Những tựa phim siêu phẩm bị đánh giá thấp nhất 2019 khiến fan ‘giận tím người’
Đây đều là những phim hay nhưng bị “flop” do chiến dịch PR thậm tệ, hạn chế suất chiếu, hay đơn giản là khán giả không để tâm đến…
Năm 2019 quy tụ hàng loạt các siêu phẩm và bom tấn ấn tượng, thế nhưng điều đó cũng có nghĩa nhiều tựa phim chất lượng khác khó có được “đất dụng võ” vì một số lí do khác nhau, từ chiến dịch PR thậm tệ, hạn chế suất chiếu, hay đơn giản là không thu hút được sự chú ý nhiệt liệt của khán giả đại chúng. Sau đây sẽ là 10 sản phẩm điện ảnh xuất sắc nhưng lại bị đánh giá thấp, thậm chí thua lỗ doanh thu trong năm 2019.
Năm 2019 đánh dấu sự vực dậy của thể loại kinh dị khi hàng loạt các tác phẩm xoáy sâu vào cốt truyện sáng tạo bắt đầu lên ngôi, thế nhưng chắc chắn sẽ không có phim nào vừa độc đáo nhưng cũng lạ kỳ từ hình thức đến nội dung như In Fabric.
Một người mẹ đơn thân chỉ vì muốn mua một chiếc đầm đẹp để đi hẹn hò nên đã đến một cửa tiệm vô cùng kì lạ, để rồi “tậu” về một chiếc đầm đỏ bí ẩn, cũng là nguồn cơn ác mộng kéo dài đến tận cuối cùng. Phim làm tốt ở mặt hài lẫn chính kịch, khiến khán giả trộm cười và ngay lập tức “căng cứng” với những chi tiết giật gân tột độ. In Fabric không phải là sản phẩm nổi danh nhất của A24 trong năm 2019, nhưng vẫn ghi điểm nhờ lối làm phim cổ điển châu Âu ấn tượng và đâu đó châm biếm tư bản cùng lề lối quảng cáo “giật tít” của các hộ kinh doanh về sản phẩm của mình đến khách hàng.
The Wind
Bên cạnh những bom tấn như IT: Chapter Two hay Us, vẫn có nhiều tựa phim kinh dị kém nổi hơn nhưng chất lượng thì không hề kém cạnh. Nữ đạo diễn Emma Tammi đã mang người xem trở về thế kỉ 19 với The Wind cùng câu chuyện kì bí xoay quanh những số phận bi kịch đang cố gắng chống chọi với thế lực tâm linh. Sản phẩm từng được chiếu tại LHP Toronto mang đến bầu không khí ghê rợn chết chóc đầy cổ điển, thế nhưng có lẽ việc bị so sánh quá mức với The Witch của Robert Eggers đã khiến màn phô diễn tài năng của Tammi khó chạm đến nhiều khán giả hơn.
Missing Link
Laika hiện đang là hãng lớn duy nhất của Mĩ thực sự thâu tóm lĩnh vực hoạt hình stop-motion, thế nhưng tựa phim gần đây nhất Missing Link lại là một thất vọng tại phòng vé, hoàn toàn lép vế trước các đối thủ mạnh và tân tiến như Disney hay Dreamworks.
Missing Link là cuộc hành trình của nhà thám hiểm đi tìm và kết thân với một Chân To, với cốt truyện giản đơn nhưng hài hòa và dễ chạm đến trái tim khán giả trẻ. Khác với Coraline hay Kubo and the Two Strings, phim hoàn toàn không được ưu ái về mặt danh tiếng, trong khi chất lượng thì chẳng hề thua kém các dự án trước đây của Laika. Nói không ngoa, nếu phim được sản xuất dưới trướng một “ông lớn” tầm cỡ cùng chiến dịch PR khả quan hơn thì chắc chắn doanh thu sẽ không chỉ dừng lại ở con số 26 triệu khiêm tốn.
Monos
Monos sở hữu dàn diễn viên không hề tiếng tăm, thế nhưng sản phẩm đến từ đạo diễn Alejandro Landes chắc chắn sẽ khiến bạn đứng ngồi không yên với dàn chiến binh thiếu niên vác trên mình những khẩu súng to ngất ngưởng, tất cả chỉ để trông chừng tên tù nhân và con bò Shakira của y. Bộ phim có phần nhạc tuyệt vời cộng hưởng cùng bối cảnh rừng rậm thổ phỉ lấy cảm hứng rõ rệt từ Apocalypse Now, thế nhưng chuyến phiêu lưu trong Monos lại méo mó và mang hơi hướng man rợn, nổi loạn hơn.
Under The Silver Lake
Video đang HOT
Tuy là một hãng phim lớn đang lên, thế nhưng không phải tựa phim nào của A24 cũng nhận được sự quan tâm lớn đến từ khán giả. Under the Silver Lake có bước khởi đầu sừng sỏ khi góp mặt tại LHP Cannes, thế nhưng sau đó lại không được phòng vé và đại chúng ưu ái. Dự kiến công chiếu vào tháng 6/2018, thế nhưng tựa phim của David Robert Mitchell sau đó bị dời đến tận tháng 4/2019. Phim kể về anh chàng đam mê thuyết âm mưu Sam ( Andrew Garfield) lên đường truy tìm cô bạn hàng xóm mất tích bí ẩn.
High Flying Bird
Đạo diễn Steven Soderbergh đã “ghi điểm” với hai tựa phim chất lượng trên nền tảng Netflix, trong đó High Flying Bird được xem là cú đột phá sáng giá nhất. Câu chuyện được chắp bút bởi biên kịch Moonlight Tarell Alvin McCraney đã mang đến góc nhìn độc đáo và tinh tế về thế giới thể thao, cụ thể ở đây là bóng rổ.
Tuy tập trung khai thác nội dung qua các cuộc hội thoại, nhưng High Flying Bird đã làm khá tốt việc vẽ nên bức tranh hệ sinh thái thể thao cùng các yếu tố khác như sắc tộc, tầng lớp và công tác xã hội. Nước phim cũng đẹp và sinh động đến mức chắc chắn bạn sẽ không tin toàn bộ mọi thứ đều được quay bởi một chiếc điện thoại iPhone không hơn không kém.
Charlie Says
Gia đình Manson cùng câu chuyện gieo rắc kinh hoàng khắp Hollywood của họ vào năm 1969 đã được tái hiện sinh động thông qua hai tựa phim chất lượng trong năm nay, một là Once Upon a Time in Hollywood đến từ Quentin Tarantino, và hai là Charlie Says của Mary Harron.
Nếu ở phim Tarantino, hành trình của gia đình Manson chỉ đóng vai trò phu trợ cho các nhân vật chính, thì Charlie Says thật sự tập trung khai thác vụ thảm sát và những hậu quả sau cùng gây ra bởi Charles Manson và đồng bọn. Trong phim, ba cô gái nhà Manson trải qua thời thiếu niên sau song sắt, sau đó dần dần nhận ra nỗi đau khó tả mà họ đã gây ra, cùng với đó là những đoạn hồi tưởng về khoảng thời gian xưa cũ cùng người đàn ông nguy hiểm khét tiếng (do Matt Smith thủ vai).
Her Smell
Elisabeth Moss có một sự nghiệp bùng nổ sau Mad Men, và trong năm 2019 cô đã tham gia tận 4 tựa phim điện ảnh. Trong số đó, sản phẩm ít được biết đến nhất của Moss lại là sản phẩm do chính mình sản xuất – Her Smell.
Trong phim, Moss vào vai Becky Something – một cô nàng rock chick máu lửa, ăn chơi thác loạn, nhưng cũng đầy mạnh mẽ dù cho nhiều lần bị bạo hành bởi chính người thân và bạn bè. Người xem sẽ bước vào “hệ sinh thái” mà cô đang sống, cảm nhận được sự náo nhiệt ồn ào của thành phố không ngủ, để rồi nửa sau ập đến như một nốt lặng, thể hiện sự đấu tranh của cô gái trẻ trước cuộc sống rộng lớn đến hãi hùng. Sự tan rã của ban nhạc đều do Something gây ra, và sự thay đổi, chuộc lỗi của cô sau đó chính là điều giúp Her Smell ghi điểm và trở nên hấp dẫn.
The Nightingale
Sau thành công từ The Babadook, Jennifer Kent tiếp tục chinh phục một tựa phim khó nhằn hơn, đó là The Nightingale lấy bối cảnh trong lúc cuộc Chiến tranh Đen đang vô cùng gay gắt. Trong phim, nhân vật chính Clare Carroll – một tù nhân Ireland đến làm việc trong quân đội Anh với hi vọng tìm kiếm tự do cho chồng và con gái nhỏ của mình. Không may, gia đình cô hoàn toàn bị hủy hoại trong tay bọn binh lính máu lạnh, để rồi sau đó Clare quyết định đứng lên trả thù.
The Nightingale mang không khí lạnh lẽo, tang tóc đúng chất thời chiến, ẩn sau trong đó là những tội ác chiến tranh ghê rợn cùng sức mạnh của những con người vốn bị ức hiếp và vùi chôn dưới đáy xã hội.
Theo saostar
Loạt 'bom xịt' thất bại thảm hại tại phòng vé trong năm 2019
"Terminator: Dark Fate", "X-Men: Dark Phoenix", "Gemini Man", "Doctor Sleep"... là những tác phẩm điện ảnh gây thất vọng lớn về mặt doanh thu trong năm qua.
Replicas (11/1) - 4,04 triệu USD: Trong một năm thăng hoa, Keanu Reeves vẫn có một dự án đáng quên. Tác phẩm hành động - giả tưởng Replicas bị nhiều tờ báo chê là ngớ ngẩn. Sau khi tiêu tốn 30 triệu USD để sản xuất, phim thất bại trong việc thu hút khán giả và chỉ mang về hơn 4 triệu USD.
The Kid Who Would Be King (25/1) - 32 triệu USD: Khi Fox chuẩn bị về tay Disney, họ dường như không còn dành nhiều sự tập trung cho việc quảng bá các bộ phim của mình nữa. The Kid Who Would Be King là minh chứng rõ ràng nhất. Bộ phim của Joe Cornish thực tế được báo chí đánh giá cao với điểm 90% trên Rotten Tomatoes. Nhưng tác phẩm hướng đến đối tượng gia đình chỉ thu về một nửa kinh phí sản xuất.
Serenity (25/1) - 8,54 triệu USD: Quy tụ hai ngôi sao Anne Hathaway và Matthew McConaughey, nhưng Serenity bị báo chí lạnh nhạt. Tạp chí The Rolling Stone đánh giá bộ phim là một mớ hỗn độn và chắc chắn thuộc nhóm tác phẩm điện ảnh kém nhất năm. Kết quả phòng vé đã phản ánh điều đó. Serenity thu chưa nổi 10 triệu USD, sau khi tiêu tốn 25 triệu USD để thực hiện.
Miss Bala (1/2) - 15,3 triệu USD: Gina Rodriguez tỏ ra mờ nhạt trong tác phẩm hành động hướng đến cộng đồng khán giả Mỹ Latin. Tờ New York Times từng bình luận Miss Bala là bộ phim gây tốn thời gian của toàn bộ ê-kíp và công chúng. Phim chỉ thu hơn 15 triệu USD, tức bằng với kinh phí sản xuất ban đầu.
Captive State (1/3) - 8,5 triệu USD: Đạo diễn Rupert Wyatt chưa thể tìm thấy thành công mới sau Rise of the Planet of the Apes. Bộ phim giả tưởng lấy bối cảnh Trái Đất bị một thế lực ngoài hành tinh cai trị của anh thất bại trong việc lôi kéo khán giả tới rạp. Captive State đã tiêu tốn 25 triệu USD, nhưng chỉ thu về hơn 8,5 triệu USD. Tạp chí Indiewire cho rằng ý tưởng của tác phẩm thú vị, song, lại chưa được khai thác triệt để.
Hellboy (12/4) - 41 triệu USD: Kế hoạch làm mới thương hiệu điện ảnh về "đứa con của quỷ" sớm tiêu toan. Hellboy của tài tử David Harbour kém xa hai tập phim năm xưa và bị báo chí trù dập. Quan trọng hơn, khán giả cũng không mặn mà với tác phẩm, và phim không thu lại nổi con số 50 triệu USD tiền sản xuất.
Uglydolls (3/5) - 8,6 triệu USD: Bộ phim hoạt hình của hãng STX bị trang RogerEbert.com đánh giá là một nỗ lực quảng cáo lộ liễu dành cho công ty đồ chơi Hasbro. Công chúng dường như chẳng quan tâm tới dự án điện ảnh đã tiêu tốn 45 triệu USD để thực hiện.
Tolkien (10/5) - 7,77 triệu USD: Là tác phẩm tiểu sử về nhà văn sở hữu trí tưởng tượng vĩ đại bậc nhất, nhưng Tolkien bị chê là quá rập khuôn và an toàn. Thất bại trong việc chinh phục báo chí, phim cũng không thể lôi kéo khán giả đến rạp. Thành tích của bộ phim là chưa đầy 10 triệu USD, so với kinh phí sản xuất 20 triệu USD.
Poms (10/5) - 16,5 triệu USD: Nhắm đến đối tượng khán giả lớn tuổi, Poms là câu chuyện hài hước về một nhóm phụ nữ đã nghỉ hưu nay muốn thành lập đội cổ vũ (cheerleader). Quy tụ không ít tên tuổi lớn như Diane Keaton, Jacki Weaver, Pam Grier..., nhưng Poms bị đánh giá là tẻ nhạt, thậm chí là có phần thiếu tôn trọng người lớn tuổi. Ra mắt giữa mùa phim hè, tác phẩm cũng không tạo nên được bất ngờ nào và sớm chìm vào quên lãng.
X-Men: Dark Phoenix (7/6) - 252 triệu USD: Fox về tay Disney, và loạt phim dị nhân của họ chính thức khép lại bằng Dark Phoenix. Nhưng đó là cái kết buồn cho thương hiệu. Cốt truyện nhàm chán, tâm lý nhân vật phi logic, các cảnh hành động thiếu ấn tượng, đây rốt cuộc là phim X-Men có doanh thu thấp nhất. Chưa kể, quá trình quay nhiều trục trặc khiến nhà sản xuất ban đầu phải bỏ ra tới 200 triệu USD.
The Kitchen (9/8) - 15 triệu USD: Có sự tham gia của ba minh tinh Melissa McCarthy, Tiffany Haddish và Elisabeth Moss, nhưng The Kitchen chìm nghỉm giữa mùa phim hè chật chội. Tờ Time đánh giá đây là bộ phim "thiếu nhiệt" và không đủ hấp dẫn khán giả. Phim chỉ thu 15 triệu USD, so với kinh phí sản xuất khoảng 40 triệu USD.
The Goldfinch (13/9) - 3,62 triệu USD: Tác phẩm điện ảnh dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Donna Tartt, với nội dung xoay quanh cuộc sống của một chàng trai có mẹ qua đời bởi một vụ đánh bom. Nhiều tờ báo đánh giá The Goldfinch quá cứng nhắc tuân theo nguyên tác, và đánh mất cơ hội sáng tạo trên màn ảnh lớn. Công chúng không quan tâm đến tác phẩm, và dự án gây lỗ khoảng 50 triệu USD cho Warner Bros.
Gemini Man (11/10) - 172 triệu USD: Đạo diễn Lý An cùng ngôi sao Will Smith áp dụng công nghệ tân tiến cho Gemini Man. Nhưng cốt lõi nội dung và kịch bản lại quá nhàm chán, lỗi thời, bởi đây vốn là dự án được ấp ủ từ thập niên 1990. Cả giới phê bình lẫn khán giả đều hờ hững với Gemini Man, và hãng Paramount chắc chắn không cảm thấy hạnh phúc sau khi bỏ ra 140 triệu USD cho dự án.
Terminator: Dark Fate (1/11) - 258,5 triệu USD*: Rộng đường tại phòng vé, nhưng phần mới của Kẻ hủy diệt cho thấy thương hiệu đã không còn chỗ đứng như xưa trong lòng khán giả. Được quảng bá là phần hậu truyện trực tiếp cho Judgment Day (1991), cũng như có sự trở lại của minh tinh Linda Hamilton, Dark Fate tới nay thu không nổi 70 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ. Với tổng thành tích lúc này là khoảng 260 triệu USD, dự án gây lỗ cho Paramount hơn 100 triệu USD.
Doctor Sleep (8/11) - 69,4 triệu USD*: Phần hậu truyện của The Shining (1980) được giới truyền thông đánh giá cao, nhưng lại thất bại trong việc bán vé. Doctor Sleep tiêu tốn 45 triệu USD để sản xuất, nhưng chắc chắn không thu nổi 100 triệu USD toàn cầu. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới dự án ngoại truyện Hallorann mà Warner Bros. muốn theo đuổi.
Charlie's Angels (13/11) - 55,9 triệu USD*: Những thiên thần của Charlie là một thương hiệu điện ảnh nữa điêu đứng khi tái khởi động trong năm qua. Bộ phim có Kristen Stewart, Ella Balinski và Naomi Scott đóng chính đến nay chỉ mang về hơn 50 triệu USD, trong khi đã tiêu tốn của Sony 48 triệu USD để sản xuất. Sony phải hứng chịu thất bại thảm hại và số phận của "các thiên thần" là vô cùng đen tối.
Playmobil: The Movie (6/12) - 13,5 triệu USD*: Toan học theo LEGO, nhưng Playmobil cùng hãng STX thất bại thê thảm. Dự án hoạt hình Playmobil lập kỷ lục buồn khi thu chưa nổi 700.000 USD sau ba ngày đầu trình chiếu ở Bắc Mỹ. Đây là mức ra mắt thấp thứ ba lịch sử phòng vé khu vực đối với các tác phẩm trình chiếu trên diện rộng.
Theo zing
Lộ diện phim kinh dị tâm lí cực kịch tính: Bạn trai đã chết vẫn "ám" bồ cũ đến mất ăn mất ngủ? The Invisible Man (tựa Việt: Kẻ Vô Hình) vừa tung trailer đã khiến các fan của dòng phim kinh dị phải tò mò. Là một trong những thương hiệu nổi tiếng của làng kinh dị - The Invisible Man (tựa Việt: Kẻ Vô Hình) sẽ trở lại màn ảnh sau hơn 85 năm vắng bóng dưới sự hợp tác của "ông lớn" Universal...