Những ứng viên sáng giá của Sao Mai 2013
Cuộc thi âm nhạc truyền thống của Đài truyền hình đã bước đến chặng đua cuối cùng. 12 thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho 3 dòng nhạc sẽ có đêm thi quyết định vào cuối tuần này.
Dòng nhạc nhẹ: Hit “Anh” có làm nên chuyện?
Thanh Huyền – Hồng Chinh – Ngọc Vũ và Tịnh Uyên đã sẵn sàng cho đêm chung kết.
Đây là dòng nhạc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trước đêm chung kết xếp hạng, khán giả dễ dàng nhận ra sự phân cấp giữa các thí sinh gồm Thanh Huyền – Ngọc Vũ và Hồng Chinh – Tịnh Uyên.
Điều đáng nói là Thanh Huyền – cô gái 18 tuổi nhưng giàu nội lực – lựa chọn thể hiện ca khúc Anh và Đông đang rất được người yêu nhạc quan tâm. Với sáng tác của nhạc sĩ Xuân Phương, Hương Tràm từng làm mưa làm gió The Voice mùa đầu tiên. Thế nên không ít người tin tưởng nó sẽ là vận may đối với Thanh Huyền. Trong khi đó, Ngọc Vũ – thí sinh đến từ TP.HCM – vốn là “con cưng” của các giám khảo và khán giả thường xuyên theo dõi chương trình lại chọn những bản hit của Tùng Dương như Cỏ và mưa (Giáng Son) hoặc Tre xanh ru (Quốc Trung).
Ở top dưới, Hồng Chinh và Tịnh Uyên lại tận dụng các bản phối sôi động, trẻ trung của Người hát tình ca, Ngày không anh… để chinh phục khán giả. Hải Phòng là sân nhà của Hồng Chinh nên chắc chắn cô sẽ nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả trong đêm thi quyết định này.
‘So bó đũa chọn cột cờ’ ở dòng dân gian
Thùy Dung và Huyền Trang đang là những ứng viên sáng giá cho ngôi quán quân.
Video đang HOT
Vốn không được coi trọng như dòng nhạc nhẹ nhưng các thí sinh lọt vào đêm chung xếp hạng của dòng nhạc dân gian trong cuộc thi Sao Mai 2013 đều được đánh giá rất cao. Thùy Dung – cô em gái của Sao Mai Hà Hoài Thu – khá nổi bật khi lựa chọn ca khúc Lời ca gửi Noọng (Nguyễn Tài Tuệ) và Sông đợi (Nguyễn Việt Bình).. Đây được coi là sự lựa chọn thông minh của Thùy Dung bởi ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có tiết tấu nhanh, lại mang âm hưởng dân gian Tây Bắc dí dỏm sẽ như một làn gió mát lành cho phong cách âm nhạc dân gian.
Những cô gái tới từ dải đất miền Trung nắng gió là Huyền Trang và Thụy Miên cũng là những đối thủ rất đáng gờm bởi mỗi người có một điểm mạnh riêng. Huyền Trang được nhận xét là tiến bộ qua từng đêm thi trong khi đó, Thụy Miên luôn biết cách làm mới mình với những ca khúc tưởng như rất cũ. Trong khi đó, Phương Thúy lại muốn thổi chút thời đại mới vào phần dự thi của mình qua ca khúc dân gian đương đại có tên thú vị: Con cóc cóc con. Điều này khiến cuộc đua càng khốc liệt và gay cấn hơn.
Dòng nhạc thính phòng: Sức mạnh ở cô gái đến từ Pháp
Võ Hồng Quân (váy đỏ) đang chiến thế thượng phong ở cuộc đua của dòng nhạc thính phòng.
Võ Hồng Quân – thí sinh khá đặc biệt đến từ nước Pháp xa xôi – được coi là ứng viên sáng giá nhất dòng nhạc thính phòng năm nay. Á hậu người Việt tại Pháp này sẽ chọn hát Ở rừng nhớ anh (An Thuyên) và Cảm ơn mẹ (Đức Trịnh). Đây là 2 ca khúc thính phòng khá trữ tình. Có thể coi là sự “rút kinh nghiệm” khá sâu sắc khi trong đêm chung kết dòng nhạc thính phòng trước đó, Võ Hồng Quân bị chê là quá ham trưng trổ kỹ thuật mà thiếu cảm xúc. Lần này hy vọng cô sẽ sửa được yếu tố này.
Có phần lép vế hơn nhưng Ngô Văn Đức hay Đinh Thị Trang và Trần Thị Trang vẫn là những đối thủ đáng gờm của Võ Hồng Quân. Cả ba thí sinh này đều sở hữu chất giọng đẹp và kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện. Chính bởi vậy, nếu không giữ được phong độ như những đêm thi sơ loại hay bán kết trước, Hồng Quân sẽ gặp không ít khó khăn khi đối đầu cùng họ.
Theo Tri Thức
Lộ diện ứng viên cuộc thi Sao Mai 2013
Giải Sao Mai 2013 khu vực miền Bắc đang diễn ra sôi nổi tại thủ đô Hà Nội. Qua 3 đêm thi sơ khảo, ban tổ chức đã chọn ra 18 thi sinh xuất sắc nhất bước vào đêm chung kết. Trong số này, đã có những gương mặt nổi bật hứa hẹn tạo đột phá cho mùa giải năm nay.
Với 54 thí sinh đăng ký tham gia dự thi ở 3 phong cách âm nhạc: Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ; vòng chung khảo khu vực miền Bắc đã diễn ra thực sự sôi nổi. Một số địa phương có truyền thống và là đối thủ "nặng ký" của các đơn vị khác, vẫn giữ được phong độ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... Qua 3 đêm thi, đã nổi lên những gương mặt vượt trội, họ đã chiếm lĩnh những điểm số cao nhất nhì các dòng nhạc, ung dung bước vào đêm chung kết khu vực sẽ được diễn ra tại trường quay S9 Đài truyền hình Việt Nam và được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV3 vào tối 6/7/2013.
Đào Văn Mác: Ứng viên "nặng ký" dòng nhạc Thính phòng
Thí sinh Đào Văn Mác
Giành được điểm số cao nhất vòng loại, Đào Văn Mác - sinh viên năm 3 khoa thanh nhạc hệ đại học - Học viện âm nhạc quốc gia đang bừng bừng khí thế tiến vào đêm chung kết khu vực. Chàng trai Hưng Yên hiền lành, ít nói nhưng có giọng hát mạnh mẽ, âm vực rộng và độ vang khiến nhiều người kính nể. Từng lọt vào top 9 dòng nhạc Thính phòng giải Sao Mai 2011 nên Mác đã ít nhiều rút ra được những bài học cho riêng mình.
Ở vòng loại, Đào Văn Mác chọn ca khúc Vang mãi bản tình ca (Trọng Bằng) rất hợp với giọng nam trung trầm của anh. Bước ra sân khấu với phong thái đĩnh đạc, tự tin, Đào Văn Mác đã chinh phục Ban giám khảo và khán giả bởi giọng hát hùng tráng đầy cảm xúc và sự tự tin của một người đã có sự chuẩn bị khá chu đáo trước khi đến với cuộc thi này. Những tràng vỗ tay vang dội là phần thưởng quý giá mà khán giả đã dành cho Đào Văn Mác.
Là học trò của ca sỹ Đăng Dương, Đào Văn Mác học được nhiều điều từ người thày của mình. Là người có giọng hát nam trung trầm, khi ôn vào Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, nghệ sỹ Quốc Hưng đã uốn nắn, bổ sung để Đào Văn Mác ổn định ở khu âm trầm. Còn ca sỹ Đăng Dương là người dìu dắt, chỉ bảo, giảng dạy tỉ mỉ và nhiệt tình giúp Đào Văn Mác ở những khu âm cao - sở trường "nam cao" của Đăng Dương. Vì thế, Mác hát nốt trầm rất dày, rõ ràng, mạch lạc mà ngân những nốt cao cũng rất sáng, tròn trịa và căng đầy.
Vào đêm chung kết miền Bắc tới đây, Đào Văn Mác sẽ dự thi ca khúc Pác Bó hát mãi tên Người (An Thuyên). Anh tâm sự: "Lần thứ 2 đến với giải Sao Mai, tôi đã có thêm kinh nghiệm để mình tự tin hơn, bản lĩnh hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn nên cũng khá thoải mái. Tuy nhiên, chính vì lần thi thứ 2 nên tôi cũng lại bị áp lực vì phải vượt qua bản thân để bứt phá bước qua thành tích của lần thi trước. Vì thế tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đạt được kết quả như mong muốn".
Thùy Dung: Cô gái Hà Tĩnh đẹp cả thanh và sắc
Thí sinh Thùy Dung
Là một trong hai thí sinh xuất sắc nhất dòng nhạc dân gian ở vòng loại, nhưng xét về hình thức thì Thùy Dung thực sự vượt trội so với các thí sinh cùng dòng nhạc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, vì thế từ nhỏ, Thùy Dung đã biết sống tự lập, biết lo toan và có trách nhiện với gia đình. Có lẽ chính sự vất vả của một đứa trẻ nhà nghèo đã khiến cô có cái nhìn sâu sắc hơn các bạn đồng lứa về cuộc sống. Đây cũng chính là yếu tố làm nên giọng hát ngọt ngào, tràn ngập cảm xúc của Thùy Dung.
Đăng ký thi và đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh 2013, Thùy Dung - cô sinh viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam khá tự tin tham dự vòng loại khu vực phía Bắc giải Sao Mai 2013 với ca khúc Lội dòng sông quê (Phó Đức Phương). Với sự chỉ bảo tận tình và tham gia lựa chọn, dựng bài của ca sỹ Anh Thơ, Thùy Dung đã có phần trình diễn khá thuyết phục. Giọng hát ngọt ngào nhưng nhẹ nhàng, tinh tế của Thùy Dung là thế mạnh của cô. NSND Thanh Hoa khi nghe Dung hát đã nhận xét: Đây là một giọng hát đẹp, một tâm hồn đẹp. Hát dân gian không cần trưng trổ kỹ thuật và tránh sự cứng nhắc của học thuật, khá nhiều thí sinh hát dân gian nhưng quá "lọc lõi" và bài bản làm mất đi vẻ dung dị, sự tinh tế của dòng nhạc dân gian, rất may Thùy Dung đã giữ được điều này".
Bước vào đêm chung kết khu vực miền Bắc giải Sao Mai 2013, Thùy Dung chọn ca khúc Sông ơi đừng chảy (Nguyễn Vĩnh Tiến) để dự thi. Cô đã được nhạc sỹ Xuân Thủy giúp phần phối khí vô cùng ấn tượng, được cho là bản phối khí hay nhất từ trước đến nay của bài Sông ơi đừng chảy - ca khúc từng được nhiều ca sỹ dòng nhạc dân gian thể hiện, và nhiều thí sinh cũng sử dụng trong các cuộc thi hát. Với bản phối mới lạ, Thùy Dung đang rất hào hứng bước vào đêm chung kết khu vực. Cô đang hăng say tập luyện để có phần dự thi tốt nhất, cống hiến cho khán giả những phút giây đắm chìm trong không gian âm nhạc thấm đẫm chất dân ca.
Thùy Dung chia sẻ: Dòng nhạc dân gian có khá nhiều bạn thí sinh xuất sắc, tuy nhiên mỗi người đều có một chất riêng và con đường riêng. Dung được cô giáo của mình dạy rằng, hát dân gian thì điều quan trọng là hát ca khúc mang âm hưởng vùng miền nào, thì phải hát ra chất vùng miền ấy. Bên cạnh đó, phải thật ngọt ngào, cảm xúc, tinh tế. Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để không phụ lòng cô giáo cũng như sự tin yêu của mọi người.
Hồng Ngọc - "Cơn gió lạ" của nhạc nhẹ Sao Mai 2013
Cô gái xứ Nghệ Hồng Ngọc nổi bật ở dòng nhạc nhẹ.
Gây ngạc nhiên cho nhiều khán giả và giới chuyên môn tại vòng loại Sao Mai khu vực phía Bắc dòng nhạc nhẹ chính là một cô gái đến từ Nghệ An: Hoàng Thị Hồng Ngọc. Thí sinh này sinh năm 1992 đang học năm thứ 3 trung cấp thanh nhạc - trường ĐH văn hóa nghệ thuật quân đội. Hồng Ngọc dự thi một ca khúc nhạc nhẹ mang âm hưởng dân gian có tên Ông tôi của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến. Giọng hát với âm sắc đặc biệt, lối hát nhấn nhá, ngúng ngẩy cùng sự tung tẩy từ tiết tấu đến hình thể đã chinh phục toàn bộ khán giả có mặt ở trường quay S9.
Chưa từng tham gia bất cứ một cuộc thi hát nào nhưng cũng sinh hoạt ca hát từ bé, vì thế Hồng Ngọc rất bản lĩnh, tự tin trên sân khấu. Đặc biệt, cô rất "nghệ sỹ" cả trong phong cách lẫn lối xử lý ca khúc. Rất nhiều người ngạc nhiên vì sự xuất hiện quá ấn tượng của Hồng Ngọc. Bởi đa số các thí sinh không ít thì nhiều đã kinh qua vài cuộc thi từ cấp quận, tỉnh, trung ương. Nên việc Hồng Ngọc từ "zero" bỗng nhiên tỏa sáng ở vòng loại khu vực phía Bắc là một điểm nhấn thú vị và ngay lập tức trở thành ứng viên "nặng ký" nhất dòng nhạc nhẹ khu vực này. Bằng chứng là cô đã nhận được số điểm cao nhất của Ban giám khảo ở bảng nhạc nhẹ.
Bước vào đêm chung kết khu vực, Hồng Ngọc tiếp tục chọn một ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến có tên Giấc mơ dai dẳng. Hồng Ngọc tâm sự: Trước đây cô thích hát thích phòng và dân gian, đặc biệt là những ca khúc dân gian mang màu sắc thính phòng. Đến khi tham dự Sao Mai, cô giáo của Hồng Ngọc là nghệ sỹ Rơ Chăm Pheng đã chọn Ông tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến) cho Hồng Ngọc hát và thấy rất hợp. Lúc đó Ngọc mới tìm hiểu nhiều hơn, kỹ hơn về âm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến và tự thấy rằng cô khá hợp với các ca khúc của vị nhạc sỹ kiến trúc sư này. Đó chính là lý do mà Hồng Ngọc tiếp tục chọn âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến để dự thi vòng chung kết. Với cái "duyên" bất ngờ với Nguyễn Vĩnh Tiến, hy vọng Hồng Ngọc tiếp tục tỏa sáng ở đêm chung kết tới đây.
Ngoài 3 gương mặt trên, một số giọng hát cũng tạo được ấn tượng tốt và hy vọng sẽ bùng nổ trong đêm chung kết như Thanh Nhài, Huyền Hương (thính phòng), Phương Thúy, Linh Hoa (dân gian), Hồng Chinh, Hồng Nhung (nhạc nhẹ)...
Theo VnMedia
Thùy Dung đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh Với chất giọng dân ca ngọt ngào, thí sinh Thùy Dung đến từ Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam đã xuất sắc đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh lần thứ 13 vừa diễn ra tại thành phố Hạ Long. Thùy Dung tươi cười nhận giải Nhất Trong đêm chung kết, Thùy Dung thể hiện rất xuất sắc ca...