Những vấn đề được kỳ vọng trong cuộc đàm phán “cân não” Trump – Putin
Tổng thống Donald Trump hôm nay 16/7 sẽ có cuộc gặp được chờ đợi từ lâu với Tổng thống Vladimir Putin tại Phần Lan. Sự kiện diễn ra bất chấp những lời cảnh báo từ các cố vấn và đồng minh của Washington cũng như sự phủ bóng của các cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức năm 2017 (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump từ lâu đã muốn xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với người đồng cấp Nga, điều mà ông chủ Nhà Trắng tin rằng có thể hàn gắn mối quan hệ nhiều căng thẳng giữa hai quốc gia. Tuy vậy, nhiều người tại Washington vẫn hoài nghi về lý do khiến ông Trump tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Putin cũng như mục đích mà nhà lãnh đạo Mỹ muốn đạt được từ cuộc gặp này.
Trang tin The Hill đã liệt kê 4 vấn đề được kỳ vọng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hai tổng thống Nga – Mỹ hôm nay.
Cáo buộc can thiệp bầu cử
Nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được cho là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc của thượng đỉnh Trump – Putin.
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosentein ngày 13/7 thông báo 12 nhân viên tình báo của Nga bị cáo buộc tấn công mạng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và các nhóm khác của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi thượng đỉnh Helsinki bắt đầu, từ đó làm gia tăng sức ép lên Tổng thống Trump về việc phải đưa vấn đề này vào cuộc gặp với ông Putin.
Tuy nhiên Tổng thống Trump từ trước đến nay vẫn không sẵn sàng gây sức ép với Nga về vấn đề này, mặc dù cộng đồng tình báo Mỹ khẳng định Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ. Hồi tháng trước, ông Trump viết trên Twitter rằng: “Nga tiếp tục nói rằng họ không liên quan gì đến việc can thiệp cuộc bầu cử của chúng ta”.
Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức năm 2017, Tổng thống Putin từng phủ nhận việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ với Tổng thống Trump. Ông Trump cũng nhiều lần nhắc lại việc phủ nhận này như một cách để làm dịu vấn đề.
Tổng thống Trump từng nhiều lần hứa hẹn rằng ông sẽ gây sức ép lên Tổng thống Putin về vấn đề can thiệp bầu cử, thậm chí gần đây ông còn nói “chắc chắn sẽ đặt câu hỏi” cho nhà lãnh đạo Nga khi cả hai gặp mặt. Đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ hy vọng Tổng thống Trump sẽ công khai cảnh báo ông Putin về việc can thiệp bầu cử và dọa sẽ có các biện pháp đáp trả Nga.
Kịch bản xấu nhất mà giới an ninh Mỹ lo ngại là Tổng thống Trump vẫn im lặng về vấn đề can thiệp bầu cử, thậm chí còn để ngỏ khả năng dỡ bỏ trừng phạt Nga. Phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã kêu gọi ông Trump hủy cuộc gặp với ông Putin để đáp trả cáo buộc 12 nhân viên tình báo Nga can thiệp bầu cử Mỹ, tuy nhiên mong muốn của họ đã không được đáp ứng.
Syria
Tổng thống Putin gặp người đồng cấp Syria Assad tại Nga năm 2017 (Ảnh: AP)
Video đang HOT
Tổng thống Trump được cho là đang hướng đến một thỏa thuận với Tổng thống Putin về vấn đề Syria, trong đó nhắm mục tiêu tới việc di dời các lực lượng của Iran ra khỏi biên giới với Israel để đổi lấy việc Mỹ rút quân khỏi Syria. Tuy vậy, cả giới chức Mỹ và Nga trước đó đều không nhượng bộ trong các vấn đề gai góc như sự hiện diện của các binh sĩ hay lãnh thổ của các bên tại Syria. Ngay cả các chuyên gia cũng không mấy lạc quan về việc hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận về Syria tại Helsinki.
Trong trường hợp hai bên cùng đạt được thỏa thuận tại Helsinki, Nga có thể sẽ cam kết hạn chế sự hiện diện của Iran ở khu vực gần biên giới Syria với Israel và Jordan. Đổi lại, Mỹ sẽ cho phép các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát khu vực này.
Các chuyên gia cảnh báo Tổng thống Trump không nên lặp lại những sai lầm từng mắc phải tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều hồi tháng 6 khi nhà lãnh đạo Mỹ chỉ đưa ra những cam kết mà không đạt được một kế hoạch cụ thể cho mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Crimea
Crimea vẫn luôn là vấn đề trọng tâm trong mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ khiến Moscow phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ Washington cũng như cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên Tổng thống Trump đã nhiều lần để ngỏ khả năng thừa nhận lập trường của Nga trong vấn đề Crimea trong cuộc gặp với ông Putin. Thậm chí, ông Trump còn nói rằng vùng lãnh thổ này thuộc lãnh thổ Nga vì phần lớn người dân tại Crimea nói tiếng Nga.
Một trong những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới việc sáp nhập Crimea là Moscow bị loại khỏi Nhóm 8 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (G8). Tuy nhiên hồi tháng trước, ông Trump đã tuyên bố ngay tại hội nghị thượng đỉnh G7 rằng Nga nên được mời quay trở lại khối này.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tăng cường các cuộc tập trận và hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu sát nách Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump tuyên bố hủy các cuộc tập trận quân sự chung với đồng minh Hàn Quốc trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên khiến nhiều đồng minh của Washington lo ngại rằng kịch bản này có thể lặp lại trong cuộc gặp với Tổng thống Putin.
Kiểm soát vũ khí
Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ trò chuyện bên lề hội nghị APEC tại Việt Nam năm 2017 (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump từng nói rằng một trong những ưu tiên của ông trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin là vấn đề kiểm soát vũ khí. Đây là một trong những chủ đề hiếm hoi mà Nga và Mỹ có thể tìm thấy tiếng nói chung.
Những người ủng hộ cho vấn đề kiểm soát vũ khí cho rằng Tổng thống Trump có thể dễ dàng thuyết phục người đồng cấp Nga gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới thêm 5 năm. Từng được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, hiệp ước này đã hạn chế số đầu đạn hạt nhân được triển khai của Nga và Mỹ xuống còn 1.550 mỗi bên.
Tuy vậy hầu hết các chuyên gia không tin rằng quyết định về START mới sẽ được đưa ra tại thượng đỉnh ở Helsinki. Tổng thống Trump từng nói START mới là một trong những thỏa thuận “tồi tệ” của chính quyền Obama và có thể sẽ phải mất thêm một thời gian nữa trước khi ông Trump cảm thấy được thuyết phục về vấn đề này.
Phe Cộng hòa vẫn cho rằng Mỹ không nên gia hạn START mới với Nga trong khi Moscow vi phạm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác có tên Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF), trong đó cấm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm phóng từ 500-5.500 km.
Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm INF khi phát triển và triển khai một tên lửa bị cấm, dù Moscow bác bỏ cáo buộc này. Do vậy, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Helsinki có thể là cơ hội để Tổng thống Trump giải quyết trực tiếp vấn đề này với Tổng thống Putin.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tổng thống Trump - Putin: "Niềm tin" đặt nhầm chỗ?
Từng dành những lời tán dương và để ngỏ khả năng hợp tác với Tổng thống Vladimir Putin trong thời gian tranh cử, song Tổng thống Donald Trump dường như chưa làm được nhiều để đáp ứng kỳ vọng của nhà lãnh đạo Nga sau khi lên nắm quyền điều hành nước Mỹ.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7/2017 (Ảnh: Reuters)
Trong năm đầu nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ bị "phủ bóng" bởi cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng như cáo buộc thông đồng giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Moscow. Giới chức tình báo Mỹ từ lâu vẫn cho rằng nhà lãnh đạo Nga đã giúp ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử, trong khi Tổng thống Putin rõ ràng mong muốn ông Trump sẽ thay đổi quan hệ Nga - Mỹ khi lên nắm quyền.
Khi còn là ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump không những không chỉ trích mà còn dành những lời tán dương và để ngỏ khả năng hợp tác với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tỷ phú New York dường như chưa làm được nhiều để đáp ứng kỳ vọng của nhà lãnh đạo Nga khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ.
"Bối cảnh hiện tại rất bất lợi cho người Nga, và điều đó hoàn toàn ngược lại với những gì họ (Nga) muốn được thấy", Alina Polyakova, chuyên gia Nga tại Viện nghiên cứu Brookings, nói với Newsweek.
Nới lỏng trừng phạt
Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trò chuyện trong một sự kiện tại APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017. (Ảnh: Reuters)
Nga được cho là đang gặp khó khăn về tài chính và phải nỗ lực để vận hành ổn định nền kinh tế trong bối cảnh giá dầu giảm và hoạt động xuất khẩu bị hạn chế do các lệnh trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Đó là lý do khiến việc Mỹ và các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa sống còn đối với Moscow.
Các biện pháp trừng phạt từng xuất hiện trong giai đoạn tranh cử của Tổng thống Donald Trump khi con trai lớn của ông là Donald Trump Jr. tổ chức cuộc họp để thảo luận về vấn đề này tại Tháp Trump. Sau khi ông Trump đắc cử, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từng vướng vào vụ lùm xùm gây xôn xao dư luận khi có cuộc gặp với cựu Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak để trao đổi về việc cắt giảm các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.
Hiện các động thái của ông Flynn và cuộc gặp tại Tháp Trump vẫn là những vấn đề mấu chốt trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Trong khi đó, việc thuyết phục Mỹ xóa bỏ các lệnh trừng phạt vẫn là một trong những ưu tiên trọng tâm của chính phủ Nga và điều này sẽ trao cho Tổng thống Putin uy tín chính trị rất lớn nếu được giải quyết ổn thỏa.
"Các lệnh trừng phạt cá nhân nhằm vào các nhân vật trong nội các của Tổng thống Putin là mối quan tâm lớn nhất đối với giới lãnh đạo Nga. (Người Nga) vẫn hy vọng rằng chính quyền Trump sẽ cho thấy sự sẵn lòng trong việc tìm kiếm một thỏa thuận để rút lại một số lệnh trừng phạt", Jeffrey Mankoff, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
Tuy nhiên, trong năm đầu nhiệm kỳ của chính quyền Trump, các lệnh trừng phạt Nga dường như ngày càng nặng nề hơn. Quốc hội Mỹ đã nhất trí ủng hộ các dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo, buộc Tổng thống Trump phải miễn cưỡng ký thông qua các dự luật này vào tháng 8 năm ngoái.
Các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội diễn ra sau khi xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy Nga có thể đã can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Điều này khiến các nghị sĩ ở cả hai đảng của Mỹ tức giận, đồng nghĩa với việc cơ hội dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow gần như không còn.
"Điều này đã đập tan hy vọng của Điện Kremlin về việc quay trở lại mối quan hệ bình thường với Mỹ. Điều này cũng khiến giới lãnh đạo và người dân Nga càng thêm tin rằng, vẫn luôn tồn tại một nhóm người trong chính phủ Mỹ mang tư tưởng chống Nga và ngay cả Tổng thống Trump cũng không đủ thẩm quyền để vượt qua họ", Jeffrey Edmonds, cựu giám đốc phụ trách chính sách Nga tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết.
Xung đột Ukraine
Tổng thống Trump phát biểu tại một sự kiện của NATO tháng 5/2017 (Ảnh: Getty)
Chính quyền Tổng thống Trump gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chính sách đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn của chính quyền Tổng thống Putin, đó là tiếp tục triển khai kế hoạch cấp vũ khí cho quân đội Ukraine vào tháng 12 năm ngoái. Đây là bước chuyển biến rõ ràng so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama - người từng quan ngại rằng việc Washington trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine để chống lại phiến quân do Nga hậu thuẫn có thể dẫn tới xung đột trực tiếp với Moscow.
"Đó luôn là nỗi sợ hãi của chính quyền Obama. Chúng ta không nên khiêu khích người Nga vì nếu chúng ta cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, điều đó đồng nghĩa với việc chiến tranh với Nga sẽ nổ ra", Plyakova, tác giả cuốn sách "Mặt tối của Hội nhập châu Âu", nhận định.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, từng hé lộ rằng bà sẽ cấp vũ khí cho Ukraine nếu đắc cử. Trong khi đó ông Trump từng không ủng hộ biện pháp này và đội ngũ của ông đã tìm cách để gạt bỏ bất kỳ kế hoạch đưa vũ khí sang Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa. Song rốt cuộc, ông đã thay đổi quyết định sau khi nhậm chức.
Liên minh NATO
Theo nhận định của giới phân tích, một trong những mục tiêu của chính quyền Nga là chia rẽ NATO - một liên minh quân sự mà chính ông Trump cũng từng đặt câu hỏi nghi vấn khi còn là ứng viên tranh cử. Ông Trump khi đó cho rằng NATO đang tiêu tốn quá nhiều tiền của Mỹ để bảo vệ châu Âu và dọa sẽ không cấp ngân sách cho tổ chức mà Mỹ đóng vai trò trung tâm này. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump từng tỏ ra do dự trong việc ủng hộ cam kết phòng thủ tập thể của NATO, trong đó quy định một cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm vào một nước thành viên của liên minh cũng đồng nghĩa với việc tấn công cả liên minh.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cuối cùng vẫn tái khẳng định cam kết của Mỹ với NATO. Liên minh quân sự này ngày càng mạnh lên, Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ cho các đồng minh trong khối và nhiều nước ngày càng phòng thủ tốt hơn. Xét cho cùng, thực tế này đi ngược lại với những gì Điện Kremlin mong muốn.
Thành Đạt
Theo Dantri
Ông Trump tiết lộ nội dung cuộc trò chuyện thứ hai với Tổng thống Putin Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 15 phút với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó chủ yếu là những câu bông đùa vui vẻ, khi hai nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Các nhà lãnh đạo thế giới dự tiệc tối tại hội nghị G20 Tổng...