Những vấn đề y tế đáng chú ý nhất trong năm 2012
Bên cạnh những nỗi lo về việc tăng viện phí, liên tiếp tai biến sản khoa, chết người tại phòng khám ngoại… năm 2012 còn ghi dấu ấn bằng sự phát triển vượt bậc của nội soi nhi khoa và sự quan tâm của Bộ trưởng Y đối với tình trạng y đức xuống cấp….
Hãy cùng Dân trí điểm lại 10 vấn đề y tế nổi bật nhất trong năm 2012 này:
Phẫu thuật Nhi Việt Nam sánh ngang thế giới
“Thành tích của chúng tôi sẽ không dừng lại đây, sẽ tiếp tục tìm tòi để hoàn thiện để tìm ra nhiều kỹ thuật mới”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ (Ảnh: Việt Hưng)
Kỹ thuật nội soi đã được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm áp dụng thành công cho 1 loạt các ca bệnh được thế giới khuyến cáo không nên thực hiện ở trẻ sơ sinh như bệnh phình đại tràng bẩm sinh điều trị thoát vị cơ hoành điều trị u nang ống mật chủ, phẫu thuật tuyến ức.
Sự thành công này đã góp phần đưa tiếng tăm của nội soi Việt Nam trên toàn thế giới, không thua kém bất cứ một trung tâm lớn quốc tế lớn nào.
Với những thành công của “Cụm công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương đã được trao giải Nhân tài đất Việt “Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược”,
Đồng loạt tăng viện phí
Chất lượng khám chữa bệnh chưa tương xứng với viện phí mới (Ảnh: Lê Nguyễn)
Sau nhiều năm “rập rình”, 350 dịch vụ y tế cũng chính thức được điều chỉnh giá từ 15/4/2012 với cách tính 3/7 yếu tố cấu thành viện phí. Sau 4 tháng ra quyết định, tuyến BV TƯ đã đi đầu trong việc thực thi điều chỉnh giá viện phí.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bệnh nhân là người đầu tiên được hưởng lợi vì quỹ BHYT tăng chi trả, thời gian chờ đợi khám bệnh, nằm ghép giảm… Tuy nhiên, thực tế là tình trạng nằm ghép, chất lượng điều trị, giảm tải bệnh viện…vẫn chưa thể giải quyết.
Liên tiếp khiếu kiện tai biến sản khoa
Gia đình đau đớn trước những tai biến bất ngờ của sản phụ (ảnh minh hoạ)
Mặc dù phía cơ quan chức năng khẳng định tỷ lệ tai biến sản khoa ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát và giảm đáng kể so với trước đó nhưng rõ ràng là chưa có năm nào những tai biến tử vong mẹ, con tại nhiều địa phương trong cả nước lại được nhắc đến nhiều như năm nay, trong đó nổi lên là “điểm nóng” Quảng Ngãi với 19 ca tai biến sản khoa. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, từ khách quan là các biến chứng bất khả kháng như thuyên tắc ối đến chất lượng điều trị tuyến cơ sở có vấn đề, số ca sinh năm Rồng tăng đột biến….
Dừng lưu hành vắc xin 5 trong 1 vì nhiều tai biến nghiêm trọng
Video đang HOT
Một loạt những tai biến nghiêm trọng ở trẻ sau tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 ở Lâm Đồng, Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định… đã gây rúng động dư luận. Và ngay sau khi báo chí nêu hiện tượng tại cùng một xã Châu Quang (Nghệ An) đã có 3 trẻ tử vong sau tiêm chủng vắc xin này, Hội đồng khoa học Bộ Y tế đã họp khẩn, đề nghị dừng lưu hành vắc xin trong toàn quốc và đề nghị Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Bộ Y tế và nhà sản xuất kiểm định lại tính an toàn của vắc xin.
Phòng khám ngoại: “Mất bò mới lo làm chuồng”
Nhiều người bức xúc quây kín phòng khám đa khoa Maria sau khi có trường hợp tử vong tại đây
Những vấn đề nhức nhối tại các phòng khám Đông y Trung Quốc đã âm ỉ trong suốt năm 2011 và chính thức bùng nổ khi một bệnh nhân tử vong vì thực hiện 1 thủ thuật đơn giản tại phòng khám Đa khoa Maria. Đến lúc này, các phòng khám tư nhân “phạt cho tồn tại” này mới “lòi đuôi” những người Trung Quốc hành nghề bác sĩ tại phòng khám này chỉ được cấp phép với tư cách là “giúp việc bác sĩ”.
Và lúc này, cơ quan chức năng mới “biết” và buộc nhiều phòng khám phải đình chỉ hoạt động.
Loạn thông tin an toàn vệ sinh thực phẩm
Người dân hoang mang ngay cả khi dòi bọ xuất hiện trong snack bị ngâm qua đêm ở khu vực ô nhiễm (ảnh: H.Thu)
Chưa năm nào, những thông tin như sữa, mỳ, bim bim có… đỉa lại rộ lên ở nhiều địa phương, từ Bắc tới Nam. Dù chỉ là tin đồn nhưng nhiều người dân đã không dám mua những thực phẩm này về ăn. Chỉ đến khi các nhà khoa học và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm lên tiếng bác bỏ bằng những chứng cứ khoa học như xét nghiệm các mẫu sản phẩm, lý giải sự vô lý không tưởng về mặt khoa học như thực phẩm được khử trùng ở 140o, màng lọc 0,2 micromet đến các vi khuẩn còn không thể chui qua chứ đừng nói đến ấu trùng hay sinh vật, những tin đồn này mới lắng xuống.
Một trong những lý do đưa ra lý giải cho tình trạng này trong thời gian qua là do dư âm của thông tin thương lái Trung Quốc mua đỉa giá cao không rõ mục đích hay xuất phát từ động cơ cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì, mỗi người chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định để có chính kiến, tránh bị tác động bởi những tin đồn phi lý.
Thêm 10 triệu người tham gia BHYT nhờ luật
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống tác động tích cực đến chính sách BHYT tại Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Theo đó, đã có khoảng 10 triệu người mới tham gia BHYT, nâng tổng số người tham gia BHYT trên cả nước lên gần 60 triệu người người nghèo và cận nghèo được tiếp cận miễn phí hoặc miễn giảm tới 70% phí BHYT hàng năm…
Có thể nói, chính sách BHYT có vai trò quan trọng, đóng góp về tài chính và thực hiện được định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe nước ta, phù hợp với định hướng chính sách tài chính y tế của Ðại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới và xu thế của các nước trong khu vực. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi…
Bế tắc bệnh lạ Quảng Ngãi
Biểu hiện ngoài da rất rõ rệt nhưng lại gây tử vong vì suy đa nội tạng
Liên tục cử nhiều đoàn cán bộ chuyên trách, từ quốc phòng đến viện các bệnh lâm sàng nhiệt đới, từ Bộ Y tế tới các tổ chức quốc tế tới xã Ba Điền và 5 xã khác ở Quảng Ngãi nhiều giả thiết về nguyên nhân gây bệnh là do nguồn nước, tập tục ăn gạo lên men… được đưa ra nhưng đến nay bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân và cách chữa.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, căn bệnh có biểu hiện ngoài da là các lớp dày như vết bỏng hay loét nổi lên ở lòng bàn tay, chân, miệng, lưng bụng… và những tổn thương rất nghiêm trọng bên trong cơ thể, đặc biệt là nội tạng (tim, tắc mật, hội chứng dạ dày) là chưa từng xuất hiện trên thế giới.
Căn bệnh hiện vẫn là nỗi sợ hãi của người dân Quảng Ngãi và là câu hỏi với ngành Y.
Bộ trưởng Y tế kêu gọi người dân vào cuộc chống nạn phong bì
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Nếu phát hiện bác sĩ nào nhận phong bì hãy chụp ảnh, ghi lại tên tuổi đưa cho chúng tôi xử lý”.
Trước những chất vấn của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có 3 biểu hiện cho thấy sự sa sút về y đức. Cụ thể là thái độ tiếp xúc của bác sĩ với người bệnh không thân thiện, thậm chí có lúc cáu gắt quát mắng bệnh nhân và người nhà. Tiếp đó là “thói quen” nhận phong bì, “nếu không đưa phong bì thì bác sỹ không nhiệt tình” hoặc đưa phong bì thì được khám trước. Và cuối cùng là việc thầy thuốc nhận tiền của các hãng dược.
Thông điệp “Nếu phát hiện bác sĩ nào nhận phong bì hãy chụp ảnh, ghi lại tên tuổi đưa cho chúng tôi xử lý. Y đức là vấn đề văn hóa, là danh dự của ngành y, của hình cảnh người thầy thuốc đồng thời là trách nhiệm với người dân. Năm 2013 chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề y đức” của bà Bộ Trưởng có thể coi là lời hứa, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cơ quan chức năng trước 1 thực trạng gây nhức nhối xã hội trong thời gian qua.
Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính
Tình trạng chênh lệch nam nữ đang gia tăng nhanh chóng
Theo quy luật sinh sản tự nhiên, tỉ số giới tính (TSGT) nói cách khác là số bé trai trên 100 bé gái khi mới sinh ra dao động trong khoảng từ 103-106. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm trở lại đây tỷ số này đang tăng nhanh một cách bất thường. Nếu như vào năm 2000, TSGT khi sinh của Việt Nam mới ở mức 106 trẻ trai trên 100 trẻ gái sinh ra thì đến năm 2012 này, năm được cho là đẹp nếu sinh con trai, TSGT khi sinh đã lên tới trên 112.
Và với tình hình này, nếu không can thiệp có thể sẽ lên tới 125 bé trai/100 bé gái sau 40 năm nữa, đẩy tình trạng chên lệch nam nữ từ 2,3 triệu người lên 4,3 triệu người.
Nguyên nhân dẫn tới việc tăng nhanh TSGT khi sinh chủ yếu vẫn là “khát” con trai, là tư tưởng trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sincủa nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa ở nước nào có tình trạng gia tăng nhanh chóng như vậy.
Theo Dantri
Cuối năm càng khó vay vốn kinh doanh
Trần huy động ngắn hạn vừa giảm xuống 8% mỗi năm, lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết không có nhiều ý nghĩa vì phần lớn đều khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng trong thời điểm này.
Giám đốc một công ty sản xuất cà phê chua chát kể, trước đây do mạnh tay vay tiền ngân hàng để mở rộng quy mô, xây nhà máy, trong khi không lường hết được sự biến động lãi suất. Từ mức khởi điểm lãi vay 16% vọt lên 22% trong nửa đầu năm 2012, cộng các chi phí khác tổng cộng lên gần 45%.
Trong bối cảnh khó khăn như năm qua, công ty ông không thể nào kinh doanh sinh lời chừng ấy phần trăm để trang trải hoạt động khiến đơn vị mất cân đối nguồn vốn, nay lâm vào cảnh nợ nần, lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng(dù hiện nay đã giảm xuống 15%).
"Giờ chúng tôi có muốn gõ cửa ngân hàng để vay vốn ngắn hạn chuẩn bị cho kỳ sản xuất năm tới cũng chẳng nhà băng nào cho do không đủ điều kiện. Vậy thì lãi suất giảm hay không chẳng có ý nghĩa gì với chúng tôi cả", ông tâm sự.
Nhiều doanh nghiệp cà phê cần vốn chuẩn bị cho kỳ sản xuất tới nhưng rất khó tiếp cận được vốn ngân hàng dù lãi suất huy động vừa giảm thêm 1%. Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam Văn Thành Huy thông tin, hiện nay chỉ một số ít thành viên trong hội tiếp cận được khoản vay của ngân hàng với lãi suất 12-13% một năm, phần lớn còn lại rất khó tiếp cận được. Nguyên nhân là điều kiện xét duyệt của các nhà băng thường dựa vào công nợ, hoặc các báo cáo tài chính lời lỗ....
Theo ông Huy, trong bối cảnh này, khó có doanh nghiệp nào kinh doanh không thua lỗ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp ban đầu được nhà băng hứa hạn mức cho vay 100 tỷ đồng, thậm chí 200 tỷ, sau đó giảm xuống 50 tỷ đồng, và cuối cùng là 0 tỷ... vì không đủ điều kiện vay. "Với điều kiện xét duyệt của ngân hàng, chỉ có doanh nghiệp nào mới thành lập may ra đủ điều kiện vay", ông chia sẻ.
Ông Huy cho biết thêm, bản thân doanh nghiệp ông có các khoản vay cũ tại ngân hàng được giảm về 15% từ hôm tháng 7 cho tới nay và chưa thấy giảm thêm (trước đó 22,8%). Còn hiện giờ không được vay các khoản mới nên phải huy động vốn từ nhân viên và bạn bè. "Do đó, việc giảm trần ngắn hạn vừa qua có chăng chỉ là tác dụng tinh thần để những cá nhân cho vay vốn này giảm lãi suất xuống cho doanh nghiệp", ông bộc bạch.
Chung quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp Hội Doanh nghiệp TP HCM nhìn nhận, việc trần huy động ngắn hạn giảm 1% không có tác dụng. Bởi lẽ, hiện nay trần cho vay vẫn không bị khống chế nên việc giảm lãi suất cho vay phần lớn phải phụ thuộc vào thỏa thuận của ngân hàng với doanh nghiệp.
"Chỉ với những doanh nghiệp lớn, khỏe, có hoạt động kinh doanh tốt thì may ra họ mới tiếp cận được vốn 10-12% mỗi năm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông thông tin.
Trong khi đó, theo vị phó chủ tịch này, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều không đủ điều kiện vay vốn do kinh doanh không có lời, báo cáo tài chính thua lỗ. Còn nếu đơn vị nào đủ điều kiện vay thì cũng chẳng dám vay do hàng tồn kho nhiều, không mở rộng được thị trường...phải co cụm lại và chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có để duy trì hoạt động cầm chừng.
Nhìn về tương lai năm tới, ông Hưng hy vọng gói giải pháp của Chính phủ sẽ sớm được triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, ông không giấu khỏi nỗi lo lắng khi cho rằng, sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam hiện quá yếu, trong khi các doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn (lãi suất vay bên nước họ thấp) đang trỗi dậy mạnh mẽ. "Chính phủ cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nội trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà", ông nói.
Dù rất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 cho rằng, trong bối cảnh cả nền kinh tế tìm cách xử lý nợ xấu, nhà băng cũng phải thận trọng trong việc cho vay. Hiện nay nhà băng ông không hướng đến tăng trưởng tín dụng mà chỉ ưu tiên cho an toàn hệ thống.
"Do đó, ngân hàng chỉ ưu tiên mức giảm cho những doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng tốt. Việc xếp hạng này do chính trung tâm tín dụng của ngân hàng thực hiện một cách khắt khe", ông nhấn mạnh. Ông cũng thông tin, hiện nay để tìm doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn (như có hoạt động lành mạnh, có nguồn vào ra ổn định)... thực sự là rất ít.
Lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông thừa nhận, thực tế hiện nay việc giảm lãi suất cho vay xuống 12-13%, hoặc thấp hơn chỉ có thể áp dụng cho vài trường hợp là khách hàng tốt và có mối quan hệ quen biết chứ chưa thể áp cho đại trà.
Cũng trên tinh thần ấy, lãnh đạo môt ngân hàng có trụ sở trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP HCM chia sẻ, dù đơn vị ông công bố lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh 11-15% mỗi năm, thậm chí mảng nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu dưới 10% nhưng chỉ có thể áp dụng cho doanh nghiệp được nhà băng chọn lọc hoặc doanh nghiệp xuất khẩu cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng với tỷ giá do nhà băng ấn định.
"Từ đầu tháng đến nay, cũng chỉ có vài ba trường hợp đủ điều kiện vay. Có thể qua năm tới, chúng tôi sẽ xem xét mở rộng điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn", ông nói.
Trong buổi gặp mặt báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 20/12/2012 dư nợ cho vay tiền đồng có mức lãi suất trên 15% mỗi năm chiếm tỷ trọng 18,7%, giảm so với mức 65% trước ngày 15/7. Tín dụng cả năm nay ước tăng 7% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND tăng 8,92%, tín dụng bằng ngoại tệ 3,51%.
Theo VNE
Việt Nam đón 6,8 triệu khách quốc tế năm 2012 Năm 2012 lượng khách quốc tế tăng 14%, do số khách từ đường biển tăng gấp 6 lần năm trước. Tuy nhiên, khách đến từ các thị trường trọng điểm như Anh, Pháp, Canada có chiều hướng giảm. Theo Tổng cục Du lịch, số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2012 đạt hơn 6,8 triệu lượt, vượt kế hoạch 0,3 triệu...