Những tử tù “khước từ” chuyến đò về âm phủ
Nhiều năm công tác, các cán bộ quản giáo không ít lần chứng kiến giọt nước mắt hối hận của những tử tù trước khi ra trường bắn. Và cũng có những lúc nước mắt quản giáo đã rơi khi tử tù được ân xá, “khước” từ chuyến đò về âm phủ.
Đại úy Phan Viết Phúc kể về tử tù Lê Ngọc Quân khi Quân được ân xá giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Những người vào phòng biệt giam, nếu không buôn bán ma túy với số lượng lớn thì cũng phạm tội giết người hoặc một lúc phạm nhiều tội nghiêm trọng. Sự trừng phạt của pháp luật đối với họ mà nói là hoàn toàn xứng đáng với tội trạng họ đã gây nên. Thế nhưng, như tất thảy đồng loại, họ vẫn có quyền hi vọng vào sự ân xá của người đứng đầu nhà nước. Và trên thực tế, có nhiều tử tù đã được xuống xiềng khi lá đơn ân xá của họ được Chủ tịch Nước chấp thuận.
Lê Ngọc Quân (SN 1991, trú tại xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) có lẽ là tử tù trẻ nhất từng ở phòng biệt giam Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Quân phạm tội giết người khi đang học năm thứ 2 của trường ĐH Y đóng trên địa bàn. Nạn nhân của Quân chính là cô bạn cùng trường mà cậu đã dành tất cả tình yêu ban đầu của một chàng trai mới lớn. Có lẽ tình yêu Quân dành cho nạn nhân quá lớn nên khi bị từ chối một cách phũ phàng, Quân đã tước đoạt mạng sống của người mình yêu và dùng chính con dao đó để tự sát.
Nạn nhân của Quân chết vì mũi dao đâm đứt động mạch chủ cổ, còn Quân, không biết là may mắn hay bất hạnh là cậu được cứu sống. Ngày ra tòa, cậu sinh viên trường y ấy đã nở một nụ cười mãn nguyện khi được tuyên án tử hình. Có lẽ, với Quân, đó là cách tốt nhất để cậu trả món nợ sinh mạng với người mình yêu.
“Quân là tử tù ngoan nhất mà tôi từng quản lý. Là người có tri thức, trình độ nên cách xử sự của Quân cũng khác hẳn so với các tử tù khác. Quân chưa bao giờ chửi bới hay tỏ ra quậy phá. Ngược lại, tuy nhỏ tuổi nhưng Quân lại là người bày vẽ cho các tử tù khác cách ứng xử, nói năng. Bởi vậy, Quân được các tử tù quý mến và kính nể. Chính vì thế, cán bộ quản giáo cũng dành nhiều tình cảm hơn đối với Quân”, đại úy Phan Viết Phúc cho biết.
Được đánh giá là ngoan, dễ bảo nhưng Quân là người rất kín tiếng. Cậu có thể tâm sự với quản giáo như tâm sự với người cha, người anh của mình nhưng cũng rất rõ ràng khi đề nghị mọi người không bao giờ được nhắc tới vụ án mà Quân đã gây ra. Cậu bình thản để chờ đợi thời khắc trả án.
Lê Ngọc Quân – tử tù trẻ nhất Trại tạm giam Nghệ An vừa được Chủ tịch nước ký quyết định ân xá xuống chung thân.
Dẫu muốn được đền tội với người yêu nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của Quân vẫn còn món nợ sinh thành, dưỡng dục chưa thể trả. Sau nhiều lần được mẹ động viên, Quân đã viết đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Trong lúc đó, người dân quê Quân cũng đồng lòng ký tên vào bức thư gửi Chủ tịch nước cầu xin cho Quân một cơ hội được sống. Rồi bố mẹ nạn nhân cũng có đơn xin giảm nhẹ tội cho Quân.
Như một phép màu, ngày 2/9/2013, Chủ tịch nước đã có quyết định ân xá, giảm án từ tử hình xuống chung thân cho Lê Ngọc Quân. Đại úy Phan Viết Phúc kể tiếp: “Nghe xong quyết định ân xá, Lê Ngọc Quân khóc nức nở. Quân nhảy nhót, reo mừng vang cả khu biệt giam rồi đến từng của buồng của các tử tù khác để chia sẻ niềm hạnh phúc được sinh ra lần thứ 2. Các tử tù cùng dãy buồng cũng khóc, có lẽ vì quá vui mừng với niềm vui của “đứa em út”. Nhìn những giọt nước mắt sung sướng của Quân, những giọt nước mắt chia sẻ hạnh phúc của các tử tù, những cán bộ quản giáo chúng tôi cũng thấy bùi ngùi”.
Video đang HOT
Sau khi quyết định ân xá có hiệu lực, Lê Ngọc Quân được xuống xiềng và đưa sang khu vực giam giữ dành cho thường phạm. Trước khi đi, Quân đã khóc khi nói lời cảm ơn quản giáo Phúc, người đã ở bên cạnh, động viên Quân những khi cậu tuyệt vọng nhất, khi cảm giác tội lỗi chất chứa nhất khiến chút nữa câu quên đi món nợ sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Hiện nay, Lê Ngọc Quân đã được chuyển đến trại giam Đông Sơn (Quảng Bình) để thi hành án tù chung thân.
Đặng Văn Thế – tử tù đã khước từ được chuyến đò về âm phủ sau 11 năm chờ đợi thi hành án.
Hàng chục năm làm quản giáo, hơn chục năm làm quản giáo buồng tử tù, thiếu tá Đặng Trọng Khánh đã quản lý và tiễn không ít tử tù đi thi hành án. Nhưng Đặng Văn Thế (xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) là tử tù đặc biệt nhất trong cuộc đời quản giáo của ông bởi đây là tử tù có thời giam nằm buồng biệt giam lâu nhất (tới 11 năm) và là trường hợp tử hình được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và Chủ tịch nước khi được ân xá.
Thế nhập buồng vào cuối năm 1998, khi bị bắt quả tang vận chuyển 20 bánh heroin cùng với Nguyễn Tất Dũng. Khi Dũng được đưa đi thi hành án thì Thế do thành khẩn khai báo và có tinh thần hợp tác nên được cơ quan điều tra có công văn đề nghị hoãn thi hành án để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Trong thời gian hoãn thi hành án, Thế đã khai thêm 40 người nằm trong đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Lào về Việt Nam.
“Đặng Văn Thế là một tử tù có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Vợ bỏ đi ngay sau khi Thế bị tuyên án tử, anh trai cũng ngồi tù về ma túy, gia đình chị gái cũng hết sức khó khăn, mẹ già yếu. Phạm tội nặng và không biết phải “trả án” lúc nào nhưng Thế là một tử tù ngoan, chấp hành tốt kỷ luật buồng giam. Chờ chết, ai chẳng sợ. Vì thế, chúng tôi cho phép Thế được nuôi con mèo lạc vào buồng mình.
Có người bạn để tâm sự, để chăm bẵm, Thế cũng bớt đi một phần sợ hãi của những kẻ đợi cái chết giáng xuống bất cứ lúc nào. Con Mương – tên con mèo tam thể mà Thế được nuôi trong phòng biệt giam đã 3 lần sinh con. Lần cuối cùng, trước khi Thế được ân xá 1 tháng, con Mương sinh được 4 con, đặt tên là Mùa – Xuân – Đã – Đến và tặng 4 cán bộ quản giáo. Có vẻ như Thế linh cảm được điều kỳ diệu sắp đến với mình”, thiếu tá Khánh nhớ lại.
Sau 11 năm đằng đẵng trong phòng biệt giam, Thế đã chẳng còn dám mơ đến cơ hội được sống. Thế nhưng, phép màu đã đến với Thế. Nhờ có công lớn trong việc bóc gõ đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tháng 6/2009, Đặng Văn Thế đã được Chủ tịch nước ân xá, giảm án từ tử hình xuống chung thân, kết thúc 11 năm phấp phỏng chờ đợi cái chết.
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh: “Cuộc sống và sinh mạng của mỗi người đều rất đáng quý trọng”.
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh kể tiếp: “Khi nghe công bố quyết định ân xá, Thế ngồi bệt xuống đất, khóc hu hu như một đứa trẻ. Với một người đã sống nơm nớp trong nỗi sợ hãi có thể bị xử tử đến nỗi không đêm nào dám ngủ thì quyết định ân xá của Chủ tịch Nước chẳng khác nào được khai sinh lần thứ 2. Thế khóc như mưa và xin được ôm hôn những cán bộ quản giáo trước khi được chuyển lên Trại 6 – Bộ Công an (đóng tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) để tiếp tục thi hành án”.
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh – người đã có một quãng thời gian dài gắn bó với tử tù tâm sự: “Cuộc sống rất đáng quý và sinh mạng của mỗi con người cũng rất đáng quý trọng. Tước đoạt mạng sống của người khác, gieo rắc nỗi đau cho xã hội cũng chính là tự cắt đứt con đường sống của chính mình. Nếu mỗi người biết quý trọng sinh mạng của người khác như chính sinh mạng của mình thì sẽ không có những cái chết bi thảm, không có những lần trả giá bằng cái chết dữ dội của chính mình”.
Cuộc đời sẽ không đủ bao dung để có những cái kết có hậu như Đặng Văn Thế, Lê Ngọc Quân. Bởi vậy, đừng để những tham – sân – si che lấp đường về của chính mình.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Tình người nơi phòng biệt giam
Nơi phòng biệt giam, có những tử tù bị gia đình "lãng quên". Bởi vậy, quản giáo gần như là người thân duy nhất lo cho họ từng bữa ăn, từng manh áo ấm và lắng nghe những tâm sự rất "con người" của những kẻ đã từng phạm những tội ác khủng khiếp nhất.
>> Chuyện kể của người canh giữ tử tù
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh nhiều lần tự bỏ tiền túi hay trực tiếp vận động các tử tù san sẻ thức ăn, quần áo cho những tử tù bị gia đình bỏ rơi.
Những chiến sỹ công an làm nhiệm vụ quản lý các buồng tử tù phải chịu nhiều áp lực, nhất là về tâm lý. Những ngày mới "nhập buồng", hầu hết các tử tù đều có chung tâm lý hoảng loạn, sợ hãi. Những kẻ ngoài xã hội "coi trời bằng vung", thế nhưng, khi một mình nằm trong phòng biệt giam, chờ đợi từng ngày thi hành án thì họ bắt đầu sợ hãi. Nỗi sợ hãi đã khiến những kẻ giết người không gớm tay, những ông trùm ma túy xuyên quốc gia khóc lóc thảm thiết.
Chết, ai chẳng sợ, dù đó là những kẻ đáng ngàn lần phải chết. Với những tử tù thường xuyên có người thân thăm nuôi thì việc ổn định tâm lý cho họ đối với cán bộ quản giáo sẽ được san sẻ đi một ít. Nhưng đối với những tử tù, vì nhiều lý do khác nhau mà bị gia đình "lãng quên", bị bỏ rơi thì công việc của người quản giáo sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Lúc này, nhiệm vụ của người quản giáo giống như một bác sỹ tâm lý. Trước hết phải động viên tử tù bình tĩnh và lắng nghe họ tâm sự về những tâm tư của mình. Điều này sẽ khó khăn hơn nếu đơn xin ân xá gửi Chủ tịch Nước của tử tù bị từ chối. Hy vọng về sự sống hoàn toàn tắt, phạm nhân sẽ cực kỳ hoảng loạn và đó cũng là thời điểm người quản tù vất vả nhất. Họ không còn chỉ là người thi hành pháp luật nữa mà phải gần như là người nhà, người thân và là bạn với tử tù.
Có người sẽ nghĩ giữa những người thực thi pháp luật và những kẻ phạm trọng tội làm gì có thứ tình cảm thân thiết ruột thịt ấy? Thế nhưng, đối với những người quản giáo, tử tù cũng là con người. Dẫu tội ác họ gây ra không thể tha thứ nhưng họ đang và sắp phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Vậy thì tại sao không thể mang tình thương đến cho họ những ngày cuối đời?
Tử tù Đặng Văn Thế - người đã được quản giáo Đặng Trọng Khánh quan tâm đặc biệt cho đến khi được giảm án xuống chung thân và chuyển tới trại giam khác.
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh (nguyên cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An) cũng đã có một thời gian dài được phân công quản lý buồng tử tù B2, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, kể: "Có những tử tù gia đình hết sức hoàn cảnh hoặc hoàn toàn bỏ rơi người thân của mình khi họ bị kết án và biệt giam. Bởi vậy, rất nhiều phạm nhân hoàn toàn không được gia đình tiếp tế trong khi đó, chế độ dành cho phạm nhân cũng chỉ đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu.
Ví như tử tù Đặng Văn Thế (SN 1974, quê xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, lĩnh án tử hình vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy), khi vào phòng biệt giam thì người vợ mới cưới bỏ đi biệt tích, hai người anh vào tù, bố mẹ già yếu, một người anh ở Cửa Lò hiếm hoi lắm mới lên thăm và tiếp tế dăm gói mỳ tôm. Thế thiếu đói quanh năm. Mỗi lần đến kỳ thăm gặp, trong khi các tử tù khác ê hề thịt cá, mỳ tôm, bánh kẹo, lương khô thì Thế chẳng có gì".
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh hay đại úy Phan Viết Phúc, Nguyễn Văn Vinh không ít lần trực tiếp đi quyên góp đồ ăn, quần áo cho những tử tù bị gia đình bỏ rơi hay không còn người thân. Ngoài việc tự mua cho tử từ những đồ dùng thiết yếu, những cán bộ quản giáo này đã vận động những bạn tù giúp đỡ, san sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Có phải lúc cận kề cái chết, con người ta dễ thấu hiểu và thông cảm cho nhau hay không nhưng hầu hết các tử tù đều nghe lời quản giáo và san sẻ phần thịt cá, áo quần, chăn màn của mình cho bạn tù.
Đại úy Phan Viết Phúc: "Dù căm thù cái ác nhưng đứng trước những thiếu thốn vật chất, tình cảm của các tử tù, chúng tôi không thể làm ngơ".
"Trên phương diện của một người chiến sỹ công an, chúng tôi căm thù những tội ác mà những tử tù đã phạm phải. Tội lỗi của họ đã có pháp luật xử lý và họ đã phải dùng chính cuộc sống của mình để đền tội. Nhưng trên phương diện một con người, chúng tôi cũng có những yêu ghét rõ ràng. Đứng trước những thiếu thốn về tình cảm, vật chất của tử tù, chúng tôi không thể làm ngơ. Có thể làm gì trong khả năng, chúng tôi sẽ làm", đại úy Phan Viết Phúc chia sẻ.
Từ khi vào phòng biệt giam đến nay, đã 2 năm, tử từ Và Xái Đà chưa một lần được người thân thăm nuôi. Và cũng 2 năm đó, từng hộp thuốc đánh răng, từng chiếc dao cạo râu đều do đại úy Phúc "tiếp tế".
Hay như tử tù Nguyễn Khắc Long (quê Anh Sơn, Nghệ An), trong lúc nóng giận, Long đã tước đoạt mạng sống của vợ và người anh vợ. Từ ngày Long vào tù, đứa con gái duy nhất cũng được gửi vào trại trẻ mồ côi. Long trở thành kẻ không gia đình, không người thân thích. Những ngày chờ đợi trả án, người thân duy nhất của Long, người duy nhất nghe Long tâm sự, và cũng là người duy nhất mua cho Long chiếc màn tuyn, tuýp kem đánh răng cũng chính là quản giáo Phúc.
Không còn ai thân thích ngoài cô con gái đang ở trại trẻ mồ côi, từng tuýp kem đánh răng, chiếc màn tuyn của tử tù Nguyễn Khắc Long đểu được quản giáo Phan Viết Phúc mua cho.
Giữa dãy buồng nhỏ dành cho các tử tù, những bản nhạc mùa xuân réo rắt vang lên. Như đọc được sự ngạc nhiên ở chúng tôi, đại úy Phan Viết Phúc cười: "Chiếc đài này tôi vừa mua. Từ hôm có chiếc đài này, hầu hết các tử tù đều ngoan hơn, ít quậy phá hơn".
Có những tử tù từ khi vào buồng biệt giam đến khi đi thi hành án đã được cán bộ quản giáo nuôi ăn, mua áo quần mới. Thậm chí, đến cả khi đi trả án, cán bộ quản giáo trở thành người thân duy nhất của họ. Và cũng không ít tử tù đã khóc, bởi cái tình của người quản giáo dành cho họ. Ước nguyện cuối cùng trong cuộc đời, nhiều tử tù chỉ mong được quản giáo đi cùng ra pháp trường để tìm một chút hơi ấm của gia đình. Và tất nhiên, chẳng bao giờ những quản giáo như thiếu tá Khánh, đại úy Phúc, đại úy Vinh nỡ từ chối.
Theo Dantri
Kẻ lừa đảo sập bẫy cụ ông mưu trí Hòa tìm đến nhà những người có tuổi, vờ nhận họ hàng xa, kể lể khó khăn và hỏi vay tiền. Động lòng trắc ẩn, nhiều người đã gom những đồng tiền cuối cùng đưa cho "đứa cháu". Sáng 25/8, cũng như bao ngày khác, ông Nguyễn Hữu Đồng (65 tuổi, trú xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cùng vợ ngồi...