Những vụ cướp tiền công đức táo tợn
Mỗi khi đói thuốc, điểm đến của chúng là nhà chùa. Thời gian qua Cao Thế Thuận (SN 1985, trú tại thôn 4, xã Tràng An, huyện Đông Triều, Quảng Ninh) cùng đồng bọn đã gây ra hàng loạt các vụ trộm, cướp tiền công đức táo tợn tại các đền, chùa trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng.
Vác dao đi cướp ở nhà chùa
Lên cơn nghiện, lại hết tiền, Cao Thế Thuận (SN 1985, trú tại thôn 4, xã Tràng An, huyện Đông Triều, Quảng Ninh) bàn bạc cùng với Vũ Văn Việt (SN 1994, trú tại Thôn Bắc Cả, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, Hưng Yên) đến chùa Lôi Âm Thượng, thuộc phường Đại Yên, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) để trộm tiền công đức.
Thực hiện kế hoạch, trưa 19/7/2013, Thuận và Việt mang theo 2 con dao nhọn, 2 cuộn dây thừng và 1 cuộn băng dính theo chân những người khách hành hương đến chùa Lôi Âm. Để tránh bị nghi ngờ, hai đối tượng không đi theo lối cổng chính vào chùa mà đi vòng ra phía sau quả đồi, leo lên núi giả làm người hái củi. Lúc này khách đến vãn chùa rất đông, Thuận và Việt phải nấp trong lùm cây trên núi chờ cơ hội.
Đến khoảng 17h30 khi thấy khách đến vãn cảnh chùa đã về hết, Việt và Thuận lần theo đường mòn nhảy qua tường vào chùa. Đang lúi húi nấu cơm trong bếp, phát hiện thấy có hai người mặc đồ đen, bịt mặt đi ngang qua, bà Dương Thị B. (54 tuổi, là vãi tại chùa) hỏi với theo: “Thí chủ tìm ai?”. Giật mình, tên Thuận liền rút dao gí vào cổ bà B. và quát: “Mày kêu lên tao giết”, sau đó tên Việt lấy băng dính dính chặt miệng bà B., rồi kéo bà đến phòng của sư trụ trì gần đó dùng dây thừng trói chặt tay chân bà vào ghế tựa.
Đối tượng Vũ Văn Việt.
Khi quay trở ra, chúng gặp chị Vũ Thị Xuân Q. (38 tuổi – là vãi tại chùa) đi vào dọn phòng của sư thầy. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì chị Q. đã bị hai tên trộm bịt mắt, nhét giẻ vào mồm và trói chặt vào ghế cùng với bà B.. “Xử lý” xong hai bà vãi, Việt và Thuận ung dung đi thẳng vào đại điện phá khóa hòm công đức. Khi bọn chúng đang nhét tiền vào túi thì có một vị khách đến thắp hương. Sợ lộ, Việt và Thuận liền khống chế anh ta, lôi vào phòng sư thầy trói cùng với hai bà vãi. Trước khi bỏ đi, hai tên cướp không quên “mượn” thêm của vị khách này 1 chiếc ví da và chiếc điện thoại di động.
Đại đức – Thích Chí Khả, trụ trì chùa Lôi Âm cho biết: “Hôm đó tôi có việc phải ra ngoài, khi về đến chùa vừa bước qua cửa Trung Quan thì thấy đại điện tối om, nắp hòm công đức bị bật tung nằm chỏng chơ dưới đất, còn tiền trong đó thì mất sạch. Tôi vòng ra phía sau nhà tìm các vãi nhưng gọi mãi mà chẳng thấy có ai trả lời. Khi về đến phòng của mình, tôi không thể tin vào mắt khi thấy ba người (hai nữ, một nam) bị trói chặt vào một chiếc ghế…”.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng đối tượng, ngày 22/7/2013, Đội CSHS công an TP.Hạ Long truy bắt và ra quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thế Thuận và Vũ Văn Việt về tội cướp tài sản.
Video đang HOT
Tại cơ quan điều tra, Thuận và Việt còn leo lẻo “tiền công đức trong chùa là tiền của các con nhang phật tử ủng hộ nhà chùa để làm việc thiện. Chúng em thiếu tiền, có xin nhà chùa chút đỉnh thì đó cũng là nhà chùa làm việc thiện cho chúng em thôi mà”.
Bộ mặt cặp “song cướp” báng bổ
Cao Thế Thuận sinh ra trong gia đình bố làm nghề nông còn mẹ là cán bộ y tế của bệnh viện Đông Triều. Vì đông con nên Thuận không được chăm sóc như những đứa trẻ cùng trang lứa. Năm Thuận học lớp 5 thì mẹ hắn qua đời trong một tai nạn giao thông, chưa đầy nửa năm sau bố hắn đi lấy vợ khác, để mặc chị em hắn tần tảo nuôi nhau. Thiếu sự quan tâm của những người thân, Thuận sớm kết thân với những thành phần xấu và sinh ra nghiện ngập.
Mới 19 tuổi nhưng trông Việt lì lợm và dày dạn. Chính cái vẻ bất cần đời ấy mà Việt dễ dàng chinh phục được đám đàn anh giang hồ. Là một đứa con rơi, không chịu được cảnh hàng xóm dị nghị, bạn bè khinh ghét, Việt bỏ học từ năm lớp 6. Nghỉ học, Việt bắt đầu la cà quán “nét” và nhiễm thói xấu từ lúc nào không hay. Tên cướp tuổi teen này “xoay” đủ cách để có tiền chơi game. Mải lo cơm áo, bà K. (mẹ Việt) không có nhiều thời gian săn sóc con. Thấy con mới tí tuổi đầu đã phá phách ngang tàng, sợ con sẽ hủy hoại tương lai của mình, nên nuốt đắng cay bà H. cho con đi trường giáo dưỡng. Rời trường giáo dưỡng, Việt tiếp tục cuộc sống “nổi loạn” và không chừa được thói trộm vặt và “dạt” nhà xuống Quảng Ninh. Đến đất Mỏ, Việt nhanh chóng kết thân với Thuận một người có cùng sở thích trộm vặt như hắn.
Trong một lần vãn cảnh chùa Yên Tử, Việt và Thuận hoa mắt khi thấy các sư gom tiền ở hòm công đức. Dành thời gian quan sát, hai tên này thấy việc quản lý, giám sát các hòm công đức tại nhà chùa là rất lỏng lẻo nên đã bàn bạc cùng nhau đi trộm. Điểm đến đầu tiên của Thuận và Việt là đền An Sinh (Đông Triều- Quảng Ninh), vụ trộm này chúng khoắng được 13 triệu đồng. Thấy ngon ăn, bọn chúng tiếp tục mở rộng địa bàn và trở thành cặp “song cướp” ăn ý cho đến ngày bị công an bắt.
Theo Người đưa tin
Côn đồ uy hiếp sư, khóa cổng chùa, thay hòm công đức
15h30 ngày 8/6, trong khi có rất đông phật tử về lễ chùa My Sơn (Hải Phòng), một người tên là Đoàn Văn Thiệu mặc quần đùi, áo ba lỗ, xông vào chùa chửi bới, lăng mạ tục tĩu các nhà sư.
Giở thói côn đồ nơi tôn nghiêm
Chùa My Sơn.
Thời gian gần đây, nhà sư đang tu hành tại chùa My Sơn (thôn My Sơn, xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sống trong cảnh lo sợ bởi sự xuất hiện nhóm người tự tiện xông vào chùa phá cửa, phá ổ khóa, sau đó dùng khóa tự chế khóa trái cổng chùa lại theo kiểu "nội bất xuất ngoại bất nhập". Bên cạnh đó, nhóm này còn hủy hoại hệ thống các dây điện, dây cáp của nhà chùa, tự ý khiêng hòm công đức đi, đưa người vào quản lý nhà chùa, tự đặt hòm công đức và thu tiền... Nhóm người này còn đe dọa, chửi bới nhà sư và Phật tử, không cho nhà sư và nhân dân ra vào chùa.
Tuy nhiên, mọi việc làm sai trái của những người này đều được nhà chùa và nhân dân ghi hình lại để làm bằng chứng về việc gây rối mất an ninh trật tự tại chùa My Sơn.
Một người tên Thiệu xông vào chùa lăng mạ nhà sư.
Trong đơn cầu cứu của nhà sư Thích Tục Bách (trụ trì chùa My Sơn) nêu rõ: Khoảng 15h30 ngày 8/6, trong khi có rất đông phật tử và du khách thập phương về lễ và vãn cảnh chùa, thì một người tên là Đoàn Văn Thiệu (trú tại thôn My Sơn, xã Ngũ Lão) mặc quần đùi, áo ba lỗ, xông vào chùa chửi bới, lăng mạ tục tĩu các nhà sư.
Thiệu còn dùng mũ cối lao vào định đánh, đòi đập máy điện thoại của sư thầy Thích Bản Long nhưng không thành vì nhiều người có mặt can ngăn kịp thời. Trước khi ra về, Thiệu còn chỉ tay vào mặt tất cả mọi người và nói rằng: "Nếu ai dám ký vào đơn tố cáo nhóm người phá hoại tài sản nhà chùa sẽ liệu hồn".
Gần đây nhất là ngày lễ Phật Đản, nhân dân làng My Sơn, cũng như nhân dân trong xã Ngũ Lão và nhà chùa không thể tiến hành làm lễ bởi chùa đã bị nhóm người trên phong tỏa, khóa kín.
Trước hành động ngang ngược, coi thường luật pháp luật của nhóm côn đồ làng, phật tử xã Ngũ Lão lên tiếng tố cáo liền bị bọn chúng đe dọa, thậm chí chặn đường đánh hội đồng, trong đó có nạn nhân Nguyễn Thị Thanh Dung, người trong xã Ngũ Lão.
Mâu thuẫn vì đất
Cổng phụ của chùa bị nhóm côn đồ làng tự ý khóa lại.
Theo phản ánh của Thượng tọa Thích Tục Bách, nguyên nhân sâu xa có thể là do xuất phát từ ý đồ chiếm khu đất của chùa. Trụ trì chùa cho biết, khu đất rộng hơn 10m2 phía trước cổng chùa trước kia là đất nông nghiệp của dân trong làng My Sơn. Sau đó, người dân khó canh tác nên đồng ý nhượng lại đất cho nhà chùa, để nhà chùa mở rộng khuôn viên.
Thấy chính quyền xã xoay sở mãi không có đất để làm nhà văn hóa cho nhân dân làng My Sơn nên năm 2010, nhà chùa quyết định hiến tặng 600m2 đất trong diện tích mà nhà chùa mua lại cho xã để xây dựng nhà văn hóa, kèm theo ủng hộ 50 triệu đồng tiền mặt.
Nhưng nay, nhóm côn đồ cùng làng đó xuất hiện. Một số thành phần quá khích trong nhóm đánh tiếng bắt nhà chùa phải cắt tới 4.000m2 đất cho xã, cho làng xây dựng nhà văn hóa.
Điều đáng nói là tất cả những mâu thuẫn trên, nhà chùa đã không ít lần ra trình báo, kêu cứu với chính quyền xã nhưng chưa một lần được giải quyết.
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh, kêu cứu từ phía nhà chùa My Sơn, UBND TP Hải Phòng đã 2 lần ra công văn yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét và có biện pháp giải quyết cụ thể, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện. Nhưng một tháng qua, theo phản ánh của nhà chùa vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào xuống làm việc, giải quyết để bảo vệ quyền lợi, tài sản và tính mạng cho nhà sư, cũng như các phật tử; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi côn đồ nêu trên.
Hiện chùa My Sơn cùng phật tử đang mong mỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để giải quyết triệt để vấn đề, trả lại môi trường sinh hoạt tín ngưỡng trong lành cho người dân.
Chùa My Sơn là ngôi chùa cổ, có từ thời nhà Lý nhưng qua năm tháng, chùa xuống cấp trầm trọng. Năm 2001-2002, chùa được thành phố đưa vào chuỗi di tích lịch sử, chuyển cho Hội Phật giáo Hải Phòng quản lý. Nhà sư Thích Tục Bách được bổ nhiệm làm chủ trì chùa My Sơn. Sư Bách đã huy động mọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng, kiến thiết, tôn tạo giai đoạn một ngôi chùa, biến không gian chùa thành một điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh đẹp, mang sắc thái riêng giữa vùng quê.
Theo vietbao
'Bóng hồng' dính vòng lao lý (Kỳ 6): Tan giấc mộng đổi đời của 'mỹ nữ trại giam' mơ lấy chồng ngoại Mặc dù đã lấy được chồng ngoại quốc nhưng cuộc sống của Cầu vẫn khốn khó. Từ cái nghèo đó đã gieo rắc vào lòng cô gái xinh đẹp ý nghĩ làm giàu bất chính. Vì hám lợi nhất thời Cầu đã phải đánh đổi toàn bộ quãng đời thanh xuân trong 4 bức tường giam Sinh ra trong một gia đình nghèo...