Những toan tính thất bại của Bắc Kinh?
Dù Bắc Kinh hi vọng đạt được điều gì qua việc triển khai giàn khoan thì dầu mỏ, lợi thế lãnh thổ, hay các lợi ích chiến lược dài hạn, tất cả đều không đem lại kết quả.
Dù đánh giá bằng bất kỳ thước đo nào, chuyến phiêu lưu khoan dầu gần đây trên biển Đông của Trung Quốc cũng đều là thảm họa. Không có chút dầu mỏ mới nào đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, nước này không chiếm được vùng lãnh thổ mới trên biển, và lợi thế khu vực lại rơi vào tay Hoa Kỳ.
Tình đoàn kết ASEAN được giữ vững và vị thế của các phe nhóm “thân Bắc Kinh” ở các nước đã bị suy yếu nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ Trung Quốc thiếu năng lực trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Làm thế nào mọi chuyện đều đi chệch hướng như vậy?
Có phải vì dầu khí?
Chúng ta không thể biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc hi vọng đạt được điều gì khi họ phê chuẩn việc triển khai giàn khoan dầu lớn nhất đất nước cùng một hạm đội nhỏ các tàu bảo vệ vào vùng biển như vừa rồi.
Hành động này có vẻ không đơn thuần chỉ là một nỗ lực tìm nguồn dầu khí. Có rất nhiều địa điểm tốt hơn để tiến hành thăm dò. Ngày 19 tháng Ba, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thông báo họ đã tìm ra một mỏ khí cỡ vừa nằm trong vùng biển không tranh chấp gần đảo Hải Nam. Việc khai thác mỏ này đã bị trì hoãn trong khi chuyến phiêu lưu trên Quần đảo Hoàng Sa diễn ra về phía nam.
Hai khu vực mà giàn khoan khổng lồ thăm dò không phải là nơi có triển vọng cao về dầu khí.
Một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ năm 2013 cho thấy tiềm năng năng lượng trong khu vực Quần đảo Hoàng Sa là thấp. Quan trọng là CNOOC, công ty khai thác ngoài khơi nhiều kinh nghiệm nhất của Trung Quốc, lại không dính dáng đến cuộc thăm dò này. Mặc dù một công ty con của CNOOC là Công ty Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc (COSL) vận hành giàn khoan, nhưng toàn bộ hoạt động lại nằm dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), vốn có ít kinh nghiệm hơn về thăm dò dầu khí trên biển Đông.
Hải Dương 981 kết thúc nhiệm vụ trước thời hạn một tháng khi phải đối mặt với siêu bão Rammasun sắp tới. CNPC tuyên bố rằng giàn khoan đã tìm thấy dầu khí, nhưng không cụ thể về chi tiết và số lượng. Gần như chắc chắn ở đó sẽ không diễn ra hoạt động khai thác thương mại vì cả lý do kỹ thuật cũng như chính trị. Hành động này không thực sự là vì dầu khí.
Video đang HOT
Những thất bại của Bắc Kinh
Một động cơ có thể được loại trừ một cách an toàn. Chúng ta biết hành động này không phải là một nỗ lực nhằm khuấy động tinh thần yêu nước của nhân dân Trung Quốc bởi lẽ, theo nhà nghiên cứu người Úc Andrew Chubb, tin tức về các vụ đụng độ giữa các tàu bảo vệ giàn khoan với cảnh sát biển Việt Nam không được công khai với giới truyền thông Trung Quốc hàng tuần sau đó.
Tuy nhiên, cũng có thể có một mục đích chính trị khác. Một hoạt động với tầm cỡ như vậy chắc hẳn phải được hoạch định cụ thể và được phê duyệt ở cấp cao nhất. Chính quyền Trung Quốc thông báo giàn khoan đã đến vị trí vào ngày 03 tháng 5, đúng một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo lịch sẽ được tổ chức tại Myanmar. Có lẽ Bắc Kinh hy vọng sẽ lặp lại thành công như tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Phnom Penh hồi tháng 7 năm 2012.
Nếu như Trung Quốc hi vọng sẽ đạt được điều tương tự đối với vấn đề Quần đảo Hoàng Sa thì hiệu quả lại hoàn toàn ngược lại. ASEAN với hình ảnh khối đoàn kết thống nhất đã cùng nhau tiến tới một tuyên bố chung, với mục đích yêu cầu Trung Quốc phải nhượng bộ. Lần đầu tiên tổ chức này đưa ra lập trường cụ thể về vấn đề Quần đảo Hoàng Sa – vốn thuần túy là một tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam (không như tranh chấp trên Quần đảo Trường Sa gây ảnh hưởng đến năm nước ASEAN, trong đó có Indonesia). Andrew Chubb lập luận rằng việc bày tỏ tình đoàn kết một cách thầm lặng như thế này gây ảnh hưởng đến Bắc Kinh nhiều hơn những tuyên bố ồn ã đến từ Washington.
Một số nhà bình luận gợi ý màn diễn này có thể là một ví dụ cho sách lược “cắt lát salami” – một tiến trình từng bước chiếm đóng các vùng nước nhỏ trên biển Đông mà không thu hút quá nhiều sự chú ý. Nhưng nếu đây là một mục đích thì nó cũng thất bại bởi lẽ một lần nữa, với sự rút lui của giàn khoan, vùng nước này lại bị bỏ trống. “Lát cắt” lại trở về với khúc salami. Bộ Chính trị có thể cho rằng một tuyên bố mạnh mẽ về kiểm soát trên biển sẽ củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, nhưng phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam cũng là một bằng chứng có giá trị tương đương rằng nước này bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Nhà phân tích người Australia, ông Hugh White, lập luận rằng mục đích của Trung Quốc trong việc kích động cuộc xung đột như vậy là nhằm cố tình kéo dãn và làm suy yếu các mối quan hệ an ninh ràng buộc Hoa Kỳ với Đông Nam Á. “Bằng cách đối đầu với bạn bè của Mỹ bằng vũ lực” ông nói, “Trung Quốc thách thức Mỹ phải lựa chọn giữa việc bỏ rơi bạn bè của mình và gây chiến sự với Trung Quốc. Bắc Kinh đang đánh cược rằng, khi đối mặt với lựa chọn này, Mỹ sẽ thoái lui và để mặc các đồng minh và bạn bè mất đi sự hậu thuẫn. Điều này sẽ làm suy yếu các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ, cũng như hạ thấp sức mạnh của Mỹ ở châu Á, và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc”.
Màn diễn này là một minh chứng tốt cho vấn đề một mình đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kích động cuộc đối đầu này, Bắc Kinh đã gặt lấy điều trái ngược.
Nhà phân tích Zachary Abuza đã cho chúng ta một miêu tả rõ ràng khác: “Một cuộc họp trong tháng Sáu năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí lên án Trung Quốc gây hấn và xâm lược”. Cuối tháng Bảy, uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã thực hiện một chuyến thăm đáng chú ý tới Hoa Kỳ theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này.
Tóm lại, dù Bắc Kinh hi vọng đạt được điều gì qua việc triển khai giàn khoan – dầu mỏ, lợi thế lãnh thổ, hay các lợi ích chiến lược dài hạn – thì đều không đem lại kết quả. Chúng ta có thể giải thích sự thất bại về chính sách đối ngoại này như thế nào? Tôi nghĩ màn diễn này cho thấy chính sách về biển Đông của Trung Quốc là sự phản ánh những ưu tiên nội bộ hơn là một chính sách ngoại giao được cân nhắc. Tóm lại, biển Đông đã trở thành một vùng lợi ích khổng lồ để một số tỉnh, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc xâu xé.
Còn nữa
Theo Nguyễn Huy Hoàng
Vietnamnet/National Interest
Nga - phương Tây trả đũa thương mại: "Trạng chết, Chúa cũng băng hà"
Các lợi ích đan xen về kinh tế khiến EU và Mỹ "trừng phạt hình thức" và "có chọn lọc" đối với Nga.
Hậu Crimea sáp nhập Nga và sự biến Máy bay MH17 bị bắn rơi tại Ucraina, Mỹ và Phương Tây thay nhau đổ lỗi cho Nga và lực lượng thân nga. Các tuyên bố áp đặt trừng phạt của EU và Mỹ dường như dồn dập từng ngày. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đặc biệt là từ phía Nga: những lệnh trừng phạt của Mỹ và EU không ảnh hưởng đến Nga và lợi ích của Nga hay nói cách khác: lệnh trừng phạt chỉ có tính chất thủ tục bởi sự phụ thuộc của Châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga hiện rất lớn, các ngân hàng của Châu Âu, Mỹ hoặc bên thứ 3 của Mỹ hoạt động tại Nga khá nhiều, nếu làm mạnh tay chắc chắn "gậy ông đập lưng ông".
Phương Tây: "dè dặt và khéo léo"
Mới đây, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ nhằm vào 3 ngân hàng có trụ sở ở Moskva gồm Ngân hàng Moskva (Bank of Moscow), Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Russian Agricultural Bank) và Ngân hàng VTB. Với lệnh trừng phạt này, 3 ngân hàng của Nga sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ.
Lợi ích đan xen về kinh tế khiến EU và Mỹ "trừng phạt hình thức" và "có chọn lọc" đối với Nga.
Tuy nhiên, phía Nga khẳng định, các ngân hàng này đều hoạt động chủ yếu trong nước và không phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.
Chi tiết các lệnh cấm vận của châu Âu sẽ được công khai trên tạp chí chính thức của EU vào ngày hôm nay (31-7), nhưng các quan ngoại về nhiều vực quan trọng đã bị loại ra do các nước EU đều muốn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong các quan hệ kinh tế, thương mại với Nga.
Cuối tuần trước, châu Âu đã mở rộng lệnh trừng phạt, bổ sung vào danh sách đen 15 cá nhân và 18 tổ chức. Theo The Washington Post (Mỹ) , Mỹ và EU cũng cấm việc xuất khẩu các công nghệ nước sâu, khai thác dầu đá phiến và thám hiểm Bắc Cực sang Nga. Công ty đóng tàu United Shipbuilding Corp (St. Petersburg) cũng nằm trong diện bị trừng phạt.
Tuy nhiên, mới đây Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho rằng các lệnh cấm vũ khí của Mỹ chỉ áp dụng cho các hợp đồng trong tương lai, chứ không phải đang được thực hiện, như việc Pháp bán các tàu chiến trị giá 1,7 tỉ USD cho Nga. Bên cạnh đó, các lệnh cấm vận mới trong ngành khai thác dầu khí có vẻ cũng sẽ không ảnh hưởng tới công ty dầu khí nhà nước Nga Gazprom.
Khí đốt là "vũ khí thương mại" của Nga
Đáp lại hành động trừng phạt của Mỹ và EU, ngày 29-7, Nga tuyên bố họ đang xem xét cấm nhập khẩu gà từ Mỹ và trái cây từ châu Âu, đồng thời điều tra phô-mai của công ty đồ ăn nhanh McDonald vì lý do an toàn.
Bên cạnh đó, các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ và EU như Deloitte, Erns & Young, Pricewaterhouse Coopers, Boston Consulting Group, McKinsey và KPMG cũng đang đứng ngồi không yên khi mới đây một nghị sĩ Nga yêu cầu Chính phủ Nga dừng các hoạt động của họ tại Nga.
Hiện các nước Châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt lớn từ Nga. Chính vì thế, rất nhiều nước Châu Âu đang phải đau đầu khi chọn công ty, hãng và ngành để trừng phạt Nga mà không ảnh hưởng đến mình. Đức có lẽ là quốc gia phản đối trừng phạt Nga sớm nhất bởi khảo sát của báo Đức Handelsblatt cho thấy 2/3 dân Đức phản đối lệnh trừng phạt Nga vì lý do Nga cung cấp cho Đức khí đốt và dầu mỏ lớn.
Nhiều doanh nghiệp lớn ở phương tây đã nhanh chóng e ngại với các lệnh cấm vận này và thông báo hoạt động của mình tại Nga nhằm cảnh báo sớm một hệ quả cho các tập đoàn này nếu trả đũa thương mại được diễn ra. Đặc biệt trong đó có Đức với 6.000 công ty đang làm ăn với Nga. Bên cạnh đó, các tập đoàn như BP (Anh) có 20% cổ phần của hãng năng lượng quốc doanh Nga - Rosneft, Exxon Mobil (Mỹ) cũng đang hỗ trợ Rosneft khai thác dầu mỏ tại Siberia, Shell (Hà Lan) hợp tác với Gazprom trong nhiều dự án dầu khí tại Viễn Đông đã phát đi thông báo họ sẽ có thể là nạn nhân.
Mỹ là nước kêu gọi trừng phạt Nga, nhưng các hãng của Mỹ cũng đang là trở ngại cho chính quyền mạnh tay, bởi Boeing cũng đang nhập khẩu hơn một phần ba titan từ Nga và nếu bị trả đũa, thiệt hại sẽ hàng chục tỷ USD trong tương lai. Unilever cho biết trừng phạt Nga sẽ có ảnh hưởng đến hãng. Tuần trước, McDonald's đã bị cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Nga cho là: "thông số hóa học, vật lý không phù hợp". Hồi tháng 4, McDonald's đã tạm đóng cửa ba cửa hàng tại Crimea, trong khi Nga hiện là thị trường lớn thứ 7 của hãng.
Trong xung đột thương mại, ngân hàng là nạn nhân sớm nhất nếu trừng phạt qua lại xảy ra. Hiện có nhiều ngân hàng EU hoạt động tại Nga với khoản vay dự tính khoảng 155 tỷ USD. Đặc biệt trong số này, Ngân hàng Raiffeisen (Áo) có hiện đang các khoản vay lớn nhất tại Nga lên tới 13 tỷ euro.
Nguyễn Tuyền (tổng hợp)
Theo Dantri
Sự thật vấn đề năng lượng ẩn sau giàn khoan 981-Kỳ 1 Theo ông James Manicom, chuyên gia tại Trung tâm Quốc tế về Cải cách Chính phủ ở Waterloo, Canada, có lẽ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, cái giá phải trả cho những chỉ trích của cộng đồng quốc tế thấp hơn so với nhu cầu thúc đẩy và phát triển năng lực trên biển và nhu cầu khai thác tài nguyên...