Những tuyển thủ Việt Nam “biến mất” sau bàn thắng để đời: Người giải nghệ ở tuổi 22, người bị cấm thi đấu vĩnh viễn
Bóng đá Việt Nam có những tài năng dang dở sự nghiệp ngay sau khi ghi được một bàn thắng để đời trên đội tuyển. 20 năm qua, có ít nhất 5 trường hợp như vậy.
1. Trần Minh Chiến: Tiền đạo tài năng giải nghệ ở tuổi 22
Ở SEA Games 1995 diễn ra tại Thái Lan, Trần Minh Chiến ghi bàn thắng vàng trong hiệp phụ giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua Myanmar, tiến tới chung kết.
Anh vào sân từ ghế dự bị với đầu gối băng trắng vì chấn thương. Sau bàn thắng để đời, Minh Chiến không thể thi đấu trận chung kết. Kết thúc giải, anh được sang Đức chữa trị chấn thương đứt dây chằng đầu gối, phải mổ đến 4 lần.
Trần Minh Chiến và cố HLV Weigang chụp ảnh vào năm 1995.
Đến Tiger Cup 1996 (nay là AFF Cup), Minh Chiến lại bị đứt dây chằng đầu gối đúng chỗ cũ trong một buổi đá tập của đội tuyển Việt Nam. Chấn thương này chấm dứt sự nghiệp của Trần Minh Chiến ở tuổi 22, khi anh được đánh giá là tiền đạo vô cùng tài năng và có thể vươn lên thành chân sút khét tiếng tại Đông Nam Á.
Sau này, Trần Minh Chiến theo đuổi nghề HLV. Anh từng làm việc ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, trợ lý ở U19 Việt Nam rồi HLV trưởng CLB Bình Dương.
Bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến vào lưới Myanmar.
HLV Trần Minh Chiến làm việc tại CLB Bình Dương ở V.League 2018. Ảnh: VPF.
2. Trần Thành: Một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Ngày 23/10/2016, Trần Thành ghi bàn thắng vô cùng đáng nhớ vào lưới chủ nhà U19 Bahrain tại tứ kết U19 châu Á. Chiến thắng 1-0 giúp U19 Việt Nam lọt vào bán kết châu lục lần đầu tiên, đồng thời, giành vé dự FIFA U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc. Khoảnh khắc của Trần Thành vì thế được đánh giá như một cú giật dây trước vụ nổ lớn trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Thế nhưng, kể từ sau U20 World Cup, Trần Thành không thể vươn lên trở thành một cầu thủ xuất sắc. Anh chỉ được coi là người hùng một mùa và giờ vẫn đang thi đấu cho CLB bóng đá Huế tại Giải hạng Nhất. Trong khi đó, những người bạn cùng lứa như Quang Hải, Đình Trọng,… đã ở một đẳng cấp khác.
Bàn thắng để đời của Trần Thành vào lưới U19 Bahrain.
Sau giai đoạn gây ấn tượng, Trần Thành giờ vẫn chưa thể lên chơi tại V.League. Ảnh: VFF.
3. Trần Mạnh Dũng: Bàn thắng để đời và án cấm thi đấu trọn đời
Năm 2013, U23 Việt Nam vinh dự được đối đầu Arsenal, CLB nổi tiếng của bóng đá Anh, trên SVĐ Mỹ Đình. Dù thua với tỷ số đậm 1-7 nhưng khoảnh khắc ghi bàn của Trần Mạnh Dũng vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ.
Từ một cầu thủ ít được chú ý, Mạnh Dũng được kỳ vọng trở thành sao sáng và quan tâm nhiều hơn. Thế nhưng, vụ cá độ và dàn xếp tỷ số ở CLB Ninh Bình tại AFC Cup bị phanh phui năm 2014 khiến mọi thứ tan biến.
Mạnh Dũng là 1 trong 9 cầu thủ tham gia vụ này. Tiền vệ người Nam Định phải chịu 30 tháng tù giam. Bi kịch hơn, anh bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trọn đời khi mới 24 tuổi và không còn cách nào cứu vãn.
Bàn thắng của Mạnh Dũng vào lưới Arsenal năm 2013.
Án cấm thi đấu trọn đời vì cá độ của AFC khiến sự nghiệp của Trần Mạnh Dũng mãi mãi dang dở. Ảnh: VFF.
4. Huỳnh Quốc Cường: Cú giật gót ngoạn mục
Cú giật gót ấy giúp đội tuyển Việt Nam mở tỷ số, góp công vào chiến thắng kịch tính 3-2 trước Indonesia tại Tiger Cup 1996. Sau đó, bàn thắng này được bình chọn là pha lập công đẹp nhất của giải đấu.
Huỳnh Quốc Cường sinh năm 1972 tại Đồng Tháp, là một chân sút lợi hại và từng giành chức vô địch quốc gia năm 1996. Tuy nhiên, chấn thương đầu gối nghiêm trọng 1 năm sau đó khiến anh phải từ giã bóng đá đỉnh cao ở tuổi 25.
Danh thủ Huỳnh Quốc Cường (trái) phải giải nghệ ở tuổi 25 khi y học thể thao vẫn còn thiếu thốn ở Việt Nam.
5. Nguyễn Phúc Nguyên Chương: Sau thành công là cám dỗ
Ngoài cái tên ấn tượng, Nguyên Chương còn được nhớ đến với pha ghi bàn đẹp mắt giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua Singapore và giành HCĐ SEA Games 1997.
Không lâu sau đó, anh dính vào một vụ dàn xếp tỷ số khiến cơ hội trở lại đội tuyển Việt Nam đóng sập. Tiền vệ phòng ngự này sau đó thi đấu hết sự nghiệp cho Cảng Sài Gòn (đã giải thể) rồi làm công tác huấn luyện ở TPHCM, PVF.
Nguyễn Phúc Nguyên Chương nay làm HLV tại lò PVF. Ảnh: HFF.
HIẾU LƯƠNG
Những tài năng vang bóng sau 1975: Trịnh Tấn Thành: 'Đen' từ đội tuyển đến ngoài đời
Cơn lốc đen, biệt danh của tiền đạo nổi tiếng một thời trong màu áo bóng đá Đồng Tháp Trịnh Tấn Thành, sinh năm 1968.
Sau khi chia tay sự nghiệp "quần đùi, áo số", tiền đạo số 12 "một thời oanh liệt" này luôn lận đận, trước khi đến với Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) vào đầu năm 2013.
Tấn Thành (thứ hai từ phải qua) cùng các đồng đội Đồng Tháp trong màu áo tuyển VN giành HCB SEA Games 1995 NVCC
Không có duyên ở đội tuyển
Tấn Thành là tiền đạo "khét tiếng" một thời của bóng đá Đồng Tháp, luôn được người hâm mộ yêu thích và đặt cho nhiều tên khác nhau như "Cơn lốc đen", "Mũi tên đen", "Người hùng cao su"... Bởi phần lớn điều đó đều thể hiện qua nét rất riêng của anh: dáng người nhỏ bé, làn da ngăm đen, nhưng nhanh nhẹn, có kỹ thuật, xông xáo và nhạy cảm ghi bàn, những tố chất cần và đủ của một tiền đạo xuất sắc. Thậm chí anh chơi bóng không ngại va chạm và không hề biết chấn thương là gì...
Dù ở Đồng Tháp luôn đá chính nhưng ở đội tuyển Tấn Thành lại khá lận đận. Anh được HLV Weigang gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 18 tại Chiangmai (Thái Lan) cùng 3 đồng đội khác ở Đồng Tháp là Huỳnh Quốc Cường, Trần Công Minh và thủ môn Trần Thanh Nhạc. Nếu Quốc Cường và Công Minh khẳng định được vai trò xuyên suốt từ SEA Games đến Tiger Cup 1 năm sau đó thì ngược lại Tấn Thành không trụ được lâu ở tuyển.
Tấn Thành (thứ 2 từ trái sang) có mặt trong trận tái đấu nhân 20 năm chung kết Đồng Tháp- Công an TP.HCM Dương Thu
Anh nhớ lại: "Khi đó tôi đá dự bị cho Quốc Cường và Huỳnh Đức ở hàng tiền đạo, nhưng nhiều trận tại SEA Games tôi vẫn được ra sân từ đầu để góp phần khuấy đảo đối phương. Cường và Đức, cả Minh Chiến nữa khi đó chơi quá hay, tôi không thể cạnh tranh lại dù có phong độ tốt. Phần khác tôi biết thể hình của mình không thể sánh được với các đồng đội nên chấp nhận đá dự bị. Khi nào các vị trí này bị chấn thương hay thẻ phạt lúc đó mới đến lượt tôi".
"Đội hình trong mơ" của bóng đá Việt Nam, có đến 2 Hồng Sơn
Tuy nhiên, mỗi khi xuất hiện, Tấn Thành luôn tạo nên sự thích thú cho người hâm mộ với những pha đột phá liều lĩnh, như cố nhà báo Tường Vy từng nói "liều mình như chẳng có". Giải thích về chuyện chạy nhiều, đôi chân đá như đi mượn chứ không phải của mình, anh nói: "Tôi không ngại đối đầu với các hậu vệ to cao của đối phương vì tôi tâm niệm đá tiền đạo là phải xông xáo, phải tìm cách ghi bàn, không thể "núp lùm" chờ thời cơ. Tôi sẵn sàng lao về phía trước, có lúc tự mình đột phá, xoay trở. Va chạm với các hậu vệ riết dần dần đã trở thành thói quen đối với tôi".
Dù giành 2 chức vô địch quốc gia mùa bóng 1989, 1996 cùng Đồng Tháp, nhưng sự nghiệp lên tuyển quốc gia của Tấn Thành khá ngắn ngủi. Một năm sau khi giành á quân SEA Games 1995, anh mất chỗ trên hàng tiền đạo về tay Đặng Phương Nam và từ đó vắng bóng luôn trong màu áo đội tuyển.
Trịnh Tấn Thành làm công tác huấn luyện trẻ ở PVF Ảnh: PVF
Lận đận trong cuộc sống
Đến giờ, người hâm mộ vùng ĐBSCL vẫn nhớ mãi hình ảnh của "Cơn lốc đen" trong pha đi bóng vào vòng 16 m 50, sau đó va chạm với thủ môn Ngô Hoàng Kiệt (Truyền hình Vĩnh Long) tại giải vô địch quốc gia mùa bóng 1999 - 2000 (ngày 8.3.2000, trên sân Vĩnh Long), dẫn đến sự cố nhiều cầu thủ chủ nhà rượt đuổi trọng tài Trương Thế Toàn khiến đội bóng này bị kỷ luật.
Nhưng đáng tiếc là sau khi giải nghệ, tưởng chừng một cầu thủ có nhiều đóng góp như anh ít nhiều cũng được ưu tiên, nhưng khi xin việc tại Sở TDTT Đồng Tháp, anh chỉ nhận được cái lắc đầu.
Thế là phải đi tìm việc khắp nơi. Sau đó, anh xin làm công nhân cắt tỉa cây xanh, tưới cây cho Công ty xây lắp và dịch vụ công cộng tỉnh Đồng Tháp. Làm công nhân cây xanh gần 2 năm, Tấn Thành xin đi học lái xe để về lái xe chở rác.
Tấn Thành làm công tác tuyển sinh Dương Thu
Tuy nhiên, "Bóng đá đã ăn vào máu của tôi, không thể nào dứt bỏ", Tấn Thành thổ lộ. Vì vậy những năm 2011, 2012 anh lại quay về với bóng đá khi trở thành HLV cho đội bóng phong trào của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh Đồng Tháp. Không lâu sau, Tấn Thành chuyển hẳn về làm lái xe cho MHB, kiêm HLV của đội bóng phong trào này. Anh đã nhanh chóng gầy dựng được đội bóng MHB Đồng Tháp khá mạnh trong các giải đấu phong trào của tỉnh và nhiều giải đấu tại khu vực ĐBSCL.
Đầu năm 2013, Tấn Thành được nhận vào làm việc tại Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF). Như cá gặp nước, ở đây không những anh được duy trì ngọn lửa đam mê với trái bóng, mà còn có cơ hội làm việc cùng với những đồng đội đã từng một thời kề vai sát cánh vì màu cờ sắc áo nước nhà. Hiện anh đang là trợ lý HLV huấn luyện lứa cầu thủ sinh năm 2005 và 2006. Ngoài ra, anh còn đảm nhiệm công việc tuyển trạch viên của PVF. Với tất cả mọi người, ấn tượng về anh là một con người vui vẻ, hòa đồng, dí dỏm, luôn mang đến tiếng cười sảng khoái cho đồng nghiệp sau những giờ làm việc vất vả.
Trịnh Tấn Thành huấn luyện ở PVF
Sau khi PVF chuyển từ TP.HCM ra Hưng Yên làm việc, Tấn Thành cũng chấp nhận dấn thân trên đất bắc. Trịnh Tấn Thành tâm sự: "Do đã có bằng HLV trong tay nên giờ tôi chỉ dành hết thời gian góp sức cùng Trung tâm PVF tìm kiếm những tài năng nhằm đào tạo ra những cầu thủ giỏi cho bóng đá nước nhà trong thời gian tới".
Dương Thu
'Huỳnh Đức số một, Công Vinh số hai trong lịch sử tuyển Việt Nam' Các chuyên gia cho rằng Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh là 2 tiền đạo hay nhất của đội tuyển Việt Nam trong 25 năm qua. Câu chuyện "Ai là tiền đạo hay nhất tuyển Việt Nam 25 năm qua?" đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ và giới chuyên môn. Chia sẻ với Zing, nhiều chuyên...