Những trợ thủ ‘thăng tiến như tên lửa’ của ông Tập Cận Bình
Nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan trung ương Trung Quốc là nhiều bạn học và cộng sự cũ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
Theo SCMP, từ khi đắc cử chức tổng bí thư năm 2012 và chủ tịch Trung Quốc năm 2013, ông Tập có cách tuyển chọn nhân sự vào các cơ quan trọng yếu khác với hai người tiền nhiệm.
Ông Tập có xu hướng cất nhắc những cộng sự thân tín và đồng nghiệp cũ khi ông còn là lãnh đạo tại địa phương. Một số ý kiến cho rằng, những cộng sự như vậy có thể đáng tin cậy hơn những đồng minh theo phe phái, những người có thể mang tham vọng hay “món nợ” chính trị với người khác.
Những người tiền nhiệm của ông Tập là ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân dựa nhiều hơn vào những nhóm quyền lực sẵn có. Cụ thể, ông Hồ Cẩm Đào chọn người từ Đoàn Thanh niên lên lãnh đạo, trong khi ông Giang Trạch Dân dùng nhiều người đến từ Thượng Hải.
Trước khi được đề bạt về trung ương, ông Tập từng có thời gian ngắn làm việc tại Thượng Hải, nhưng hầu hết những trợ thủ thân tín của ông đều là đồng nghiệp, cấp dưới khi ông Tập còn làm việc tại các tỉnh khá nhỏ như Phúc Kiến và Chiết Giang, cách xa thủ đô, nhà bình luận chính trị Trương Lập Phàm tại Bắc Kinh nhận xét.
“Ông Tập không thuộc phe phái nào và do đó thiếu một nền tảng quyền lực. Vậy nên ông ấy cần những cộng sự cũ hỗ trợ mình”, Trương nói. Nhà bình luận này chỉ ra rằng, chỉ trong ba năm nhậm chức chủ tịch nước, ông Tập đã đưa nhiều cộng sự cũ tại Chiết Giang, Phúc Kiến, Thượng Hải và đại học Thanh Hoa lên nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế, tuyên giáo, nhân sự và an ninh.
Ông Tập đã bổ nhiệm nhiều người vào các trí lãnh đạo ở 7 ban chỉ đạo trung ương, hay các nhóm công tác hàng đầu mà ông Tập lập lên để điều hành đảng, nhà nước, kinh tế và quân đội. Các ban chỉ đạo này có nhiều quyền hành hơn hầu hết cơ quan của đảng hay chính phủ, theo SCMP.
“Đó đều là những cơ quan và ủy ban quan trọng, đảm đương những công việc lớn. Họ không phải những ‘bình hoa trang trí’ hay ‘vị trí ăn không ngồi rồi’”, Andrew Nathan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Columbia, Mỹ nhận định.
Mặt trận kinh tế
Thư Quốc Tăng (trái) và Lưu Hạc. Ảnh: SCMP/ WSJ
Trên mặt trận kinh tế, ông Tập đã chọn cho mình hai trợ thủ là Thư Quốc Tăng, 59 tuổi, và Lưu Hạc, 64 tuổi.
Ông Thư là thân tín cũ của ông Tập tại tỉnh Chiết Giang, được bổ nhiệm vào vị trí phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Các vấn đề Kinh tế và Tài chính, cơ quan do chính ông Tập lãnh đạo, vào tháng 11/2014. Ông Thư trước đó không có kinh nghiệm chính trường nào khác ngoài thời gian công tác tại Chiết Giang.
Ban chỉ đạo, vốn ít được để ý trước khi ông Tập nhậm chức, giờ nhóm họp hàng quý và là nơi quan trọng để ông Tập ra quyết định về các vấn đề kinh tế.
Còn ông Lưu Hạc được bổ nhiệm làm chánh văn phòng của Ban Chỉ đạo này năm 2013, chỉ vài tháng trước khi đảng Cộng sản Trung Quốc công bố tài liệu đề ra đường lối cải cách trong thập kỷ tới. Đích thân ông Tập từng khẳng định ông Lưu “rất quan trọng với tôi”. Ông Lưu đã nhiều lần nhấn mạnh phải thực thi những cải cách theo hướng thị trường.
Đáng chú ý là quan chức này có bằng thạc sĩ quản lý công tại trường Kennedy, Đại học Harvard. Lý lịch của ông Lưu cho thấy ông chưa từng có thời gian công tác chung cùng ông Tập, nhưng đã đứng trong hàng ngũ những người quyết định các chính sách kinh tế của Trung Quốc hơn hai thập kỷ qua.
Khối cơ quan đảng
Ông Lật Chiến Thư. Ảnh: Ricky Chung
Video đang HOT
Trong khối các cơ quan đảng, ông Tập đã chọn cho mình 5 trợ thủ, trong đó ông Lật Chiến Thư, 65 tuổi, được tin là đồng minh quyền lực nhất, chỉ sau “tư lệnh” chiến dịch chống tham nhũng, ông Vương Kỳ Sơn.
Ông Lật được tin là gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tại vị trong Bộ Chính trị Trung Quốc sau năm 2017, khi nhiều người trong số 25 ủy viên sẽ bị thay thế trong năm tới do đến tuổi nghỉ hưu.
Ông Lật kết thân với ông Tập từ những năm 1980, khi ông Tập là chủ tịch huyện Chính Định tại tỉnh Hà Bắc, còn ông Lật là chủ tịch huyện Vô Cực kế bên. Với cương vị chánh văn phòng Trung ương Đảng, ông Lật là trợ lý cho ông Tập trong một loạt vấn đề, từ ngoại giao tới kinh tế và cải cách pháp lý.
Ông Lật là chánh văn phòng quyền lực nhất trong vài thập kỷ qua, bởi chưa có người tiền nhiệm nào được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc. Ông Lật luôn tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du trong và ngoài nước. Chính ông là người đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi ông Tập thăm Nga tháng ba năm ngoái. Ông Lật đồng thời cũng là Chánh văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia do ông Tập sáng lập và chủ trì.
Cũng trong Văn phòng Trung ương đảng, một đồng nghiệp cũ của ông Tập tại Thượng Hải là Đinh Tiết Tường, 53 tuổi, giữ chức Phó Chánh văn phòng từ năm 2013. Trước đó, tháng 3/2007, khi ông Tập được điều về giữ chức bí thư thành phố Thượng Hải, ông Đinh đã có 7 tháng làm việc dưới quyền ông Tập.
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đinh Tiết Tường. Ảnh: WCT
Trong khi đó, Hoàng Khôn Minh (Huang Kunming), 59 tuổi, một đồng nghiệp cũ của ông Tập tại tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang là quan chức quyền lực thứ hai trong cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản nước này. Ông được bổ nhiệm vào Ban Tuyên giáo Trung ương cuối năm 2013, hai tháng sau khi ông Tập có bài phát biểu cứng rắn về vấn đề tư tưởng và tuyên truyền. Trước khi tới Bắc Kinh, ông Hoàng là phó bí thư thành ủy Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang trong ba năm.
Trong một bài viết trên People’s Daily hồi năm ngoái, ông Hoàng cho rằng “môi trường quốc tế đang ngày càng phức tạp, bởi các thế lực thù địch phương Tây tăng cường chia rẽ và Tây hóa chúng ta”, nên các đảng viên Trung Quốc “phải thấm nhuần tinh thần trong các bài phát biểu của Chủ tịch Tập”, ông viết.
Một người bạn khác của ông Tập được giao trọng trách tại trung ương là Trần Hy, 63 tuổi. Ông Trần là bạn cùng phòng ký túc xá của ông Tập tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, ông Trần có gần 30 năm làm việc tại ngôi trường này. Hiện ông là phó trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương. Trước đó, ông từng là phó bí thư tỉnh Liêu Ninh, và phó chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học Trung Quốc.
Chỉ vài tháng sau khi ông Trần nhậm chức tại Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan này đã ban hành tài liệu quan trọng về việc tuyển chọn và cất nhắc cán bộ, thay thế hoàn toàn cơ chế cũ do cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đưa ra, vốn dựa trên bỏ phiếu nội bộ.
Trần Nhất Tân, 56 tuổi, cộng sự của ông Tập trong thời gian ông Tập làm bí thư tỉnh Chiết Giang, hiện là Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Sâu sắc Toàn diện, cũng do ông Tập thành lập và lãnh đạo. Từng là bí thư thành phố Ôn Châu, ông Trần được tin là giữ vai trò chủ chốt trong việc giúp địa phương này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Hệ thống an ninh
Ông Thái Kỳ, 60 tuổi, được cho là đã vào Ủy ban An ninh Quốc gia năm 2014. Ông Thái từng là đồng nghiệp của ông Tập tại Chiết Giang và Phúc Kiến. Ông nằm trong số ít quan chức cấp cao Trung Quốc sử dụng mạng xã hội.
Ông Thái từng là phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang năm 2013. Tại đây, ông đã có động thái hiếm thấy khi trả lời phàn nàn của mẹ một viên chức. Bà này viết trên trang mạng xã hội của ông Thái về việc con trai thường phải uống nhiều rượu tại các buổi tiệc của cơ quan. Khi đó, ông Thái, với tư cách trưởng phòng tổ chức của Chiết Giang, đã đáp lại: “Cho tôi biết con trai bà làm việc ở cơ quan nào và cậu ta sẽ không phải uống rượu nữa”.
Trước khi được cất nhắc về Bắc Kinh, ông Thái từng nhiều lần dẫn lại các phát biểu của ông Tập trên tài khoản Weibo của mình, và gọi ông Tập là Tổng bí thư Tập, sếp Tập. Dù vậy, sau khi được thăng chức, ông Thái ngừng cập nhật tài khoản mạng xã hội này.
Phó Chính Hoa (giữa) đi tuần tại nhà ga Bắc Kinh tháng 5/2014. Ảnh: AFP
Phó Chính Hoa, 61 tuổi, là nhân vật đang lên đáng chú ý nhất trong cơ quan an ninh Trung Quốc. Từng là cảnh sát trưởng Bắc Kinh, ông Phó được cất nhắc làm thứ trưởng công an năm 2013, chưa đầy một năm sau khi ông Tập nhậm chức tổng bí thư. Dù không nắm vị trí cao nhất, ông Phó nhanh chóng thăng tiến, và giờ đã là thứ trưởng đứng thứ nhất trong số 7 thứ trưởng của Bộ Công an.
Ông Phó từng gây chú ý chỉ sau 74 ngày làm cảnh sát trưởng Bắc Kinh khi cho đóng cửa hộp đêm xa hoa Heaven on Earth vì bị nghi kinh doanh mại dâm. Vài tháng sau khi nhậm chức tại Bộ Công an, ông này đích thân lãnh đạo các cuộc tuần tra vũ trang của cảnh sát trên đường phố Bắc Kinh.
Dù không trực tiếp thuộc sự lãnh đạo của ông Tập, ông Phó được cho là người giữ vai trò hàng đầu trong việc đưa Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, ra vành móng ngựa năm 2013, với cáo buộc lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ và nhiều tội danh khác.
Mạnh Khánh Phong. Ảnh: Boxun
Mạnh Khánh Phong (Meng Qingfeng), 58 tuổi, cũng là một cộng sự cũ của ông Tập tại Chiết Giang, với chức vụ phó cảnh sát trưởng. Năm ngoái, ông Mạnh được cất nhắc vào vị trí thứ trưởng Bộ Công an. Một tháng sau khi nhậm chức, tên tuổi ông Mạnh nổi như cồn sau khi chỉ đạo một đội công tác khám xét Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc để tìm bằng chứng thao túng thị trường. Ông Mạnh còn tuyên bố sẽ truy lùng những ai phải chịu trách nhiệm về việc thị trường lao dốc.
Vương Hiểu Hồng, 57 tuổi, là cấp dưới khác của ông Tập trong thời gian ông Tập công tác tại Phúc Kiến. Tháng 3 năm ngoái, ông Vương được cất nhắc vào vị trí cảnh sát trưởng Bắc Kinh.
Ông Vương khởi nghiệp tại Phúc Kiến và làm việc tại đây tới tháng 8/2013. Trong thời gian này, ông Vương từng nắm giữ nhiều chức vụ, như giám đốc công an huyện, sau đó là cảnh sát trưởng thành phố Hạ Môn trước khi chuyển tới tỉnh Hà Nam.
Giới phân tích cho rằng, quan điểm của ông Tập là những người được bổ nhiệm có thể thiếu kinh nghiệm điều hành, nhưng họ có thể bù đắp bằng lòng trung thành. “Họ có thể không quen lắm với cách làm việc tại các cơ quan trung ương”, nhà bình luận Trương Lập Phàm nói. “Nhưng họ có thể nắm giữ các vị trí và triển khai mong muốn của ông Tập. Với việc giúp các phụ tá thăng tiến như tên lửa, ông Tập muốn đảm bảo mình có nhiều trợ thủ ở trung ương trước kỳ đại hội đảng thứ 19 năm 2017″.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Những cố vấn thân tín của ông Tập Cận Bình
Những người được coi là thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường giữ khoảng cách và hiếm khi tham gia các cuộc trò chuyện bên lề với quan chức phương Tây.
Ông Vương Hồ Ninh và ông Lật Chiến Thư (thứ ba và 4 từ phải sang) là hai cố vấn tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: New York Times
Trở về sau chuyến công tác Mỹ 6 tháng hồi năm 1988, ông Vương Hồ Ninh, cố vấn chính sách cho chủ tịch Trung Quốc, mang theo một tập hồ sơ với 400 trang ghi nhớ.
"Người Mỹ quan tâm tới sức mạnh", ông viết lại sau khi xem một trận bóng bầu dục tại Học viện Hải quân Mỹ. "Điều này thể hiện tinh thần của người Mỹ. Đó là mong muốn đạt mục tiêu trong thời gian ngắn nhất bằng quyền lực. Người Mỹ duy trì tinh thần này trên mọi lĩnh vực, từ quân sự, chính trị đến kinh tế và hơn thế nữa".
Theo New York Times, trong chuyến công du Mỹ tuần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Vương, 59 tuổi, cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị, là thành viên thuộc nhóm chuyên gia tháp tùng nhà lãnh đạo Trung Quốc. Từng làm cố vấn cho hai người tiền nhiệm của Chủ tịch Tập, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về xã hội Mỹ, ông Vương quen với nhiều học giả và quan chức Mỹ.
Nhưng những người biết Vương gần đây cho hay, ông hiện giữ khoảng cách và hiếm khi nhận lời mời giao lưu. Một số quan chức Mỹ cũng nói khó mà có thể trò chuyện với ông bên lề các cuộc hội thảo quốc tế.
Giữ khoảng cách
Theo giới quan sát, không chỉ ông Vương mà cả các cố vấn khác đi theo ông Tập đến Mỹ lần này cũng thể hiện thái độ lạnh lùng tương tự, trong đó có ông Lật Chiến Thư, Chánh văn phòng Trung ương đảng, và Lưu Hạc, chuyên gia tư vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập.
Vấn đề này được xem như thách thức lớn đối với Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác có quan hệ với Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định, về mặt nào đó, chính quyền ông Tập là bộ máy bí ẩn nhất ở Trung Quốc suốt 66 năm qua.
Trước đây, quan chức nước ngoài thường dễ dàng nói chuyện với những cán bộ cấp cao hay trợ lý thân cận của các lãnh đạo Trung Quốc để truyền tải thông điệp. Ví dụ điển hình nhất là ông Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc dưới thời cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Ông là người bí mật đàm phán với nhà ngoại giao Henry A. Kissinger của Mỹ nhằm thúc đẩy việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington.
Song, dưới thời ông Tập, những kênh liên lạc như vậy không tồn tại.
"Một trong những vấn đề của mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là chúng ta cơ bản không hiểu gì về họ", David M. Lampton, chủ nhiệm khoa nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học John Hopkins, đánh giá. "Tôi không nghĩ chúng ta biết ai là người dưới quyền, có khả năng đại diện cho ông Tập Cận Bình".
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ông Tập còn có xu hướng duy trì khoảng cách lớn hơn với đối tác và cố vấn, đặc biệt là những nhà kỹ trị trong bộ máy nhà nước, nếu so sánh với các lãnh đạo Trung Quốc khác. Ông dường như thường chỉ tin tưởng vào kiến thức cũng như linh cảm của chính mình mỗi khi đưa ra quyết định.
"Chúng ta đang nhìn thấy nhiều thứ mới mẻ ở ông Tập", John Delury, tác giả cuốn sách "Tiền tài và Quyền lực" viết về lịch sử Trung Quốc hiện đại, bình luận. "Chưa bao giờ có một khoảng cách lớn như thế giữa người lãnh đạo và các quan chức dưới quyền".
Bonnie S.Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chia sẻ bà cảm thấy vô cùng bất ngờ trước việc các quan chức Mỹ nói chuyện với đối tác Trung Quốc nhưng "không thể thực sự chắc chắn thông điệp sẽ được chuyển tới ông Tập Cận Bình".
Dù vậy, ông Tập vẫn sở hữu khoảng 22 nhóm nhỏ luôn sẵn sàng hỗ trợ mình. Họ là những hội đồng chính sách với nhiệm vụ xem xét mọi vấn đề từ kinh tế tới an ninh mạng. Chủ tịch Tập còn thành lập một Ủy ban An ninh Quốc gia, nhóm bí mật có chức năng phối hợp chính sách an ninh để bảo vệ đảng trước mọi mối đe dọa từ cả bên trong và bên ngoài.
Thân tín
Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc. Ảnh:Bloomberg
Một số chính trị gia Trung Quốc khẳng định ông Tập vẫn có những thân tín của riêng mình. Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Vương Kỳ Sơn là một người như vậy. Ông là một trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, hiện giữ trọng trách chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng quy mô "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập khởi xướng.
Ông Lưu Hạc, 63 tuổi, nhà kinh tế có bằng thạc sĩ từ Đại học Seton Hall và Harvard, cũng là người mà ông Tập thường tìm kiếm tư vấn, New York Times dẫn một nguồn tin nội bộ ở Bắc Kinh cho biết. Lưu đứng đầu nhóm chuyên trách các vấn đề tài chính - kinh tế của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Lật Chiến Thư, 65 tuổi, Chánh Văn phòng Trung ương đảng, dường như là người thân cận hơn cả. Từ năm 1983 đến 1985, ông Lật là bí thư huyện ủy huyện Vô Cực, tỉnh Hà Bắc, trong khi ông Tập khi đó làm bí thư huyện ủy Chính Định, một huyện "hàng xóm" với ông Lật.
Với tư cách Chánh Văn phòng Trung ương đảng, ông Lật phụ trách mọi vấn đề liên quan đến ông Tập. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường lối chính sách và ngoại giao. Hồi tháng ba, ông được cử tới Moscow để gặp Tổng thống Vladimir Putin nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập tới Nga hai tháng sau đó. Nhiệm vụ này dưới thời các chủ tịch Trung Quốc khác thường thuộc về Ủy viên Quốc vụ.
Hai người "rất coi trọng nhau" và "thường cùng uống rượu", một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Ông Tập cũng thường xuyên được nhận hỗ trợ từ những người thân cận là thành viên trong gia đình hoặc con cháu, họ hàng của các lãnh đạo đảng trước đây. Trong số này có tướng Lưu Nguyên, 64 tuổi, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc, con trai cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.
Lưu Nguyên là người góp phần thúc đẩy cuộc truy quét tham nhũng trong quân đội được Chủ tịch Tập khởi xướng. Lưu bắt đầu sự nghiệp từ một quan chức dân sự ở Hà Nam sau đó vươn lên trở thành phó chủ tịch tỉnh trước khi chuyển sang hoạt động trong ngành quân đội với hàm thiếu tướng.
Ông Lưu luôn chỉ trích mạnh mẽ nạn tham nhũng trong quân đội. Ông cũng là quan chức quân đội đầu tiên dám thách thức quyền lực của tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Trung Quốc, và tướng Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đây là hai "hổ lớn" bị vây bắt trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập.
"Ông Lưu có vai trò rất quan trọng", Christopher K. Johnson, chuyên gia về Trung Quốc thuộc CSIS, nhận xét. "Ông ấy duy trì một quan điểm mạnh mẽ với Mỹ, không quá thân thiện."
Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc. Ảnh: CFP
Vũ Hoàng
Theo VNE
Người 'giữ cửa' của Chủ tịch Tập Cận Bình Ông có tên trong danh sách khách mời quốc yến mà Tổng thống Mỹ dành cho Chủ tịch Trung Quốc và là 1 trong số chỉ 4 quan chức thân tín nhất Chủ tịch Tập Cận Bình đưa theo trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ. Đinh Tiết Tường là 1 trong số chỉ 4 quan chức thân tín nhất Chủ tịch Tập Cận...