuza tuồn heroin vào Mỹ. Cũng trong thời gian này, quan hệ giữa yakuza và mafia Mỹ đã rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách.
Huy hiệu của Sumiyoshi-kai.
Mọi chuyện đã đổi thay vào một ngày tháng 5/1976, khi người ta tìm thấy Inada và bạn gái bị bắn chết trong một căn hộ ở Honolulu, Hawaii. Trước đó, Inada đã từng bị bắt vì tìm cách bán một lượng lớn heroin cho một cảnh sát chìm, và người này đang chuẩn bị ra làm chứng chống lại Inada. Vụ giết người này chưa bao giờ có lời giải, nhưng người ta tin rằng đó là tác phẩm của một gangster địa phương.
Vụ sát hại Inada đến tai công tố viên Micheal Sterrett ở Honolulu. Sterrett nhận ra rằng chính Inada là người đã gieo mầm cho yakuza trở nên có “số má” trên đất Mỹ. Sử dụng các mối liên kết mà Inada đã thiết lập, yakuza có thể chuyển ma túy tới Mỹ, còn những băng nhóm tội phạm có tổ chức của Mỹ lại vận chuyển súng đạn sang Nhật Bản. Sterrett là người đầu tiên nêu ra nguy cơ thực sự của yakuza lên Bộ Tư pháp Mỹ.
Thậm chí đã hơn 40 năm sau khi Inada đặt chân đến Mỹ, yakuza vẫn là một mối nhức nhối cho đất nước này. Họ tiến hành các hoạt động rửa tiền, buôn bán người cũng như mại dâm. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã cho đóng băng tài sản của hai nhóm yakuza lớn nhất để ngăn cản đường làm ăn của họ tại Mỹ.
Vụ sát hại Kazuoki Nozaki
Yakuza cũng thực hiện hoạt động bảo kê. Mặc dù tiến hành những mánh lới làm ăn như thế, yakuza vẫn tránh những hành vi bạo lực nhằm vào dân thường vì việc đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Tuy nhiên, cũng có một số nhóm yakuza khác biệt ở chỗ họ sẵn sàng gây hại hoặc giết hại dân thường.
Một trong những nhóm như vậy là Goto-gumi, do Tadamasa Goto thành lập. Goto-gumi trở nên nổi tiếng vào năm 2008 khi người ta phát hiện ra rằng Goto đã có một thỏa thuận với FBI. Để đổi lấy thông tin về yakuza, FBI đã sắp xếp để ông này được phẫu thuật cấy ghép gan tại bệnh viện UCLA ở Los Angeles. Sau ca phẫu thuật, Goto đã quyên góp 100.000 USD cho bệnh viện. Khi thông tin này được loan ra, nó đã khiến Goto-gumi bị “đá” khỏi Yamaguchi-gumi.
Dù Goto đã được phẫu thuật cứu lấy tính mạng, ông ta cũng chính là người lấy đi mạng sống của nhiều người, trong đó có vụ giết hại Kazuoki Nozaki, một nhà tư vấn bất động sản. Nozaki đã bị đâm dao tới chết trên phố tại phường Minato, Tokyo, vào tháng 3/2006. Sau đó đã không có vụ bắt giữ nào nhưng cảnh sát nghi ngờ rằng Goto-gumi đứng đằng sau hành động này.
Bốn năm sau vụ giết người, vào tháng 12/2010, 4 thành viên của băng nhóm này bị bắt vì có liên quan đến cái chết của Nozaki. Gia đình của Nozaki còn kiện Goto-gumi và chính Goto. Goto-gumi đã phải trả 1,4 triệu USD để hòa giải vào năm 2012 và thậm chí còn xin lỗi gia đình Nozaki. Nhưng Goto vẫn không chịu trách nhiệm về vụ giết người đó.
Điều đáng nói là khi hoàn tất hòa giải, Goto đã nghỉ hưu được 3 năm. Năm 2009, ông quy y cửa Phật. Ông cho ra đời cuốn tự truyện ăn khách có tên “Habakarinagara” (Hãy tha thứ cho tôi, nhưng…) vào năm 2010 và quyên góp toàn bộ lợi nhuận cho từ thiện.
(Còn tiếp)
Theo Trần Anh
baotintuc.vn
Tục tự cắt ngón tay của mafia Nhật
Nhiều người tưởng rằng tục cắt ngón tay của yakuza là biện pháp trừng phạt, nhưng thực chất, đây là hình thức chuộc lỗi.
Bàn tay cụt ngón út của một yakuza. Ảnh: TWPhoto
Tục cắt ngón tay, trong tiếng Nhật gọi là Yubitsume là một nghi lễ để chuộc lỗi cho hành vi phạm lỗi, một cách tự phạt để bày tỏ lời xin lỗi chân thành. Nghi lễ này được cho là có nguồn gốc từ những người đánh bạc gọi là Bakuto, tiền thân của yakuza, mafia Nhật, hiện đại. Nếu một người không thể trả nợ cờ bạc, thì họ có thể cắt ngón tay để thay thế.
Theo CNN, yakuza phải cắt ngón tay để thay cho việc trả nợ, để chuộc lỗi cho sai lầm và được ở lại trong tổ chức, hoặc để giữ mạng sống. Trong trường hợp này, ngón tay bị cắt được gọi là "ngón tay chết". Nếu một yakuza chịu hy sinh một ngón tay vì lợi ích của thuộc cấp hoặc chiến hữu thì đó gọi là "ngón tay sống".
Theo thông lệ, người muốn chuộc lỗi phải tự cắt ngón tay. Họ đặt tay lên một miếng vải nhỏ, sạch rồi sử dụng dao thật sắc để cắt một đốt ngón tay út ở bàn tay trái. Sau đó, anh ta gói phần bị cắt đứt lại và nộp cho bố già. Nếu phạm nhiều tội, thì họ sẽ chuyển sang đốt tiếp theo của ngón tay. Nếu ngón út trái đã bị cụt thì họ sẽ cắt ngón út phải hoặc ngót áp út trái. Tuy nhiên, ngày nay, tục này có một số biến tấu, người muốn chuộc lỗi có thể không cần tự cắt mà do người khác thực hiện.
TruTV Crime Library cho biết một yakuza tự biết anh ta phải cắt tay khi cấp trên đưa cho mình một con dao và một sợi dây để cầm máu, chứ không cần phải hạ lệnh bằng lời.
Trong cuộc phỏng vấn với The New Yorker, một thành viên yakuza kể rằng ông đã cắt ngón tay của mình trước mặt ông trùm trong văn phòng của băng đảng. "Có một sự cố và tôi phải chịu mất ngón tay", ông nói. Một bác sĩ cầm máu cho ông nhưng không chữa trị vết thương.
"Chữa trị ngón tay sẽ bị coi như là rút lại lời xin lỗi", ông nói. Sau đó, ông giải thích rằng ngón tay bị cắt cụt có liên quan đến tục mổ bụng tự sát (nghi lễ tự tử của samurai). Người có 9 ngón tay có thể nhận được trợ cấp khuyết tật đặc biệt từ chính quyền Nhật Bản, tuy nhiên, ông từ chối nhận vì làm vậy cũng coi như rút lại lời xin lỗi.
Nguyên nhân yakuza cắt ngón tay út xuất phát từ cách cầm kiếm Nhật. Khi cầm kiếm, ba ngón tay út, áp út và giữa sẽ nắm chặt vào chuôi kiếm, còn ngón cái và ngón trỏ thì hơi thả lỏng. Việc cắt ngón tay út sẽ làm sức cầm kiếm yếu đi. Người Nhật cho rằng nếu một người cầm kiếm yếu thì họ phải phụ thuộc nhiều hơn vào tổ chức để được bảo vệ và phải giảm hành động đơn lẻ.
Theo Japan Focus, ngày nay, để giữ bí mật và ẩn thân, hiếm yakuza cắt ngón tay để chuộc lỗi mà thay vào đó là cạo đầu. Yakuza hiện đa phần không tự nguyện cắt ngón tay. Tháng 10/2008, một thành viên trẻ của một băng đảng ở Tokyo bị ép cắt ngón út trái vì xin rời khỏi tổ chức. Tháng 12/2010, một thành viên khác của một băng đảng ở Kobe cũng bị buộc phải làm vậy sau khi không trả được nợ cho cấp trên. Trong cả hai trường hợp, nạn nhân đã báo cảnh sát. Giới chức bắt giữ một số người và cáo buộc họ tội hăm dọa và hành hung.
Các hình thức trừng phạt chủ yếu trong xã hội yakuza ngày nay là phạt tài chính hoặc bị đuổi khỏi băng đảng. Trong vài năm gần đây, các nhà sản xuất cũng làm những đầu ngón tay giả để giúp yakuza che giấu bàn tay cụt ngón.
Các cựu thành viên yakuza thường mua đầu ngón tay giả để hòa nhập với cuộc sống bình thường. Ảnh: Japan Today
Phương Vũ
Theo VNE
Cuộc chiến quyền lực trong tập đoàn mafia Yamaguchi-gumi Yamaguchi-gumi, băng yakuza lớn nhất Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ "chiến tranh quyền lực" để phân chia thành những phe nhóm khác nhau. Nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ những khác biệt trong sự trung thành với ông trùm yakuza Shinobu Tsukasa... Thống kê cho thấy ở Nhật Bản có 21 nhóm tội phạm có tổ chức - yakuza,...