Những trở ngại trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 của châu Phi
Vaccine ngừa COVID-19 được coi là giải pháp nhanh chóng chấm dứt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vaccine ở châu Phi vẫn khan hiếm do việc tiếp cận vaccine ở châu lục này gặp trở ngại bởi tình trạng tích trữ vaccine ở các nước giàu, lệnh cấm xuất khẩu và những cam kết “suông”.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tunis, Tunisia. Ảnh: THX/TTXVN
Gần 6 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối trên toàn cầu, song chỉ 2% trong số này đến được châu Phi. Mặc dù sự bùng phát của biến thể Delta đã khiến số ca bệnh gia tăng ở châu Phi, song châu lục này không ghi nhận tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao như ở nhiều nước châu Âu. Châu Phi với 1,3 tỉ dân đã ghi nhận gần 8,2 triệu ca mắc và 206.000 ca tử vong trong khi ở châu Âu, 1,2 triệu người mắc COVID-19 đã thiệt mạng. Tuy nhiên, châu lục này cũng bị tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng ngừa COVID-19. Chỉ 3,6% dân số đủ điều kiện tiêm chủng ở châu lục này đã tiêm phòng trong khi tỉ lệ trung bình này ở châu Âu và Anh là hơn 60%.
Các nước châu Phi có thể tiếp cận vaccine bằng cách mua trực tiếp từ hãng sản xuất hoặc được các nước giàu viện trợ thông qua cơ chế COVAX được thành lập nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Nhóm đặc trách mua sắm vaccine COVID-19 (AVATT) của Liên minh châu Phi (AU) cũng mua vaccine cho các nước thành viên. Tuy nhiên, cả COVAX và AVATT đều bị hạn chế bởi các nước sản xuất vaccine, trong đó có Ấn Độ.
Video đang HOT
Ví dụ, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine của hãng AstraZeneca khi nước này đương đầu với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng vào đầu năm nay. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vaccine cũng dành ưu tiên cho các hợp đồng song phương với từng nước riêng rẽ, khiến cho các nước châu Phi lúc nào cũng là những nước cuối cùng. Điều này có nghĩa nhiều quốc gia châu Phi ngày càng phụ thuộc vào vaccine do các nước giàu viện trợ. Tuy nhiên, những nước này chỉ viện trợ cho những nước nghèo khi dư thừa vaccine.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 57 triệu liều vaccine đã được các chính phủ và công ty ty nhân viện trợ cho các nước châu Phi, chiếm khoảng 3/4 trong tổng số 77,5 triệu liều mà các nước này cam kết.
Các nước phương Tây đã cam kết tặng vaccine cho châu Phi. Hồi tháng 6 vừa qua, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết viện trợ hàng trăm triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn, song phần lớn số vaccine theo cam kết vẫn chưa được phân phối tới các nước nghèo.
Theo số liệu của UNICEF, Mỹ đến nay là nước viện trợ vaccine nhiều nhất, với 31,5 triệu liều, tiếp đó là đến Trung Quốc với 6,8 triệu liều, Anh 5,3 triệu liều và Pháp với 4,5 triệu liều.
Các nhà vận động đã kêu gọi các hãng dược phẩm bãi bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID để các nước nghèo có thể tự sản xuất vaccine, điều đến nay, chưa có hãng dược phẩm nào đồng ý.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia hy vọng rằng cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần này sẽ giải quyết bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine đang khiến nhiều quốc gia ở châu Phi bị tụt lại đằng sau.
Bloomberg: Mỹ dự kiến mua thêm 500 triệu liều vaccine để tài trợ cho các nước
Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đàm phán mua thêm 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) để tài trợ cho các nước khác.
Theo nguồn tin, một thỏa thuận có thể được công bố trong những ngày tới.
Vaccine ngừa COVID-19 được phân phối theo cơ chế COVAX tại làng Salem, phía đông thành phố Nablus, Bờ Tây, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Toàn bộ số vaccine trên sẽ được phân phối theo cơ chế COVAX - chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có trụ sở tại Geneva hậu thuẫn cùng với Liên minh vaccine GAVI nhằm đảm bảo vaccine ngừa COVID-19 được phân phối công bằng trên toàn cầu, đặc biệt hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình. Nhà Trắng dự kiến sẽ công bố về thỏa thuận trước thềm một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về COVID-19 vào ngày 22/9 dưới dạng trực tuyến bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tại hội nghị này, Tổng thống Mỹ Biden được dự kiến sẽ kêu gọi tập trung vào việc tài trợ vaccine cho các nước nghèo.
Với thỏa thuận đang đàm phán trên, Mỹ sẽ nâng mức tài trợ lên hơn 1,15 tỷ liều vaccine cho chương trình tiêm chủng toàn cầu. Hồi tháng 8, Mỹ có thỏa thuận tương tự với Pfizer và tập đoàn này đã chuyển vaccine cho COVAX. Tuy nhiên, nguồn vaccine từ các nước tài trợ cho COVAX đã giảm trong thời gian qua.
Giới chuyên gia ước tính cần khoảng 11 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho cả thế giới để đạt độ bao phủ vaccine.
WHO cảnh báo châu Phi thành 'lò ấp' biến chủng nCoV Các khu vực ở châu Phi nguy cơ trở thành nơi sinh sôi các biến chủng kháng vaccine Covid-19 do thiếu hụt vaccine và tỷ lệ tiêm chủng thấp. "Sự bất bình đẳng đáng lo ngại và chậm trễ nghiêm trọng trong các lô vaccine có nguy cơ biến các khu vực ở châu Phi thành nơi sinh sôi biến chủng kháng vaccine....