Những toan tính phức tạp trước thềm bầu cử Tổng thống Ukraine
Cuộc bầu cử ngày 25/5 tới có thể sẽ là cơ hội quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong bối cảnh xung đột đẫm máu đang diễn ra ở khu đông – nam và nền kinh tế của nước này đang suy thoái nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu phần đông người dân Ukraine có muốn – hay có thể – tham gia bầu cử để chọn ra một tổng thống mới cho một đất nước đang mấp mé bên bờ vực nội chiến hay không.
Nhiều người đã thiệt mạng chỉ trong vòng vài tuần khi quân đội Ukraine thực hiện chiến dịch “chống khủng bố” nhằm vào những người ủng hộ ly khai, những người tự trang bị vũ khí cho mình bằng đủ loại sau khi họ chiếm giữ nhiều trung tâm đô thị và tuyên bố chủ quyền tại các thành phố Donestsk và Lugansk. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới cho rằng phải dùng lá phiếu chứ không phải viên đạn để tháo gỡ cuộc khủng hoảng đã khiến mối quan hệ giữa Moskva và phương Tây suy giảm trầm trọng tới mức như thời Chiến tranh Lạnh.
Thách thức của Ukraine và tính toán của phương Tây
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseni Yaseniuk nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 25/5 tới đây tại tất cả các tỉnh trên cả nước. Ông xác nhận sẽ có khó khăn trong quá trình bỏ phiếu tại một số nơi, nhưng số các địa điểm như vậy không nhiều và nhìn chung sẽ không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Cộng hòa tự xưng Lugansk tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Kiev nếu chính phủ dừng chiến dịch trừng phạt. Ảnh: Itar-tass
Bất chấp sự hỗn loạn, cuộc đua tranh cử tổng thống đã thu hút gần 20 ứng cử viên triển vọng – song không có một gương mặt nào mới trong số này và theo giới phân tích, những tuyên ngôn tranh cử của họ xem ra đều theo chủ nghĩa dân túy tương tự nhau. Nhân vật triển vọng nhất là Petro Poroshenko, nhà tỷ phú về sôcôla từng là bộ trưởng trong chính phủ Yanukovych song đã trở thành nhà tài trợ chính cho cái được gọi là các cuộc biểu tình Maidan chống lại chính phủ này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Poroshenko có thể giành được 30% phiếu bầu, vượt xa cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người được mệnh danh là “Nữ hoàng Cách mạng Cam”, vừa được ra tù hồi tháng 2. Ông Poroshenko đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Nếu được bầu, tôi sẽ xử lý được cuộc khủng hoảng với Nga trong vòng 3 tháng”.
Giới phân tích cho rằng ứng cử viên giành chiến thắng sẽ phải hành động nhanh chóng để thúc đẩy sự hòa giải dân tộc trong tình thế “đi trên dây”, giữa một bên là mong muốn hợp tác gần gũi hơn với EU của nhiều người dân Ukraine và một bên là mối quan hệ căng thẳng với Nga. Tổng thống mới sẽ còn phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn nữa là thực hiện những cải cách khó khăn theo đòi hỏi của gói cứu trợ khổng lồ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra nhằm chống đỡ cho nền kinh tế đang lao đao của Ukraine và đối phó với lời đe dọa của Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt vào đầu tháng 6 tới.
Video đang HOT
Phương Tây coi cuộc bầu cử vào ngày 25/5 tới là cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ những cuộc biểu tình ủng hộ việc hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) song đã chuyển sang thành sự đối đầu lớn hơn sau khi Nga sáp nhập Crimea và những người ủng hộ Nga ở phía Đông nổi dậy cầm lấy vũ khí chiến đấu.
Theo Mikhail Pogrebinsky, một nhà phân tích chính trị và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Xung đột tại Kiev, có một sự thú vị là Ngoại trưởng Mỹ và hàng loạt các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đều quan tâm đến cuộc bầu cử tống thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới. Điều này cho thấy rằng họ thừa nhận chính quyền tự phong ở Kiev là hợp pháp. Nhưng thay vì nỗ lực thúc đẩy Kiev tìm ra giải pháp cho các cuộc biểu tình ở khu vực đông, nam Ukraine, trọng tâm của các nhà ngoại giao trên lại đang tập trung tìm cách hợp pháp hóa một chính phủ thân phương Tây, để sau đó có thể chính thức đàn áp các cuộc biểu tình và tạo cơ hội đối phó với Nga.
Tại một cuộc họp báo chung gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nếu Nga phá vỡ cuộc bầu cử ngày 25/5 của Ukraine thì “việc có thêm các lệnh trừng phạt là không tránh khỏi”. Tuy nhiên các lệnh trừng phạt mới có thể chỉ là gia tăng các biện pháp hiện nay chứ không phải là nhằm trực tiếp vào ngành kinh tế chủ đạo của Nga, như các lệnh trừng phạt áp dụng với Iran. Sau đó, phát biểu ngày 20/5 tại phiên thảo luận của nhóm nghị sĩ liên đảng bảo thủ trong Quốc hội Đức, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh thái độ của Nga đối với kết quả cuộc bầu cử vào 25/5 tới ở Ukraine có ý nghĩa quyết định. Bà bày tỏ hy vọng Moskva sẽ chấp thuận kết quả cuộc bầu cử này.
Xe tăng và binh sĩ Ukraine đứng chốt tại một trạm kiểm soát ở Mariupol. Ảnh: Itar-tass
Phản ứng của Nga
Tuy nhiên, nhằm loại bỏ những tham vọng của phương Tây ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin có thể sẽ không chấp nhận một cuộc bầu cử do chính phủ tạm quyền ở Kiev tiến hành. Ngày 21/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ rất khó để Nga xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo Ukraine lên nắm quyền vào thời điểm căng thẳng gia tăng và thể hiện sự nghi ngờ tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống dự kiến được tiến hành tại Ukraine vào ngày 25/5. Mặc dù vậy, Moskva cũng có những bước đi nhằm làm dịu căng thẳng ở quốc gia Đông Âu này.
Đầu tiên phải kể đến việc Tổng thống Vladimir Putin đề nghị các nhóm ủng hộ Nga ở khu vực Donetsk và Lugansk tạm hoãn trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập vốn gây tranh cãi. Mặc dù bị phớt lờ, nhưng lời kêu gọi của ông Putin vẫn khác xa so với sự ủng hộ trước đó của Moskva dành cho các nhóm vũ trang. Sau khi các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, Chính phủ Nga chỉ đưa ra tuyên bố ngắn ngủi rằng nước này “tôn trọng” kết quả cuộc bỏ phiếu.
Sau đó, một số quan chức cao cấp Nga, trong đó có cả Tổng thống Putin, đã có sự thay đổi lớn về thái độ đối với cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine. Ông Putin cho rằng đây là “một bước đi đúng hướng”. Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Sergei Naryshkin, cho rằng mặc dù tính pháp lý của Tổng thống mới của Ukraine sẽ chưa “đầy đủ” nhưng có bầu cử vẫn còn hơn không. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài cảm thấy hài lòng với sự thay đổi rõ ràng này. Một nhà ngoại giao Đức ở Moskva phát biểu: “Việc tìm kiếm một giải pháp chính trị có vẻ khả thi hơn. Bây giờ là cơ hội tốt để có một Tổng thống Ukraine làm đối tác đối thoại với Moskva”.
Trong một động thái khác, Moskva cho biết Nga đã rút các binh lính gần khu vực biên giới với Ukraine trở về doanh trại. Tuy vậy, Điện Kremlin không nói rõ họ có thừa nhận kết quả bầu cử hay không. Giới phân tích cho rằng những phát biểu mới này chỉ là một bước đi chiến thuật chứ không phải là sự thay đổi mục tiêu của Nga, và mục đích chính của Kremlin là tránh những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.
Maria Lipman, chuyên gia phân tích của Viện Carnegie Moskva, nhận định: “Hiện có cảm giác rằng châu Âu chưa muốn áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề hơn với Nga, còn ông Putin muốn tìm cách chống lại các lệnh trừng phạt. Điều này không có nghĩa là Nga sẽ ủng hộ các cuộc bầu cử ở Ukraine. Đây là sự nhượng bộ nhưng chỉ thay đổi không đáng kể”.
Theo Vũ Thanh
Báo tin tức
Tổng thống Azerbaijan thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 18-20/5.
Lễ đón chính thức Tổng thống Ilham Aliyev đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch vào sáng nay 19/5 sau khi Tổng thống Ilham Aliyev đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hà Nội và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev chụp ảnh lưu niệm
Sau lễ đón chính thức, Tổng thống Ilham Aliyev và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm chính thức và gặp gỡ với báo chí để thông báo kết quả hội đàm.
Cùng ngày, Tổng thống Ilham Aliyev sẽ có cuộc gặp với cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại Azerbaijan, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev tại buổi hội đàm
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam và Azerbaijan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1992. Năm 2013, Azerbaijan đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được kế thừa từ thời kỳ Liên Xô và phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Tuy nhiên, quan hệ chính trị và quan hệ kinh tế, thương mại giưa hai nước còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu và tiềm năng của hai bên.
Năm 2012, kim ngạch hai chiều đạt 30 triệu USD; năm 2013, đạt 325 triệu USD (vượt hẳn so với năm 2012 do nhập khẩu dầu thô từ Azerbaijan tăng đột biến). Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, thủy sản, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc và mặt hàng nhập khẩu chính là dầu thô, xăng dầu.
Trong những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chủ động tìm kiếm cơ hội, tăng cường quan hệ với đối tác Azerbaijan trong lĩnh vực dầu khí, mở Văn phòng đại diện thường trực tại Azerbaijan từ năm 2011. Phía Azerbaijan cũng giúp đào tạo nhiều cán bộ Việt Nam nhất là trong ngành dầu khí theo thoả thuận hợp tác khoa học và đào tạo giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Học viện Dầu quốc gia Azerbaijan. Việt Nam cũng đang tích cực vận động để được tham gia một số dự án khai thác dầu khí tại Azerbaijan.
Những năm qua, hai nước đã ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (ký tháng 4/2010); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký tháng 4/2010)...
Nam Hằng
Theo Dantri
Đại sứ Ukraine tại VN: Người Việt tại Ukraine vẫn an toàn Theo Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Olexiy Shovkoplias, người Việt Nam tại Ukraine hiện vẫn an toàn và ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên với lãnh đạo các cộng đồng người Việt, đặc biệt là ở Kharkov, thành phố có đông người Việt sinh sống nhất. Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Olexiy Shovkoplias Trong cuộc họp báo tổ chức vào...