Những tín hiệu tích cực từ cuộc gặp lịch sử Trump – Kim
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore không khả quan, song giới chuyên gia vẫn đánh giá những mặt thành công của sự kiện lịch sử này.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay khi gặp nhau tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore ngày 12/6, nhiều người đặt nghi vấn về kết quả của cuộc gặp lịch sử này. Họ cho rằng tuyên bố chung do hai nhà lãnh đạo ký kết tại hội nghị có lợi cho Triều Tiên nhiều hơn vì có rất ít thông tin chi tiết về việc bảo đảm cam kết phi hạt nhân hóa của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, Giáo sư William Brown tại Trường Đối ngoại Georgetown vẫn đánh giá tốt kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mặc dù còn một số điểm chưa hoàn thiện, song Giáo sư Brown vẫn nhận thấy sự tiến bộ rõ ràng từ kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này so với các thỏa thuận trước đó.
“Đã có sự cải thiện quan trọng so với những gì mà chúng ta nhìn thấy trước đó, đặc biệt là những cam kết cụ thể như dừng các cuộc tập trận trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán tích cực hay không dỡ bỏ lệnh trừng phạt (Triều Tiên) cho tới khi đạt được sự tiến triển “, ông Brown nói trong cuộc phỏng vấn sau hội nghị thượng đỉnh.
“Không giống các thỏa thuận trước đây, Mỹ lần này không hứa hẹn về viện trợ hay thậm chí giảm sức ép về kinh tế, do vậy nếu Triều Tiên muốn đạt được thành công, quả bóng đang nằm trên sân của họ”, ông Brown nhận định thêm.
Theo Giáo sư Brown, trong các thỏa thuận trước đây với Triều Tiên, Mỹ luôn đưa ra đề xuất về những khoản viện trợ khổng lồ và sẵn sàng trao những khoản viện trợ này cho Bình Nhưỡng ngay cả khi chưa đạt được bất kỳ sự tiến triển nào. Ông cũng cho rằng việc “các chuyên gia” Mỹ lấy các thỏa thuận trước đây làm khuôn mẫu cho tiến trình phi hạt nhân hóa trong tương lai với Triều Tiên là ý tưởng “lố bịch”.
“Nếu muốn đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào, những thông lệ trước đây đều không hiệu quả. Chúng ta nên học từ những sai lầm của chúng ta, chứ không nên lặp lại những sai lầm đó”, ông Brown nói.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump không đề cập tới việc “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên trong tuyên bố gần đây, song Giáo sư Brown cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn luôn chuẩn bị sẵn phương án dự phòng này.
“Nếu Triều Tiên không đi theo con đường này, họ sẽ không giành được bất kỳ điều gì ngoài sức ép tiếp theo về kinh tế và đến một mức nào đó, (Mỹ) có thể quay trở lại với việc gây sức ép tối đa”, ông Brown nói.
Tín hiệu tích cực
Video đang HOT
Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Theo Giáo sư tại Trường Đối ngoại Georgetown, một điểm tích cực của hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này là cả hai bên rốt cuộc đều chấm dứt “chu kỳ khiêu khích”, trong đó Bình Nhưỡng ban đầu khiêu khích, sau đó xuống thang, nhận những “món quà” vì sự xuống thang đó và tiếp tục khiêu khích trở lại để nhận thêm những “phần thưởng” khác.
“Tại Singapore, ông ấy (Kim Jong-un) không nhận được những món quà và ít nhất ở thời điểm hiện tại, rất khó để ông ấy nghĩ đến việc sẽ trở về nhà và tiến hành thêm các vụ thử tên lửa cũng như hạt nhân”, Korea Times dẫn lời ông Brown nhận định.
Là cựu sĩ quan tình báo Mỹ, ông Brown cho rằng thượng đỉnh Trump – Kim là bước khởi đầu khiêm tốn và vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Cam kết của Triều Tiên mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên một hành trình dài và sự thành công đòi hỏi nỗ lực hợp tác của nhiều bên gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Giáo sư Brown đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều đã giúp giữ nhịp tiến triển trong tình hình bán đảo Triều Tiên từ đầu năm tới nay, song hai bên hiện vẫn ở vạch xuất phát chứ chưa tới đích cuối cùng.
Giáo sư Brown nhấn mạnh Mỹ và Triều Tiên cần nhanh chóng thống nhất các cam kết chi tiết và vạch ra lộ trình cho các cuộc đàm phán và các cuộc gặp tiếp theo. Theo quan điểm của ông Brown, một trong những điều đầu tiên Triều Tiên cần làm để chứng minh sự chân thành của nước này là dừng sản xuất nhiên liệu phân hạch. Tuy nhiên, do một số cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là bí mật nên việc dừng sản xuất nhiên liệu là quy trình rất phức tạp và chính quyền Bình Nhưỡng có lẽ cũng chưa sẵn sàng để công khai thảo luận về việc này.
“Nếu bạn đào một cái hố và bạn quyết định lấp cái hố đó đi, bước đầu tiên cần phải làm là dừng đào hố. Nếu Triều Tiên dừng việc đó lại (sản xuất nhiên liệu hạt nhân), đó sẽ là bước đột phá. Khi các cơ sở hạt nhân được phá hủy, tôi tin rằng cam kết nới lỏng trừng phạt (từ Mỹ) sẽ được bảo đảm”, ông Brown nói thêm.
Giáo sư Brown cũng nhất trí với lập trường của chính phủ Mỹ rằng không nên giảm nhẹ trừng phạt Triều Tiên chừng nào Bình Nhưỡng chưa có những hành động cụ thể về việc phi hạt nhân hóa. Tuy vậy vẫn có một số trường hợp ngoại lệ và các lệnh trừng phạt nên được sử dụng như một đòn bẩy với Triều Tiên.
“Chỉ khi Triều Tiên có thể trở thành một quốc gia bình thường, nước này mới dần dần hòa nhập với Hàn Quốc và nền kinh tế thế giới”, ông Brown nhận định.
Nhận định về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, chuyên gia Scott Snyder, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thay đổi quỹ đạo của quan hệ song phương từ đối đầu sang hợp tác, từ đó mang lại hình ảnh hòa dịu mà các bên chờ đợi từ lâu. Cuộc gặp này đã giúp giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và giảm nguy cơ xung đột quân sự trong tương lai gần.
Theo Jimm Steinberg, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều là “cuộc đối thoại vui vẻ”. Khi hai nhà lãnh đạo đã hòa hợp và tin tưởng lẫn nhau, họ sẽ chỉ đạo cho các trợ lý bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán để thống nhất các chi tiết quan trọng, bao gồm thời điểm và cách thức Triều Tiên sẽ xóa sổ kho vũ khí hạt nhân cũng như việc Mỹ sẽ bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế Triều Tiên như thế nào.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên khiến Singapore bối rối vì an ninh tối mật cho Kim Jong-un
Singapore nhiều lần thay đổi công tác hậu cần do Bình Nhưỡng giữ bí mật kế hoạch di chuyển của Kim Jong-un đến phút chót nhằm đảm bảo an toàn.
Nỗi lo của Triều Tiên về gián điệp trong cuộc họp Trump - Kim / Triều Tiên có thể chưa phá hủy bãi thử tên lửa như Trump nói
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Singapore bằng chuyến bay của Air China hôm 10/6. Ảnh: Reuters.
Lịch trình di chuyển bí mật của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thách thức các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore, theo Wall Street Journal. Chuyến bay đến và rời Singapore của Kim Jong-un đi theo tuyến đường vòng cùng với việc số hiệu chuyến bay bị thay đổi giữa chừng nhằm mục đích giảm thiểu các mối đe dọa an ninh.
Hầu hết lịch trình của Kim Jong-un bị giữ bí mật với Singapore cho đến phút chót, buộc nước chủ nhà phải hối hả thay đổi công tác hậu cần cho phù hợp với kế hoạch của lãnh đạo Triều Tiên, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề. Chuyến đi Singapore là hành trình dài nhất của Kim từ khi lên nắm quyền vào năm 2011 và cũng là thử thách đối với lực lượng an ninh Triều Tiên vốn chỉ quen với lãnh thổ trong nước.
"Giữ bí mật kế hoạch, thay đổi chúng và khiến chúng không thể bị đoán trước là quy trình hoạt động tiêu chuẩn để bảo vệ bất cứ lãnh đạo nào nhưng Triều Tiên dường như thực hiện những điều này đến cực độ", Andrew Gilholm, giám đốc một công ty tư vấn về Kiểm soát rủi ro Đông Bắc Á cho hay. Chuyên gia này cho rằng cơ quan an ninh Triều Tiên sẽ cảnh giác tối đa khi ra nước ngoài.
Những nỗ lực giữ bí mật kế hoạch di chuyển của Kim Jong-un bắt đầu vào ngày 10/6 khi Kim và hầu hết phái đoàn tháp tùng đi trên hai máy bay tới Singapore: một là chiếc Boeing 747 của hãng Air China, Trung Quốc và một là chiếc Il-62 do Liên Xô sản xuất được vận hành bởi hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo.
Chiếc máy bay của Air China khởi hành từ Bình Nhưỡng trước, sau đó hơn một giờ là chiếc Il-62, theo website chuyên theo dõi các chuyến bay Flightradar24. Chiếc máy bay thứ ba là chuyên cơ vận tải Il-76 mang theo hai chiếc xe sang trọng và hàng hóa khác.
Vào thời điểm đó, kế hoạch chuyến đi của Kim vẫn chưa được thông báo. Trên truyền thông xã hội, các nhà quan sát theo dõi máy bay vẫn đang suy đoán liệu Kim có mặt trên một trong hai chiếc máy bay đó không.
Máy bay của Air China đã bay chặng đường hơi bất thường mà theo các chuyên gia hàng không là nhằm mục đích tăng cường an ninh. Chiếc phi cơ bay qua lục địa Trung Quốc trong phần lớn hành trình, nằm trong phạm vi của phòng không Trung Quốc và giảm thiểu thời gian bay trên biển.
Theo Mark Martin, người sáng lập công ty tư vấn hàng không Martin Consulting LLC có trụ sở tại Dubai, tuyến đường bay trực tiếp nhất từ Bình Nhưỡng đến Singapore sẽ đặt máy bay vào không phận Hàn Quốc nhưng Kim Jong-un muốn tránh điều này. Trong khi đó, sử dụng máy bay Trung Quốc sẽ đặt Kim dưới sự bảo vệ của Bắc Kinh.
Chiếc Boeing 747 đầu tiên hướng tới Bắc Kinh dưới số hiệu CA122, vốn được sử dụng cho các chuyến bay của Air China từ Bình Nhưỡng tới Bắc Kinh. Khi tới gần thủ đô Trung Quốc, máy bay đổi số hiệu thành CA61 và bay thẳng tới Singapore.
Ở Singapore, các quan chức cho rằng Kim Jong-un sẽ đến trên chuyến bay thứ hai Il-62. Nhưng chỉ vài tiếng trước khi máy bay của Air China hạ cánh, các quan chức được thông báo lãnh đạo Triều Tiên sẽ đến trên chiếc máy bay đó, hối thúc họ chuẩn bị đón tiếp. Trước đó, họ thậm chí còn chuẩn bị đến hai chiếc thảm đỏ vì không biết Kim sẽ đến bằng máy bay nào.
Các phần chính trong chuyến thăm của Kim Jong-un, gồm cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được chuẩn bị cẩn thận và diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, những người làm công tác hậu cần đã phải hối hả chuẩn bị theo yêu cầu của Triều Tiên.
Chuyến dạo đêm 11/6 của Kim Jong-un trên phố Singapore được sắp xếp chỉ vài tiếng trước đó sau khi một số quan chức Triều Tiên tìm hiểu các điểm tham quan. Trước đó, Triều Tiên không thông tin cho nước chủ nhà về kế hoạch này.
Kim Jong-un thăm Marina Bay Sands tối 11/6 trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của các cận vệ. Ảnh: AFP.
Triều Tiên cũng giữ bí mật kế hoạch khởi hành, vài lần sắp xếp lại chuyến bay về nước, khiến giới chức nước chủ nhà không thể biết biết rõ khi nào Kim Jong-un sẽ rời Singapore.
Khi cuộc gặp ngày 12/6 giữa Kim và Trump kéo dài sang đều giờ chiều, Singapore mới chắc chắn rằng Triều Tiên không sử dụng lịch trình chuyến bay khởi hành lúc 14h như kế hoạch mà vào cuối ngày hôm đó. Kim rời khách sạn ngay sau 22h, đến sân bay bằng đoàn xe hộ tống. Bức ảnh công bố bởi chính phủ Singapore cho thấy ông lên chiếc Boeing 747 của Air China.
Chuyến bay của Kim cất cánh lúc 23h23, sử dụng số hiệu CA62, theo Flightradar24. Chiếc máy bay đi theo hành trình tương tự như hôm 10/6 nhưng theo chiều ngược lại. Sau khi đến gần Bắc Kinh, máy bay chuyển sang biển hiệu CA121 và tiến về Bình Nhưỡng.
Huyền Lê
Theo VNE
Mỹ, Hàn Quốc có thể ngừng tập trận chung trong tuần này Quân đội Mỹ và Hàn Quốc có thể tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn ngay trong tuần này nhưng với điều kiện sẽ nối lại tập trận nếu Triều Tiên không giữ cam kết giải trừ hạt nhân, hãng tin Yonhap ngày 17/6 dẫn nguồn thạo tin cho biết. Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc...