Những tử thần sót lại từ Thế chiến II
Những quả bom chưa nổ sót lại từ Thế chiến II rất nguy hiểm và bất ổn định, khiến việc vô hiệu hóa phải trải qua quy trình phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các chuyên gia EOD đang kiểm tra một quả bom chưa phát nổ ở Bethnal Green, London, Anh, hồi tháng 8. Ảnh: Ministry of Defence
Hồi tháng 8, các công nhân xây dựng ở Bethnal Green, đông London, phát hiện một quả bom Đức chưa phát nổ nặng 227 kg. Các chuyên gia Xử lý Vật liệu nổ (EOD) của Lực lượng hậu cần kỹ thuật Hoàng gia (RLC) đã vô hiệu hóa quả bom sau 24 giờ căng thẳng, trong khi khu vực này được phong tỏa nhanh chóng và 700 người phải sơ tán, theo BBC.
Theo Sở Cứu hỏa London, đây là quả bom chưa phát nổ thứ 9 từ Thế chiến II được tìm thấy ở London trong năm nay và có thể chưa phải lần cuối cùng.
“Trong chiến dịch Blitz giai đoạn 9/1940-5/1941, phát xít Đức đã thực hiện 85 cuộc tấn công lớn và thả khoảng 24.000 tấn bom. 10% số bom được thả xuống vẫn chưa phát nổ hoàn toàn”, nhà sử học Matt Brosnan của Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia cho biết.
Trong chiến tranh, Đức từng chế tạo nhiều loại bom, từ loại 50 kg đơn giản đến những loại có sức công phá mạnh, nặng 1.800 kg như bom Satan. Tuy nhiên, phần lớn bom được thả xuống Anh và những loại được tìm thấy ngày nay đều là bom thả tự do hay vật liệu nổ không điều khiển được từ máy bay, nặng 50-250 kg. Loại bom này chứa một nửa là thuốc nổ, phần vỏ kim loại còn lại sẽ bắn thành từng mảnh nhỏ khi bom phát nổ.
Theo người phát ngôn của RLC, bom Đức được thả từ trên không và có sức công phá lớn là loại bom nguy hiểm nhất mà họ phải đối phó. Chúng không chỉ ở trạng thái nhạy cảm do đã được kích hoạt và va chạm với mặt đất, mà còn trang bị nhiều loại kíp nổ khác nhau. Một số kíp có thể phát nổ ngay lập tức, số khác được thiết kế theo dạng hẹn giờ hoặc cài bẫy, rất dễ gây thương vong cho các đội rà phá bom mìn.
Simon Cooke, người từng phục vụ trong quân đội Anh, cho biết sự xuống cấp theo thời gian của kíp nổ sẽ khiến chúng bất ổn định và dễ gây thương vong hơn so với trước đây.
“Chỉ một vết xẻng quẹt nhẹ vào quả bom hoặc kíp nổ cũng có thể gây ra chuỗi phản ứng. Nó sẽ diễn ra ngay tức khắc, khiến mọi thứ biến mất chỉ trong một phần trăm của một giây và bạn sẽ chết”, Cooke nói.
Video đang HOT
Nhiều đội EOD đã thiệt mạng trong và ngay sau chiến tranh khi quân đội phải xử lý khoảng 45.000 quả bom chưa phát nổ, nhưng chưa có con số thương vong nào được ghi nhận tại Vương quốc Anh những năm gần đây.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn xảy ra ở một số quốc gia khác. Năm ngoái, một công nhân xây dựng đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi một quả bom Anh được phát hiện ở Euskirchen, Đức.
Quả bom 50 kg được phát hiện ở gần sân vận động Wembley, London, hồi tháng 5. Ảnh: Ministry of Defence
Quy trình xử lý
Sau khi phát hiện, chuyên gia có thể đưa một số thiết bị phát nổ đơn giản lên mặt đất và xử lý. Tuy nhiên, vì hầu hết thiết bị nổ đều trong trạng thái nhạy cảm, nên việc mang đến nơi khác rất nguy hiểm và chúng cần được vô hiệu hóa tại chỗ.
Theo Cooke, đối với những vũ khí đã tồn tại 70 năm và chưa phát nổ, không ai biết chắc chắn lý do tại sao. Một cú xóc, va đập, cọ xát hay tác động khi di chuyển bom qua ổ gà cũng có thể khiến mối nguy hiểm bắt đầu. Những gì xảy ra sau đó phần lớn phụ thuộc vào kích thước bom. Đối với thiết bị nhỏ, người ta có thể xây một cấu trúc bảo vệ xung quanh và cho nó phát nổ ngay tại chỗ. Nhưng đối với thiết bị lớn, phương pháp này không phải lựa chọn khôn ngoan.
Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình tách an toàn (RSP) là làm ngưng hoạt động của kíp nổ, bằng cách khoan lỗ và đưa dung dịch trung hòa vào bom. Theo Dave Welch, một cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh, quá trình này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại kíp nổ.
Việc xác định kíp nổ từ Thế chiến II tương đối dễ dàng dựa trên các mã được in trên thân bom trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, chuyên gia EOD có thể quyết định quy trình chính xác. Nếu mã là số 17 (loại kíp nổ chậm được cài giờ kích nổ trong vòng 2-80 giờ sau khi chạm mặt đất), cách xử lý là khoan sâu và đổ nước muối vào bên trong. Sau một thời gian nhất định, các tinh thể muối sẽ bám chặt vào bánh răng, vô hiệu hóa hoạt động của bộ cài giờ.
Với thành tựu công nghệ hiện nay, thiết bị ống nghe từ xa có thể giúp xác định âm thanh báo hiệu của bộ đếm thời gian. Tuy nhiên, các phương pháp được sử dụng để xử lý vũ khí Thế chiến II không thay đổi nhiều so với thời chiến.
Khi kíp nổ được vô hiệu hóa, quả bom vẫn cần được xử lý ở nơi xa khu dân cư. Một cách khác là khoan lỗ từ vỏ quả bom và bơm hơi nước một cách cẩn trọng. Nếu đưa hơi nước với nhiệt độ kiểm soát vừa phải, thuốc nổ bên trong sẽ tan chảy mà không làm tăng nhiệt độ cao đến mức khiến bom phát nổ.
Một quả bom được quân đội Anh phá hủy ở một khu đất trống gần làng Cliffe, hạt Kent. Ảnh: Ministry of Defence
Nguy cơ dưới biển
Bom “tàng hình” dưới biển cũng là mối nguy hại không kém so với nguy cơ trên đất liền. Trong Thế chiến I và II, hàng triệu thủy lôi đã được thả xuống đáy biển để tạo thành lá chắn phòng thủ và ước tính đến 30-70% chưa được thu lại. Bên cạnh đó là ngư lôi chưa phát nổ được phóng đi từ tàu ngầm, bom được ném xuống từ máy bay của Anh và Đức hay vô số đạn dược còn sót lại khác.
Vũ khí dưới đáy biển không phải vấn đề lớn trong nhiều thập kỷ, cho đến khi nhu cầu về năng lượng tái tạo ngoài khơi ngày càng lớn hơn những năm gần đây.
“Chúng tôi đã thực hiện khoảng 50 dự án năng lượng tái tạo hay lắp đặt cáp trong 10 năm qua, dự án nào cũng đều có nguy cơ gặp phải bom mìn chưa phát nổ”, Cooke nói.
Năm 1944, tàu SS Richard Montgomery bị đắm gần thị trấn Sheerness, hạt Kent, trong một cơn bão lớn khi đang thực hiện nhiệm vụ chở vũ khí trong chiến tranh. Không thể đến đích, con tàu chở theo 1.400 tấn đạn dược dừng chân tại nơi này và đang trở thành mối nguy hiểm cận kề.
Theo Cooke, các loại đạn pháo vẫn ở bên trong tàu, nhưng khi con tàu bị hư hỏng dần, chúng hoàn toàn có thể tràn ra ngoài và phát nổ. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một thảm họa.
Thùy Linh
Theo VNE
Quân đội Ba Lan kiểm tra nơi nghi có tàu chở vàng của phát xít
Quân đội Ba Lan điều động các chuyên gia hóa học, phóng xạ và chất nổ đến địa điểm nghi là nơi ẩn mình của con tàu phát xít mất tích kể từ Thế chiến II.
Lính Ba Lan kiểm tra nơi được cho là chôn vùi con tàu chở vàng hồi đầu tháng này. Ảnh minh họa: AP
"Mục tiêu của chúng tôi là kiểm tra xem có vật liệu nguy hiểm tại địa điểm này hay không", AFP dẫn lời Đại tá Artur Talik, người dẫn đầu hoạt động tìm kiếm bằng cách sử dụng máy dò mìn và radar xuyên đất, hôm qua cho biết.
Tomasz Smolarz, thống đốc của Lower Silesia, thông báo mục tiêu của nhiệm vụ tại Walbrzych là loại trừ nguy hiểm đối với người dân địa phương. Ông cho biết các chuyên gia đã bắt đầu kiểm tra kỹ thuật vào hôm qua, và sẽ tiếp tục tiến hành cho đến thứ 7.
Ông Smolarz nói thêm rằng "các quyết định khác", liên quan đến việc tìm kiếm tàu, sẽ được đưa ra khi địa điểm được đảm bảo là an toàn.
Piotr Koper, người Ba Lan, và công dân Đức Andreas Richter tháng trước tuyên bố đã phát hiện ra một con tàu dài khoảng 98 m, nằm dưới lòng đất 8 - 9 m. Con tàu được đồn đại là chở đầy vàng và châu báu, tác phẩm nghệ thuật, tài liệu và vũ khí của phát xít Đức.
Phương Vũ
Theo VNE
Giọt máu Việt tiếp cho thương binh Liên Xô Thời chiến tranh và thời hậu chiến, ở Liên Xô có khoảng 9 triệu người được tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc vì lòng dũng cảm chống phát xít trong Thế chiến II, trong đó có cả người Việt Nam. Ngày nay, các huân chương này đang được lưu giữ trong hàng triệu gia đình cựu chiến binh chống phát xít. Trong...