Những văn bản mang tên “lợi ích nhóm”!
Hàng ngàn văn bản sai luật, vi phạm qui trình của các cơ quan công quyền đồng nghĩa với việc có hàng triệu người đã hoặc đang bị điều chỉnh bởi các văn bản sai trái này. Có lẽ chính vì điều đó, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường luôn nhận được những câu hỏi nóng bỏng.
Qua quan sát của chúng tôi, nhìn chung các văn bản vi phạm được chia làm ba loại.
Loại thứ nhất là những văn bản ngô nghê, thiếu cả tính pháp lý lẫn thực tiễn cuộc sống. Loại văn bản này được soạn thảo bởi những công chức yếu kém về nghiệp vụ điển hình như các qui định ngực lép không được cấp bằng lái xe, không được bán thịt 8 giờ sau khi giết mổ , ghi họ tên cha mẹ trong CMND, qui định về tang lễ cán bộ công chức…
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Loại văn bản thứ hai là những văn bản thiếu tính khả thi, thậm chí biết là không thực hiện được nhưng vẫn ban hành. Đó là các loại văn bản như phạt người hút thuốc lá nơi công cộng (hình như cho đến nay, mới phạt được có 1,5 triệu đồng ở tận… Lào Cai), cấm sử dụng điện thoại khi mua xăng (cho đến nay không biết đã phạt được đối tượng nào chưa?).
Có cả những văn bản ban hành hình như để đối phó, kiểu “chúng tôi đã ban hành rồi đấy nhé” như cấm rượu không nhãn mác chẳng hạn. Đành rằng về lý thuyết, đây là qui định đúng nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay, cấm rượu tự nấu là điều không tưởng.
Loại văn bản thứ ba, đó là những văn bản mà người ban hành còn nhằm mục đích qua đó, giành cho ngành mình những đặc quyền, đặc lợi. Thậm chí, nó còn mang bóng dáng của loại hình “tham nhũng chính sách”, bị chi phối bởi lợi ích nhóm như phát biểu của ĐB Nguyễn Bá Thuyềnvà ĐB Chu Sơn Hà cùng đặt ra trong kỳ họp Thường vụ Quốc hội vừa qua.
“Tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, vậy có hay không tình trạng tham nhũng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật tức là tham nhũng chính sách? Thực tế, có nhiều văn bản mâu thuẫn nhau, có phải nhằm bảo vệ lợi ích của bộ ngành mình?”ĐB Thuyền nêu câu hỏi. Còn ĐB Chu Sơn Hà lại băn khoăn “có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm?”.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trường Hà Hùng Cường nói: “Cũng có thể có xuất hiện, nhưng vấn đề đó rất khó vì kiểm soát rất chặt. Nhưng cũng không loại trừ khả năng có lỗ hổng trong kiểm soát”.
Video đang HOT
Tuy nhiên theo chúng tôi, đành rằng khó nhưng cũng không khó đến mức không kiểm soát được.
Xin đơn cử hai văn bản gần đây nhất của hai cơ quan tư pháp và hành pháp liên quan đến một lĩnh vực: Báo chí.
Văn bản thứ nhất là Điều 25 Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND qui định cảnh cáo hoặc phạt 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án.
Đây là một qui định vừa sai thẩm quyền, vừa lấn sân bởi Nhà báo và các cơ quan báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Ban Tuyên giáo và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ TT-TT. Hoạt động của báo chí là hoạt động theo luật Báo chí và các công uớc quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Vụ việc thứ hai đang làm xôn xao dư luận xung quanh văn bản 1042 có qui định cấm nhà báo quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Trước những phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội và sự vào cuộc của Bộ Tư pháp, vào chiều 23/8, quy định trên đã bị hủy bỏ trong văn bản 1042.
Từ hai sự việc trên, nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao sự sai trái này lại xảy ra ở hai cơ quan hành pháp và tư pháp?
Có hay không sự lo sợ trước phản ánh đúng của báo chí về một số sai phạm nên muốn “che mắt”, “bịt” bằng chứng?
Phải chăng đây chính là sự chi phối của “lợi ích nhóm”, tự ban cho mình những “đặc quyền, đặc lợi” như ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đã nêu ở trên?
Tóm lại là nguyên nhân sâu xa của việc ban hành các văn bản sai trái này là gì bởi chả lẽ cơ quan tư pháp và hành pháp lại có thể non kém đến thế?
Theo Dân trí
Chưa có quy định cho dân kiện chính sách Nhà nước
Vì sao nhiều quy định ít khi được thực hiện đúng thời điểm có hiệu lực, chất lượng xây dựng văn bản pháp luật đang khiến nhiều người lo ngại, có hay không lợi ích nhóm... là những câu hỏi được đặt ra với Bộ trưởng Hà Hùng Cường vào sáng 20/8.
Hôm nay, ông Hà Hùng Cường là bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ về trách nhiệm trong việc tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành; việc ban hành, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.
Trước lo ngại của nhiều đại biểu về việc nợ đọng văn bản pháp luật trong năm 2013 "tăng đột biến", người đứng đầu Bộ Tư pháp thừa nhận đây là thực tế. Nguyên nhân khách quan được ông Hùng đưa ra là do nhiều bộ ngành chưa tập trung cho công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật mà dồn công sức điều hành vĩ mô trong tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) nghi ngại có đang có tình trạng "tham nhũng về chính sách", lợi dụng quyền được ban hành văn bản. Ông cho rằng nên trao quyền khởi kiện cho người dân nếu phát hiện cơ quan nhà nước ra văn bản luật sai. Cụ thể hơn, đại biểu Trương Sơn Hà (Hà Nội) muốn Bộ Tư pháp ngăn chặn ngay tình trạng "xây dựng luật phục vụ cho lợi ích nhóm, cơ quan xây dựng luật đẩy cái khó cho người dân".
Tán thành lý do luật chậm đi vào cuộc sống vì thiếu văn bản hướng dẫn, nhưng đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) cho rằng còn có nguyên nhân khác là công tác phổ biến còn hạn chế. "Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này thế nào", ông Vở đặt ra câu hỏi.
Với thái độ điềm tĩnh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cởi mở cho biết việc chậm ban hành văn bản hay xây dựng các dự án luật không đạt chất lượng là một trong những tiêu chí để đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu mỗi ngành. Nhiều năm qua, Bộ Tư pháp đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Cường cho biết quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất chặt chẽ, tuy nhiên chưa có sự kiểm soát tập trung. Có những vấn đề bất hợp lý, qua thẩm định, Bộ phát hiện ra nhưng cũng có nội dung thì chưa. Bộ trưởng cho rằng "không loại trừ có thể có" khi trả lời về lo ngại xảy ra tham nhũng khi xây dựng chính sách pháp luật.
Dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới không trao quyền cho người dân khởi kiện chính sách do nhà nước ban hành, ông Cường cho rằng tại Việt Nam cũng vậy. Ông giải thích, công tác lập pháp là của nhà nước nên không thể đưa vấn đề này ra tòa án. Việc bồi thường cũng không có tiền lệ.
Chưa bằng lòng với câu trả lời, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tiếp tục chất vấn: "Bộ Tư pháp được giao giám sát nhưng không làm tròn trách nhiệm. Người dân mong muốn Bộ trao quyền đó cho họ để bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, người dân sai thì nhà nước phạt còn nhà nước sai mà không bồi thường thì không được. Đứng về phía người dân, tôi không đồng tình".
Ông Thuyền dẫn chứng vụ Công an Hải Dương bồi thường 650 triệu đồng cho nông dân tại Cần Giờ (TP HCM) khi tạm giữ một xe tải chở 4 tấn bạch tuộc khiến lô hàng hư hỏng. "Vụ này Công an Hải Dương cư xử rất sòng phẳng. Tôi mong Bộ trưởng suy nghĩ lại và trả lời", vị đại biểu ở đầu cầu truyền hình tại tỉnh Lâm Đồng nói.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng Cường giải thích, người dân có thể khởi kiện cơ quan nhà nước khi ra quyết định xử lý trái quy định và được nhận bồi thường. Trường hợp với Công an Hải Dương là như vậy. Còn việc khởi kiện chính sách, quy định của nhà nước, luật chưa quy định. Có chăng khi ra đời tòa án hiến pháp, cơ quan này sẽ là nơi ra phán quyết với những thông tư, nghị định, điều luật trái với tinh thần của Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ Tư pháp cần thẳng thắn đánh giá việc thẩm tra, xây dựng pháp luật "làm đã tốt chưa, mức độ hay dở thế nào" tránh việc trình ra Quốc hội nhưng cứ phải "rút ra rút vào, sửa đi sửa lại" do chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Đại biểu Vũ Thị Tuyết Mai nhận thấy vì thiếu văn bản hướng dẫn, nhiều chính sách khi ra đời đã không vận hành được, dường như "án binh bất động", hiếm thấy có cái nào được triển khai đúng ngày có hiệu lực. Minh chứng cho điều này bà Mai đưa ví dụ về những chính sách giúp đỡ bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người nhiễm chất độc da cam..., dù rất thiết thực song lại không thể đi vào cuộc sống.
Tán thành quan điểm của bà Mai, một đại biểu tính trung bình mất từ 6 tháng đến một năm để văn bản luật đi vào cuộc sống. "Rất chậm và rất lâu. Tình trạng này kéo dài bao nhiêu năm, bao nhiêu nhiệm kỳ rồi", vị này nói và cho rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy về xây dựng luật, nhất là việc "chờ hướng dẫn".
Tại đoàn Thanh Hóa, đại biểu Lê Nam cho biết ở đâu cử tri cũng kêu luật thì nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống. "Chưa bao giờ có nhiều văn bản gây phản cảm trong nhân dân như vừa qua, làm chính sách ở trên trời. Với những văn bản này, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm soát?", ông hỏi.
Bộ trưởng Tư pháp thẳng thắn thừa nhận không có nước nào lại ban hành nhiều thông tư như nước ta. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, pháp luật chỉ quy định những cái chung nhất, nên thừa nhận vai trò giải thích pháp luật của tòa án và cho phép ban hành án lệ để giảm thiểu thông tư.
Bổ sung phần trả lời của Bộ trưởng Cường, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết chương trình, tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật đã có nhiều cố gắng, có bước tiến dài, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đạt. Có những luật mới, là vấn đề rất khó, khi luật mới ban hành chưa lường trước được điều nào cần hướng dẫn, phương án nào hướng dẫn thế nào. Chính phủ đang cố gắng trong việc này nhưng không thể bằng một nhiệm kỳ được, chỉ có thể hạn chế tối đa.
Khép lại hơn 3 tiếng trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có gần 40 vị đại biểu đăng ký chất vấn, và có nhiều câu hỏi sẽ được trả lời sau bằng văn bản.
Theo Hoàng Khuê
Cá cược: Cuộc chơi không nên manh mún Một bộ luật khung cho cá cược không chỉ dừng lại ở ba môn thể thao trên mà phải có những mở rộng đường hướng các lĩnh vực cá cược khác. Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý cho Chính phủ ban hành Nghị định kinh doanh cá cược đua ngựa, đua chó, cá cược bóng đá quốc tế. Ảnh minh họa Ở...