Những tục “cướp” độc đáo chỉ ở Việt Nam
Nhiều địa phương ở Việt Nam đến nay vẫn lưu giữ những lễ hội cướp chiếu cầu quý tử, cướp đũa bông… riêng có của vùng miền.
Cướp chiếu cầu quý tử
Hàng năm, vào ngày 8 tháng Giêng, nhân dân thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc thường tổ chức lễ hội “Đúc Bụt” rất độc đáo. Đây là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian lâu đời, nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa – một nữ tướng tài ba, trí dũng vẹn toàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng đền nợ nước, trả thù nhà, diệt giặc Tô Định những năm 40 sau Công nguyên.
Dân làng tranh cướp chiếu.
Lễ hội diễn lại các tích trò xưa, trong đó được quan tâm nhất là tích trò “Đúc Bụt”. Làng sẽ lựa chọn 3 thanh niên trai tráng tắm rửa sạch sẽ, trát bùn kín làm “Bụt”. Ông chủ tế dùng sợi dây buộc ngang chiếc chiếu cói để phần dưới chụp lên đầu mỗi ông “Bụt” một chiếc. Riêng “Bụt” đi giữa, trên đỉnh đầu, phần chiếu buộc phía trên có đặt một bó mạ xanh, sau đó, quan viên và dân làng làm lễ rước “Bụt” về đình.
Kết thúc trò diễn, nhân dân reo hò tranh cướp nhau 3 chiếc chiếu với hy vọng gặp nhiều may mắn. Lễ hội “Đúc Bụt” được tổ chức hàng năm, thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, nhiều người mê tín, tin vào lời tương truyền ai cướp được chiếc chiếu có gắn bó mạ xanh thì sẽ sinh con trai nên những năm gần đây mới diễn ra cảnh tượng giằng co, tranh cướp nhau rất quyết liệt. Có lẽ vì thế mà nhiều người ở rất xa cũng lặn lội đến Phù Liễn dự hội cướp chiếu với hy vọng sinh được quý tử.
Cướp phết cầu may mắn, cát tường
Trò chơi cướp phết đến nay vẫn còn được lưu giữ tại một số lễ hội tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Lễ hội cướp phết thường được diễn ra ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm tại xã Bàn Giản (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), hoặc ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch có hội phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Lễ hội cướp phết là một trong những biểu hiện đặc trưng cho văn hóa xứ Đoài để tưởng nhớ tới 4 vị tướng thời vua Hùng thứ 18.
Hội cướp phết.
Tương truyền, vào thời vua Hùng dựng nước loạn lạc, giặc giã nhiều nơi, nhà vua đã giao cho 4 vị tướng lĩnh là: Đệ nhất Xá Sơn, đệ nhị Lê Sơn, đệ tam Tròn Sơn, đệ tứ Xui Sơn về trấn ải miền Đông Lai – Bàn Giản – Lập Thạch để dẹp loạn, dẹp giặc, hộ quốc, phù dân. Sau khi trải qua nhiều trận chiến oanh liệt 4 vị tướng đã chiến thắng, bảo toàn thành cổ Văn Lang, xây dựng và gìn giữ đất nước. Tưởng nhớ công lao của 4 vị tướng, nhân dân trong vùng đã lập 4 ngôi đình để thờ: Đông Lai, Trụ Thạch, Ngọc Xuân và Vườn Đào, trên mỗi ngôi đình khắc 1 quả cầu.
Bạn trẻ cướp được phết khoe thành quả của mình.
Lễ hội đả cầu-cướp phết được tổ chức để ghi nhớ công lao của 4 vị tướng anh hùng, vừa để cầu cho một năm mới nhiều may mắn, tốt lành. Các cụ chức sắc trong làng và người dân cho biết, ai chạm tay được vào quả phết sẽ may mắn cả năm. Cũng chính vì vậy mà lễ hội cướp phết năm nào cũng thu hút đông đảo người dân tham gia và ai cũng muốn một lần được chạm tay vào quả phết.
Cướp cù cầu phúc, cầu an
Hội cướp cù đầu xuân truyền thống của làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thường diễn ra mồng 7 Tết, thu hút hàng nghìn người dân địa phương cùng khách thập phương đến tham gia và cổ vũ. Hội cướp cù làng Cẩm Phổ là dịp để dân làng nêu cao tinh thần thượng võ, rèn luyện thể dục thể thao đồng thời là ngày hội cầu an, cầu phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu học hành thành tài.
Sôi nổi hội cướp cù.
Vài ngày trước lúc diễn ra hội cướp cù, các vị cao niên trong làng chọn những gốc cây chuối to khoảng 10kg đem gọt tròn rồi nướng chín còn lại khoảng 4kg và đường kính 20×20cm. Hội cướp cù diễn ra ở một bãi cát rộng nhất, đẹp nhất làng. Ở hai đầu bãi cát người ta chôn hai cột tre to, thẳng cao khoảng 6-7m, phía trên có treo một cái rọ được đan bằng tre đường kính khoảng 25-30cm và sâu khoảng 40cm cùng với quốc kì.
Đội tung được quả cù vào rọ đội mình trước sự truy cản của đối phương thì sẽ giành chiến thắng.
Theo thể lệ hội chơi, mỗi trận đấu được chia làm ba hiệp, mỗi hiệp khoảng 15-20 phút. Mỗi trận đấu có hai đội tham gia, không hạn chế số lượng người chơi của mỗi bên, không phân biệt già trẻ, gái trai. Đội nào tung được quả cù vào rọ đội mình trước sự truy cản của đối phương thì đội đó sẽ chiến thắng.
Với quan niệm, những ai tung được quả cù vào rọ thì người đó sẽ được may mắn cả năm và được phần thưởng của làng, nên thanh niên trai tráng trong làng tranh đấu rất quyết liệt để giành quả cù về mình và cố gắng ném vào rọ. Những người không đủ sức khỏe để chơi cũng cố gắng tìm cơ hội chạm vào quả cù với hi vọng may mắn sẽ đến với mình.
Cướp bông mong mùa màng tươi tốt
Lễ hội cướp bông thường được tổ chức vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán tại làng Vân Luông, phường Vân Phú, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Theo truyền thuyết từ thời Hùng Vương, Vua Hùng thứ 18 Hùng Duệ Vương cùng con rể Tản Viên và quần thần mở hội đi săn đầu xuân. Qua vùng Vân Luông, đoàn săn gặp một đàn lợn rừng, vua định bắn nhưng Tản Viên ngăn lại rồi một mình tay không bắt sống được lợn đầu đàn. Vua cha khen ngợi, truyền cho mổ lợn ăn mừng và thiết đãi dân làng. Tưởng nhớ công ơn đó, dân làng đã lập đền thờ đúng nơi vua mổ lợn khao quân và dân làng, đó chính là Đền Vân Luông ngày nay.
Bạn trẻ may mắn cướp được đũa bông.
Từ lâu, dân làng Vân Luông vẫn gìn giữ các hoạt động lễ hội để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cũng là dịp những người công tác xa có dịp gặp gỡ nhau, chúc mừng năm mới. Trong phần hội, dân làng vẫn giữ tục cướp bông, ném chài, thi văn nghệ, hát xoan… Theo quan niệm của dân làng, ai cướp được đũa bông là nhà đó may mắn quanh năm, nuôi lợn lợn lớn, chăm gà gà sai, mùa màng tươi tốt. Vì thế, tục cướp bông luôn được chờ đợi và đông đảo người dân tham gia.
“Hừng hực” hội cướp cầu
Hội cướp cầu mừng xuân thường được tổ chức vào tháng Giêng tại một số làng thuộc miền hạ Yên Thế, nay là huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Hình thức tổ chức tùy theo làng lớn, làng nhỏ mà cách làm khác nhau. Làng nhỏ chia làm 2 giáp, làng vừa thì 4 giáp, theo lượng người mà phân chia.
Những trai đinh dự thi thường là người cường tráng, nhanh nhẹn. Hình thức trang phục tùy thuộc sự quy định của từng làng, có làng người dự thi cởi trần, đóng khố lụa đủ màu sắc xanh đỏ sặc sỡ, có làng lại để cho trai đinh mặc quần áo, chít khăn màu trên đầu, ngang lưng thắt bao lụa các màu rực rỡ. ịa điểm làm nơi cướp cầu có khi là sân đình, hoặc là bãi rộng trước cửa, bên cạnh đình.
Trai đinh giáp quyết liệt cướp cầu.
Vào giờ lễ hội cướp cầu, trai đinh các giáp vạm vỡ đứng chỉnh tề, trang nghiêm trước sân đình với khí thế hừng hực, quyết thắng. Ông cai đám mặc áo dài quần chùng, đầu đội khăn điều uy nghi dõng dạc chúc tụng gieo cầu:
“Dân làng ai mở hội cướp cầu
Chúc cho tốt lúa sai cau
Chúc cho trai gái lấy nhau thuận hòa
Chúc cho tốt bông tốt hoa
Chúc cho làng xóm trẻ già bình yên”
Vừa dứt xong các trai các giáp dạ ran, ông gieo cầu xuống và trai các giáp xô nhau cướp, ngăn chặn, luồn lách tranh cướp lấy cầu đỏ ôm được vào lòng. Trai đinh giáp nào cướp được cầu, ôm lấy, chạy vào đặt được trong cung đình là thắng cuộc.
Sau đó, quả cầu được đặt đúng vị trí tôn nghiêm. Cả giáp, cả làng, cả hội đều vui sướng. Chiêng trống rền vang dồn dập, liên hồi, người người già trẻ gái trai reo hò vang. Giáp thắng cuộc được làng thưởng và mừng vì năm ấy cả làng, cả giáp gặp may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, giàu sang, thịnh vượng…
Theo Anh Tuấn (Kiến Thức)
Việt Nam tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế ITB 2013
Nhằm triển khai Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia 2012, Tổng cục Du lịch Việt Nam có kế hoạch tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế ITB 2013 tổ chức tại Thủ đô Berlin, CHLB Đức từ ngày 6 đến 10-3.
Được xem như một trong những hội chợ du lịch lớn nhất thế giới, hàng năm, hội chợ thu hút sự quan tâm của số lượng lớn các công ty du lịch, đại lý bán vé máy bay, các hãng hàng không và khách sạn trên thế giới với 10.000 nhà triển lãm đến từ 180 nước. Tại đây, người tham dự sẽ không chỉ có cơ hội khám phá đặc trưng vùng miền ở từng quốc gia trên thế giới qua những gian trưng bày mà còn tìm hiểu về các xu hướng mới, triển vọng và khả năng hợp tác của các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức một gian hàng chung rộng 142m2 để giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc sắc của nước ta đến bạn bè quốc tế. Các công ty, doanh nghiệp du lịch có nhu cầu tham gia sự kiện có thể gửi thông tin đăng ký gửi về Vụ Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam trước ngày 18-1.
Theo ANTD
"Việt Nam - vẻ đẹp bất tận" Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 6 với chủ đề "Việt Nam-vẻ đẹp bất tận" vừa được Tổng cục Du lịch, tạp chí Du lịch phát động. Tác phẩm "Du xuân" - Nguyễn Văn Thương đoạt giải Nhì cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc năm 2012 Cuộc thi là một trong chuỗi những hoạt động...