Những tựa phim siêu phẩm sẽ khiến bạn ‘bay mất não’ trong năm 2020
Ông hoàng thể loại phim hack não Christopher Nolan cũng sẽ trở lại với tựa phim tham vọng nhất từ trước đến nay của ông.
Năm 2020 sẽ là năm chào đón sự trở lại của dòng phim kì bí, thậm chí “hại não” hay chí ít là mang đến cho khán giả những trải nghiệm bùng nổ nhất về mặt cảm xúc. Bỏ qua thể loại siêu anh hùng đang là trào lưu hiện tại, điện ảnh Hollywood năm nay sẽ chiêu đãi người xem một loạt các tác phẩm mang nặng yếu tố đánh đố, phức tạp, và nhất là chào đón sự trở lại của Christopher Nolan – “ông hoàng” của thể loại phim giải mã và “hack não”.
I’m Thinking of Ending Things
Ngày khởi chiếu: Trong quý 1/2020 trên Netflix
Nếu năm 2019 có tác phẩm kinh dị về đề tài chia tay đình đám Midsommar, thì năm 2020 sắp tới sẽ chào đón một câu chuyện tình cảm khác đi đến hồi kết thông qua I’m Thinking of Ending Things. Phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của tác giả Iain Reid, tựa phim của đạo diễn Charlie Kaufman sẽ theo chân anh chàng Jake và cô người yêu bí ẩn không tên về ra mắt bố mẹ anh. Tưởng chừng đó là một chuyện vui, thế nhưng đây sẽ là chuyến hành trình đầy ma quái và lạnh lẽo, đồng thời vén màn bí mật về cặp tình nhân có mối quan hệ hết sức kỳ lạ này.
Ngày khởi chiếu: mùa hè 2020
Được chắp bút bởi chính đạo diễn trẻ tuổi Janicza Bravo, Zola được lấy cảm hứng từ câu chuyện thật đằng sau một chuỗi tweet từng gây sốt trên Twitter, kể về việc cô gái tên Zola gặp gỡ một “diễn viên phim heo” tên Stefani tại nhà hàng Zola làm thêm, từ đó cả hai cùng nhau tham gia chuyến hành trình xuyên lục địa điên rồ nhất cuộc đời để kiếm thật nhiều tiền. Phim nhận được nhiều lời tán dương tại LHP Sundance vào đầu năm nay, nổi bật với tuyến tính cốt truyện độc đáo, khó đoán và vô cùng hấp dẫn từng phút từng giây.
Ngày khởi chiếu: 25/9/2020
Đã rất lâu kể từ khi siêu phẩm hài – kinh dị lấy đề tài thây ma Shaun of the Dead gây tiếng vang toàn thế giới, và giờ đây đạo diễn Edgar Wright đã trở lại với sản phẩm kinh dị mới Last Night in Soho. Một cô gái trẻ ( Thomasin McKenzie) đầy nhiệt huyết với lĩnh vực thiết kế thời trang bỗng sở hữu năng lực kì lạ giúp cô trở về thập niên 60, từ đó chạm mặt một nữ ca sĩ ( Anya Taylor-Joy) cũng là thần tượng của cô. Tuy nhiên, những năm 60 tại Luân Đôn lại trở nên méo mó và kì dị, từ đó đưa cô nàng xấu số vào cơn ác mộng đáng sợ nhất tuổi trẻ.
Ngày khởi chiếu: 24/7/2020
Tựa phim đầy đặc sắc mới nhất của Wes Anderson sẽ là “bức thư tình” gửi đến giới báo chí, kể về một tòa soạn Mĩ bùng nổ tại Pháp vào thế kỉ 20. The French Dispatch bao gồm 3 câu chuyện đang xen nhau, trong đó có một chuyện lấy cảm hứng từ bài báo 2 kì The Events in May: A Paris Notebook của Mavis Gallant về sự kiện tổng đình công May 68 của giới học sinh sinh viên. Phim quy tụ dàn diễn viên “nặng ký”, hóa thân thành nhiều nhân vật có thật ngoài đời, tạo nên bức tranh thời cuộc sinh động về nghề viết lách và dẫn đầu xu hướng tin tức.
Ngày khởi chiếu: 11/7/2020
Bậc thầy “xoắn não” Christopher Nolan chính thức tái xuất làng điện ảnh cùng Tenet - một tựa phim vẫn còn khá bí ẩn xoay quanh du hành thời gian nhằm ngăn chặn Chiến tranh Thế giới thứ 3 xảy ra. Sau hàng loạt những Memento, Inception, Interstellar,… quái kiệt của thể loại điện ảnh “xoắn não” đã sẵn sàng tiếp đãi khán giả một sản phẩm mới được ông nhận xét là “tham vọng nhất” từ trước đến nay.
Dune
Ngày khởi chiếu: 18/12/2020
Đạo diễn Denis Villeneuve sẽ thực hiện dự án có lẽ là khó nhất trong sự nghiệp của ông khi chuyển thể tác phẩm khoa học viễn tưởng của Frank Herbert vốn nổi tiếng là “không thể nào làm phim” Dune. Lấy bối cảnh tương lai xa xôi, nhân vật chính Duke Leto Atreides được giao chức quản lý hành tinh Arrakis – nơi chứa đựng nguồn tài nguyên quý giá nhất vũ trụ – the Spice có khả năng kéo dài sự sống con người, cung cấp năng lực tư duy siêu hạng và giúp con người du hành nếp gấp vũ trụ. Từ đó, Leto phải đối mặt với những cái bẫy của kẻ thù là băng Harkonnens, cùng những người bạn sát cánh bên nhau, bước vào cuộc phiêu lưu cam go nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên và chính bản thân mình.
Theo saostar
Phong cách hình ảnh trong các bộ phim của Wes Anderson
Trước khi đến với The French Dispatch, hãy cùng tìm hiểu về phong cách hình ảnh đặc trưng được thể hiện trong phim của Wes Anderson.
Wes Anderson, một vị đạo diễn lạ thường đến nỗi mà cái tên của anh có thể được đặt tên cho một thể loại hay một phong cách riêng. Lớn lên ở Houston, Texas trong một gia đình với 3 anh em và ba mẹ ly hôn khi mới tám tuổi, các bộ phim của Wes đều được thể hiện dưới góc nhìn của anh khi còn là một đứa trẻ, qua những nhân vật với vấn đề về gia đình, những đứa trẻ hành xử như người lớn hay ngược lại, những người đàn ông hành xử như một đứa trẻ. Thế nhưng, bản thân Wes không chỉ được thể hiện qua những câu chuyện, nhân vật mà còn được thể hiện qua phong cách hình ảnh vô cùng đặc trưng mà người xem đều có thể tìm thấy trong mỗi bộ phim của anh, một phong cách luôn khiến người xem cảm thấy thích thú với những thế giới mà anh tạo nên, cũng như gợi cho họ cảm giác hoài niệm về quá khứ.
Hãy cùng tìm hiểu về những yếu tố tạo nên phong cách hình ảnh rất đặc trưng của vị đạo diễn này nhé.
1. Bố cục đối xứng
Wes Anderson đã từng nói rằng, nếu như anh không theo nghiệp đạo diễn thì có thể anh sẽ trở thành một kiến trúc sư. Và tuy anh không thể giúp tạo nên những công trình kiến trúc ở ngoài đời, anh đã áp dụng khiếu thẩm mĩ của mình vào việc kiến tạo nên những khung hình mà luôn khiến người xem thán phục vì sự đối xứng hoàn hảo. Mỗi một khung hình có cảm giác như được lấy ra từ một quyển sách có tranh minh họa, được ghép lại với nhau để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Mỗi một khung hình cho thấy một quá trình chuẩn bị rất tỉ mỉ, từ giai đoạn lên ý tưởng, vẽ storyboard, cho đến việc sắp đặt bối cảnh, các đồ vật, diễn viên cũng như máy quay sao cho mọi thứ đều hài hòa nhất có thể. Cái cách mà Wes sắp đặt bố cục không chỉ mang lại sự thỏa mãn về mặt thị giác mà còn khiến cho cảnh quay phần nào đó trở nên hài hước hơn rất nhiều.
Bố cục đối xứng trong các bộ phim của Wes Anderson
2. Những kĩ thuật quay phim quen thuộc
Nếu có một điều gì đó không thay đổi trong tất cả các bộ phim của Wes Anderson (ngoại trừ hai tác phẩm hoạt hình stop-motion là Fantastic Mr. Fox và Isle of Dogs) thì đó chính là nhà quay phim Robert D. Yeoman. Robert đã giúp tạo nên mặt hình ảnh cho tất cả các bộ phim người đóng ( live action) của Anderson, từ bộ phim dài đầu tiên của anh là Bottle Rocket, cho đến những Rushmore, The Royal Tenenbaums, The Life Aquatic, The Darjeeling Limited , Moonrise Kingdom và tác phẩm nhận được nhiều đề cử Oscar nhất của Wes Anderson là The Grand Budapest Hotel, cũng như bộ phim mới nhất của anh là The French Dispatch.
Trong mỗi bộ phim đó, người xem đều có thể nhận thấy một số kĩ thuật quay phim quen thuộc: những cú lia máy bất chợt từ trái sang phải hay từ phải sang trái ( whip pan) để nhanh chóng chuyển đổi giữa hai cảnh khác nhau, những cú phóng to/nhỏ ( zoom), những cú máy chuyển động phối hợp ( tracking shot), những góc máy trên cao ( birds-eye-view shot/overhead shot),... Những kĩ thuật quay phim này tuy đều lặp đi lặp lại nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã giúp tạo nên thứ ngôn ngữ điện ảnh rất mang tính cá nhân của Wes Anderson.
Những cú lia máy trong The Grand Budapest Hotel
Góc máy trên cao (Ảnh: Youtube Screen Junkies)
3. Bảng màu của Wes Anderson
Màu sắc trong các bộ phim của Wes Anderson rất đa dạng, được phối một cách hài hòa với nhau và được vị đạo diễn này sử dụng một cách có chủ đích. Wes Anderson sử dụng màu sắc để xây dựng bối cảnh, kết nối người xem với những gì đang xảy ra ở địa điểm đó, thời gian đó và những cảm xúc mà các nhân vật đang phải trải qua. Ví dụ như trong The Grand Budapest Hotel, Wes đã sử dụng những bảng màu khác nhau để tạo sự phân biệt giữa những khoảng thời gian trong bộ phim. Đối với những phân đoạn diễn ra vào những năm 1960, Wes sử dụng màu xanh ô-liu và cam (cá nhân Wes nghĩ rằng hai màu này đại diện cho chủ nghĩa cộng sản), màu nâu lặng (nâu kết hợp với xám) vào những năm 1980, còn với phần còn lại của bộ phim diễn ra vào những năm 1930, Wes đã sử dụng tông màu chủ đạo (hồng, trắng, xanh, tím) của một chiếc bánh kem dành cho lễ cưới. Bên cạnh đó, Wes cũng sử dụng tông màu đen và trắng để thể hiện một trong những giây phút đen tối nhất cuộc đời của nhân vật Zero trong bộ phim.
Màu của một chiếc bánh kem được sử dụng cho những năm 1930
Màu xanh olive và cam được sử dụng cho những năm 1960
Màu nâu lặng được sử dụng cho những năm 1980
Wes sử dụng màu trắng và đen cho những giây phút đen tối trong bộ phim
4. Xây dựng trang phục cho các nhân vật
Bên cạnh việc được truyền cảm hứng bởi các đạo diễn như Roman Polanski hay Alfred Hitchcock, Wes Anderson còn chịu sự ảnh hưởng bởi các đạo diễn từ Làn Sóng Mới của Pháp như Franois Truffaut và Jean-Luc Godard. Một trong những yếu tố mà Wes Anderson học hỏi được từ Godard đó là xây dựng đồng phục cho các nhân vật. Ý nghĩa của việc này đó là sẽ cho khán giả biết tính cách của một nhân vật như thế nào qua những bộ đồ mà họ khoác lên mình.
Thay vì chỉ đưa ra những gợi ý về đặc điểm của một nhân vật qua vẻ bề ngoài, Anderson đã thẳng thắn thể hiện nhân vật của anh qua những bộ đồ mà anh diện cho họ. Nếu như Wes muốn ta nghĩ rằng nhân vật của Willem Dafoe trong The Grand Budapest Hotel là một tên ghê rợn và đáng sợ, anh sẽ cho ông mặc một chiếc áo khoác da màu đen và đeo một cái nắm đấm gấu trên tay. Nếu như Wes muốn ta nghĩ rằng nhân vật của Willem Dafoe trong The Life Aquatic là một người cộng sự ngốc nghếch, anh sẽ cho ông mặc những chiếc quần ngắn và đội một cái mũ beanie ngốc nghếch với một quả bông trên đỉnh.
Hai hình ảnh trái ngược nhau hoàn toàn của Willem Dafoe
5. Sử dụng một số phông chữ nhất định
Wes Anderson rất thích sử dụng phông chữ Futura trong các tác phẩm của anh, cũng như Helvetica, Tilda, Didot hay Archer, những phông chữ được cho là phù hợp với phong cách đạo diễn của Wes: đơn giản, mạnh mẽ và thẳng thắn. Chúng ta thường thấy những phông chữ này xuất hiện trên các poster phim và các sản phẩm quảng bá khác, thế nhưng chính bản thân chúng cũng xuất hiện trong các bộ phim của Wes. Có phải chỉ vì bản thân Wes rất thích những phông chữ này nên anh mới sử dụng chúng?
Wes Anderson rất thích sử dụng phông chữ Futura (Ảnh: Youtube Screen Junkies)
Thật ra thì đó chỉ là một phần lý do. Nếu bạn để ý kĩ thì Wes sử dụng rất nhiều chữ trong các bộ phim của anh, từ những đoạn tiêu đề, những bảng hiệu cho đến những lá thư. Wes muốn bạn đọc cho dù là những mẫu thông tin nhỏ nhất bởi vì khi đó bạn sẽ hình thành một mối liên kết với những thông tin đó, bởi vì trong từng mẫu thông tin nhỏ đó đều chứa đựng những chi tiết về câu chuyện và thế giới của bộ phim. Thế nên còn cách nào khác để bạn có thể dễ dàng nhìn thấy và đọc những dòng chữ đó ngoài việc sử dụng những phông chữ đơn giản, rõ ràng và mạnh mẽ.
Cảnh quay văn bản viết tay (Ảnh: Youtube Screen Junkies)
Cảnh quay văn bản đánh máy (Ảnh: Youtube Screen Junkies)
Tuy nhiều người cho rằng các bộ phim của Wes Anderson đều có tính khuôn mẫu, thế nhưng bạn khó có thể tìm được nhiều đạo diễn ở Hollywood có phong cách làm phim đặc trưng như anh cả. Vậy nên hãy cũng chờ đợi bộ phim tiếp theo của anh, The French Dispatch, để được gặp lại những khung hình với bối cục đối xứng, những cú lia máy và phóng to/nhỏ khiến bạn bật cười, những tông màu đẹp đẽ, những trang phục lạ thường và dĩ nhiên, phông chữ Futura quen thuộc.
Theo moveek
Đứng ngồi không yên khi ngôi sao 'Call me by your name' Timothée Chalamet trở lại trong phim của 'phù thủy kể chuyện' Wes Anderson 'The French Dispatch' - bộ phim chuẩn bị ra mắt của đạo diễn Wes Anderson được xem là một trong những tác phẩm đáng mong chờ nhất của năm nay. The French Dispatch được nhà sản xuất tiết lộ là 'lá thư tình gửi tới những nhà báo đã gây dựng nên tờ báo Mỹ tại một thành phố của Pháp vào thế...