Những ước mơ đẹp
Xóm quê nghèo ngày cuối năm, những đứa trẻ nửa ngày lên lớp, nửa ngày tụ họp cùng nhau chơi đùa ở con dốc đầu làng với khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười giòn tan thủ thỉ với nhau về điều ước của mình.
Ảnh minh họa Lê Đức.
“Mẹ ơi, sáng nay trên lớp, cô giáo hỏi cả lớp rằng, Tết này em ước điều gì? Các bạn con, ai nấy đều thi nhau trả lời mẹ ạ. Bạn Trâm thì ước có bộ quần áo mới để mặc đi chơi tết. Bạn Hằng ước có thật nhiều bánh kẹo để ăn. Bạn Hưng thì ước có đôi dép mới…”.
Chị ngừng tay nhặt dở mớ rau chiều, nhìn con với ánh mắt trìu mến: “Thế con gái mẹ ước điều gì?”. Đôi mắt thơ ngây, trong trẻo của con chợt bừng sáng, giọng con ấm áp và vui vẻ: “Con… con ước Tết này mắt của ba sẽ nhìn thấy lại được như trước kia”.
Ai cũng có những điều ước. Và đa số những điều ước ấy đều dành riêng cho bản thân mình đặc biệt với trẻ nhỏ. Chúng có bao điều mong đợi. Bộ quần áo mới, đôi dép mới, gói bánh cái kẹo hay được nhận lì xì… Điều ước của những đứa trẻ bao giờ cũng sáng trong, giản dị, nguyên sơ đến trần trụi. Ước mơ thành thực của chúng đôi khi khiến các bậc sinh thành phải bật khóc vì nhiều lẽ.
Chị đã từng rất xúc động trước đôi mắt khát khao của cậu bé đánh giày áo quần nhàu nhĩ, mặt mũi lem luốc, cầm trên tay hộp đồ nghề chăm chú hướng về ông lão và những chú tò he đủ màu trên vỉa hè. Và đẹp biết bao khi chị được chứng kiến hành động ông lão trao tận tay cậu bé một cặp tò he làm quà cùng nụ cười trìu mến với câu nói ấm áp: “Ông tặng cháu!”. Ước mơ bé nhỏ của cậu bé đánh giày trở thành hiện thực từ tấm lòng yêu thương, đồng cảm đáng quý ấy.
Chị bùi ngùi khi nghe con gái kể về ước mơ của cậu bạn cùng lớp. Cậu ước: “Ba sẽ quay về với mẹ, gia đình em lại hạnh phúc, vui vẻ như xưa”. Đáng khen và tự hào biết mấy khi những đứa trẻ mới lên 7, lên 8 thôi đã biết nghĩ và sống vì người khác.
Video đang HOT
Những ngày cuối năm, chị yêu cầu những cô cậu học trò trên lớp viết ước mơ của chính mình lên giấy. Trong rất nhiều những ước mơ chính đáng, thiết thực với các em, cũng có những ước mơ làm trái tim chị thổn thức. “Em ước sang năm mới, ba đừng đánh mẹ nữa!”. “Em ước có nhiều tiền để chữa bệnh cho ba”. “Em ước Tết này sẽ được ăn một cái bánh tét thật to”… Chị thấy lòng trĩu nặng. Ngắm nhìn từng khuôn mặt đáng yêu của các em, chị khẽ mỉm cười: “Cô mong những điều ước tốt đẹp của các em sẽ trở thành hiện thực”.
Cảm động biết mấy khi tất cả đều có chung một niềm mong mỏi được thưởng thức chiếc bánh tét quyện đủ mùi thơm của thịt mỡ dưa hành béo ngậy. Chúng kiếm đất sét nặn thành những khối hình trụ rồi lấy lá chuối xanh bọc bên ngoài trông như những chiếc bánh tét nhỏ xinh xắn chơi đồ hàng bán cho nhau. Chúng còn làm bộ giả vờ ăn ngon lành như bánh thật.
Chị nghĩ đến ước mơ của con gái mình. Ước mơ con không dành cho bản thân, dẫu với con, mọi thứ chẳng có gì gọi là đủ đầy. Phía sau bức vách ngăn gian bếp nhỏ xíu kia là chiếc giường đã ngả màu hắc ín, nơi chồng chị đang ngồi lặng lẽ và đã nghe từng lời con gái nói.
Anh chị lấy nhau vốn từ hai bàn tay trắng. Cơ nghiệp hiện tại chỉ với ngôi nhà ba gian không mấy vững chãi. Ngỡ anh sẽ là trụ cột trong nhà, là chỗ dựa cho hai mẹ con. Nào ngờ… căn bệnh lạ khiến đôi mắt anh bỗng mờ dần. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị gánh vác.
Con gái mới lên 8 tuổi, con có quyền mơ ước cho mình. Nhưng con đã không làm thế. Con dành ước mơ duy nhất ấy cho ba… Chị nghĩ ngợi rồi vừa vui vừa tự trách mình cảm thấy có lỗi khi không thể lo cho con đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa.
Hạnh phúc đong đầy thu lại trong giọt nước mắt nóng hổi bờ mi.
Theo thesaigontime.vn
Nếu ngoài kia khó khăn quá, về với má đi con!
Những cuộc điện thoại đường dài dặn dò: 'Nếu ngoài kia khó khăn quá, thì về nhà với má nha con', làm ngậm ngùi bao đứa con lưu lạc. Thời điểm giáp tết, chúng đồng hành cũng nỗi khắc khoải, ngóng trông của không ít bậc sinh thành.
Giờ này con vẫn nổi trôi...
Vũ nằm dài đã hai ngày ròng, cậu không bệnh, nhưng cơn nản lòng quật ngã khi bạn bè chộn rộn hỏi nhau vé tàu, vé xe về quê. Từng là sinh viên của Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, được ba học kỳ, Vũ bỏ ngang, theo một người trong xóm trọ đi phụ hồ. Cậu rớm nước mắt: "Mẹ em bệnh nặng".
Hai năm sau, bệnh mẹ thuyên giảm, Vũ đến trường, đăng ký theo học hệ trung cấp. Ngày phụ hồ, đêm đến lớp, vài tháng một lần Vũ gửi về cho mẹ mấy trăm ngàn đồng. Hơn hai tháng trước, Vũ khoe: "Em đang theo đàn anh đi xây công trình lớn. Nghĩ đến tết mang về gần chục triệu đưa mẹ, em vui lắm".
Bất ngờ, cách đây nửa tháng, bệnh mẹ Vũ trở nặng, nhập viện hơn mười ngày. Vũ nghỉ việc, xin ứng trước một phần lương lo cho mẹ. Mẹ khỏe, cậu trở lại công trình thì mất việc, tiến độ đòi hỏi chủ thầu phải tìm người thay thế. Vũ chạy khắp thành phố tìm việc làm, chiếc xe máy cà tàng dựng tạm trên vỉa hè trong lúc ghé tiệm cơm, khi trở ra đã không cánh mà bay. Vũ buồn buồn: "Em ở lại Sài Gòn ăn tết". Tôi hứa giúp cậu một vé xe về quê, Vũ ôm mặt: "Về chi. Về nhìn người ta rộn ràng trong khi mình không mua nổi một chậu cúc, cành mai...".
"Ở lại Sài Gòn ăn tết" - hẳn đang là quyết định chẳng đặng đừng của bao người. Rời quê vào Nam ra Bắc, tỏa đi tứ xứ kiếm sống, ai nấy đều mong mỏi cuối năm được xênh xang trở về. Nhưng rồi, cuộc mưu sinh lắm khi trầy vi tróc vảy. Áp lực thành đạt, giàu có của những người cũng xa quê, của sự sang chảnh tràn ngập trên trang mạng, trong dòng sách "làm sao để định hình thương hiệu cá nhân" hay "trở thành triệu phú sau một đêm"... càng khiến những cuộc đời còn mệt nhoài định hình mình nơi xứ người mặc cảm, lầm lũi.
Một nữ công nhân lao động xuất khẩu đoàn tụ mẹ và chị gái tại sân bay - Ảnh: internet
Năm ngoái, khi chị gái tôi đăng tuyển người dọn phòng khách sạn, Hân - cô bạn hơn mười năm không liên lạc hẹn gặp, nhờ tôi giới thiệu. Tôi tưởng Hân đùa. "Biệt tích" từ hồi lên đại học, tôi thường nghe những chuyện đầy màu hồng về bạn: khi chúng tôi vã mồ hôi viết đơn xin việc thì Hân đã "nổi tiếng" khắp làng: đầu quân cho Công ty Khai thác thủy lợi D. ở tỉnh Tây Ninh, lương thưởng hơn 10 triệu đồng/tháng. Con số ấy tăng theo mỗi cái tết Hân về quê, trở thành điển hình thành công của cả làng.
Với các bà mẹ quê, Hân nổi bật với thông tin: mới gửi tiền về sửa nhà cha mẹ, tặng xã mấy triệu đồng quỹ người nghèo... Hân kéo tôi về thực tại: "Chỉ ông xã mình làm ở Công ty D. thôi, còn mình làm lễ tân kiêm... dọn phòng cho một nhà nghỉ của người bà con anh ấy". Vài năm sau, chồng Hân vi phạm nội quy công ty, anh nghỉ việc, về giúp vợ quán xuyến nhà nghỉ khi cả gia đình người quen ấy xuất ngoại. Sau gần mười năm "sở hữu tạm"; năm ngoái, người quen lấy lại nhà để bán, vợ chồng Hân mất việc. "Lâu lâu về tết một lần nên bọn mình giấu chuyện" - Hân ngượng ngùng khi nhờ tôi giới thiệu việc.
Về đi, khi hoa xuân vàng bên dậu
29 tết năm ngoái, tôi mang cho cha mẹ Hân 5 triệu đồng vợ chồng cô vét túi nhờ chuyển. Tôi nhắn ông bà: "Vợ chồng Hân nhiều việc, phải trực tết nên không về được bác ơi!". Ba mươi tết, tôi gọi Hân: "Về được thì về. Thấy hai bác buồn, kêu "tiền tụi nó đưa cũng chỉ để ba bữa tết mua món ngon cho chúng ăn. Nay không về biết đi chợ mua gì, ai ăn".
Thất thế, không địa vị hay nỗi buồn rỗng túi - những lý do quá chính đáng để một người không dám trở về quê. Đã đành túng bấn trong tình cảnh hàng trăm thứ phải chi, rồi quà cáp, biếu xén, giúp cha mẹ và người thân đón cái tết no ấm; "đau khổ" còn đến từ sợ hãi phải đối mặt những câu hỏi quan tâm của xóm làng, người quen biết: Năm nay thế nào? Khá hơn không? Làm tới chức gì rồi? Đem về bao nhiêu tiền xài tết? Cho cha mẹ nhiều không? Những kỳ vọng thường tình vào "thành tựu" sau những cuộc dời xứ ra đi luôn khiến họ mỏi mệt, thậm chí bẽ bàng.
Nhưng với người làm cha mẹ, thành tựu của con cái, hay sự thất thế, lạc loài trong cuộc "định danh" giữa cuộc đời chẳng chút gì can dự đến tình thương. Với bậc sinh thành, những đứa con càng không có gì, tay trắng, tình thương yêu lại càng đầy. Trong tình thương ấy, những lo lắng sẽ không hề tồn tại nếu biết con có tâm hồn an lạc, tâm thái thảnh thơi, bất kể ở đâu, làm gì trong xã hội. Tình thương ấy chỉ trở thành bất an khi con cái vẽ ra những nghịch cảnh để từ chối cuộc đoàn viên.
Đêm 30, người già đau đáu sực nhớ, cánh cửa sau một năm bám bụi quên chưa lau, nhiệm vụ này năm ngoái của thằng A., mớ củi nồi bánh chưng không ai chụm, năm ngoái giờ này có con B. phụ trở bánh...
Mùng Hai tết năm ngoái, vợ chồng Hân về. Ngày vợ chồng cô trở lại Sài Gòn, người mẹ già dấm dúi hai chỉ vàng, dặn các con cứ... sinh sống bình thường rồi về quê... bình thường. Mẹ Vũ, trong chuyến chữa bệnh nửa tháng trước, mừng rơn được bác sĩ... cho về sớm, để kịp mua loại mứt gừng cay Vũ thích. Rồi, như mọi năm, bà sẽ mắc chiếc võng cạnh căn bếp, ngồi đung đưa canh nồi mứt gừng vì con. Có buồn bã và ích kỷ không nếu Vũ không về?
... Mai vàng bung cánh. Sài thành đang chộn rộn những chuyến xe về quê. Anh nấn ná, còn nặng lòng cuộc "nổi trôi" chưa hồi kết; chị ngồi sau quầy khẩu trang, mớ áo mưa dăm gói thuốc bên vỉa hè, ngậm ngùi lưỡng lự ngồi đếm mấy trăm ngàn đồng, chỉ đủ mua vé tàu; em mặc cảm nửa năm trời thất nghiệp... Chợt trong điện thoại ai đó, hiện dòng tin nhắn: "Dù khó khăn, cũng cứ về quê đã, có ba má và các em đang chờ. Qua tết tính tiếp!".
Theo phunuonline.com.vn
Bạn đã sẵn sàng bước vào mùa cưới? Cuối năm là thời điểm các cặp đôi xây dựng tổ ấm nhiều nhất trong năm nên người ta còn gọi đây là mùa cưới. Ngày cưới là cái đích của tình yêu, là ngày hạnh phúc trọng đại. Nhưng để có một đám cưới hoàn hảo, với nhiều cặp đôi đó không phải là chuyện dễ dàng Tuy ngày nay người ta...