Những va chạm lạnh người của khách nhậu
“Loay hoay lấy chiếc bật lửa (quà tặng thêm khi mua thuốc lá) trong túi cho khách, em chợt đứng sững người khi thấy có bàn tay vỗ thật mạnh sau mông: “ Sao không để đây mà lấy cho tiện”.
Ám ảnh mang hình ma men
Cơn mưa chiều Hà Nội bất ngờ đổ xuống làm cho quán vắng hoe chỉ có lèo tèo vài khách tới nhậu sớm. Giữa những dãy bàn ghế vẫn còn thẳng hàng chúng tôi đã có những giây phút được ngồi rất hiếm hoi.
“ Thế giới của hơi men, rượu cồn là thế giới của những hỗn độn và phức tạp đầy nhạy cảm. Nhưng khi đã bước vào thế giới ấy thì phải sẵn sàng đối mặt với những quý ông mang hình ma men” – chị hướng dẫn mở lời khi tôi đã vượt qua thời gian thử thách đứng quán.
Người ta vẫn thường nói với những quý ông chỉ cần có hơi men (chứ đừng nói đến say) thì nên tránh càng xa càng tốt còn với những PG làm tiếp thị tại những quán bia thì ngược lại người khác “lùi” thì họ… “tiến”.
Video đang HOT
Thế giới của hơi men, rượu cồn là thế giới của những hỗn độn và phức tạp đầy nhạy cảm.
Lúi húi tháo bỏ đôi giày cao gót, Huệ – PG thuốc lá buông lời: “Nhưng nhiều người chỉ mượn hơi men chứ thực ra họ rất tỉnh táo. Có lần đang loay hoay lấy chiếc bật lửa (quà tặng thêm khi mua thuốc lá) trong túi cho khách, em chợt đứng sững người khi thấy có bàn tay vỗ thật mạnh sau mông: “Sao không để đây mà lấy cho tiện?”. Kéo sau đó là những tràng cười đắc chí. Vừa giật mình, vừa sợ lại vừa tức nhưng vẫn phải cố cười, vẫn phải cảm ơn trước khi rời bàn”.
Mang trên mình những bộ đồng phục thường là bó sát hoặc hở trên mát dưới nên có không ít những cú va chạm nhạy cảm của những khách nhậu. “Trước chị cũng tranining cho một em ở đây, lần đầu tiên rót bia cho khách, em gượng gạo làm theo đúng kỹ thuật đã được các anh chị quản lý hướng dẫn: Đứng nghiêng người xa bàn nhậu của khách một tay đặt trước ngực, một tay vươn thẳng để rót bia thì có khách cười lớn bảo: Có cái gì đâu mà che với đậy.
Rồi vị khách còn kéo mạnh tay lôi em vào sát người cợt nhả: “Để anh kiểm tra thử”. Sau pha tái mặt đến run người ấy, em gái đã không đủ can đảm quay trở lại quán chỉ chào chị bằng một tin nhắn” – Vừa kể chị hướng dẫn vừa nén tiếng thở dài.
“Thậm chí có lần em chứng kiến khách còn tỏ vẻ làng chơi không khác gì ở bar, thản nhiên nhét tiền vào ngực PG khi cô ấy đang đứng rót bia…” – Câu nói của Mai – PG rượu vẫn chưa kịp dứt lời thì có tiếng hô lớn từ phía cửa: “Tạnh mưa. Có khách”. Mấy chị em vội vã dời bàn, người vơ vội túi thuốc, người cầm nhanh chai bia, menu, người cuống cuồng xỏ lại đôi giày cao gót.
Tai tiếng có thừa
Những định kiến xưa nay trong thế giới của những chân dài PG vốn đã không ít đối với những PG làm việc tại quán bia thì tai thiếng lại càng có thừa.
Mệt mỏi lê bước rời khỏi quán, dắt chiếc xe máy đi trong ánh đèn đường vàng vọt của phố đêm, chị hướng dẫn chép miệng hỏi tôi: “Em đi làm thế này bố mẹ có biết không? Mọi người trong xóm trọ có biết không?”. Nhìn tôi nhẹ nhàng lắc đầu chợt chị cười lớn: “Con gái phấn son ngày nào cũng đi sớm về khuya không phải cave thì cũng là loại con gái làm việc chẳng ra gì”.
“Dù là PG hay là nhân viên phục vụ bàn cũng không phải là vấn đề. Công việc thì mình vẫn phải làm, chuyện tai tiếng rồi em cũng sẽ quen”
Sau tiếng cười ấy, giọng chị lại như nghẹn lại: “Mọi người đã nhìn chị như thế đấy. Chấp nhận công việc này chị cũng phải hai lần chuyển nhà trọ vì chủ không chấp nhận thời gian về muộn. Nhưng công việc thì mình vẫn phải làm, chuyện tai tiếng rồi em cũng sẽ quen”.
Nghe những câu chuyện của những PG tôi gặp nhiều chị đã chua chát: “Khách trong quán nhiều khi họ cũng không coi mình ra gì chỉ trêu đùa bỡn cợt… Trách sao được người ngoài nghĩ này nghĩ kia”.
Chỉ trong một thời gian ngắn đứng bàn, những số điện thoại đã dày lên từng ngày trong list sim điện thoại mới. (Theo lời khuyên của quản lý mỗi PG nên có thêm một sim phụ). Đưa ra một tin nhắn mới nhận: “Nếu anh có lời mời em đi ca 3 thì sao?” các chị chỉ cười: “Chuyện thường ngày ở huyện. Thế mới biết nhiều khi họ coi mình như thế nào. Nhưng đấy là họ nghĩ mình không cấm được. Nhiều lúc nghĩ đến buồn lắm nhưng không có gì phải xấu hổ. Quan trọng là việc mình làm.”
Không nhấp nhoáng trong những ánh đèn màu, không ồn ào nghiêng ngả trong những cơn say, đu mình trong điệu nhạc trong những quán bar nhưng PG nơi quán bia cũng đầy những cạm bẫy.
Theo VietNamNet
Rớm máu nẻo đường mưu sinh của trẻ em
Vào dịp hè, những đứa trẻ ở các vùng ngoại thành lân cận lại hối hả lên phố thị mưu sinh bằng đủ thứ nghề nhọc nhằn, vất vả, chỉ mong sao kiếm được những đồng tiền nho nhỏ để phụ giúp gia đình và chuẩn bị hành trang cho năm học mới...
Những nẻo đường mưu sinh
Mùa này, những bến xe, ga tàu, vỉa hè, góc phố... ở Hà Nội không vắng bóng những đứa trẻ trong độ tuổi 10- 15, đầu trần, chân đất, mặt mũi đen nhẻm, mặc những bộ quần áo cũ kĩ, bạc màu đi đánh giày, nhặt vỏ chai, bán vé số, bán bánh... mưu sinh. Vốn liếng chỉ vẻn vẹn hộp đánh giày, vài tấm vé số, dăm ba cái bánh... những đôi chân ấy đi khắp mọi nẻo đường, ngõ ngách; gặp ai cũng rao, cũng mời gọi: "Cô ơi mua cho cháu chiếc bánh đi!", "Chú ơi mua giùm cháu tấm vé đi!".
Bước chân của các em chỉ dừng lại khi tiếng rao có người đáp lại, nhiều lúc đói, khát, rã rời chân tay nhưng các em vẫn cứ đi tiếp chỉ mong bán thêm được đồng bánh, tấm vé nào thôi. Phần lớn các em là những đứa trẻ quê nghèo ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, tự kéo nhau lên phố thị kiếm sống tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi lúc nghỉ hè.
Dọc đường Huỳnh Thúc Kháng, chẳng khó gì tìm được những cậu bé đánh giày bởi ở đây có nhiều hàng ăn, quán café. Tôi có quen Nam, Thắng và Hùng- ba cậu bé đang đánh giày kiếm sống ở tuyến phố này, cùng quê ở Ba Vì- Hà Tây, cùng rủ nhau lên Hà Nội mưu sinh.
Nhìn khuôn mặt đen nhẻm, mái tóc đỏ hoe vì nắng...trông các em già đi so với cái tuổi 13-15 của mình. Thắng lớn nhất, em vừa học hết lớp 7, trông có vẻ cứng cỏi hơn cả vì đây là mùa hè thứ hai em lên Hà Nội đánh giày rồi. Nhưng hoàn cảnh đáng thương của cậu bé Nam để lại cho tôi nhiều ám ảnh.
Nam vừa học hết lớp 5, gầy nhom, mặt lúc nào cũng buồn, thật tội nghiệp. Nam mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà từ nhỏ. Ông bà lam lũ, chắt chiu từng đồng từ những vụ mùa để cho đứa cháu được đến trường, đến lớp học chữ nhưng cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng.
Ảnh: Quang Thế
Nam kể, ông bà hay bị bệnh tật, ốm đau liên miên, khi lên lớp 3 em tưởng phải nghỉ học vì không đủ tiền đóng học phí. Nhưng Nam ham học lắm, muốn được đến lớp như những đứa trẻ cùng quê. Từ lúc đó, cậu đã ý thức được chỉ đi kiếm sống mới có tiền đi học và Nam đã theo mấy anh lớn hơn trong làng đi đánh giày.
"Mới đầu em chủ yếu "chiếm đóng" ở khu vực chợ Phùng Khoang- Hà Đông nhưng chỉ được vài đồng ít ỏi, có hôm chẳng được đồng nào. Từ sáng đến tối, cứ lang thang ở vỉa hè, quanh mấy quán cafe, bụng đói chạy rạc cả chân mà vẫn phải đi bộ cả chục cây số về nhà"- em chia sẻ.
Hè này, Nam bắt đầu lên Hà Nội kiếm sống, đánh giày ở đường Huỳnh Thúc Kháng- phố Nguyên Hồng. Bởi trong trí óc còn non nớt, em hiểu Hà Nội là chốn dễ kiếm tiền. Nam cho biết: "Mỗi ngày trung bình em được 50 ngàn, hôm nào mưa thì chẳng được nhiều, hôm nào đông khách thì được cả trăm anh ạ. Nhiều người thấy thương còn cho em thêm tiền nữa".
Khi tôi nhắc đến chuyện học hành, em lại khẽ cúi đầu xuống, cất giọng buồn buồn làm tôi chạnh lòng: " Em muốn được đi học nữa lắm ạ! Nhưng hè này em không biết có kiếm được nhiều tiền để dành dụm cho ông bà không?". Ở cái tuổi như em có còn quá sớm để bon chen cuộc sống, lo học hành chưa đủ sao lại còn phải lo cả cơm- áo mưu sinh?
Ngày nào cũng vậy, ba cậu bé Nam, Hùng và Thắng cũng miệt mài lăn lê trên vỉa hè, góc phố Huỳnh Thúc Kháng để đánh giày kiếm sống. Tối đến lại đi bộ hơn chục cây số về nhà. Nhiều hôm mệt quá các em đành ngủ lại ở vỉa hè. Ba đứa trẻ co quắp trong một góc hẹp ven đường, mặc cho người qua kẻ lại...
Đến bến xe Giát Bát, tôi còn gặp cậu bé Quang, quê ở Thanh Hóa. Hè này cậu ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề ve chai, bán vé số ở khu vực quanh bến xe Giát Bát. Quang mới học hết lớp 7, nghỉ hè cậu lên tàu luôn đi thẳng ra ga Giát Bát thì bố đón. Em kể: "Mẹ em mất lâu rồi, bị cuốn trôi trong một trận lũ. Ngày ấy, em còn nhỏ lắm may mà được ba cứu sống. Còn ba em bây giờ đang làm xe ôm ở ngoài này, thỉnh thoảng mới về quê một lần".
Năm nào cũng vậy, cứ dịp hè Quang lại ra Hà Nội bán vé số, nhặt vỏ chai. Hai cánh tay gầy gầy, một bên cầm mấy tấm vé số, một bên xách chiếc túi nilon để đựng chai, lọ nhựa. Em cứ đi từ sáng cho đến tận khuya mới về, lúc nào đói thì mua bánh mì ăn.
Sau một đi rạc cả người, đêm về, em lại bỏ tất cả những đồng tiền lẻ nhàu nhò kiếm được ra tấm chiếu, những ngón tay gầy gầy cẩn thận vuốt phẳng phiu, đếm lại thành quả một ngày mưu sinh nhọc nhằn. Hai cha con chen chúc ngủ trong căn phòng thuê chật hẹp chỉ kê được vẻn vẻn chiếc giường con con. Giấc ngủ đêm mùa hè ở phố thị ngắn chẳng tày gang, 5 giờ sáng hôm sau, hai cha con mỗi người lại một nẻo đường nhọc nhằn kiếm sống mưu sinh...
Theo những chiếc xe ba bánh bán hàng rong trên những con phố, tôi đến "xóm ngô khoai" ở thôn Phú Mỹ- xã Mỹ Đình- huyện Từ Liêm- Hà Nội. "Xóm ngô khoai" chủ yếu là những người dân nghèo ở huyện Mỹ Đức- Hà Nội lên, rong ruổi trên những chiếc xe ba bánh tự chế bán ngô, khoai ở khắp các nẻo đường, góc phố Hà Nội.
Cả xóm có hơn chục em nhỏ trong độ tuổi đi học, lên phố thị mưu sinh phụ giúp công việc cho cha mẹ. Đun lửa, cạo sắn, gọt khoai, đẩy xe hàng đi rao hàng... các em đều làm được cả. Đi rao từ 2, 3 giờ chiều đến khi nào bán hết hàng các em mới trở về, có khi đến cả 1 giờ sáng hôm sau.
Nhọc nhằn vất vả mưu sinh nhưng cũng chỉ lấy công làm lãi: "Một bắp ngô chỉ lãi 1000 đồng, một cân khoai chỉ lãi 10000 đồng, một cái bánh sắn trừ tiền bơ, gạo, đường chỉ lãi gần 2000 đồng"- một người dân trong xóm cho biết. Bao nhiêu chuyến hàng rong mới đủ một tháng học phí của các em?
Ở "xóm ngô khoai" này, ám ảnh tôi nhất có lẽ là cậu bé có cái tên khá đẹp: Phạm Phát Đạt, em mới 4 tuổi đã theo bố đi bán hàng rong. Lúc tôi đến em đang gọt sắn, lúc về em vẫn đang miệt mài với công việc của mình. Ở độ tuổi như em, có quá sớm để theo bước chân cha đi kiếm sống? Nhưng ở xóm nghèo này, những tuổi thơ đã phải tha phương đi bán mùa hè như thế!
Những cạm bẫy rình rập
Kiếm được đồng tiền nơi vỉa hè, góc phố Hà Nội, những đứa trẻ quê nghèo cũng phải đối mặt với biết bao những cạm bẫy vô hình đang rình rập các em. Với những đứa trẻ mới lần đầu bỡ ngỡ lên Hà Nội đánh giày như Nam sẽ rất dễ bị những đàn anh đi trước dọa nạt, tranh giành "lãnh địa" kiếm sống xảy ra đánh lộn.
Chưa hết, những đứa trẻ mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội luôn là "con mồi" của những kẻ xấu. Có lần, đi đánh giày mệt quá em ngủ quên trên vỉa hè, đến lúc tỉnh dậy tiền bị lấy mất hết may mà hôm ấy ít khách nên chẳng được bao nhiêu. Nhiều em đi bán vé số, bán bánh mì kiếm được vài đồng tiền lẻ cũng bị trấn lột, giữa đêm vắng biết kêu ai!
Còn chưa kể đến các tệ nạn xã hội như nghiện hút, ma túy... rất dễ xâm nhập những đứa trẻ ngây thơ. Thắng tỏ ra rất rắn rỏi, em bảo: "Dại gì mà dính vào những thứ ấy, hết cuộc đời luôn anh ạ".
Những nẻo đường mưu sinh của những đứa trẻ tha phương đi kiếm sống ngày hè như Nam, Thắng, Quang... và biết bao những đứa trẻ nghèo khác còn dài hơn so với cái tuổi của các em. Phía sau những nẻo đường mưu sinh ấy là một ước mơ nhỏ nhoi, một khát khao đến cháy bỏng: "Em muốn được đi học nữa lắm ạ", khiến tôi day dứt, ám ảnh mãi không thôi...
Theo VIetNamNet
Nhi nữ đánh giày - cạm bẫy nơi vỉa hè góc phố Thời nay, các em gái, phụ nữ hành nghề đánh giày ngày một nhiều tại Hà Nội. Đi sâu vào những thân phận mới những cạm bẫy, sự éo le đem lại những tủi hờn trên bước đường cơm áo gạo tiền... nơi góc phố vỉa hè. "Diễn viên" của vỉa hè Chúng tôi đang ngồi bên quán trà cóc trên phố Trần...