Những tình huống khủng bố khôi hài nhất (kỳ 1)
Chiến binh khủng bố ở Syria cắt nhầm đầu của một chỉ huy rồi khoe khoang trên mạng, còn kẻ vô chính phủ trượt chân trong lúc xách gói thuốc nổ tại London và tan xác ngay lập tức.
Chiến binh chặt nhầm đầu chỉ huy
Trong một đoạn video trên mạng hồi tháng 11, vài thành viên của Quốc gia Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS), một tổ chức có mối quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, công bố chiếc đầu của một người đàn ông trước một đám đông ở thành phố Aleppo, Syria. Chúng nói rằng đây là đầu của một chiến binh Iraq tới Syria để chiến đấu cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Một chiến binh đối lập tại Syria nã đạn về phía quân chính phủ trong lâu đài Công lý ở thành phố Aleppo hôm 13/9. Ảnh: Reuters
Nhưng sau đó nhiều người nhận ra nạn nhân là một chỉ huy của Ahrar al-Sham, một nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni chống lại chính phủ Syria, nghĩa là cùng phe với ISIS. Sau khi điều tra, một người phát ngôn của ISIS thừa nhận người mà họ chặt đầu là Mohammed Farres, một chỉ huy của nhóm Ahrar al-Sham và mất tích vài ngày trước. Một đoạn video về Fares cho thấy anh ta có khuôn mặt giống chiếc đầu mà ISIS công bố.
Video đang HOT
“Ông Fares bị thương khi chiến đấu với quân chính phủ Syria ở một nơi gần thành phố Aleppo. Khi các chiến binh của chúng tôi tới, Fares tưởng họ là lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ Syria nên đã yêu cầu họ giết ông ấy. Khi Fares nói thế, đám chiến binh của chúng tôi tưởng ông ấy là người của quân đội Syria nên đã cắt đầu. Chúng tôi muốn mọi người hiểu và tha thứ cho sai lầm của chúng tôi”, người phát ngôn giải thích.
Âm mưu phá cầu nổi tiếng ở Mỹ
Iyman Faris là một người đàn ông Mỹ bình thường nhưng lại theo đuổi một mơ ước điên rồ. Gã muốn gia nhập mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda để giết những người Mỹ. Để biến giấc mơ thành hiện thực, Faris tới Afghanistan và Pakistan, nơi gã gặp nhiều nhóm khủng bố. Chúng giúp Faris phác thảo một kế hoạch khủng bố giống như phim hoạt hình. Theo kế hoạch, Faris sẽ cắt mọi dây cáp treo của cầu Brooklyn bằng mỏ hàn. Nếu cầu sập, rất nhiều người trên đó sẽ rơi xuống sông và chết.
Cầu Brooklyn ở Mỹ. Ảnh: blogspot.com
Nhưng kế hoạch không thể trở thành hiện thực vì cầu Brooklyn rất kiên cố và nhiều cảnh sát thường xuyên tuần tra trên đó. Faris quay trở lại Mỹ rồi tới cầu Brooklyn. Khi ngắm cầu, gã nhận ra kế hoạch của gã chỉ là ý tưởng ngu ngốc. Vì thế gã hủy kế hoạch và bắt đầu giúp Al Qaeda bằng những cách khác – chẳng hạn như mua những vật dụng mà bọn khủng bố yêu cầu. Vào một ngày nọ, Faris quyết định tới đồn cảnh sát để đầu thú. Khi cảnh sát thẩm vấn, Faris khai rằng “chiến tích vang dội” nhất của gã là mua 2.000 túi ngủ để những “đồng đội khủng bố” giữ ấm cơ thể vào ban đêm. Có lẽ sự nghiệp của Faris trong hoạt động khủng bố chỉ khiến người dân Mỹ cười, chứ không thể khiến họ cảm thấy sợ.
Kẻ khủng bố tan xác vì bom phản chủ
Cái chết của Abdel Ghani Jawhar tại Syria vào năm ngoái sẽ không trở thành sự kiện hài hước nếu người ta không biết sai lầm ngớ ngẩn mà hắn mắc phải. Là phần tử khủng bố mà cảnh sát truy nã gắt gao nhất tại Lebanon, gã đàn ông sở hữu bộ râu quai nón này từng lập các kế hoạch tấn công binh sĩ Liên Hiệp Quốc bằng bom và cấp thuốc nổ cho các sát thủ.
Ảnh minh họa: Listverse.
Một hôm, Jawhar cài một quả bom hẹn giờ ven đường để tiêu diệt một số binh sĩ của quân đội chính phủ Syria. Vì một sự cố nào đó, quả bom bỗng dưng nổ trước thời điểm mà Jawhar chọn, khiến cơ thể hắn tan thành nhiều mảnh. Sau đó quân chính phủ và phe đối lập giao tranh ác liệt tại nơi mà vụ nổ xảy ra nên đồng bọn của Jawhar buộc phải ném các mảnh tử thi của hắn vào một sân, chứ không thể đem các mảnh xác về Lebanon.
Phiến quân vô tình thả con tin
FARC là một lực lượng phiến quân tại Colombia. Họ kiếm tiền bằng cách bắt cóc con tin để lấy tiền chuộc và sản xuất cocaine. Trong suốt 5 thập kỷ qua, FARC đã giết vài nghìn người trong cuộc chiến chống chính phủ. Mặc dù luôn thực hiện những hành động tàn bạo, vô nhân tính, đôi khi FARC vẫn phạm phải những sai lầm hài hước.
Vào năm 2008, các thủ lĩnh của FARC ký một thỏa thuận với chính phủ Colombia về việc thả ba con tin. Họ gồm nữ cựu nghị sĩ Consuelo Gonzalez, cựu ứng cử viên phó tổng thống Clara Rojas và con trai của bà Rojas. Khi ấy, Emmanuel, con trai của Rojas, mới ba tuổi và cậu bé chào đời khi người mẹ vẫn đang sống trong xà lim của FARC. Cha của Emmanuel là một phiến quân của FARC. Nhóm lãnh đạo FARC cho rằng việc thả ba con tin sẽ giúp tổ chức trở thành mối quan tâm của giới truyền thông.
Khi thời hạn chót tới gần, các thủ lĩnh FARC mới phát hiện ra rằng họ không còn giữ con trai của Rojas. Một trong những chiến binh của họ đã đem cậu bé tới nhà một nông dân để làm con nuôi từ hai năm trước. Vì một nguyên nhân nào đó, những thủ lĩnh đã không để ý tới sự biến mất của đứa trẻ trong doanh trại. Đột nhiên, chiêu “quảng bá hình ảnh” của FARC lại khiến họ trở thành trò cười. FARC trì hoãn việc trả tự do cho hai con tin còn lại để tìm đứa bé, nhưng cuối cùng họ vẫn phải thực hiện cam kết trong sự hổ thẹn vào ngày 10/1/2008. Ba ngày sau, Rojas đã đoàn tụ với con trai nhờ nỗ lực của chính phủ Colombia và Venezuela.
Vụ đánh bom bất thành vì cú trượt chân
Trong những năm cuối của thế kỷ 19, những phần tử vô chính phủ thực hiện nhiều vụ đánh bom ở châu Âu. Họ đã sát hại nhiều cảnh sát, tổng thống, dân thường. Nhìn chung người ta có thể coi họ là “tiền bối” của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda ngày nay.
Ngày 15/2/1894, một thanh niên vô chính phủ người Pháp 26 tuổi lên một xe bus khi nó chạy về phía Đài Thiên văn Greenwich tại thành phố London. Gã cầm một gói thuốc nổ. Vào khoảng trước 16h40 cùng ngày, gã tiến vào công viên bên dưới Đài thiên văn Greenwich để chuẩn bị cho một vụ đánh bom.
Khi kẻ vô chính phủ tới một vị trí khá xa đài thiên văn và một đám đông, đột nhiên gã ngã vì trượt chân. Khối bom nổ và gã biến thành hàng nghìn mảnh thịt vụn trong nháy mắt. Không ai bị thương trong vụ nổ. Nhưng, lạ lùng thay, cảnh sát tính toán rằng gói thuốc nổ của gã thanh niên không đủ lớn để có thể phá hủy đài thiên văn. Có lẽ đây là điều hài hước nhất trong sự việc.
Theo Datviet