Những trận khai hỏa khủng khiếp của tên lửa chống hạm
Ngày 21/10/1967, 4 quả tên lửa chống hạm P-15 Termit phóng từ các tàu tên lửa Projekt 183R Komar của Ai Cập đã đánh đắm tàu khu trục INS Eilat của Hải quân Israel. Đây là lần đầu tiên sử dụng thực chiến thành công tên lửa hành trình chống hạm trong lịch sử hải quân thế giới, đánh dấu một cuộc cách mạng thực sự trong chiến lược hải quân và sự phát triển vũ khí tên lửa thế giới.
Tên lửa chống hạm khai hỏa.
Tên lửa hành trình chống hạm, loại vũ khí khủng khiếp trong chiến tranh hải quân hiện đại, xuất hiện cách đây không lâu lắm, mặc dù ý tưởng chế tạo các phương tiện bay không người lái dùng để tiêu diệt tàu địch đã xuất hiện từ thời Thế chiến II. Vũ khí chống hạm chuyên dụng đầu tiên do người Đức chế tạo ra. Vào năm 1943, họ đã sử dụng thành công bom liệng/tên lửa Henschel Hs 293.
Sau đó, quyền chủ động trong nghiên cứu chế tạo tên lửa hành trình chống hạm chuyển sang tay Liên Xô trong một thời gian dài. Kể từ thập niên 1940, các nghiên cứu tiên phong đã được tiến hành trên hướng này ở Liên Xô, tại Viện thiết kế Raduga dưới sự lãnh đạo của công trình sư trưởng A. Ya. Bereznyak.
Vào giữa thập niên 1950, Viện Raduga đã phát triển thành công tên lửa hành trình chống hạm đầu tiên trên thế giới P-15 Termit (4K40), còn NATO gọi là SS-N-2 Styx, loại tên lửa đã làm nên một cuộc cách mạng thực sự trong chiến lược hải quân.
P-15 Termit có trọng lượng 2.125 kg, được lắp động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình tên lửa nhiên liệu lỏng, phần chiến đấu chứa 375 kg thuốc nổ và thậm chí đã dự tính cả khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân. Đầu tự dẫn hồng ngoại Kondor hoạt động ở giai đoạn bay cuối, bảo đảm cho tên lửa bắn trúng tàu mục tiêu ở cự ly đến 40 km.
Sau nhiều lần thử nghiệm, tên lửa chống hạm P-15 Termit đã được nhận vào trang bị của Hải quân Liên Xô vào năm 1960. P-15 đã được trang bị cho các tàu khu trục, tàu chống ngầm và các tàu tên lửa thiết kế riêng như các tàu tên lửa nhỏ lớp Projekt 183-R Komar và Projekt 205 Osa.
Đánh chìm tàu khu trục INS Eilat
Ngày 21/7/1967, tàu khu trục INS Eilat cùng 199 thành viên thủy thủ đoàn đang thực hiện chuyến tuần tra dọc bờ biển bán đảo Sinai mà người Israel chiếm được của Ai Cập trong cuộc chiến tranh sáu ngày vào tháng 6/1967.
Eilat từng có quá khứ chiến trận lẫy lừng. Được hạ thủy tại Anh vào năm 1943, với cái tên HMS Zealous trong biên chế Hải quân Hoàng gia Anh, tàu đã tham gia áp tải các đoàn tàu vận tải ở Bắc Cực, chuyên chở vũ khí và quân dụng đến cảng Murmansk của Liên Xô.
Tàu khu trục INS Eilat của Hải quân Israel. Ảnh: weaponscollection.com
Năm 1955, Israel đã mua lại tàu khu trục này từ nước Anh. Với tên gọi INS Eilat, tàu được đưa vào biên chế Hải quân Israel. Ngày 31/10/1956, trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, Eilat đã xuất sắc lập công khi xông vào đánh cận chiến và bắt sống tàu khu trục Ibrahim el Awal của Ai Cập khi tàu này dại dột mò vào gần cảng Haifa của Israel để pháo kích. Đây là trận đánh chưa từng có trong lịch sử hải quân hiện đại.
Hồi đó, các thủy binh Israel đã đổ bộ lên boong tàu chiến Ai Cập, bắt thủy thủ đoàn làm tù binh và dẫn tàu này về cảng Haifa. Không lâu sau, tàu khu trục Ibrahim el Awal bị chiếm giữ đã được đưa vào biên chế Hải quân Israel với tên gọi Haifa.
Vào tháng 7/1967, Eilat đã dùng hỏa lực pháo bắn chìm 2 tàu phóng lôi Ai Cập.
Nhưng lần này, may mắn đã quay lưng với chiếc khu trục Israel.
Video đang HOT
Chiều 21/10/1967, trong chuyến tuần tra, Eilat chạy dọc bờ biển phía bắc bán đảo Sinai, tiến lại gần cảng Port Said của Ai Cập và nhanh chóng bị một đài radar Ai Cập phát hiện.
Thuyền trưởng Eilat, trung tá Yitzhak Shoshan chỉ lo ngại tàu ngầm nên cho tàu cơ động dích dắc để đối phó với tàu ngầm. Ban đầu, ông thậm chí không để ý đến 2 tàu nhỏ đang tuần tra trên biển mà radar phát hiện được.
Vào hồi 17 giờ 25 phút, khi tàu Eilat ở cách Port Said khoảng 14 hải lý, một tàu tên lửa Komar của Ai Cập đang ở trong bến cảng Port Said đã phóng đi quả tên lửa chống hạm P-15 đầu tiên.
Lúc đó, Eilat đang chạy theo hướng ngược lại theo lệnh của thuyền trưởng. Sau khi phát hiện tên lửa, thuyền trưởng hạ lệnh báo động và lại cho tàu chạy dích dắc, đồng thời cho các pháo tự động 40 mm bắn ào ạt vào các tên lửa đang bay tiếp cận, nhưng vô ích. Các tên lửa kiên trì bám theo con tàu.
Tàu tên lửa lớp Komar của Ai Cập đang phóng tên lửa P-15. Ảnh: raspletin.ru
Quả P-15 đầu tiên bắn trúng mạn tàu ở gần khoang máy của chiếc tàu khu trục Israel. Bốn phút sau, quả thứ hai đánh trúng mạn trái tàu Eilat, chỗ khoang nồi hơi. Dù tàu bị thương nặng, thuyền trưởng tàu Eilat, trung tá Yitzhak Shoshan dẫn đầu thủy thủ đoàn đã kiên cường tranh đấu vì sự sống của con tàu. Bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng cứu tàu của thủy thủ đoàn, Eilat bắt đầu chìm.
Nhưng vào hồi 19 giờ 40, tàu lại bị quả P-15 thứ ba đánh trúng phần mũi. Eilat bùng cháy, đạn dược trên tàu bắt đầu phát nổ. Chiếc tàu khu trục vỡ đôi và chìm nhanh.
Thuyền trưởng Shoshan hạ lệnh cho thủy thủ đoàn rời con tàu đang chìm. Nguy hại nhất cho thủy thủ đoàn tàu Eilat là quả P-15 thứ tư khi nó nổ trong nước, giữa các xuồng và bè cứu sinh khi mà thân con tàu Eilat đã gần như biến mất dưới mặt nước. Do sóng thủy động, nhiều thủy binh Israel đang ở trên các phương tiện cứu hộ đã bị thiệt mạng.
Cuộc tấn công tên lửa đã làm chết 47, bị thương 91 người, kể cả thuyền trưởng Yitzhak Shoshan, trong tổng cộng 199 thủy binh thủy thủ đoàn.
Tham gia chiến dịch cứu nạn kéo dài gần 20 giờ dưới mưa đạn của quân Ai Cập có các trực thăng, tàu phóng lôi Israel và họ đã cứu thoát được những thủy binh còn sống sót và lượm được xác của những người đã hy sinh.
Đánh chìm tàu khu trục Eilat là trường hợp đầu tiên sử dụng thành công tên lửa hành trình chống hạm trong lịch sử hải quân thế giới. Nó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong chiến lược hải quân và trong sự phát triển vũ khí hải quân.
Sự kiện này đã trở thành cú sốc mạnh đối với chuyên gia hải quân nhiều nước. Ngay sau đó Mỹ và phương Tây lao vào cuộc đua tên lửa chống hạm và tàu tên lửa.
Trận giao đấu giữa các tên lửa chống hạm P-15 và Gabriel
Israel rất đau xót vì tổn thất tàu Eilat. Hải quân Israel quyết định phát triển một loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng vô hiệu hóa P-15.
Vào năm 1970, Hải quân Israel đã nhận vào trang bị tên lửa hành trình chống hạm Gabriel. Tuy nhiên, xét về tính năng chiến-kỹ thuật, Gabriel thua xa đối thủ P-15 vì chỉ có tầm bắn không quá 20 km và mang phần chiến đấu chỉ nặng có 180 kg.
Các thủy binh Israel trong trận đánh ở Latakia. Ảnh: haaretz.co.il
Nhưng các nhược điểm đó đã được bù đắp phần nào bởi các phương tiện tác chiến điện tử lắp trên các tàu chiến Israel. Các phương tiện đó có khả năng gây nhiễu đối với các hệ dãn tên lửa Liên Xô và làm chúng bay chệch mục tiêu đã định.
Trận đánh đầu tiên trong lịch sử hải quân thế giới mà các bên đối kháng đều sử dụng tên lửa hành trình chống hạm đã xảy ra trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, vào ngày 6/10/1973.
Chỉ hai giờ sau khi chiến tranh bùng nổ, vào hồi 17 giờ 00, ngày 6/10, một biên đội tàu tên lửa dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Michael Barkai đã rời căn cứ hải quân ở Haifa và chạy nối đuôi nhau thành hai hàng dọc tiến đến cảng Latakia của Syria với ý định tấn công cảng này.
Tàu tên lửa INS Chamak (K95) của Hải quân Ấn Độ phóng một tên lửa P-15 Termit. Ảnh: Wikipedia
Biên đội tàu Israel gồm 5 tàu tên lửa: Miznak, Ga’ash, Hanit, Mivtach và Reshef đều trang bị tên lửa chống hạm Gabriel.
22 giờ 28, biên đội tàu Israel bước vào giao chiến với tàu phóng lôi K-123 của Syria đang cảnh giới cách cảng Latakia 50 km. Tàu chiến Israel dùng pháo 76 mm bắn vào tàu K-123 từ cự ly 10 km làm tàu này bị thương, nhưng đồng thời hoạt động của biên đội tàu Israel cũng bị đối phương phát hiện.
Để tàu tên lửa Hanit ở lại đánh tiếp tàu K-123 đã bị thương, Đô đốc Barkai quyết định chạy thẳng tới Latakia mà không thực hiện các thao tác cơ động phức tạp để đánh lừa radar địch.
Phía Syria cũng lập tức phản ứng với sự tiếp cận của biên đội tàu tên lửa Israel. Tàu quét lôi Yarmuk của Syria đang tuần tra các tuyến tiếp cận căn cứ hải quân Syria nhận được lệnh khẩn cấp chạy về Latakia dưới sự bảo vệ của các khẩu đội pháo. Nhưng tàu Yarmuk đã không kịp chạy xa, nó đã bị 2 quả tên lửa Gabriel phóng từ tàu tên lửa Reshef của Israel đánh chìm.
Ba tàu tên lửa Syria gồm 2 tàu lớp Komar và 1 tàu lớp Osa xuất phát từ Latakia lao nhanh tới chặn đánh biên đội tàu Israel.
Trên màn hình các radar Israel nhanh chóng xuất hiện 6 đốm sáng đang tiến gần lại rất nhanh – đó là 6 quả tên lửa P-15 được phóng từ các tàu tên lửa Syria.
Để đối phó với P-15, các thủy thủ Israel lập tức dùng đến hệ thống chế áp điện tử làm cho các radar trên các tàu Syria và các hệ dẫn tên lửa P-15 bị hỗn loạn. Tất cả các tên lửa P-15 đều nổ tung phía sau đuôi các tàu tên lửa Israel.
Các tàu chiến Israel thần tốc tiếp cận các tàu địch để vào tuyến phóng tên lửa Gabriel. Hồi 23 giờ 30, các tàu Israel phóng đi các quả tên lửa, đánh đắm 1 tàu Osa và 1 tàu Komar, còn 1 tàu tên lửa Syria còn lại bị thương và cố gắng bỏ chạy, nhưng lại bị mắc cạn ở ven bờ.
Tên lửa chống hạm của Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận.
Bất chấp hỏa lực của các khẩu đội pháo bờ biển Syria, tàu tên lửa Miznak của Israel vẫn tiếp cận cách tàu tên lửa Syria bị mắc cạn 1 km. Vào hồi 00 giờ 20, con tàu Syria cuối cùng này đã bị tàu Miznak dùng pháo bắn trực diện tiêu diệt.
Trận đánh đầu tiên trong lịch sử hải quân mà các bên tham chiến đều sử dụng tên lửa hành trình chống hạm đã diễn ra như vậy.
Như vậy, trận đánh đầu tiên của P-15 cho thấy vai trò của tên lửa chống hạm trong hải chiến hiện đại. Còn trận đánh Latakia, nơi lần đầu tiên trong lịch sử hải quân hai bên tham chiến đều sử dụng tên lửa chống hạm, lại khẳng định vai trò quyết định vẫn là yếu tố con người, trí tuệ sáng tạo, tinh thần dũng cảm và sự táo bạo có thể bù đắp cho những thua sút về vũ khí.
Theo Vietnamdefence
Nguồn gốc tên lửa hành trình của Triều Tiên
Sự xuất hiện của tên lửa chống hạm mới trên màn ảnh truyền hình Triều Tiên, có bề ngoài giống tên lửa 3M24 Uran (Kh-35) của Nga, đã làm xôn xao giới chuyên gia quân sự châu Á.
Sự xuất hiện tên lửa hành trình chống hạm mới của Triều Tiên đã gây ra nhiều đồn đoán.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, Kh-35 là loại tên lửa hành trình có hiệu quả và độ chính xác cao, có thể vượt qua hệ thống phòng không trên nhiều tàu chiến hiện đại. Tuy nhiên, theo chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga), sự xuất hiện của loại vũ khí này ở miền bắc Triều Tiên đang gây ra rất nhiều nghi vấn.
Tin tức cho hay, với loại tên lửa hành trình chống hạm này, Bình Nhưỡng có thể sở hữu một phương tiện hiệu quả tấn công tàu chiến nổi ở khoảng cách xa đáng kể từ bờ biển. Một số phiên bản của Kh-35 có tầm bắn trên 260 km. Cho đến nay, Triều Tiên mới sở hữu các phiên bản khác nhau của tên lửa P-15 có từ thời Liên Xô cũ và đã lỗi thời.
Về nguyên tắc, Kh-35 có thể trở thành xuất phát điểm cho việc chế tạo các tên lửa hành trình tầm xa và tiêu diệt cả mục tiêu mặt đất. Đây sẽ là thông tin xấu đối với Hàn Quốc. Những dự án tương tự (chế tạo tên lửa hành trình tầm trung trên cơ sở tên lửa chống hạm) đã được thực hiện từ lâu và khá thành công ở Đài Loan.
Vấn đề mấu chốt là nguồn gốc công nghệ của tên lửa hành trình Triều Tiên. Nga chưa bao giờ bán tên lửa hành trình Kh-35 cho Triều Tiên. Loại vũ khí này được bắt đầu đưa vào sản xuất giữa những năm 1990. Khách hàng chủ chốt là Ấn Độ. Tiếp đến có thêm một số quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam và Algeria. Hợp đồng bán các tên lửa này cho Triều Tiên không vi phạm chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa, nhưng trái với lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc. Kể cả không có lệnh trừng phạt, Triều Tiên cũng khó đủ nguồn lực tài chính để mua loại vũ khí tương tự.
Nói đúng ra, thế giới chẳng hề biết gì về khả năng thực sự của tên lửa hành trình Triều Tiên. Nếu là vũ khí tương tự Kh-35, tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn tự dẫn với khả năng chống nhiễu cao, nắm bắt mục tiêu ở cự ly 20 km. Những ưu điểm khác của Kh-35 là động cơ phản lực hiệu quả, cao độ kế vô tuyến siêu chuẩn cho phép tên lửa bay ở độ cao 10-15 mét cách mặt biển và một loạt hệ tiên tiến khác. Triều Tiên không thể chế tạo những thành tố được nêu, nếu không có khả năng tiếp cận cơ sở điện tử, các vật liệu đặc biệt. Triều Tiên cũng không thể tự mày mò thiết kế và sản xuất các thành phần tên lửa này, nếu thiếu sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Một việc làm không khó là tham khảo dữ liệu thiết kế tổng thể và khung tên lửa Kh-35 qua một trong các nước đang phát triển đã đặt mua hệ thống này.
Có thể giả định rằng tên lửa của Triều Tiên được các chuyên gia trong nước thiết kế dựa trên những thông tin sẵn có về kết cấu Kh-35 và công nghệ mang nguồn gốc Trung Quốc, qua con đường Iran. Hiện nay, Iran đã sản xuất cấp phép ít nhất 4 loại tên lửa chống hạm của Trung Quốc, trong đó có YJ-82 cùng lớp với Kh-35.
Bị cô lập chặt bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, để nắm bắt các công nghệ vũ khí hiện đại, Triều Tiên buộc phải đi đường vòng và không phải lúc nào cũng hợp pháp. Mặt khác, như được biết là trong vài thập kỷ qua một số dự án kỹ thuật thành công và đầy tham vọng của Triều Tiên đã được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ cùng đối tác quốc tế. Đó thường là Iran và Pakistan, những nước sở hữu không ít chương trình tham vọng về sản xuất vũ khí và cũng ở trong tình trạng tương đối bị cô lập về kỹ thuật quân sự.
Có thể viện dẫn một trong các chương trình hợp tác triển vọng như tổ hợp tên lửa phòng không mới KN-06 của Triều Tiên và một số tên lửa đạn đạo, đặc biệt là tên lửa Musudan. Cách đây không lâu, Triều Tiên đã bắt đầu sản xuất pháo hải quân tự động 76mm - bản sao của OTO Melara (Italy). Theo các nhận định, Triều Tiên nắm được tài liệu liên quan từ phía Iran, là quốc gia đã sử dụng hệ thống tương tự trong nhiều thập kỷ qua.
Theo Đời sống và Pháp luật Online
Nhật Bản trang bị tên lửa chống hạm cho đơn vị ở Hoa Đông Đối mặt với sự mở rộng tiềm tàng của hải quân Trung Quốc tại Hoa Đông, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản có kế hoạch trang bị tên lửa chống hạm hiện đại nhất cho một đơn vị ở tây nam nước này, hãng tin JNN của Nhật cho biết. Bệ phóng di động cho tên lửa chống hạm Type 12...